Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
20:22 (GMT +7)

Nhân tướng học trong Truyện Kiều

1. Nhân tướng học (人 相 學) là một hiện tượng văn hóa và khoa học xuất hiện từ xa xưa trong lịch sử, đặc biệt là ở phương Đông, bên cạnh các khoa học khác như thiên văn, lịch pháp, địa lý... Nhân tướng học quan sát nhân tướng để thông hiểu, dự báo quá khứ, tương lai và hiện tại của con người. Nhà nhân tướng sau khi xem tướng, có thể cho biết cát - hung, thọ - yểu, hạnh phúc - bất hạnh, quí - tiện, hiền - ngu, sang - hèn, tai ách, gia nghiệp..., đặc biệt, còn cho biết tính cách, tâm địa, số phận của tướng chủ.

Nhà nhân tướng học biết được các vấn đề ở trên nhờ dựa vào việc xem tứ độc, ngũ quan, ngũ nhạc, lục phủ, các cung vị và cả tướng đi, tướng ngồi, tướng âm thanh, khí sắc, thần thái của tướng chủ. Nguyên lý của nhân tướng học là “Tâm năng sinh tướng” (Tâm có thể sinh tướng), “Tướng tùy tâm sinh, tướng tùy tâm diệt” (Tướng nhờ tâm mà sinh, tướng tùy tâm mà mất đi) và các nguyên lý khác như “Hữu chư nội, tất hình chư ngoại” (Có những cái bên trong tất sẽ hiện ra bên ngoài) và “Hình dĩ định danh” (Hình tướng có thể giúp xác định tính cách, danh phận)...

Do đó, tâm và tướng, hình thức và nội dung, chủ thể và khách thể, cái bên trong và bên ngoài có quan hệ nhân quả, tương thích nhau. Nhân tướng học còn quan sát cả môi trường sống để dự báo, thông hiểu tính cách và số phận. Tướng là thông tin sinh mệnh, là các ký hiệu để dự báo, phân tích nhân sinh. Nhân tướng không bất biến mà thay đổi theo thời gian, chịu sự tác động của cuộc đời, môi cảnh xã hội. “Khán tướng tri nhân” (看 相 知 人) (Xem tướng biết người) chính là sự độc đáo của nhân tướng học.

Ảnh minh họa (nguồn: internet)

2. Nhân tướng học hiện diện khá rõ ràng trong Truyện Kiều. Ở đó, có các nhân vật, các hành động xem tướng, các cách thức mô tả tướng mạo. Nói cách khác, nhân tướng học là một phương tiện để miêu tả nội tâm và ngoại diện nhân vật, số phận của chúng. Nhân tướng học có vị trí không kém phần quan trọng hơn các phương tiện thi pháp và các tư tưởng khác như vai trò của phương hướng, không gian siêu hình, ánh sáng và bóng tối, tư tưởng hiếu sinh, phản chiến... Nhân tướng học là một phương tiện để Nguyễn Du lĩnh hội, cảm thụ cuộc đời và con người một cách rất hiệu quả. Ông khảo sát và mô tả tướng mặt (tiếng Anh là physiognomy, tiếng Pháp là physionomie), tướng tay, tướng đi, tướng ngồi, tướng âm thanh, khí sắc... của nhân sinh Truyện Kiều.

Nguyễn Du thông thạo nhân tướng học. Trong thơ chữ Hán, ông nói về tướng của mình: Thiên địa dữ nhân truân cốt tướng (Trời đất cho người cái cốt tướng gian truân) (Tự thán) (I) (Thanh Hiên thi tập). Gian nan ở đây là do có nhân tướng xấu, suy rộng ra ai có hảo tướng hay khổ tướng là do thiên địa ban cấp, mỗi người có một cốt tướng riêng. Số phận được an bài bởi cái nhân tướng tiên thiên. Trong Truyện Kiều có nhân vật xem nhân tướng chuyên nghiệp (tướng sĩ). Ông này dự báo chính xác cuộc đời bạc bẽo của Kiều. Thúy Kiều còn là nhân vật biết xem nhân tướng và từ đó, dự đoán tương lai của người được xem một cách hiệu nghiệm.

Kiều xem tướng Kim Trọng: Nàng rằng: - “Trộm liếc dung quang/ Chẳng sân Ngọc Bội, cũng phường Kim Môn”. Việc xem tướng ở đây rất có nghề, chỉ cần “trộm liếc”, đã biết hậu vận.

Đối với Từ Hải, sau khi “xem lại cho gần”, Kiều biết Từ Hải sẽ làm nên nghiệp đế vương: Thưa rằng: - “Lượng cả bao dung/ Tấn Dương được thấy mây rồng có phen”. Nghe Kiều đoán tướng, Từ Hải nói rằng, Kiều có “con mắt tinh đời”, “anh hùng đoán giữa trần ai mới già”. Điều này có nghĩa là Từ Hải đã đánh giá cao khả năng khán tướng để dự đoán vận số của Kiều.

Trước khi xem tướng chi tiết, như xem tướng mắt, sơn căn, địa các, thiên đình, luân quách..., nhà xem tướng xem tổng quát về thần thái, thần khí của tướng chủ, để có cái nhìn khái quát về họ. Thần thái của một cá nhân là khó che giấu. “Lễ khả sức, y khả giả, thần khí nan giả” (Lễ có thể giả, trang phục có thể giả nhưng thần khí khó mà giả được) là vậy. Các nhân vật trong Truyện Kiều đều có thần khí riêng. Lấy trường hợp Mã Giám Sinh làm ví dụ thì thấy, dù Mã cải trang trong ăn vận (“bảnh bao”), lễ nghi (đưa canh thiếp, sính nghi, nạp thái, dùng quản huyền...) nhưng ông ta không thể che đậy được thần khí của mình. Kiều có khả năng xem nhân tướng, đọc được thần thái của kẻ khác. Do vậy, Kiều nói với cha mẹ về họ Mã: “Khi về bỏ vắng trong nhà/ Khi vào dùng dắng, khi ra vội vàng/ Khi ăn, khi nói lỡ làng/ Khi thầy, khi tớ, xem thường, xem khinh”. “Tướng bất độc luận” (Xem tướng không luận riêng một nét tướng). Thần thái là tổ hợp các tướng, như tướng ăn nói, tướng đi đứng, cách thức ứng xử... Từ đó, có thể thấy, Mã Giám Sinh là kẻ gian trá, lừa dối, đúng như Kiều đoán định: “Ngẫm ra cho kỹ như hình con buôn”.

Tướng ngồi biểu thị cá tính, quyền uy, số phận hoặc chí ít là tâm trạng. Nguyễn Du cũng dùng tướng ngồi để miêu tả nhân vật. Kiều và Kim Trọng có khi có tướng ngồi khá lãng tử, nghệ sĩ. Đó là “ngồi tựa” (Tựa ngồi bên triện một mình thiu thiu) (Sinh vừa tựa án thiu thiu). Trong phân đoạn cốt truyện mà Nguyễn Du kể, thì đó là dáng ngồi của kẻ đang đê mê, chiêm bao, có chút phong tình. Dáng ngồi này không còn nữa sau khi Kiều lưu lạc và Kim Trọng đã biết đớn đau. Kiều khi đau khổ, “ngồi nhẫn tàn canh” (Cớ chi ngồi nhẫn tàn canh). Tướng ngồi như thế cho biết trạng thái tinh thần của nhân sinh. Khi xót xa muôn vàn, người ta không chỉ nằm dài, ta thán mà còn ngồi bất động, miên man qua canh thâu. Lúc xét xử, trừng phạt, Kiều ngồi một cách quyền uy, trong tư thế quan tòa: “Từ công sánh với phu nhân cùng ngồi”. Tướng ngồi này cũng thấy ở Hoạn Bà: “Giữa giường thất bảo ngồi trên một bà”. Trong khi đó, Mã Giám Sinh, Tú Bà... đều có tướng ngồi thô lậu, trơ tráo, lố lăng: “Tú Bà vắt nóc lên giường ngồi ngay”.

Trong Truyện Kiều, mỗi loại hạng nhân vật có tướng đi riêng, khác nhau. Tướng đi là cái biểu lộ ra bên ngoài của cái bên trong. Nó cho biết học vấn, dòng dõi, tâm tính. Kiều và Kim Trọng đi khoan thai, thư thả, thong dong: “Bước lần theo ngọn tiểu khê”; “Hài văn lần bước dặm xanh..”. Trong khi đó, sai nha đi “ào ào như sôi”. Tướng đi của sai nha cho biết trước họa phúc, lành dữ tức tiến trình tiếp theo của cốt truyện. Độc giả quí mến hay bất bình, thiếu thiện cảm với các nhân vật, một phần nằm ở việc tiếp xúc với tướng đi của chúng. Tướng đi của Kiều và Kim Trọng đôi lúc vội vàng: “Nhớ nơi kỳ ngộ vội dời chân đi”; “Vội về thêm lấy của nhà...” Tướng đi này thể hiện cái vồn vã, xao động, nồng nàn của tình yêu - động lực thúc đẩy bước chân. Ở đây, Nguyễn Du đã dùng tướng đi để mô tả tâm trạng khi yêu, nhất là tình yêu thuở ban đầu.

Âm thanh (giọng nói) cũng là một đối tượng của nhân tướng học. Tùy vào tâm thái, địa vị, tình cảm, lòng dạ... mà người ta có các kiểu tướng âm thanh khác nhau. Nhân sinh trong Truyện Kiều có tướng âm thanh với đặc điểm, ngữ điệu không giống nhau. Cha mẹ Kiều nói bằng giọng thương xót con cái, Hoạn Thư có giọng chua ngoa, Hồ Tôn Hiến có giọng uy nghi, sai nha nói bằng “tiếng ruồi xanh”... Như vậy, dựa vào tướng âm thanh, có thể khu biệt được tính cách nhân vật, tâm địa của chúng. Thế giới nhân vật trở nên đa dạng nhờ vào sự tương thích của tướng âm thanh và đặc điểm nhân cách của chúng.

Nhân vật Kiều không phải là cô Tấm. Kiều phức tạp, đa nhân cách. Điều này có thể nhận biết qua tướng âm thanh. Kiều nói với Kim Trọng, Sở Khanh, cha mẹ, sư Giác Duyên... khác nhau, khi thì dạt dào, khi thì thuyết lý, lúc thì chua chát, mỉa mai. Kiều “sắc sảo” là vậy. Tùy thuộc vào đối tượng, hoàn cảnh, kiểu loại người mà nhân vật này có tướng âm thanh sao cho phù hợp. Vì vậy, tướng âm thanh của Kiều đa dạng, phức hợp. Chúng cho thấy Kiều vừa sắc nét, chua chát, vừa nhân hậu. “Cầu toàn tại thanh âm” là vậy.

Nhân tướng học còn hướng đến quan sát và phân tích khí sắc (da người...) và màu sắc của tự nhiên để thông hiểu con người. Theo quan niệm thời trung đại, tự thiên và con người có quan hệ tương hỗ. Nhân tướng học xem tóc con người là hoa cỏ, mũi là núi non, mắt là mặt trăng, mặt trời, miệng là sông hồ, biển cả. Quan sát cây cỏ, nắng mưa, thời tiết, các mùa..., có thể biết được tâm trạng con người.

Trong Truyện Kiều, rất nhiều lần Nguyễn Du sử dụng phương cách này. Đó có thể là khi Kiều đi hội Đạp Thanh, khi Kiều suy tư tại lầu Ngưng Bích... Đó là vì môi trường sống của con người cũng là một đối tượng của nhân tướng học. Khí sắc con người và tự nhiên ngoài việc cho biết tình trạng tâm lý, sức khỏe, tai ách, còn cho biết vận hội của tướng chủ. Khi sư Giác Duyên chờ cứu vớt Kiều thì không gian có màu vàng là màu chủ vui vẻ, tài lộc: “Một gian nước biếc, mây vàng chia đôi”. Thúc Sinh “Mặt như chàm đổ, mình dường dẽ run” trong buổi đền đáp và trừng phạt. Màu “chàm đổ” chỉ sự lo âu, nguy nan, kinh sợ. Trong khi đó, viên quan xử kiện mặt có màu đen là màu tai ách, nguy hiểm: “Trông lên mặt sắt đen sì”. Màu hồng đắc tài, đắc lợi, biểu trưng của hạnh phúc thì xuất hiện khi Thúc Sinh về với Hoạn Thư: “Sinh đà về đến lầu hồng xuống yên”. Trong khi đó, màu trắng, chủ của tang y, chết chóc, hiện hữu trong lời nói đau thương của Kiều về chính mình: “Dẫu rằng xương trắng quê người quản đâu”.

Khi mô tả tự nhiên, Nguyễn Du sử dụng màu sắc của ngũ hành. Màu xanh thuộc hành mộc, mùa xuân, nên nhà thơ viết: “Cỏ non xanh tận chân trời”; mùa hè thuộc hành hỏa, cỏ màu đỏ: “Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông”. Rõ ràng, con mắt khi nhìn, miêu tả, phát hiện ra các màu của Nguyễn Du là con mắt nhân tướng học. Như vậy, khí sắc của con người và cảnh quan, có thể nói, đã được “phối hợp với thời gian, khí hậu, ngũ hành mà quan sát”(1).

Nguyễn Du rất quan tâm đến việc mô tả tướng mặt của nhân vật. Tướng mặt là phương tiện đắc địa, là ký hiệu, dữ liệu cho biết rất rõ các phẩm tính bên trong của chúng. Nguyễn Du có hàng chục lần nói tới “mặt” các nhân vật.

“Mặt” có khi là nhân cách, phong thái của một cá nhân. Kiều kết tội Sở Khanh: “Rõ ràng mặt ấy - mặt này chớ ai”. Khi chỉ sự trơ tráo, nhà thơ nói “mặt dạn mày dày”, khi chỉ sự u buồn thì “mặt ủ mày chau”, khi hung hăng thì “đầu trâu mặt ngựa”... Mặt của Bạc Hạnh là “mặt bạc”: “Bạc đen mặt bạc kiếm đường cho xa”; trong khi đó Sở Khanh có “mặt mo”: Mặt mo đã thấy ở đâu dẫn vào”. Dân gian nói: “Mặt dày như mo, ăn no phá hoại”. Thúy Vân “da trắng tóc dài”, khuôn mặt đầy đặn, tiếng nói thanh thanh, mày ngài. Đây là tướng của phụ nữ “vượng phu ích tử”, bình thường, thực tế, có chồng, sinh con, làm nội trợ, quản gia, có thể tư vấn cho chồng, hiểu và thương chồng, không có nét bay bướm, hoa nguyệt, đa tình.

Tướng của Kim Trọng hào hoa nhưng lụy tình, nhu cầu tình dục cao. Tướng Từ Hải là tướng rồng, thân hình cao lớn, giọng nói hào sảng, đầu hổ, hàm én, trán vuông, miệng to, “có thể làm quân vương”(2), có “chân mệnh đế vương”(3). Dân gian cũng nói: Hàm rộng, miệng cọp: anh hùng/ Hàm rắn, miệng chuột: bất trung vô nghì. Đặc biệt, Từ Hải có lông mày dáng con tằm, lông mày tướng, “Thiết diện kiếm mi, binh quyền vạn lý” (Mặt sắc, mày gươm, quyền binh vạn dặm), phẩm đức hơn người. Tuy nhiên, tướng Từ Hải cũng là tướng của kẻ “hữu dũng vô mưu”, thiếu bản lĩnh, kinh nghiệm chính trị. Quyết định giải binh là sai lầm chí tử.

Kiều là nhân vật duy nhất trong Truyện Kiều được miêu tả đôi mắt: “Làn thu thủy, nét xuân sơn”. Theo tướng thư, đây là mắt thu, mắt đào hoa, cho biết tướng chủ đa tình, huê tình và “dâm”(4), đồng thời có tài năng văn chương nghệ thuật, có sức quyến rũ về tình dục và nhan sắc, có quan hệ tốt đẹp với cha mẹ và chị em. Đôi mắt là ký hiệu rất có ý nghĩa. Người phương Tây nói “The eyes are the windows to the soul” (Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn) là vì vậy. Nguyễn Du còn xem/ mô tả tướng lông mày của Kiều. Lông mày là bộ vị quan trọng cho biết nhan sắc và đường đời của nhân sinh. Người Pháp nói: On donna des yeux à aveugle et il se mit à demander les sourcils (Nếu cho gã mù đôi mắt, anh ta sẽ đòi thêm lông mày). Kiều có lông mày cong như trăng non, như lá liễu: “Đào hoen quẹn má, liễu tan tác mày”; “Mày ai trăng mới in ngần”. Về mặt tướng lý, phụ nữ có “mi thanh nhãn tú”, mày cong như vòng cung, sáng sủa, thanh nhã là lông mày đẹp, có quý tướng, đồng thời cũng cho thấy họ là những kẻ đa tình, đa sầu đa cảm, nếu không khéo, có thể long đong trong tình trường và cuộc đời. Dân gian cho rằng: Những người đôi mắt lá răm/ Đôi mày lá liễu đáng trăm quan tiền.

Nguyễn Du không mô tả cụ thể tướng tay của Kiều nhưng ông nói Kiều có tướng tay đẹp như tay tiên: “Tiếng đàn dìu dặt tay tiên; Tay tiên một vẩy đủ mười khúc ngâm”. Đây là tướng tay của kẻ tài hoa, thanh nhã, có phúc tướng, quý tướng. Kết thúc Truyện Kiều, Kiều hạnh phúc là nhờ vậy.

Kiều còn có tướng quyến rũ về tình dục. Nguyễn Du mô tả thân thể Kiều khi khỏa thân: “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”. Tướng học nói, “Hảo diện bất như hảo thân” (Mặt đẹp không bằng thân đẹp). Tướng thân Kiều như thế, có khả năng mê hoặc về nhục dục, thu hút sự say mê của kẻ khác phái, vì vậy, Nguyễn Du mới nói đến “Biết bao bướm lả ong lơi” giữa Kiều và khách chơi còn Mã Giám Sinh thì tiên đoán sau này “Vương tôn quý khách ắt là đua nhau”.

Kiều lưu ly 15 năm nhưng thật sự khổ đau dồn dập chỉ khoảng 5 năm đầu. Khi viên lại họ Đô nói Từ Hải chết, “đã ngoại 10 niên”, nghĩa là Kiều sống với sư Giác Duyên khoảng hơn 10 năm. Tai ách đã đổ lên thân cô gái đẹp tài hoa khi cô ấy chỉ chừng 16 - 20 tuổi mà thôi! Kiều có nhiều tướng quí cách song cũng có phá tướng. Đó là việc Kiều không có con, dù có nhiều chồng (Mỹ nhi vô tử). “Có con có của”, không có con ảnh hưởng tới số phận Kiều. Tiếp đến, Kiều cầu an, cầu lạc. Cái chết của Từ Hải một phần nằm ở phá tướng này.

Tướng của nhân sinh trong Truyện Kiều cũng biến đổi, do tâm, cuộc đời biến đổi. Kiều không còn nét đan thanh thuở con gái sau nhiều năm lưu lạc. Khi ở lầu xanh Kiều “mặt dạn mày dày”, khi làm hoa nô ở dinh Hoạn Bà thì “tóc rối da chì” còn khi trùng phùng gia đình và Kim Trọng thì “Mười phần xuân có gầy ba, bốn phần”. Đó cũng là những lúc Kiều có suy nghĩ sâu sắc hơn, chín chắn hơn, có quan niệm mới về cuộc đời, trinh tiết, sắt cầm.

Tâm và tướng do đó, đi song hành, có quan hệ, tương hỗ với nhau. Tuy nhiên, có khi, theo Nguyễn Du, tâm bên trong không tương hợp với hình tướng bên ngoài. Điều này thấy ở nhân vật Hoạn Thư: “Giận dầu, ra dạ thế thường/ Cười dầu, mới thực khôn lường hiểm sâu”. Đây là trường hợp hy hữu, không như tướng lý nói.

3. Nguyễn Du như vậy, rất thông thạo nhân tướng học. Ông sử dụng nó như một thủ pháp để miêu tả tính cách, tâm địa và dự báo số phận nhân sinh. Nói cách khác, Nguyễn Du nhìn nhân sinh bằng con mắt của tướng thuật. Hầu như không có các bộ vị, các cung tướng quan trọng nào trong nhân tướng học không được ông khảo sát một cách sành sỏi, với sự am hiểu sâu sắc. Ông kết hợp nhân tướng học bác học và cách xem tướng của dân gian. Nhân tướng học phổ biến thời trung đại, trong giới có học và dân gian. Một nhà Nho được coi là tài tử, do vậy, phải có hiểu biết về nhân tướng học. Nguyễn Du không chỉ thông hiểu các nguồn tư tưởng, tín ngưỡng uyên thâm, phức tạp, như Nho học, Đạo giáo,... mà ông còn sở hữu cả nhân tướng học và dùng nó như một phương thức để tri nhận, thụ lĩnh nhân sinh và cuộc đời. Truyện Kiều được dân gian, độc giả các thế hệ ưa chuộng còn bởi vì nó được sáng tạo theo/ bằng tư duy nhân tướng học. Đặc thù này làm cho Truyện Kiều khác xa với cuốn tiểu thuyết nguồn của Thanh Tâm Tài Nhân.

 

Chú thích:

(1) Lê Tiến Thành và Tiểu Hằng, Giải mã bí mật cuộc sống qua tướng mạo, NXB Lao động, Hà Nội, 2008, tr 331.

(2) Lý Cự Minh (Đan Long dịch), Tự xem tướng mặt, NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2018, tr 285.

(3) Thiệu Vĩ An, Xem mặt biết người, NXB Thời đại, Hà Nội, 2013, tr 27.

(4) Lê Thành, Người đàn bà trong tướng mệnh, NXB Thanh Hóa, 2006, tr 127.

 

Trần Ngọc Hồ Trường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy