Thứ năm, ngày 02 tháng 05 năm 2024
04:12 (GMT +7)

Về một bài phú của Ngô Thì Nhậm viết về Thái Nguyên còn ít người biết đến

 

Thái Nguyên, miền quê non xanh nước biếc, vùng đất địa linh, nhân kiệt, nơi có phong cảnh sơn thủy, hữu tình, có đất và người có tình sâu nghĩa nặng, từ xưa đến nay đã có nhiều danh sĩ, thi sĩ làm thơ, viết văn ca ngợi, để lại những vần thơ trác tuyệt.

Trong kho tàng những tác phẩm viết về Thái Nguyên, có một tác phẩm còn ít được biết đến - đó là bài Diệu Vũ đình phú(1) của một tác giả nổi tiếng ở giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX - danh sĩ Ngô Thì Nhậm.

Ngô Thì Nhậm là một Tiến sĩ tiêu biểu của dòng họ Ngô Thì, thành viên của Ngô gia văn phái - nhóm tác giả cuốn sách Hoàng Lê nhất thống chí, quê ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc thành phố Hà Nội). Tác giả Ngô Thì Nhậm đã được sách Từ điển Văn học Việt Nam(2) đánh giá: “Ngô Thì Nhậm như một nhân vật chính trị xuất chúng, một tác giả văn học và triết học tôn giáo lỗi lạc”.

Về một bài phú của Ngô Thì Nhậm viết về Thái Nguyên còn ít người biết đến
Bìa cuốn sách Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm

Ngô Thì Nhậm là một vị quan thanh cao rất mực trung thành với nhà Lê. Sáng tác của Ngô Thì Nhậm rất phong phú, gồm thơ, phú, chính luận. Đặc biệt, giới nghiên cứu văn học đã đánh giá ông là một trong những người thành công trong việc sáng tác văn học theo thể phú.

Ngô Thì Nhậm là con cả của Ngô Thì Sỹ - một nhà thơ, nhà văn lớn ở đầu thế kỷ XVIII, người đã sáng tác bài thơ Thái Nguyên tức cảnh viết về phong cảnh xứ Thái Nguyên khi giữ chức Đốc đồng Thái Nguyên năm 1764.

Năm 1778, khi đương chức Đốc đồng trấn Kinh Bắc, Ngô Thì Nhậm được giao Phó kiêm chức Đốc đồng xứ Thái Nguyên. Thời gian này ông có tham gia dẹp loạn Hoàng Văn Đồng ở Thái Nguyên, được chúa Trịnh Sâm khen là “Đốc đồng giỏi”. Chính thời gian này ông đã cảm tác làm bài Diệu Vũ đình phú, ca ngợi cảnh đẹp của trung tâm xứ Thái Nguyên, trong đó có nhắc đến danh lam thắng cảnh động Tiên Lữ (Chùa Hang), thành nhà Mạc, sông Đồng Mỗ (sông Cầu), núi Tiện, núi Câu Kê…

Như vậy, với Thái Nguyên, cả cha và con ông Ngô Thì Nhậm đều làm quan Đốc đồng xứ Thái Nguyên, đều có tài thơ văn và đều có tác phẩm thơ, phú viết về cảnh đẹp của Thái Nguyên(3). Nhưng rất tiếc chưa mấy ai biết rằng, ngoài bài Thái Nguyên địa hình bình tặc ký (Bài ký viết về địa hình Thái Nguyên nhân đi bình giặc), Ngô Thì Nhậm còn có thêm bài Diệu Vũ đình phú viết về Thái Nguyên, miêu tả tỷ mỷ các cảnh đẹp và địa danh lịch sử xung quanh thành Thái Nguyên thời bấy giờ.

Về một bài phú của Ngô Thì Nhậm viết về Thái Nguyên còn ít người biết đến
Trang đầu văn bản chữ Hán tác phẩm Diệu Vũ đình phú của Ngô Thì Nhậm

Tra cứu trong một số cuốn sách viết về Thái Nguyên như sách lịch sử, địa chí, thơ văn của địa phương, tôi chưa thấy có bài Diệu Vũ đình phú của Ngô Thì Nhậm. Sau đây, trân trọng giới thiệu nội dung tác phẩm này.

