Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
23:33 (GMT +7)

Vài suy nghĩ về tình hình nghiên cứu phê bình văn học hiện nay

1. Những năm gần đây, đời sống văn học Việt Nam chứng kiến sự trỗi dậy của ý thức phê bình, khi những cuốn sách từ nghiên cứu, giới thiệu lý thuyết đến phê bình thực hành ứng dụng liên tục được công bố, từ của người già đến của người trẻ, từ của những tên tuổi quen thuộc đến của những tên tuổi mới mẻ, từ của tác giả trong nước đến của tác giả hải ngoại, từ của nhà phê bình đến của nhà sáng tác, từ của một tác giả đến của nhiều tác giả…

Một số công trình nghiên cứu phê bình văn học đáng chú ý gần đây

Chỉ tính riêng hai năm 2017 - 2018, đã có hàng chục đầu sách nghiên cứu phê bình văn học đáng chú ý được trình xuất, như: Cách tân nghệ thuật văn học phương Tây (2017, Phùng Văn Tửu), Phê bình văn học thế kỷ XX (2017, Thuỵ Khuê), Ký hiệu học văn học (2017, Lê Huy Bắc), Văn học - người đọc - định chế (2017, Hoàng Phong Tuấn), Đến với thơ đương đại (2017, Hà Quảng), Luận chiến văn chương (quyển bốn, 2017, Chu Giang), Lý luận - phê bình văn học: một góc nhìn mới (2017, Cao Thị Hồng), Rừng khô, suối cạn, biển độc… và văn chương (2017, Nguyễn Thị Tịnh Thy), Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI - lạ hoá một cuộc chơi (2017, Thái Phan Vàng Anh), Giới hạn của những huyền thoại (2017, Nguyễn Thanh Tâm), Bóng người trong bóng núi (2017, Lê Thành Nghị), Cuộc phiêu lưu của chữ (2017, Huỳnh Thị Thu Hậu), Những ô cửa nhìn ra vườn văn (2017, Chế Diễm Trâm), Đi tìm những giấc mơ (2017, Trần Hoàng Thiên Kim), Những thế giới song song (2017, Phùng Ngọc Kiên), Di sản văn học lãng mạn - những cách đọc khác (2017, nhiều tác giả, Hoàng Tố Mai chủ biên), Ngày sống đời thơ (2017, Lê Minh Quốc), Hoa rơi hữu ý (2017, Lê Thiếu Nhơn), Phê bình sinh thái là gì? (2017, nhiều tác giả, Hoàng Tố Mai chủ biên), Phiêu lưu chữ (2017) và Song hành & đối thoại (2018) của Hoàng Đăng Khoa), Franz Kafka - người tẩy não nhân loại (2018, Lê Huy Bắc), Phê bình ký hiệu học (2018, Lã Nguyên), Phê bình sinh thái với văn xuôi Nam Bộ (2018, nhiều tác giả, Bùi Thanh Truyền chủ biên), Bí mật tuổi trăng non (2018, Thanh Tâm Nguyễn), Như cánh chim trong mắt của chân trời (2018, Văn Thành Lê), Tiểu sử học - những nguyên tắc thực hành (2018, Phạm Văn Quang)…

Như vậy, nhìn vào khối lượng đầu sách nghiên cứu phê bình được công bố, chúng ta hoàn toàn có quyền dỡ bỏ cái mặc định “cửa miệng” là nghiên cứu phê bình ở nước ta “mỏng”, “vắng bóng”… Đó là chưa kể hàng loạt đề tài khoa học về văn chương các cấp được nghiệm thu, hàng loạt luận văn, luận án văn học được thẩm định hàng năm, nhiều kỷ yếu hội nghị, hội thảo, toạ đàm khoa học về văn chương được công bố, hàng loạt bài nghiên cứu phê bình văn học liên tục được cập nhật, đăng tải trên các báo, tạp chí từ Trung ương đến địa phương…

Chưa bao giờ như bây giờ, mỗi nhà sáng tác cũng đồng thời là một nhà phê bình, qua cách họ viết về chân dung bạn văn, viết về sách mới của đồng nghiệp, nói về tác phẩm của mình, bàn về vấn đề thời sự của văn học… Chưa bao giờ như bây giờ, mỗi người đọc, ở một mức độ nào đó, cũng là một nhà phê bình, qua cách họ viết status hay comment trên facebook, về một vấn đề, hiện tượng văn học. Một số người nổi tiếng ở các lĩnh vực khác, tưởng như “ngoại đạo” với văn chương, nhưng thảng hoặc mang đến nhiều bất ngờ thú vị khi cất tiếng về văn chương, như đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, hoạ sỹ Lê Thiết Cương…, và đặc biệt là đạo diễn Đỗ Minh Tuấn.

