Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
17:55 (GMT +7)

Lễ hội hoa Xuân - tập truyện thiếu nhi nhẹ nhàng mà sâu sắc

Hơn ba mươi năm trước Hồ Quỳnh Châu tốt nghiệp trường sư phạm mầm non nhưng có những lí do thuộc về cá nhân chị không làm cô nuôi dạy trẻ mà phải lăn lộn với khá nhiều công việc, nghề nghiệp để mưu sinh. Hiện giờ, Hồ Quỳnh Châu đã có cửa hàng hoa lớn ở thành phố Sông Công. Nhiều năm nay, dân thành phố biết đến chị là một chủ cơ sở kinh doanh hoa lớn và có uy tín. Nhưng vài năm gần đây người ta còn nhắc đến cái tên Hồ Quỳnh Châu với tư cách là một tác giả viết văn xuôi, đặc biệt là các tác phẩm viết cho thiếu nhi, viết về thiếu nhi.

Thiết kế bìa: Đào Tuấn
Thiết kế bìa: Đào Tuấn

Từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông Hồ Quỳnh Châu đã yêu văn chương. Sau này, dù không có điều kiện cầm bút nhưng tình yêu ấy vẫn luôn tiềm ẩn và chờ dịp thức tỉnh, biến nó thành hiện thực.

Năm 2021, Hồ Quỳnh Châu được biết Hội Văn học nghệ thật tỉnh Thái Nguyên có tổ chức cuộc thi viết văn xuôi mang tên là "Tôi và Thái Nguyên", chị đã mạnh dạn thử bút và gửi đến cuộc thi chỉ với ý nghĩ có tác phẩm góp mặt cho vui, để hưởng ứng phong trào. Nhưng thật may mắn và hạnh phúc, tác phẩm "Người soát vé tàu và những ván cờ năm ấy" của Hồ Quỳnh Châu đã đoạt giải. Tuy giải không cao nhưng là một niềm vui không hề nhỏ đối với người yêu văn chương như Hồ Quỳnh Châu, một dấu ấn đầu tiên trong con đường cầm bút của chị.

Sau đó, biết Thái Nguyên đang có một lớp chuyên hướng dẫn sáng tác văn chương dài hạn, Châu đã xin nhập học, mặc dù công việc rất bận rộn. Nhưng sự cố gắng của Hồ Quỳnh Châu đã không hề lãng phí. Ngay từ trong lớp học, các tác phẩm của chị đã được đăng tải khá đều đặn trên Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên, Báo Thái Nguyên và sau đó là các báo, các đài phát thanh dành cho thiếu nhi ở trung ương…

Một điều đáng mừng là qua các trại sáng tác dành cho thiếu nhi và lứa tuổi trẻ do Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên tổ chức mà chị được tham dự trong mấy năm gần đây đã tạo nguồn cảm hứng cho Hồ Quỳnh Châu viết về các em thiếu nhi. Đó cũng là một năng lượng văn chương lâu nay vốn tiềm ẩn trong một cô giáo mầm non. Sau những tác phẩm đầu tiên viết về thiếu nhi được khai mở, từ đó Hồ Quỳnh Châu đã dồn hết tâm lực về đề tài này. Tập truyện "Lễ hội hoa Xuân" được Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2023 là kết quả của hơn hai năm luyện bút, là sự tập hợp các truyện ngắn đã đăng tải trên báo chí của chị.

Với độ dày 108 trang, gồm 15 truyện ngắn dành cho thiếu nhi, có thể nói đây là một tác phẩm khá dày dặn.

Trước khi đi sâu vào tập "Lễ hội hoa Xuân", có lẽ cũng cần thiết có sự trao đổi ít nhiều về tình hình sáng tác cho thiếu nhi, về thiếu nhi nói chung.

Một điều rất dễ nhận thấy là đối với các địa phương, người sáng tác cho thiếu nhi, về thiếu nhi rất hiếm. Đơn cử như ở tỉnh ta, các cây bút viết thiếu nhi số lượng không quá các ngón tay trên một bàn tay, mà đó cũng chỉ là việc "viết thêm", "viết tay trái", "vui thì viết" chứ hầu như không có một tác giả nào có ý định chuyên về đề tài này.

Ở trung ương và trên toàn thế giới cũng vậy. Có lẽ gần đây nhất, ngoài các tác giả như Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Trần Hoài Dương với các tác phẩm xa xưa, trong thời đương đại, bạn đọc Việt Nam cũng chỉ mới biết đến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là một nhà văn chuyên về thiếu nhi chứ chưa thấy một ai khác. Hồ Quỳnh Châu cho biết, thời gian tới chị sẽ dồn tâm huyết để dành cho sáng tác thiếu nhi. Nếu chị làm được điều này thì đối với Thái Nguyên, có thể coi như một trường hợp hi hữu.

Cũng giống như các tác phẩm thiếu nhi viết theo phương pháp truyền thống của các nhà văn lớp trước, các truyện ngắn trong tập "Lễ hội hoa Xuân" của Hồ Quỳnh Châu đều có một cái tứ, một bài học rất rõ. Không thể phủ nhận là trong sáng tác cho thiếu nhi, về thiếu nhi các tác giả thường sa vào giáo huấn, trong những cái kết truyện thường bày tỏ những lời khuyên, thậm chí có lúc tác giả nhảy vào tác phẩm để rao giảng. Hồ Quỳnh Châu đã tránh được những nhược điểm ấy. Ở các truyện của chị không hề gặp những lời khuyên nhủ, răn dạy một cách khô khan, lộ liễu.

Trong truyện ngắn "Những người bạn", tác giả mô tả một cuộc "li khai" của các đồ dùng học tập trong chiếc cặp với chủ nhân là nhân vật Bảo, một học sinh lười biếng, nghịch ngợm. Từ đầu đến cuối truyện này không thấy một lời khuyên bảo nào (dù kín đáo) của tác giả. Đến cái kết cũng chỉ là một câu văn rất tự nhiên: "Những tiếng hát vẳng ra từ chiếc cặp chỉ có Bảo nghe thấy. Vì những người bạn thân yêu ấy chỉ hát riêng cho Bảo nghe thôi".

Truyện ngắn "Gà và Vịt" cũng vậy. Là một truyện phê phán thói kiêu ngạo, xấu chơi với bạn của chú gà trống nhưng cuối truyện cũng được kết thúc bằng một cử chỉ, hành động "nhận lỗi" của nhân vật: "Gà trống hơi xấu hổ nhưng gật đầu rồi vỗ cánh gáy vang như một lời hứa sẽ thân nhau mãi mãi".

Cái kết của truyện ngắn "Chuyện của Bin" và "Thằng Dinh" lại có sự vận dụng ngôn ngữ đời thường của thời hiện đại: "Cả hai bố mẹ cùng giơ tay d…ê…dê. Bài hát cả nhà yêu nhau vang lên giữa ba khuôn mặt rạng rỡ" (Chuyện của Bin); "Dinh hơi ngượng, lúng túng quay mặt vào tường: Không có gì! Chuyện nhỏ như con thỏ ấy mà" (Thằng Dinh).

Lễ hội hoa Xuân - tập truyện thiếu nhi  nhẹ nhàng mà sâu sắc
Tác giả Hồ Quỳnh Châu

Trong tập có 15 truyện thì có 6 truyện là thể đồng thoại (nếu coi đồng thoại là những truyện có các nhân vật là loài vật, đồ vật…) so với các truyện trong tập có phần nổi trội. Khi viết đồng thoại, ngòi bút của Hồ Quỳnh Châu dường như linh hoạt hẳn lên. Các tình huống, chi tiết và văn phong tỏ ra rất hồn nhiên như chính cuộc sống của các nhân vật. Vô tình hay hữu ý nhưng cả 6 truyện đồng thoại trong tập hầu như cùng có chung một thông điệp gửi đến các bạn đọc trẻ rằng dù cuộc sống này khó tránh khỏi những gian nan, khúc khuỷu, vẫn còn những tốt, xấu xen kẽ nhau… nhưng hãy ứng xử với nhau như những người bạn thân thiết. Tuy cùng chung một chủ đề, một ý tưởng nhưng mỗi truyện có một lối đi khác nhau, có cái riêng để người đọc thưởng thức, chiêm nghiệm mỗi cách khác nhau.

Thành công của Hồ Quỳnh Châu trong các truyện đồng thoại có lẽ trước hết do chị rất hiểu loài vật. Tất nhiên loài vật, đồ vật khi trở thành nhân vật đồng thoại thì cũng chính là con người. Nhưng nghĩ cho cùng thì ngoài việc nhân hóa để biến thành người thì chúng vẫn là loài vật có đủ những hình hài, "đức tính", cử chỉ… mang đặc trưng của loài vật, đồ vật… Nếu tác giả không hiểu rõ các "tính cách" và cuộc sống của chúng thì sẽ thất bại, thậm chí trở thành sự ngô nghê của sự lắp ghép. Hồ Quỳnh Châu đã tỏ ra nắm vững thủ pháp nghệ thuật này.

Các nhân vật đồng thoại của chị, dù khi là cái bảng, cái bút, quyển vở, con gà, con vịt, hay là các loài cây, các loài hoa biết nói, biết suy nghĩ, biết hành động như con người nhưng người đọc vẫn cảm thấy chúng chính là gà, là vịt, là cây đa, cây chuối, là hoa hồng, hoa huệ, thậm chí là cái bảng, chiếc bút, hòn tẩy… mà họ đang được cùng "trò chuyện". Có được điều này là nhờ tác giả đã nắm khá chắc những "tính cách" đặc trưng của các loài vật, đồ vật như vừa nói ở trên. Có thể trích dẫn một loạt cách mô tả của tác giả trong truyện ngắn "Những người bạn": "Bảng Đen mặt méo xệch khi thấy mình bị sứt một góc đau điếng", "Cậu Bút Mực nhảy lò cò vài vòng tìm cái nắp rồi cũng nằm rên rỉ vì giọt mực bắn ra hòa vào bùn ướt thành một dòng nước mắt xanh lè, loang lổ", "Cậu Tiếng Việt vốn nhiều chữ, bình thường rất nhã nhặn vậy mà hôm nay cũng không kìm chế được". "Anh Thước Kẻ tính thẳng thắn, nóng nảy, mặt hằm hằm"…

Suốt dọc tập sách ta cũng luôn gặp những đoạn văn sinh động như: "Mấy anh Lá Dứa, Lưỡi Hổ, Dây Mây đứng ở các góc sân làm bảo vệ vì mình mẩy toàn gai góc. Ban tổ chức đã phân công thật đúng người, đúng việc"; cụ Đa già "giơ tay vuốt chòm râu bằng rễ dài cả nửa thế kỷ nay chưa cạo"; "Cô Trinh nữ bình thường thì tươi tỉnh vậy mà gọi đến tên không dám lên, còn nhắm mắt lại bỏ cả cuộc thi. Chẳng trách mà mọi người còn gọi nàng là Hoa cỏ thẹn; mấy chàng Dây Mây, Dứa Dại "Đung đưa những tầu lá đầy gai chi chít quất vun vút vào không khí, khiến đám đông im bặt". Khi miêu tả nhân vật Ễnh ương cũng rất là… ễnh ương: "Bác Ễnh Ương phồng mang cầm loa thông báo"… Hầu như tất cả các nhân vật đồng thoại trong truyện, dưới ngòi bút của Hồ Quỳnh Châu đều có lối viết "con người lồng trong loài vật, đồ vật" như vậy.

Ngoài ưu điểm trên, Hồ Quỳnh Châu còn biết vận dụng khá nhuần nhuyễn chất dân gian vào tác phẩm của mình. Đọc tập truyện, độc giả như được gặp lại sắc màu truyền thuyết của các loài cây, loài hoa trong truyện ngắn "Lễ hội hoa Xuân" khi tác giả mang đến lễ hội trăm loài cây cối, cỏ hoa; hay có thể gặp lại chị Hằng, chú Cuội cổ tích trong "Giấc mơ đêm rằm". Đặc biệt là độc giả còn được gặp những câu tục ngữ, thành ngữ được tác giả nhẹ nhàng, khéo léo xen vào những đoạn văn miêu tả tính cách nhân vật như "lúng túng như gà mắc tóc", "Cãi nhau như chó với mèo", "Chết đuối vớ được cọc"…

Chúng ta đều biết, viết cho thiếu nhi, viết về thiếu nhi thường phải dễ hiểu. Dễ hiểu nhưng không được đơn giản. Những nhà văn xem thường, quan niệm tác phẩm thiếu nhi không đòi hỏi sự sâu sắc thường khó có tác phẩm hay. Người lớn có sự sâu sắc của người lớn, trẻ em cũng có sự sâu sắc của trẻ em. Hồ Quỳnh Châu đã nhận ra vấn đề này nên mỗi truyện của chị đều được suy nghĩ, chiêm nghiệm sâu xa, nhiều chiều và kĩ lưỡng. Chính vì vậy mà các tác phẩm của chị, từ những truyện có cốt truyện phức tạp, nhiều biến cố, nhiều nhân vật như "Lễ hội hoa Xuân", "Gà và Vịt", "Zôn và Mướp"… đến các truyện đơn giản hơn cả về tình tiết và số chữ như "Chuyện của Bin", "Lớp học của Bống"… đều có những chi tiết đắt giá và đắc địa.

Viết cho thiếu nhi, viết về thiếu nhi có một việc khó nữa là phải tươi vui từ cốt truyện đến cách hành văn. Cần phải đem đến cho các em những nụ cười chứ không phải là những gì sướt mướt, ủy mị. Tất nhiên, cái buồn hay nước mắt cũng không phải là điều cấm kị đối với văn học thiếu nhi. Như ta đã từng được đọc "Không gia đình" của nhà văn Pháp Hector Malot. Ở đấy ta gặp biết bao nỗi cảm thương về tình cảm gia đình, tình bạn bè, tình yêu với loài vật và cả những cái ác gieo rắc những nỗi khổ đau cho kiếp người, nhưng những cái buồn ấy, những dòng nước mắt ấy đều là những nỗi buồn thanh sáng, lạc quan toát lên một tinh thần nhân văn cao cả…

Nhưng cũng phải thừa nhận những tác phẩm thiếu nhi như "Không gia đình" không có nhiều. Bởi thế, viết cho thiếu nhi, viết về thiếu nhi các tác giả luôn hướng về sự vui tươi, ngộ nghĩnh. Nếu là chuyện buồn cũng phải tạo cho các em một hướng nhìn tươi sáng. Hồ Quỳnh Châu đã ít nhiều thực hiện được điều ấy. Trong tập "Lễ hội hoa Xuân", ta thường được gặp những nụ cười, khi tươi tắn, hồn nhiên, khi sảng khoái vô tư, và có cả những nụ cười phê phán nhẹ nhàng, nụ cười nhận ra lầm lỗi…

"Lễ hội hoa Xuân" là một tập sách bổ ích có lẽ không phải chỉ dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Nó còn có thể gây những cảm xúc thẩm mĩ cho người lớn, đặc biệt là để các bậc phụ huynh hiểu thêm tâm lí, tình cảm của con em của mình.

Tập truyện có nhiều điểm mạnh. Tuy nhiên vẫn khó tránh khỏi những điểm yếu vốn vẫn khó tránh khỏi trong sáng tác văn chương. Đọc toàn bộ "Lễ hội hoa Xuân", ta dễ dàng nhận ra một nhược điểm khá rõ, đó là nhiều khi tác giả tỏ ra hơi bị "người lớn", từ trong cách mô tả tâm lí cũng như trong hành văn. Cần có sự hồn nhiên, ngây thơ của tuổi thơ hơn nữa. Trong tập sách ta vẫn gặp những truyện, những đoạn, những dòng, thậm chí là những từ chưa thật sự trẻ thơ, như trong các truyện: "Thằng Dinh", "Phép màu", "Câu chuyện ba kể", "Cây thần"… Một điểm yếu nữa là đôi khi tác giả vẫn bị sa vào khuôn sáo, xơ cứng, thậm chí là công thức có sẵn. Thể hiện rõ nhất là trong các chuyện "Câu chuyện ba kể", "Cây thần".

Có một vấn đề cần bàn thêm (không qui kết cho tập truyện) là thiếu nhi luôn hứng thú với những chuyện kì ảo, phiêu lưu, thậm chí mạo hiểm… Không thể đòi hỏi những điều này trong một tập sách như "Lễ hội hoa Xuân", nhưng đó là một thực tế, là sự mong đợi của độc giả đối với các nhà văn viết thiếu nhi. Các nhà văn nên phóng khoáng hơn nữa trong quan niệm đối với tuổi thơ, cần khai mở óc tưởng tượng để có thể dẫn dắt các em vào một thiên đường đầy kì bí, lãng mạn, mơ mộng mà có khi chỉ các em mới nhận ra và cảm thấy hứng thú.

Khi đang viết những trang này, tôi được Hồ Quỳnh Châu cho biết hiện chị đã viết những dòng cuối cùng một cuốn truyện thiếu nhi ước khoảng trên 100 trang in, mang tên là "Cuộc phiêu lưu của chó cảnh Lu Na". Đó là một tín hiệu vui không chỉ với Hồ Quỳnh Châu mà còn cho các nhà văn Thái Nguyên. Nếu tôi không nhầm thì đó sẽ là cuốn truyện thiếu nhi dài hơi duy nhất trong khoảng gần ba mươi năm trở lại đây ở Thái Nguyên.

Thành tâm chúc mừng tác giả Hồ Quỳnh Châu!

Hồ Thủy Giang

7 đã tặng

0

2

5

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy
  • Tiết Minh Hà tiet****@cloud.com

    Bài giới thiệu hay quá ạ

Cùng chuyên mục

Sân khấu độc lập: Những thách thức

Sân khấu - Múa 3 giờ trước

Ẩm thực Thái Nguyên - tinh hoa phong vị xứ Trà

Cuộc sống quanh ta 22 giờ trước

Ơi những ngày thu

Văn xuôi 1 ngày trước

Vị giác

Xem tin nổi bật 2 ngày trước

Tháng chín...

Văn xuôi 2 ngày trước

Dành cho các em nhân dịp Tết Trung thu

Xem tin nổi bật 2 ngày trước