
Góc biếm họa số 8 (2025)

Đón con từ trường về, đang tranh thủ cho con ăn hũ sữa chua trước bữa cơm chiều thì nghe tiếng bà cháu nhà bé Tôm hàng xóm. Thấy bạn tới gần, con trai vẫy tay “mời” vào nhà khoe những món đồ chơi mới. Bà ngoại Tôm đặt cái túi nilon đựng mấy chiếc vỏ chai nước và lon bia xuống hè rồi ngồi bệt xuống cạnh cửa. Thấy da mặt bà tái nhợt, vai gáy và hai bên thái dương còn vết đỏ bầm do cạo gió để lại, tôi hỏi chuyện:
- Bác bệnh hay sao mà nay thấy xanh xao quá?
- Mấy hôm rồi ăn uống không được, cứ ăn vào là bị nhợn ói, chóng mặt nhiều nữa. Sáng nay bác mới đi khám, bị trào ngược dạ dày, lấy thuốc các thứ tiêu tốn cả gần 3 triệu bạc.
- Ông bà ở trên này trông coi các cháu, các con mỗi tháng có biếu ông bà được nhiêu?
- Làm gì có đồng nào đâu. Vợ chồng nó vừa sang tên miếng đất gần 2 tỷ, còn đang vay nợ để mua ấy, có đâu mà biếu chứ. Bữa giờ có chỗ bán phở thuê lặt rau, rửa chén, ngày làm 2 tiếng được 60 ngàn, bác làm được nửa tháng rồi, tranh thủ lúc buổi trưa cháu ngủ thôi. Sắp tới vô năm học mới gửi thằng nhỏ đi lớp bác đi làm nguyên ngày luôn. Đi làm có đồng ra đồng vô, muốn mua gì, ăn gì thì chủ động, chứ ở không xin tiền con cái cũng ngại.
- Vâng, bác tính vậy cũng được. Bác còn khoẻ, cháu lớn đi học rảnh rỗi nhiều. Đi làm có tiền tiêu sẽ thoải mái hơn – tôi động viên.
Ông bà từ quê lên ở với vợ chồng con trai từ lúc con dâu sinh bé thứ hai, tới nay cũng đã hơn 3 năm. Cả nhà sáu người chen chân trong căn tập thể gần sáu mươi mét vuông. Nhà nhiều đồ dùng sinh hoạt nên khá chật chội, đến nỗi khoảng trống ở phòng khách chỉ trải vừa chiếc chiếu. Nghe bà kể thì nhà bà còn phải thuê một căn trọ nhỏ gần đây để chứa đồ, vì nhà cửa đất cát ở quê ông bà đã bán gom tiền cho các con lập nghiệp cả rồi. Vợ chồng con trai bà người làm lái xe, người là tạp vụ văn phòng của một cơ quan nhà nước, ngoài lương thì chẳng có thu nhập nào khác. Sống với con, ông bà tất bật việc nhà cửa từ A tới Z, chợ búa cơm nước, tắm giặt, lo cho cháu từng thìa cơm muỗng sữa…, loay hoay cũng hết cả ngày. Tranh thủ những lúc cháu ngủ, bà đi lòng vòng quanh khu tập thể, lục lọi thùng rác tìm kiếm phế liệu, là những bìa cacton, vỏ chai, lon bia… Nhặt nhạnh cả tháng bán được đôi, ba trăm ngàn, ban đầu ông bà cũng nhận về nhiều lời xì xầm vì chiếm chỗ để phế liệu, làm mất mỹ quan. Nhưng lâu dần mọi người thấy ông bà hiền lành, sống phụ thuộc con cái nên cứ âm thầm cặm cụi cóp nhặt, ai nấy cũng dần thông cảm rồi chuyển qua thương tình, nhà nào có phế liệu cũng để dành cho. Nhớ hôm ra tết, nhà có nhiều vỏ lon bia, thấy bà ngang qua tôi gọi bà lấy. Vui chuyện qua lại, tôi khẽ hỏi:
- Tết nay ông bà được lì xì nhiều không?
- Trước tết vợ chồng nó cho ông bà già 2 triệu, mà về quê chơi lên xuống tiền xe gần hết. Con dâu mừng tuổi mỗi người được trăm ngàn.
- Con dâu “tay hòm chìa khoá” thì chặt rồi, còn con trai có “dấm dúi” cho mẹ chút nào không?
- Ôi không có đâu cháu ơi, nó nói ông bà ở đây chúng nó nuôi rồi, có thiếu gì đâu mà cần tiền bạc.
- Sao lại tính là nuôi cha mẹ hả bác? Có ông bà trông nom nhà cửa, con cái, tính ra mỗi tháng nếu mà thuê người làm cho vậy bèo cũng phải 6, 7 triệu đấy.
- Nhiều khi cơ quan con dâu có sự kiện tiệc tùng, hai bác còn phải ăn đồ thừa con mang về nữa ấy cháu ạ. Thì cũng chẳng sao, mình ăn cho đỡ lãng phí, nhưng lắm lúc cũng thấy buồn tủi. Hai thân già lên đây, mang tiếng là giúp con cháu nhưng cảm giác lại thêm gánh nặng kinh tế cho chúng nó.
Đang dở chuyện thì con trai bà đi tới, thấy bà liền hỏi:
- Thằng Tôm đâu?
- Nó chơi bên nhà bé Dâu mà, bà vừa gửi đó chạy qua đây chút xíu à!
- Qua đó không có, về đi tìm cái coi…
Bà nghe con nói vội vã cầm túi vỏ lon bia chạy theo, vừa đi vừa phân trần, anh con trai thì không thôi càu nhàu, gắt gỏng. Đây chẳng phải lần đầu tôi chứng kiến cách nói chuyện chỏng lỏn của anh như thế. Thái độ trò chuyện của anh với cha mẹ lúc nào cũng lộ vẻ bực bội khó chịu như đang giẫm phải gai vậy. Biết là cuộc sống còn nhiều nỗi khó, nhưng được cha mẹ kề cạnh, đỡ đần như vậy quý giá biết nhường nào. Nhìn ông bà dè dặt, luôn nghĩ mình là gánh nặng, thấy thương và cũng thật thấm thía về tình cảm cha mẹ dành cho cho con cái. Chẳng biết tới khi nào các con mới thấu hiểu, để ông bà bớt tâm tư, lo nghĩ mà sống vui?!
Mai Đình
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...