
Góc biếm họa số 7 (2025)

Ra chợ mua ít thực phẩm cho bữa tối trong lúc người lừng khừng vì cảm sốt, Hưng chạy xe loạng choạng ngã lăn, tay chân trầy xước nhiều chỗ. Anh gọi điện báo tin cho Cầm, không quên dặm thêm những lời cằn nhằn, đổ lỗi cho vợ:
- Nếu em không ôm đồm công chuyện cơ quan, hết giờ làm còn ham việc thì tội vạ này anh làm sao vướng phải.
- Nào ai muốn sự thể ra thế này đâu. Anh ích kỷ vừa thôi, để cho vợ con còn sống nữa.
Cầm lo lắng nhưng cũng bực bội phát cáu. Cô chẳng hiểu mình lấy đâu ra sức lực mà chịu đựng người chồng vô tâm, hay than phiền và đổ lỗi suốt mười mấy năm qua. Chuyện vốn chẳng có gì, thay vì chấp nhận và sẵn sàng đối diện thì Hưng luôn tìm cách bao biện, “hất” sai lầm sang cho người khác, cho thực tế khách quan. Bất đắc dĩ lắm Hưng mới phải một lần đi chợ giúp vợ, vậy mà….
Vợ chồng Cầm hầu như tháng nào cũng có chuyện để cãi vã. Mới tháng trước, Cầm giận tím mặt khi thấy mẹ chồng đăng tải dòng trạng thái hân hoan và cảm kích vì nhận được sự quan tâm của các con, kèm theo đó là bức ảnh chiếc phong thư có dòng chữ nắn nót: “Con trai Duy Hưng chúc mừng mẹ nhân ngày 20/10”. Cô nhắn tin cho chồng hỏi:
- Sao tặng quà mẹ mà lại chỉ viết mỗi tên anh, quà đó là hai vợ chồng mình bàn nhau cùng chuẩn bị cơ mà?
- Ôi dào, quan trọng gì, bà tự khắc biết – Hưng chống chế.
- Anh cứ thế này, bảo sao mẹ chồng con dâu mãi khác máu tanh lòng…
Cứ nghĩ đến chiếc bì thư chúc mừng của Hưng mà Cầm thấy ấm ức. Hưng làm vậy là do anh quá vô tư thành ra vô tâm, hay bản tính ích kỷ đã ăn sâu trong máu? Cầm thì trái ngược, đi bất cứ đám tiệc, sự kiện gì bên gia đình nội - ngoại, cô cũng đều muốn mọi người biết đấy là thành ý chung của hai vợ chồng. Mặc dù có những việc bên ngoại Hưng chẳng nhớ, chẳng để tâm, Cầm vẫn tôn trọng và giữ thể diện cho chồng, thể hiện anh là người chu đáo, tình cảm trước mặt họ hàng.
Hưng là con trai duy nhất, bố mất khi còn nhỏ nên anh được mẹ cưng chiều hết mực. Anh quen sống đơn thuần và không phải lo toan gì, vì mọi việc lớn bé trong nhà đều đã có mẹ. Lúc tìm hiểu yêu đương, Hưng thể hiện bản tính là người nhiệt tình, tốt bụng và thật thà. Tuổi trẻ Cầm nghĩ thế là đủ, nên yêu chưa đầy 2 năm thì cưới. Lúc chuẩn bị hôn sự, Cầm ngớ người và có chút thất vọng vì ngay đến cả chuyện chụp ảnh cưới Hưng cũng không muốn lo, hỏi gì anh cũng bảo tùy ý cô. Việc gì trong đám hỏi, đám cưới anh cũng chẳng chủ động mà ai bảo gì làm nấy. Lúc ấy Cầm cũng chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, đơn giản nghĩ lần đầu cưới vợ ai chẳng bối rối. Cả cô và Hưng đều không rành rẽ gì về các thủ tục, lễ nghĩa, nên việc anh thiếu chủ động cũng không có gì lạ.