Có nghĩa là đã qua rồi thời mà ý thức, trình độ lý luận phê bình ở ta “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”, người sáng tác thì viết bản năng ăn may, còn người đọc thì đọc chủ quan cảm tính. Có nghĩa là, ở cộng đồng văn chương hôm nay, không chỉ người làm nghiên cứu phê bình văn học, mà cả người sáng tác lẫn người đọc văn chương đều tự trang bị cho mình một phông lý luận phê bình nhất định.

Chưa bao giờ các lý thuyết văn chương hiện đại trên thế giới được cập nhật, giới thiệu khá đầy đủ, có hệ thống ở Việt Nam như bây giờ, từ thi pháp học, tự sự học, phân tâm học, lý thuyết tiếp nhận…, đến lý thuyết trò chơi, lý thuyết hậu hiện đại, lý thuyết diễn ngôn, lý thuyết sinh thái, lý thuyết liên văn bản, lý thuyết hậu thực dân, lý thuyết nữ quyền… Chưa bao giờ các hội nghị, hội thảo, toạ đàm về văn học nói chung do các viện nghiên cứu, các trường đại học trên cả nước tổ chức, hay về lý luận phê bình văn học nói riêng do Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức… lại được diễn ra quy mô, thường xuyên như bây giờ. Công tác xét đầu tư, hỗ trợ, xét giải thưởng, tặng thưởng tác phẩm lý luận phê bình văn học xuất sắc của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, hay của Hội Nhà văn Việt Nam được diễn ra hàng năm. Chưa bao giờ các trại viết dành riêng cho các tác giả nghiên cứu phê bình lại được một số cơ quan như Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ Quân đội… ưu tiên tổ chức như mấy năm trở lại đây…

Một bằng chứng thấy rõ nghiên cứu phê bình văn học ở ta hôm nay không “yếu”, đang khẳng định sự hiện diện của mình trong đời sống văn học, đó là năm 2017, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam “mất mùa” cả thơ lẫn văn xuôi, trong khi có đến hai tác phẩm lý luận phê bình được vinh danh, đó là Bóng người trong bóng núi của Lê Thành Nghị và Cách tân nghệ thuật văn học phương Tây của Phùng Văn Tửu; cũng vậy, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội để trống tác phẩm ở hạng mục thơ, trong khi hạng mục lý luận phê bình có tên Phạm Khải với tác phẩm Trang sách mạch đời; rồi nữa, Giải thưởng Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh chỉ trao giải thưởng chính thức cho công trình lý luận phê bình Văn chương phương Nam - một vài bổ khuyết của Võ Văn Nhơn và Nguyễn Thị Phương Thuý.

2.Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu khởi sắc như vừa điểm thì tình hình nghiên cứu phê bình văn học ở Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, mà những bất cập này vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của nhau.

Thứ nhất, đa phần sách nghiên cứu phê bình được công bố thời gian gần đây hơi kinh viện, hàn lâm, “cao siêu”, chỉ hướng đến người đọc “tinh hoa”, khó mà “đi vào” được người đọc phổ thông. Đang có xu hướng là các tác giả nghiên cứu phê bình khi ra sách thì “nói không” với thứ sách bị gọi là phê bình “hàng xén”, họ muốn trình làng những chuyên luận tập trung đi sâu vào một lĩnh vực chuyên môn hẹp, điều này vô hình trung chỉ có lợi cho thiểu số người quan tâm đến mảng chuyên môn đó, không có lợi cho đa số bạn đọc. Nhưng bên cạnh đó lại là nhiều cuốn sách được xuất bản một cách dễ dãi, tập hợp những bài viết vụn vặt tản mạn, nghèo hàm lượng chuyên môn học thuật.

Thứ hai, nghiên cứu phê bình văn học hôm nay thiếu những người thực sự là “thư ký trung thành” của hiện thực văn chương, những người sống cùng với đời sống văn chương hiện thời. Nhiều công trình đi vào nghiên cứu, giới thiệu lý thuyết, hoặc khảo cứu những hiện tượng văn học quá khứ, ít công trình đi sâu giải phẫu những hiện tượng, thực thể văn chương tươi mới, sinh động đang diễn ra. Do vậy, vai trò định hướng, đồng hành, đối thoại, khai phóng, dự báo… của nghiên cứu phê bình chưa thật sự được phát huy. Khoảng cách giữa nghiên cứu phê bình với sáng tác và tiếp nhận chưa được rút ngắn, nếu không muốn nói là đang có chiều hướng nới giãn. Nghiên cứu phê bình hoặc chui vào tháp ngà hàn lâm kinh viện, hoặc cao đàm khoát luận, đao to búa lớn, nhưng khi đời sống văn học cần các nhà nghiên cứu phê bình lên tiếng thì họ lại bặt tiếng. Chẳng hạn, gần đây, trong khi dư luận nóng lên với cuốn tiểu thuyết Mối Chúa của Đãng Khấu (Tạ Duy Anh), hay với truyện ngắn lịch sử Bắt đầu và kết thúc của Trần Quỳnh Nga, chỉ thấy các “thánh phán”, “thánh chửi”, “thánh biết tuốt” lên facebook tung tác, “chém gió”, ít thấy tiếng nói “chính thức”, “có trọng lượng”, “có sức thuyết phục cao” của các nhà nghiên cứu phê bình.

