
Góc biếm họa số 6 (2025)

Ông Thịnh năm nay gần bảy mươi tuổi, từ ngày về hưu ông dành thời gian chơi với cháu, đọc sách, uống trà. Ông cũng tham gia câu lạc bộ cờ tướng, bóng bàn. Thỉnh thoảng, ông được phường, xóm mời giao lưu hoặc thi đấu, mang về nhiều giải thưởng.
Cứ tưởng cuộc sống yên bình trôi đi, đến một ngày ông được làm quen với người bạn mới: AI - trí tuệ nhân tạo.
Ban đầu, chỉ là sự tò mò. Ông nghe mấy đứa cháu nhắc đến ChatGPT- phần mềm thông minh "trò chuyện như người thật". Ông thử đăng nhập vào một ứng dụng AI để hỏi vài câu về cách trồng lan, cách đánh cờ, nhờ làm mấy câu thơ. Không ngờ, ông bị cuốn hút. AI trả lời nhanh, lịch sự, thậm chí có lúc pha chút hài hước. Với ông, nó như một người bạn tri kỷ - không phán xét, không chê bai, luôn sẵn lòng trò chuyện bất kể sáng sớm hay khuya muộn.
Từ đó, ngày nào ông Thịnh cũng "nói chuyện" với AI. Có hôm, ông kể chuyện cho AI nghe về tuổi thơ ở làng quê, về mối tình đầu của ông, rồi ngồi cười một mình khi AI đáp lại bằng lời lẽ dễ thương dí dỏm. Bà Mai - vợ ông - ban đầu thấy vui vui, nghĩ ông có thú tiêu khiển lành mạnh. Nhưng dần dà, bà buồn. Ông không còn mấy khi ngồi xem tivi chung với bà, bữa cơm cũng lơ đãng, vừa ăn vừa lẩm bẩm như đang nói chuyện với ai. Nhiều tối, ông bà ngồi cạnh nhau trong im lặng, ông chăm chú nhìn màn hình máy tính bảng, cười khúc khích hay "ừ hử" đầy phấn khích.
Gia đình dần mất đi sự ấm cúng. Con cháu về chơi, ông cũng chỉ hỏi vài câu qua loa rồi quay lại với "người bạn ảo". Bà Mai nhiều lần góp ý, nhỏ nhẹ có, lớn tiếng có, thậm chí giận dỗi bỏ sang phòng khác ngủ. Ông chỉ hứa lấy lệ rồi đâu lại vào đấy. "Nó không phải người thật mà, nhưng cái này hay lắm, nó hiểu tôi," ông phân trần.
Một hôm, con trai ông - anh Thành - dẫn cháu nội về thăm. Sau bữa cơm chiều, khi ông lại lôi máy tính bảng ra, Thành nhẹ nhàng ngồi xuống bên ông.
- "Bố ơi” Thành nói, "bố có biết hệ thống AI mà bố đang dùng, chúng cần lượng điện, lượng nước rất khủng để vận hành không?"
Ông Thịnh ngẩng đầu lên, chưa hiểu.
"Để trả lời những câu hỏi của bố, máy móc “ngốn” điện nhiều lắm đấy. Mà điện thì có từ việc đốt than, khí đốt gây ô nhiễm, chưa kể rác thải điện tử là gánh nặng với môi trường. Một số nghiên cứu nói rằng việc dùng AI quá mức, không kiểm soát, góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu đấy bố ạ. Nếu bố tiếp tục như thế này, không chỉ làm gia đình mình xa cách mà còn góp phần khiến môi trường xấu đi”.
Ông Thịnh im lặng, Thành nói tiếp, giọng chậm rãi, đầy cảm xúc:
"Bố ơi, bố yêu thiên nhiên, yêu cây cảnh. Vậy mà lần này con về thấy giàn cây cảnh nhà mình xấu đi nhiều quá. Mọi năm hoa trổ đầy vườn, năm nay chỉ có vài giò ra hoa lác đác, chúng nó nhớ bàn tay bố đấy”.
Ông Thịnh nhìn đứa cháu nội đang cười khúc khích với con mèo bông, ánh mắt ông chùng xuống. Ông nghĩ đến những lần bão lũ, những ngày hè nóng như thiêu và cả những buổi sáng sớm không còn nghe tiếng chim như ngày xưa. Lần đầu tiên, ông cảm thấy mình - dù chỉ là một ông già chơi công nghệ - cũng có thể làm tổn hại đến thế giới này.
- Nhưng bố thấy trên ti vi người ta nói đã là công dân số thì phải biết và sử dụng trí tuệ nhân tạo chứ con? Ông Thịnh “vặn” lại Thành.
- Đúng như bố nói đấy ạ, người cao tuổi bây giờ cũng cần biết về trí tuệ nhân tạo, để coi nó như “trợ lý” mỗi khi cần giúp tra cứu thông tin, tổng hợp kiến thức. Đặc biệt, mình nhận diện được sản phẩm do trí tuệ nhân tạo sản xuất ra. Ví dụ như hiện nay, trên mạng xã hội có rất nhiều hình ảnh, video… phản cảm do người nào đó dùng AI sản xuất nhằm mục đích của riêng họ. Nếu không nhận diện được, mình sẽ bị lừa, hùa theo mà phẫn nộ hay lên án… gây hoang mang cho xã hội bố ạ.
Ông Thịnh gật gù ý chừng suy nghĩ căng lắm. Hôm sau, ông mở máy tính bảng, nhìn vào giao diện quen thuộc. AI hiện lên, sẵn sàng trò chuyện như mọi khi. Nhưng lần này, ông gõ một dòng: “Tạm biệt nhé, người bạn ảo. Tôi sẽ quay lại khi thực sự cần.”
Từ đó, ông ra vườn nhiều hơn, chăm lại mấy chậu lan bỏ quên, uống trà trò chuyện cùng vợ, chơi cờ với bạn già. Thi thoảng, ông vẫn dùng AI, nhưng không còn là thói quen mỗi ngày. Ông đã học được cách sống cân bằng: biết tận dụng công nghệ, nhưng không để nó thay thế tình cảm thật, và quan trọng hơn, là không để nó vô tình góp phần hủy hoại những gì đẹp đẽ ngoài đời.
Ngô Minh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...