Sau khi kết hôn, Cầm dần nhận ra cách sống thụ động và ích kỷ của chồng. Công việc dịp cuối năm là chạy nước rút, ai cũng bận nên chẳng ai làm thay ai được, bất đắc dĩ Cầm phải đi làm sớm khi mới sinh con được hai tháng. Vợ đẻ, dựa cớ có mẹ vợ lẫn mẹ chồng ở gần chăm sóc, Hưng vẫn vô tư đi chơi bóng bàn, cầu lông sau giờ làm. Có lần con ốm phải vào viện, anh nhậu say về nhà vật ra ngủ chẳng biết trời trăng gì. Vợ chồng bắt đầu cãi vã, dằn hắt nhau từ những chuyện rất nhỏ như: sàn nhà bẩn, bồn bếp lộn xộn bát đĩa, hay chậu cây cảnh khô nước không ai ngó ngàng tới… Hưng không phụ đỡ thì chớ, lại còn sẵng giọng chê trách Cầm vụng về. Cầm ức chế nói lại, chuyện bé xé thành to, càng nói càng nặng lời, thương tổn.
Làm chung cơ quan với Cầm nhiều năm, ít nhiều tôi cũng được chứng kiến sự vô tâm của Hưng. Mỗi dịp cơ quan tổ chức đi du lịch kiểu “đoàn kết”, Cầm lại băn khoăn không biết có nên đăng ký cho chồng con đi cùng hay không. Kỳ thật, những chuyến du lịch của Cầm không khác gì là đi hành xác. Cô say xe, nhưng vẫn phải lo cho các con từ chuyện ăn, ngủ, tắm rửa…, nhiều khi mệt bã chẳng thể nào thưởng ngoạn cảnh đẹp hay nghỉ ngơi, thư giãn đúng nghĩa. Còn Hưng thì cứ rảnh rang như người độc thân, thoải mái vui chơi, nhậu nhẹt chẳng để ý, quan tâm gì đến con cái. Nghe Cầm than mệt, anh hồn nhiên trách: “muốn nhàn nhã tận hưởng sao không để con ở nhà cho ông bà trông, đem con đi cùng thì gắng mà lo”.
Hồi vợ chồng Cầm chuẩn bị xây nhà ra ở riêng, thấy cô một mình tất bật tìm và thuê người thiết kế, chọn lựa nơi cung cấp vật liệu, đơn vị thi công, nội thất..., tôi thắc mắc:
- Mấy chuyện này đàn ông lo toan thì ổn hơn chứ, sao thấy em lao tâm lao lực quá vậy?
- Không phải em muốn vơ việc vào mình đâu chị ơi. Ngặt nỗi là kêu làm việc gì chồng em cũng xử lý chậm chạp, lúng túng như gà mắc tóc. Vợ chồng bàn bạc việc chung, có gì trái ý nhau, anh đuối lý là không kiềm chế được cảm xúc, cư xử rất cộc cằn, sẵn sàng đụng tay đụng chân với vợ. Cực chẳng đã em đành phải “cầm chịch” mà cắt đặt mọi việc.
- Tại em cứ lo làm hết việc của chồng rồi, nên anh ta cứ mãi như đứa trẻ to xác vậy đấy – tôi trêu.
- Đúng là bao năm lấy Hưng, lúc nào em cũng lo là không có mình thì mọi việc anh ấy làm sẽ chẳng đâu vào đâu. Thành ra em cứ vất vả lo toan, lâu dần cũng quên mất việc phải san sớt gì với chồng, vô tình khiến Hưng nghĩ rằng người như em chẳng gì làm khó được.
- Đàn bà càng chủ động và mạnh mẽ thì chồng càng thờ ơ với vai trò, trách nhiệm trụ cột vốn dĩ thuộc về anh ta.
- Em đang nghĩ đến một bảng phân mọi việc “trong nhà - ngoài phố” để vợ chồng đều làm trụ cột – giọng Cầm hào hứng.
Kể từ hôm đó, Cầm đã chủ động điều chỉnh bản thân, chọn chấp nhận mọi chuyện theo cách nghĩ tích cực nhất. Hưng làm gì không đúng ý, cô cũng chẳng còn chê bôi, than thở nữa. Khi thấy vợ dễ chịu hơn, tự khắc Hưng cũng thay đổi. Anh có thể vào bếp nấu mì, kèm con học, bỏ đồ vào máy giặt, hỏi ý vợ khi tính làm việc gì… Cầm chẳng còn muốn nghe người ta khen mình mạnh mẽ, sắc sảo, bởi cô hiểu rằng phụ nữ mạnh mẽ không phải vì họ muốn thế, mà bởi chẳng thể dựa vào người đàn ông của mình mà thôi.
Minh Vân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...