Thứ ba, nghiên cứu phê bình hôm nay chưa thật sự theo kịp sáng tác. Sáng tác đang vào thời của “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”, bề bộn, hỗn độn. Đường biên của văn chương nói chung, của các thể loại văn chương nói riêng đang không ngừng trương nở. Bản chất, đặc trưng đã được mặc định của văn chương đang bị lung lay, phân rã, bị “giải cấu trúc”, “giải trung tâm”. Nghiên cứu phê bình chưa bao quát được sự chuyển dịch, biến đổi sâu sắc và toàn diện này của sáng tác, chưa có khả năng “lập biên bản” đời sống văn chương, “gọi đúng tên sự thể” những hiện tượng văn chương như cách nói của Inrasara. Mặt khác, hiện nay, diễn ngôn chính trị đang được tích lồng sâu đậm vào diễn ngôn văn chương. Một số người viết đang nhân danh cơ chế “dân chủ”, đang thừa cơ lý thuyết “trò chơi” để “giải thiêng” lịch sử, hạ bệ thần tượng, đạp đổ, đánh tráo giá trị. Nhiều nhà phê bình cấp tiến tự phong lại “mượn gió bẻ măng”, hoặc là “khen nghi ngút” sáng tác dạng này, hoặc là mượn tác phẩm làm cái cớ, phớt lờ tính biện chứng khách quan của tác phẩm để triển khai “luận đề chính trị” của mình.

Trước hiện trạng ấy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác nghiên cứu phê bình văn học ở Việt Nam hiện nay, thiết nghĩ cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp:

Thứ nhất, các cơ quan chức năng quan tâm chú trọng hơn đến công tác giáo dục, đào tạo nghiên cứu phê bình văn học, từ cho học sinh phổ thông, đến cho các sinh viên văn khoa, đến cho các học viên cao học, nghiên cứu sinh chuyên ngành văn học. Đây là đội ngũ “nguồn”, “tiềm năng” rất đông đảo, nếu được đào tạo bài bản, nghiêm túc, chất lượng, được “khai thác”, “kích hoạt” đúng cách thì trong số họ sẽ trình xuất nhiều nhà nghiên cứu phê bình sáng giá.

Thứ hai, các tổ chức có chức năng tập hợp đội ngũ, có động thái “tiếp lửa” phù hợp để người làm phê bình và người có khả năng làm phê bình bung trổ hơn, dấn thân hơn, đi được dài đường hơn.

Thứ ba, ứng xử đúng mực hơn với các lý thuyết phê bình văn học; một mặt đa dạng hoá lý thuyết, cởi mở hơn với các lý thuyết, mặt khác phản biện lý thuyết, tỉnh táo gạn đục khơi trong lý thuyết.

Thứ tư, các chương trình tập huấn, hội nghị, hội thảo, toạ đàm về văn học nói chung, về lý luận phê bình văn học nói riêng hướng đến tinh gọn, trọng tâm, có chiều sâu hơn, thiết thực, chất lượng, hiệu quả hơn.

Thứ năm, các diễn đàn nghiên cứu phê bình, “đất” cho nghiên cứu phê bình trên các báo, tạp chí in được nới rộng hơn, chế độ nhuận bút cho các sách, bài viết nghiên cứu phê bình được cải thiện hơn.

Thứ sáu, đội ngũ lãnh đạo, biên tập viên mảng nghiên cứu phê bình ở các nhà xuất bản, các toà soạn báo, tạp chí nâng tầm hơn, phát huy vai trò, tinh thần trách nhiệm của mình hơn.

Thứ bảy, mỗi người làm nghiên cứu phê bình, không ai và không gì có thể thay thế được, tự mình làm đầy kiến văn, phông văn hoá, triết mỹ, phát huy, trau dồi ý thức, năng lực chuyên môn, lương tâm nghề nghiệp của mình, nâng mình lên cho tương thích với nhu cầu, đòi hỏi của thời đại.

 

Hoàng Đăng Khoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy