Chủ nhật, ngày 06 tháng 04 năm 2025
09:32 (GMT +7)

Buôn bán là buôn bán

Kẻ buôn lậu mà tôi biết giờ đây đã trở nên thật thà; từ nhiều tháng nay tôi đã không nhìn thấy hắn, và hôm nay tôi phát hiện ra hắn ở một khu phố khác, tại một ngã tư đông đúc. Ở đó hắn có một cái chòi gỗ, được sơn trắng một cách khác thường với màu sắc rất bền; một mái tôn mạ kẽm chói lóa, vững chắc mới được đóng đinh bảo vệ hắn trước mưa gió và cái lạnh, và hắn bán thuốc lá, kẹo mút, tất cả những gì mà giờ đây được mua bán hợp pháp. Trước tiên tôi đã vui; người ta vui chứ khi ai đó đã tìm lại được sự yên ổn của cuộc sống. Vì hồi ấy, khi tôi làm quen với hắn thì sức khỏe hắn yếu, và chúng tôi đã buồn. Chúng tôi đội mũ lính cũ của mình hất ngược ra sau, khi tôi đang có tiền thì tôi đến chỗ hắn, và thỉnh thoảng chúng tôi nói với nhau, về cái đói, về chiến tranh; thỉnh thoảng hắn cho tôi một điếu thuốc lá khi tôi không có tiền; sau đó một bận tôi đã đem tem mua bánh mì đến cho hắn, vì hồi ấy tôi đang đập đá cho một tiệm bánh mỳ.

Buôn bán là buôn bán

Giờ đây sức khỏe của hắn có vẻ tốt. Trông hắn khỏe mạnh. Đôi má của hắn đã hơi phúng phính mà chỉ có thể bắt nguồn từ lượng chất béo ăn vào đều đặn, vẻ mặt hắn kiêu ngạo, và tôi quan sát khi hắn chửi rủa thậm tệ một cô bé bẩn thỉu và đuổi đi, vì cô bé trả hắn thiếu năm xu cho một cái kẹo mút. Đồng thời hắn đẩy lưỡi lâu ở trong mồm, như thể hắn chép miệng hàng tiếng đồng hồ để đẩy những sợi thịt ra khỏi các kẽ răng.

Hắn luôn bận rộn; mọi người mua nhiều thuốc lá ở quầy của hắn, cả kẹo mút nữa.

Có thể tôi đã không nên làm việc sau: tôi đi đến chỗ hắn, gọi tên Ernst của hắn và định nói chuyện với hắn. Hồi ấy tất cả chúng tôi đều xưng mày tao(1) với nhau, và những kẻ buôn lậu cũng xưng mày tao với khách hàng.

Hắn rất ngạc nhiên, tò mò nhìn tôi và nói: “Ông cần gì?”. Tôi thấy rằng hắn đã nhận ra tôi, nhưng việc hắn bị nhận ra lại ít quan trọng đối với bản thân hắn.

Tôi im lặng. Tôi làm như thể chưa hề gọi tên Ernst của hắn, mua một vài điếu thuốc, vì tôi đang có ít tiền, và đi. Tôi còn quan sát hắn một lúc nữa; chuyến tàu điện mà tôi đi chưa đến, và tôi cũng hoàn toàn không thích đi về nhà. Ở nhà luôn có những người đến đòi tiền; bà chủ nhà đòi tiền thuê nhà và người đàn ông đến thu tiền điện. Ngoài ra ở nhà tôi không được phép hút thuốc, bà chủ nhà ngửi mọi thứ trong phòng của tôi, sau đấy bà ấy rất tức giận, và tôi bị rầy la, rằng chắc chắn tôi có tiền để mua thuốc lá, nhưng không có tiền để nộp tiền thuê nhà. Vì đó là một tội lỗi, nếu những người nghèo hút thuốc hoặc uống rượu. Tôi biết, đó là tội lỗi, vì thế tôi lén lút làm việc đó, tôi hút thuốc ở ngoài, và chỉ thỉnh thoảng, khi tôi nằm thao thức và xung quanh yên ắng, khi tôi biết rằng đến sáng mai mùi thuốc lá không còn được ngửi thấy nữa thì tôi cũng hút thuốc ở nhà.

Điều đáng sợ là tôi không có nghề nghiệp. Đúng là bây giờ người ta cần phải có nghề nghiệp. Mọi người nói thế. Trước đây tất cả mọi người đều nói, việc có nghề nghiệp là không cần thiết, chúng tôi chỉ cần những người lính. Bây giờ họ nói rằng người ta cần phải có một nghề nghiệp. Rất bất ngờ. Họ nói, người ta lười biếng, khi người ta không có nghề nghiệp. Nhưng điều đó không đúng. Tôi không lười, nhưng những công việc mà họ yêu cầu tôi làm thì tôi không muốn làm. Đó là việc dọn rác, vác đá và những việc như thế. Sau hai tiếng tôi vác đá mồ hôi đã chảy ròng ròng, tôi bị chóng mặt, và nếu sau đó tôi đi đến các bác sĩ để khám bệnh thì họ nói là không sao. Có thể đó là sự trơ tráo. Giờ đây họ nói nhiều về sự trơ tráo. Nhưng tôi nghĩ, đó là tội lỗi, nếu những người nghèo trơ tráo. Nghèo và trơ tráo, tôi nghĩ, là nhiều hơn những gì mà họ chịu đựng. Nhưng chắc chắn tôi lì lợm; tôi đã là người lính quá lâu. Chín năm, tôi nghĩ. Có thể nhiều hơn, tôi nhớ không chính xác. Trước đây tôi đã thích có một nghề nghiệp, tôi đã rất thích trở thành thương gia. Nhưng là trước đây, khi nói về việc đó; giờ đây tôi thậm chí không thích trở thành thương gia. Tôi thích nhất là nằm trên giường và mơ mộng. Sau đó tôi trù tính người ta cần mấy trăm ngàn ngày công để xây một cây cầu to hay một ngôi nhà to, và tôi nghĩ đến việc người ta có thể phá tan cây cầu cầu và ngôi nhà chỉ trong một phút. Khi đó còn làm việc để làm gì? Tôi thấy việc khi đó còn làm việc là vô nghĩa. Tôi nghĩ, đó là thứ làm tôi phát điên lên, khi tôi phải vác đá hay dọn rác, để người ta lại có thể xây một quán cà phê. Tôi vừa mới nói, đó là thứ làm tôi phát điên lên, nhưng tôi nghĩ, việc đó là thế: rằng nó vô nghĩa.

Về cơ bản đối với tôi việc họ nghĩ gì không quan trọng. Nhưng việc không bao giờ có tiền là đáng sợ nhất. Đơn giản là người ta cần phải có tiền. Người ta không thể tránh khỏi việc có lúc không có tiền. Đây là một cái công tơ điện, và người ta có một bóng đèn điện, dĩ nhiên thỉnh thoảng người ta cần ánh sáng, bật điện, và tiền ở trên đã chảy ra ngoài từ bóng điện. Ngay cả khi người ta không cần ánh sáng thì người ta vẫn phải trả tiền thuê công tơ. Ngoài ra kiểu gì cũng phải trả tiền thuê nhà. Rõ ràng là người ta cần phải có một căn phòng. Trước tiên tôi đã sống ở trong một tầng hầm, ở đó không tệ, tôi đã có một cái bếp lò và đã đánh cắp cho mình những bánh than; nhưng ở đó người ta đã tìm ra tôi, họ đến từ tòa soạn báo, đã chụp ảnh tôi, đã viết một bài báo kèm theo một bức ảnh có nhan đề: Nỗi khổ cực của một người trở về từ chiến trận. Hiển nhiên là tôi cần phải đổi chỗ ở. Người đàn ông ở cơ quan quản lý nhà ở nói, đó là một vấn đề uy tín đối với ông ta, và tôi cần phải thuê phòng. Dĩ nhiên thỉnh thoảng tôi cũng kiếm ra tiền. Rõ ràng là thế. Tôi làm những công việc lặt vặt, khuân những bánh than và xếp chúng thành đống ngay ngắn, gọn gàng vào một góc tầng hầm. Tôi có thể xếp những bánh than thành đống rất cừ, tôi cũng lấy tiền công rẻ. Dĩ nhiên tôi không kiếm được nhiều tiền, không bao giờ có đủ tiền để nộp tiền thuê nhà, thỉnh thoảng nộp tiền điện, mua một vài điếu thuốc lá và bánh mỳ…

Giờ đây khi tôi đang đứng ở góc phố thì tôi nghĩ tới tất cả.

Kẻ buôn lậu mà tôi biết giờ đây đã trở nên thật thà thỉnh thoảng nhìn tôi một cách ngờ vực. Con lợn này biết tôi rất rõ, đương nhiên là người ta biết nhau khi hai năm gần như hàng ngày người ta đã nói chuyện với nhau. Có thể hắn nghĩ, tôi định ăn cắp đồ của hắn. Tôi không ngu đến mức đi ăn cắp ở đây, nơi đông nghịt người và nơi mỗi phút có một chuyến tàu điện đến, nơi thậm chí có một cảnh sát đứng ở góc phố. Tôi ăn cắp ở những chỗ khác: dĩ nhiên thỉnh thoảng tôi ăn cắp than và những thứ như thế. Cả củi nữa. Thậm chí mới đây tôi đã ăn cắp một cái bánh mỳ trong một tiệm bánh mỳ.

Việc đó diễn ra rất nhanh và đơn giản. Tôi dễ dàng cầm lấy cái bánh mỳ và đi ra ngoài, tôi đã bình tĩnh đi, chỉ ở góc phố tiếp theo tôi mới bắt đầu chạy. Lúc này chính tôi đã mất bình tĩnh.

Tuy nhiên tôi không ăn cắp ở một góc phố như thế, mặc dù thỉnh thoảng việc đó là dễ dàng, còn tôi thì lì lợm. Có nhiều chuyến tàu điện đến, cả chuyến của tôi nữa, và tôi đã nhìn rất rõ Ernst liếc nhìn tôi ra sao khi chuyến tàu của tôi đến. Con lợn này còn nhớ rất rõ chuyến tàu nào là chuyến của tôi.

Nhưng tôi vất đót thuốc lá của điếu thuốc đầu tiên đi, châm điếu thứ hai và đứng yên. Tôi đã sẵn sàng vất tiếp các đót thuốc lá đi. Tuy nhiên có ai đấy lảng vảng quanh đó để nhặt các đót thuốc lá, và tôi cũng phải nghĩ tới những người bạn. Còn có những người bạn nhặt đót thuốc lá. Không phải lúc nào cũng là những người bạn đó. Ở trong nhà tù tôi đã nhìn thấy những đại tá nhặt đót thuốc, nhưng người kia không phải là đại tá. Tôi đã quan sát gã. Gã có cách thức của mình, như một con nhện ẩn náu trong mạng, gã đứng lẩn khuất đâu đó, và khi có một chiếc tàu điện đang đến hoặc khởi hành thì gã đi ra, thản nhiên đi ngang qua mép vỉa hè và nhặt nhạnh các đót thuốc lá. Tốt nhất là tôi đã đi ra chỗ gã và đã nói chuyện với gã, tôi cảm thấy là tôi hợp với gã: nhưng tôi biết, việc đó là vô nghĩa; những gã như thế thường không nói gì.

Tôi không biết có chuyện gì xảy ra với tôi, nhưng vào ngày hôm đó tôi không thích đi về nhà. Lại nói đến chuyện ở nhà. Giờ đây đối với tôi tất cả đều không quan trọng, tôi còn để một chuyến tàu điện đi qua và còn châm một điếu thuốc. Tôi không biết, chúng ta đang thiếu thứ gì. Có thể một ngày nào đó một giáo sư sẽ phát hiện ra điều đó và đăng báo: người ta sẽ giải thích tất cả. Tôi chỉ cầu mong, tôi vẫn lì lợm để đi ăn cắp như trong chiến tranh. Hồi ấy việc đó diễn ra nhanh chóng và trôi chảy. Hồi ấy, trong chiến tranh, khi có thứ gì đó để ăn cắp thì chúng tôi luôn phải đi ăn cắp; điều đó có nghĩa là: chiến tranh đã gây ra điều đó, và chúng tôi đã đi ăn cắp. Những người khác đã chỉ cùng ăn, cùng uống, đã gửi thứ đó và mọi thứ về nhà, nhưng họ đã không ăn cắp. Họ không trơ tráo, và lương tâm của họ trong sạch.

Và khi chúng tôi trở về thì họ xuống khỏi chiến tranh như xuống khỏi một chiếc tàu điện đang đi chậm hơn một chút ở đó, nơi họ sống, họ đã nhảy xuống mà không trả tiền vé. Họ đã đến kịp, đã bước vào nhà, và trông lạ chưa kìa: cái tủ nhỏ vẫn còn, chỉ có một ít bụi ở trong phòng đọc sách, người vợ có khoai tây ở tầng hầm, cả mứt quả nữa; người ta ôm chị một lát, theo phép lịch sự, và sáng hôm sau người ta đi hỏi chỗ làm còn trống hay không: chỗ làm còn trống. Mọi thứ đều hoàn hảo, tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế, người ta đi triệt tiêu tâm trạng Đức quốc xã một chút - như khi người ta đi đến tiệm cắt tóc để cạo đi bộ râu làm khó chịu; người ta kể về các huân chương, các thương tích, các chiến công và thấy rằng cuối cùng người ta vẫn là một cậu bé cừ khôi: rốt cuộc người ta chỉ là đã làm nhiệm vụ của mình. Thậm chí lại có vé tuần khi đi tàu điện, dấu hiệu tốt nhất cho thấy thực sự mọi thứ đều ổn cả.

Nhưng giờ đây chúng ta tiếp tục đi bằng tàu điện và đợi đâu đó có một bến mà chúng ta có vẻ đủ quen thuộc để chúng ta phải liều xuống hay không: không có bến nào. Nhiều người còn đi cùng một đoạn nữa, nhưng họ cũng sớm nhảy xuống ở đâu đó và kiểu gì cũng làm như thể họ đã đến đích.

Nhưng chúng ta tiếp tục đi và tiếp tục đi, tiền vé tự động tăng, và ngoài ra chúng ta đã phải trả tiền phí vận chuyển cho gói hành lý to và nặng: cho khối lượng nặng nề của cõi hư vô mà chúng ta phải kéo theo; và có rất nhiều người kiểm soát mà chúng ta nhún vai cho xem những cái túi xách trống không của chúng ta. Đúng là họ không thể ném chúng ta xuống, tàu điện đi quá nhanh “và chúng ta đúng là người”; nhưng chúng ta bị ghi chép, bị ghi chép, chúng ta liên tục bị ghi chép, nhưng tàu điện chạy càng ngày càng nhanh hơn, những người láu cá còn nhanh chóng nhảy xuống, ở đâu đó, chúng ta càng ngày càng ít hơn, và chúng ta càng ngày càng có ít hơn lòng can đảm và sự thích thú để xuống tàu. Chúng ta bí mật dự định bỏ lại hành lý trên tàu điện, để cho phòng giữ đồ đạc bị thất lạc bán đấu giá nó, ngay sau khi chúng ta đến ga cuối; nhưng không có ga cuối, tiền vé trở nên càng ngày càng đắt hơn, tốc độ càng ngày càng nhanh hơn, những người kiểm soát càng ngày càng đa nghi hơn, chúng ta là một đám đông rất đáng ngờ.

Tôi cũng vứt đót thuốc lá của điếu thuốc thứ ba đi và chậm rãi đi về phía bến tàu điện; bây giờ tôi muốn đi về nhà. Tôi bị chóng mặt: tôi biết là người ta không nên hút thuốc nhiều như vậy với cái bụng đói. Tôi không nhìn vào nơi kẻ buôn lậu trước kia mà tôi biết bây giờ đang buôn bán hợp pháp nữa; chắc chắn tôi không có quyền tức giận; hắn đã làm được, hắn đã nhảy xuống, chắc chắn trong khoảnh khắc thích hợp, nhưng tôi không biết có cần mắng chửi những đứa trẻ thiếu năm xu khi mua một chiếc kẹo mút hay không. Có thể điều đó thuộc về buôn bán hợp pháp: tôi không biết nữa.

Ngay trước khi tàu điện của tôi đến gã nhặt đót thuốc lá cũng lại điềm tĩnh đi ngang qua mép vỉa hè ở phía trước và đi qua trước mặt những người đang đợi tàu điện để nhặt những đót thuốc lá. Tôi biết là họ không thích nhìn điều đó. Họ thích không có việc đó hơn, nhưng có việc đó…

Chỉ khi tôi lên tàu tôi mới nhìn Ernst một lần nữa, nhưng hắn đã nhìn đi chỗ khác và đã rao to: sô cô la, kẹo, thuốc lá đây! Tôi không biết có điều gì đó đang xảy ra, nhưng tôi cần phải nói rằng trước đây tôi đã thích hắn hơn khi hắn không cần đuổi ai đó thiếu năm xu đi; nhưng quả là giờ đây hắn có một công việc buôn bán thực thụ, và buôn bán là buôn bán.

----------

(1) Trong tiếng Đức ngôi thứ hai số ít (ngôi “du”) dùng để xưng hô mày tao (còn gọi là xưng hô thân mật) với những người thân trong gia đình, bạn bè thân thiết bất chấp tuổi tác; tuy nhiên đối với kẻ thù cũng xưng là mày tao. Ở ngoài xã hội người ta dùng một ngôi đại từ xưng hô lịch sự với nhau (ngôi “Sie”), tuỳ theo từng ngữ cảnh mà được hiểu là ngài, ông, bà hay anh, chị.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Cô gái hai mặt

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Cừu vào lò mổ

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Một bài học

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Những con ki gỗ trong trò chơi Bowling

Văn học nước ngoài 3 tháng trước

Người chết

Văn học nước ngoài 3 tháng trước

Lần này tôi say quá rồi

Văn học nước ngoài 3 tháng trước

Mối tình si của người thiếu nữ

Văn học nước ngoài 3 tháng trước