Văn bản có 504 chữ Hán, bản phiên âm, dịch nghĩa của nhà thơ Ngô Linh Ngọc (một cố học giả có uy tín đã dịch nhiều tập thơ chữ Hán của tác giả trung đại như Tuyển tập thơ chữ Hán Cao Bá Quát, Tuyển tập thơ Ngô Thì Nhậm…). Để tiện cho độc giả nghiên cứu, đối chiếu tác phẩm Diệu Vũ đình phú, tôi dẫn phần phiên âm chữ Hán và dịch nghĩa bài phú.

Lời dẫn: Năm Kỷ Hợi, ta (Ngô Thì Nhậm) đi kinh lược Thái Nguyên, các cơ quan binh bản đạo tiền đền Đồng Mỗ chia đồn đóng quân. Đồn giữa có dựng một nhà lầu, đại quân thao diễn ở trước lầu, nhân đặt tên là Đình Diệu Vũ. Ta làm bài phú này để ở trên đó.

Phiên âm chữ Hán:

Diệu Vũ đình phú

Kỷ Hợi chi niên,

Huyền minh duy nguyệt.

Tuyết lĩnh khai dĩ tương cao,

Sóc phong lẫm hồ dục liệt.

Viên môn hạ lệnh,

Lôi oanh điện xiết.

Nhung xa khởi hành,

Vàn lưu vụ bát.

Chỉ thượng du nhi trực đảo,

Tức cổ thành nhi tạm yết.

Nhĩ nãi:

Trị khải giáp, thiện quan mâu;

Lý tinh kỳ, doanh lỗ lâu.

Viên tương thắng địa,

Vu thành tây ngu.

Cưu công tập hề bát nhật,

Ngưu ẩm cổ hề thiên phu.

Đông lâm chi mộc, Bắc làm chi trúc, nãi mặc, nãi tước, sạn cao giá phù;

Hổ háo chi quật, sài lang chi thất, ký đổ ký ốc, chu sàm ngải vô.

Cái sơn lâm chi trung hưng,

Diệc phi cái chi hùng du!

Nhược nãi:

Mộc thoát, sơn minh,

Thiên không, nguyệt xuất;

Khai tứ diện chi linh lung,

Miến thiên phong chi tốt luật.

Kê minh, khuyển phệ, lâm dã hữu thôn;

Hạc sắc, viên thanh, dữ gia ngô vật.

Tả ngô hoài chi du du,

Tuyệt trần anh chi uất uất.

Ký nhi:

Cố chiêm Tam Đảo,

Phủ thị Cẩm Xuyên.

Phiếu diểu tịch dương chi thảo thụ,

U trầm cổ miếu chi hương yến.

Quyết nhược hữu nhân,

Tráng khí trường thiên.

Lưỡng triều cương kỷ,

Nhất phái thanh liên.

Diệc hữu mạo sĩ,

Tiên Lữ sơn biên.

Phấn duệ anh hào,

Tả vi thi thiên.

Khái thảo mãng chi vu một,

Hoài cổ nhân hề diểu miên !

Diệc hoặc:

Ngư tử ca tàn,

Tiều phu mộng đoạn,

Thê lương Thương lang chi ca,

Khảng khái chiến trường chi oán.

Y quan huề thủ, không thướng Câu Kê,

Qua kích đồng tâm, duy dư Dược đạn.

Khai bách thiên vô tận chi tinh kỳ,

Sướng vạn đội đồng cường chi ca quản.

Ư thị:

Khung kỳ dữ thuận,

Lưu trĩ hiệp linh.

Khoát minh đường đường ư linh các,

Xu tuấn thái ư đại đình.

Hà xứ ỷ la, yên hoa phiến phiến;

Thùy gia ti trúc, cầm vận thanh thanh.

Vọng Địch lâu, Mỹ Nhân ốc;

Đô Khổn phủ, Túy Ông đình.

Sảng ô hoài ư ngao du,

Đại khẩu thiệt hồ giáp binh.

Viên hữu:

Hoãn đới, khinh cừu;

Luân cân, vũ phiến.

Ngật nhị trấn chi trường thành,

Tráng tam quân chi quan miện.

Phú thi thoái lỗ, thực ngã bất tài;

Tham ốc trù biên, phỉ công hữu ngạn !

Thâu nhàn thắng nhật, tương huề Phóng Hạc chi lâu;

Thiên lý cao ngâm, như khỏa Minh Hoàng chi viện.

Nhiên tắc đăng tư đình dã ;

Đài đầu bích hán,

Nhương thủ thanh vân,

Phảng phất Quân Triều chi hướng,

Y hy Nghê Vũ chi thần.

Huy thổ phong đình,

Cán vận hy luân.

Súc sơn hà ư cố miện,

Tảo khổn tái chi yêu phân.

Nhất tướng thụ thành, tam thùy thụ mệnh;

Tằng thê trực thướng, vạn lý vô trần.

Thực Tiết độ công chi kỳ huân,

Ngô hữu bất năng tận kỳ vân vân !...

Dịch nghĩa:

Bài phú đình Diệu Vũ                                                         

Năm Kỷ Hợi(4),

Cữ tháng Chạp.

Núi tuyết đọng sắp vun cao,

Gió bấc lạnh như dao cắt.

Cửa trướng lệnh truyền,

Sấm rền, chớp giật.

Xe trận lên đường,

Mây vần, móc giạt.

Trỏ thượng du thẳng tiến lên,

Vào cổ thành tạm nghỉ bước.

Rồi thì:

Sửa khôi giáp, mài giáo mâu;

Bày cờ xí, đặt chòi lầu.

Tìm khu đất đẹp,

Góc thành phía tây.

Khởi công xây dựng, sớm tối xong ngay;

Góp công, gắng sức, ngàn người ra tay.

Này gỗ rừng đông, nọ tre rừng bắc, nào vót, nào đan,

sàn cao dóng ngất;

Hang hùm, hang báo, ổ cầy, ổ lang, xây tường dựng lán,

dọn dẹp san bằng.

Núi rừng được đến ngày hưng khởi,

Mà lọng tàn cũng thả sức du quan!

Kìa xem:

Cây đẵn tỉa, rừng rộng quang;

Trời trong veo, trăng ló mặt.

Bốn phía bừng tỏa sáng lung linh,

Ngàn non ngắm thêm cao chất ngất.

Gà gáy, chó sủa, rừng sâu hiện làng;

Hạc múa, vượn kêu vui cùng cảnh vật.

Khiến lòng ta rũ nhẹ lâng,

Dấu bụi trần, dường gột sạch.

Thoắt đã:

Ngoái nhìn Tam Đảo,

Cúi ngắm Cẩm Xuyên(5).

Cây cỏ bóng chiều thấp thoáng,

Khói hương miếu cổ u nhàn.

Nơi đó từng có người,

Khi mạnh cao ngất trời.

Trải hai triều, rường mối(6),

Một dòng thơm rạng ngời.

Lại có trang tài tử,

Động Tiên Lữ thăm chơi(7).

Ống tay áo một vẫy, Thơ hay thoát đề bài.

Thương cây cỏ bị vùi lấp,

Nhớ người xưa hoài không thôi !

Hoặc khi:

Ca chài lắng tan,

Mộng tiều nghẹn đứt.

Khúc hát Thương lang âu sầu,

Mối hận sa trường day dứt.

Áo mũ ran tay, lên núi Câu Kê;

Giáo kích một lòng, trơ kho Dược Đạn(8)!

Nguồn vô biên thanh lịch mở ra,

Nhạc muôn đội quân hùng ca hát.

Liền đó:

Quỉ thần theo ý,

Sông núi góp linh.

Mở rộng ao xinh(9) nơi tướng phủ ,

Họp người tuấn kiệt chốn tiền đinh.

Đâu đó lụa là, khói hoa phơi phới;

Nhà ai ti trúc, chim chóc hòa quanh.

Lầu Vọng Địch, nhà mỹ nhân ;

Đô Khổn phủ, Túy Ông đình.

Ta thỏa chí mà ngao du,

Dùng tấc lưỡi thay giáp binh.

Nay có người:

Đai rộng, áo cừu,

Quạt lông, khăn đóng.

Trường thành hai trấn, tài cao,

Chủ tể ba quân, chức trọng.

Ngâm thơ đuổi giặc, tôi thật bất tài,

Tính việc ngoài biên, Ngài tay quốc đống!

Trộm ngày nhàn rỗi, cùng lên hầu Phóng Hạc dạo chơi ;

Chung điệu cao ngâm, như giữa viện Phượng Hoàng thưởng khúc.

Do vậy nhên lên đỉnh lầu này

Sông Hán biếc ngắm trên đầu,

Làn mây xanh nhìn dưới thấp.

Giọng Quân Thiều nhã nhạc vọng vang,

Điệu Hoàng Vũ Nghê thường phảng phất.

Sức Thần gió, cậy chỉ huy;

Xe Mặt trời, tay điều bát.

Quét sạch giặc giã chốn biên thùy,

Thu gọn núi sông trong tầm mắt.

Một tướng lập công,

Ba bề qui phục.

Thang mây thẳng lối trời xanh,

Muôn dặm sạch không bụi đục.

Đó thật là công lớn của quan Tiết độ sứ(10),

tôi không thể nào nói cho hết được.

Lời bàn:

Bài phú Diệu Vũ đình phú là một trong những tác phẩm xuất sắc của Ngô Thì Nhậm. Nội dung bài phú đã cho chúng ta biết tác giả tả cảnh kết hợp với tả tình rất hay, ý tứ mẫn tiệp, tài hoa, tinh thần lạc quan, yêu cảnh, yêu đời. Khi tác giả ở, làm việc tại xứ Thái Nguyên, về mùa đông núi có tuyết, có gió bấc lạnh như dao cắt nhưng vẫn không ngăn được bước tiến của tác giả cùng đoàn tùy tùng lên Thái Nguyên thi hành nhiệm vụ. Sau khi ổn định chỗ ở, dựng nhà, dựng lán, trong bao gian nan khó khăn ấy vẫn lóe sáng tinh thần lạc quan của một văn nhân rắn giỏi. Đó là tâm hồn của một thi sĩ, trong gian nan vẫn thấy cảnh đẹp trước mắt hiện ra: “Trời trong veo, trăng ló mặt/ Bốn phía bừng tỏa sáng lung linh/ Ngàn non ngắm thêm cao chất ngất/ Gà gáy, chó sủa, rừng sâu hiện làng”.

Thi nhân Ngô Thì Nhậm thực sự cảm nhận phong cảnh Thái Nguyên bằng tâm hồn hoài cổ: “Ngoái nhìn Tam Đảo/ Cúi ngắm Cẩm Xuyên/ Cỏ cây bóng chiều thấp thoáng/ Khói hương miếu cổ u nhàn”. Sau khi ngắm cảnh, sinh tình, tác giả nhắc đến các dấu tích xưa không quên đến địa danh động Tiên Lữ (tức Chùa Hang) ở bên kia sông Đồng Mỗ (tức sông Cầu), một danh lam thắng cảnh thơ mộng. Tương truyền, xưa kia đã có Tiên xuống chơi ở động. Nhưng điều lý thú hơn tác giả cho chúng ta biết thêm động Tiên Lữ là nơi Tiến sĩ Vũ Quỳnh một danh tài dòng họ Vũ làng Mộ Trạch, xứ Hải Dương đã đến đây có đề thơ trên vách động Tiên Lữ: “Ông tay áo một vẫy/ Thơ hay thoát đề bài”.

Cuối bài phú tác giả đưa người đọc đắm mình trong những cảnh đẹp, những cổ tích đền đài ở thành Đồng Mỗ như núi Câu Kê, kho Dược Đạn, rồi không quên công lao của tướng công Phan Phái hầu (tức Phan Lê Phiên) đã có công đánh bại giặc cỏ Hoàng Văn Đồng, đó là nhiệm vụ của Ngô Thì Nhậm phối hợp với các đạo quân do Phan Lê Phiên đi đánh dẹp giặc nổi loạn.

Với phong cách sáng tác nghệ thuật thơ dùng thể phú - ở bài thơ Diệu Vũ đình phú, tác giả đã sử dụng dạng cổ phú, một loại văn xuôi có nhịp điệu, điêu luyện và diễm lệ trong nghệ thuật sử dụng từ ngữ, được các tác giả cuốn Từ điển văn học Việt Nam đánh giá “đẹp đến mức tuyệt diệu đặt ngang với bất cứ bài phú nào hay nhất từ xưa mà chúng ta từng đọc” (Cao Xuân Huy).

 

***

Bài Diệu Vũ đình phú đã được sách Từ điển văn học Việt Nam đánh giá là một trong những tác phẩm tiêu biểu đứng đầu về thể phú của Ngô Thì Nhậm. Là một trong những người nghiên cứu về các tác phẩm Văn học của người Thái Nguyên viết về Thái Nguyên, các tác giả viết về Thái Nguyên, tôi thấy số lượng tác phẩm của các tác giả văn học thời kỳ trung đại rất hiếm. Do đó, việc phát hiện ra thêm một tác phẩm văn học, cụ thể là bài Diệu Vũ đình phú của Ngô Thì Nhậm là đáng quý, không những đã bổ sung thêm vào kho tàng tác phẩm văn chương thời kỳ trung đại của tỉnh Thái Nguyên, mà còn góp phần tích cực vào công tác sưu tầm, biên soạn các tác phẩm văn học viết về quê hương Thái Nguyên trong chương trình Giảng dạy Văn học địa phương, phục vụ hữu ích cho các em học sinh thêm hiểu biết về mảnh đất và con người Thái Nguyên xưa và nay./.

 

Chú giải:

  • Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm tập 2 - Nhà xuất bản Khoa học Xã hội Hà Nội – 1978. Cao Xuân Huy - Thạch Can (Chủ biên), Mai Quốc Liên - Thạch Can dịch xuôi và chú thích, Khương Hữu Dụng- Ngô Linh Ngọc dịch thơ, phú.
  • Từ điển văn học Việt Nam quyển 1, (từ nguồn gốc đến hết thế kỷ XIX), Lại Nguyên Ân – Bùi Văn Trọng Cường (Biên soạn), Nhà xuất bản Giáo dục - Hà Nội năm 1995, trang 246 - 251.
  • Ngoài bài phú trên, Ngô Thì Nhậm có bài ký Thái Nguyên địa hình bình tặc ký (Bài ký viết về địa hình Thái Nguyên nhân đi bình giặc) in trong cuốn Địa chí Thái Nguyên, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên – NXB Chính trị Quốc gia, năm 2009, trang 788.
  • Năm Mậu Tuất và Kỷ Hợi (1778 - 1779), Hoàng Văn Đồng dấy quân chống lại triều đình ở mỏ Tụ Long (Tuyên Quang), Ngô Thì Nhậm lúc đó đang giữ chức Đốc đồng Kinh Bắc, kiêm Đốc đồng Thái Nguyên được giao nhiệm vụ hiệp đồng với Trần tướng đi kinh lược vùng mỏ Tụ Long.
  • Cẩm Xuyên: tên một con sông ở hạt Đồng Mỗ (Thái Nguyên).
  • Tác giả bài phú chú: ở vùng Đồng Mỗ có thành do nhà Mạc xây. Khoảng đời Vĩnh Tộ (Lê Thần Tông (1619 - 1629) có 2 tướng là Triều Cương hầu và Triều Kỷ hầu chiếm giữ thành này.
  • Phía bắc sông Đồng Mỗ (sông Cầu) có động Tiên Lữ, Vũ Quỳnh đời Lê đã đề thơ trong động này.
  • Phía tây thành Đồng Mỗ có núi Câu Kê và kho Dược Đạn. Dược Đạn: trong các tự điển và Từ nguyên đều chú là “nhiễm tẳng hắc thạch” nghĩa là đá đen dùng để nhuộm.
  • Ao xinh: nguyên văn chữ Hán là “minh đường”, đây chỉ cái ao nhỏ trong rừng đối diện chính giữa lầu.
  • Tiết độ sứ: theo bài Hoàng Văn Đồng sự trạng ký (Ngô Gia văn phái, tập A 117a/8 TVKH) thì tướng đánh bại Hoàng Văn Đồng là Phan Phái hầu (Phan Lê Phiên).                    

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy