Thứ tư, ngày 18 tháng 09 năm 2024
11:40 (GMT +7)

Cảm hứng triết luận trong thơ Vũ Đình Toàn

Không phải ngẫu nhiên Vũ Đình Toàn bộc bạch trăn trở khi nhà thơ suy tư về khái niệm “Thi sĩ”:

Người là ai mà lạ lùng thế vậy?/ Là ăng ten thu phát sóng tâm hồn/ Là cây cầu nối bờ tim nhân loại/ Hay kẻ lữ hành lầm lũi cô đơn?/ Là kẻ tầm thường không chấp nhận tầm thường/ Nghèo xơ xác hay giàu như tỷ phú?/ Rút ruột cho đời hay tận cùng hưởng thụ?/ Véo von ca hay chua chát lạnh lùng?/ Cả thiên đường địa ngục cũng đòi ôm/…(Thi sĩ)

Cảm hứng triết luận trong thơ Vũ Đình Toàn
Chân dung nhà thơ Vũ Đình Toàn

Trăn trở tìm câu trả lời cho câu hỏi: Thi sĩ, Người - đích thực là ai? cho thấy Vũ Đình Toàn luôn ý thức truy vấn bản thân về ý nghĩa của việc làm thơ. Từ sự truy vấn đó, hành trình kiếm tìm sự đổi mới cho thơ của Vũ Đình Toàn là một hành trình bền bỉ, và đã có những thành công nhất định. Yếu tố triết luận là một trong những biểu hiện giá trị thơ của Vũ Đình Toàn thiết nghĩ cần được ghi nhận.

Các nhà lý luận cho rằng, trong sáng tạo nghệ thuật, tính triết luận sẽ xuất hiện khi cảm xúc của nhà thơ thăng hoa trong lúc suy nghĩ, phân tích, giải thích, biện luận những vấn đề hiện thực cụ thể mà nhà thơ trải nghiệm. “Triết” là triết lí, “luận” là bàn luận; “triết luận”, có thể hiểu chung lại là triết lí và bàn luận.

Thông thường nhà thơ triết lí và bàn luận về những vấn đề con người và xã hội. Cảm hứng triết luận là hứng thú được tranh luận, biện giải khi bắt gặp những chất liệu cuộc sống, những vấn đề nhân sinh và xã hội gần gũi với những chiêm nghiệm, suy tư lâu dài của nhà thơ, được nhà thơ sáng tạo thành các tứ thơ. Như vậy, triết luận chính là chất lý trí, chất trí tuệ cao có giá trị nhận thức mới mẻ, sâu sắc. Khi cảm hứng triết luận trở thành cảm hứng chủ đạo thì tác phẩm sẽ mang hơi hướng của sự phân tích, biện giải và tính triết lí sẽ xuất hiện thường xuyên ở các tác phẩm làm nên nét riêng của nhà thơ. Tính triết luận trong thơ Vũ Đình Toàn cũng không nằm ngoài quy luật trên.

Đọc thơ Vũ Đình Toàn, bạn đọc dễ dàng nhận thấy trong nhiều bài thơ: Mẹ tôi với quyển Nôm Kiều, Trở về lục bát của ta, Tao đàn ta đó, Tới thành Nam nhớ Tú Xương, Thi sĩ, Hồn thơ một thuở, Hiện tượng, Nguyên sơ, Cõi thơ, Tri âm, Lũ trẻ bên hồ, Với nàng Thơ, Đi tìm ngôi đền cổ tích, Tình yêu vĩnh cửu, Cháy một niềm thơ, Thực và mơ, Rượu thơ, Dạ hương đêm mưa, Cái án cô đơn, A men! A Di Đà Phật, Và ta tồn tại, Chiếc bánh, Xem Nhật thực, Huyền thoại khát, Vỡ tim, Ảo ảnh trên sa mạc, Chùa hoang hoa đại, Anh là nửa giọt sương, Thập kỷ giã từ, Tận cùng nước mắt… ở những mức độ, cung bậc khác nhau tác giả đều rất chú tâm bộc bạch những suy tưởng, luận bàn về con người và cuộc sống mang chiều sâu triết học. Và có lẽ chính vì mang yếu tố triết luận như vậy nên nhiều bài thơ của Vũ Đình Toàn đã neo lại trong tâm thức bạn đọc những mỹ cảm sâu sắc, ấn tượng.Đọc thơ Vũ Đình Toàn chúng ta thấy rất rõ, nhà thơ thường chiêm nghiệm về Thơ, về Tình yêu và những vấn đề đời sống đang diễn ra thường nhật.

Vũ Đình Toàn quan niệm Thơ là người bạn đồng hành cùng con người trên hành trình cuộc sống. Thơ giữ gìn cuộc sống thanh bình, đan kết “ấp iu tình đời”: “Chén quỳnh sóng sánh đầy vơi/ Người yêu thơ lại yêu người yêu thơ…/ Người được yêu, thơ được yêu/ Đời lên, thơ dậy như diều gió căng (Tao đàn ta đó). Tự cổ xưa, thơ như một sinh thể, sống cùng con người, chia sẻ cùng người những buồn vui cay đắng. Đối với Vũ Đình Toàn, thơ là một “nhân vật”, là người bạn gắn bó, vừa an ủi con người vừa tiếp thêm sức mạnh cho con người.

Truyện Kiều của Nguyễn Du - một câu chuyện thơ vốn thân thuộc với bao thế hệ người Việt, và Truyện Kiều cũng gắn bó cùng hình ảnh bà Mẹ như một kỷ niệm không thể xóa nhòa trong ký ức của nhà thơ; Truyện Kiều hành trình cùng cuộc đời “đông dài u ám” trăm ngàn cơ cực của Mẹ:

Quyển nôm Kiều khiến mẹ hóa “người sang”.../ Câu thơ Kiều an ủi bước tha hương.../ Nhưng lòng Kiều thì mẹ quyết đinh ninh/ Những năm tháng mịt mù bom Mỹ/ Mẹ bảo Kiều hay nhất khúc du Xuân. (Mẹ tôi với quyển nôm Kiều)

Trong thức nhận của thi nhân, Truyện Kiều - tuyệt phẩm thi ca của dân tộc trở thành điểm tựa tinh thần vững chãi cho những thân phận người chìm nổi trên cõi tạm…hành trình cùng con người đối diện với bao thăng trầm chìm nổi, khó khăn, bi kịch nhất. Truyện Kiều nói riêng và thi ca nói chung góp phần không nhỏ để tôn vinh giá trị cuộc sống cho con người và đồng thời cũng là nguồn sống, là nơi giúp con người thêm sức mạnh, củng cố lòng kiên định, ý chí, nghị lực và đắp bồi cả sự bao dung, nhân hậu với cuộc đời.

Thơ vốn là sự kết tinh của tâm hồn thanh tao, cao quý, thiêng liêng, là kết tinh cho cái đẹp, cái cao cả của thế giới tinh thần con người. Cho nên Vũ Đình Toàn cũng trân quý gọi Thơ với hai tiếng “Nàng Thơ”. Nàng Thơ mang chứa nhiều vẻ đẹp bí ẩn, xa xôi…Vũ Đình Toàn đã hơn một lần băn khoăn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Thơ khởi sự từ đâu? Tác giả đi kiếm tìm nàng Thơ ở nhiều thời gian và không gian, hoàn cảnh khác nhau: Tìm khi nắng lửa mưa tuôn ngợp trời…Tìm Em sau cuộc rượu tàn…Tìm Em trước ánh bình minh… Và cuối cùng, thi nhân ngộ ra: Chợt nghe vẳng tiếng đau đời/ Hiện lên như một phép màu … là Em (Nàng Thơ).

Phải chăng thì sĩ muốn khẳng định: Thơ là tiếng lòng chia sẻ cùng những mảnh đời bất hạnh, là tiếng nói chưng cất bởi tình yêu thương giữa con người với con người…! Muốn tìm thấy “Nàng Thơ” thì mỗi người cầm bút phải dám dấn thân hết mình cho cuộc đời, sống cùng muôn cung bậc cảm xúc “Dày vò muôn nỗi ưu phiền tái tê”, thơ chỉ được kết tinh khi trong tim xúc động đã tràn đầy.Thơ cũng là nơi tái hiện chân dung tinh thần của người làm thơ chính xác nhất: Nếu thơ là cõi đắng cay/ Thì người thơ kẻ lưu đày thế gian/ Nếu thơ là cõi đa đoan/ Thì người thơ kẻ chứa chan ân tình… (Cõi thơ)

Trong quan niệm của tác giả, thơ là cõi “mơ hồ”, là cõi “tiêu tao”, vì thế không thể đòi hỏi một sự cắt nghĩa rõ ràng, tường minh mọi lẽ, thơ chính là “người thơ” - thơ ẩn chứa thông điệp về thân phận con người.

Vũ Đình Toàn quan niệm thơ cũng là “gương soi” để những người bạn tri âm có thể nhìn thấy chân dung “con người bên trong con người”: Tôi đã nhận ra “tôi” trong thơ anh - tất cả/ Một “cái tôi” trắc ẩn nhân tình/ Một “cái tôi” khao khát được là mình…(Tri âm).

Đặc biệt, trong thơ Vũ Đình Toàn hơn một lần xuất hiện biểu tượng “ngôi đền” với dụng ý nghệ thuật rõ nét: Một ngôi đền/ Rất thiêng/ Và rất thơ/ Khát khao chiêm ngưỡng/ Người dành cả cuộc đời/ Hành hương đi cùng trời cuối đất/ Chỉ mong được một lần quỳ xuống hôn chân thần tượng/ Nhưng đi mãi đi hoài mà chẳng tới nơi…Ngôi đền ở đâu? Thần tượng ở đâu? (Đi tìm ngôi đền cổ tích). Tìm mãi tìm mãi …ngôi đền của vị thần Tình Yêu/ Tìm mãi tìm mãi... một ốc đảo cây xanh nước ngọt (Ảo ảnh trên sa mạc).

Trong quan niệm văn hóa “ngôi đền” tượng trưng cho những điều cao quý, nơi gửi gắm niềm tin về tâm linh, khát vọng hướng đến chân, thiện, mỹ của con người, là nơi thiêng liêng được tôn thờ. Trong thơ Vũ Đình Toàn, biểu tượng “ngôi đền” không nằm ngoài ý nghĩa đó, nhưng nó được mở rộng nội hàm ý nghĩa để cắt nghĩa về Tình yêu và khát vọng vô bờ của con người. Ngôi đền - Tình yêu, hạnh phúc là lý tưởng, là đích đến của một đời người.

Vũ Đình Toàn coi Tình yêu như “ngôi đền” thiêng liêng, đáng tôn thờ suốt cuộc đời. Nhà thơ ví mình như “kẻ hành hương lạc đường, đói khát… tháng năm dài lang thang trên sa mạc” (Ảo ảnh trên sa mạc), khát khao đến được bến bờ. Song, hành trình con người kiếm tìm Tình yêu, hạnh phúc là hành trình nhiều khi đơn độc, và phía trước là điệp trùng thử thách khó khăn, gian khổ. Vì vậy, nhiều khi tình yêu và hạnh phúc chỉ là “ảo ảnh”, chỉ là giấc mơ trên cõi đời này; Dẫu biết vậy, kẻ “si tình “ say khát vọng vẫn kiếm tìm mặc cho chỉ nhận được “quả đắng “: mũi mồm bỏng rát/ tim phổi ruột gan đầy cát…(Ảo ảnh trên sa mạc). Tìm không thấy nhưng con người dường như không chịu khuất phục: Người bước lên/ tiếp tục/ đi/ tìm… (Đi tìm ngôi đền cổ tích).

Phải chăng với thơ, Vũ Đình Toàn muốn chia sẻ cùng bạn đọc một thông điệp: Tình yêu - “ngôi đền thiêng” mãi mãi là nơi tỏa ánh sáng thần diệu, vẫy gọi, hút hồn người qua bao năm tháng. Vì sao như vậy? Vì tình yêu luôn song hành cùng cái Đẹp và Sự sống, cuộc đời thực vốn nhiều bi kịch nhưng:  Ta còn yêu/ Và ta tồn tại/ Mắt vẫn nồng nàn say đắm màu xanh/ Tai vẫn ru thánh thót nhạc ân tình/ Môi vẫn khát. Và vị đời vẫn ngọt…(Và ta tồn tại). 

Qua quá trình nghiệm sinh sâu sắc nhà thơ đúc kết một quy luật của cuộc sống: thi ca nói riêng và cái Đẹp nói chung như một giấc mơ “cổ tích” - Đó tựa một ngôi đền thiêng liêng, lý tưởng, không dễ gì nắm bắt, và thậm chí suốt một đời mê mải kiếm tìm cũng chắc gì tìm thấy. Hành trình đi tìm cái Đẹp là một hành trình gian khổ, công phu, vĩnh viễn không giới hạn, tuy vậy từ bao đời nay, con người chưa bao giờ nguôi khát vọng chinh phục cái Đẹp, còn hy vọng là còn tiếp tục hành trình không mệt mỏi.

Thơ Vũ Đình Toàn mang lại cho chúng ta niềm tin: Cây hạnh phúc đang chờ ai can đảm (Và ta tồn tại). Có bản lĩnh bảo vệ Tình yêu và bền bỉ, thủy chung cùng Tình yêu rồi con người sẽ thu hái trái ngọt - đó không phải chỉ là một tinh thần lạc quan để an ủi bạn đọc mà đó là một đúc kết hoàn toàn có cơ sở theo luật nhân quả trong sự vận hành của đời sống. Bởi lẽ như vậy cho nên khát vọng chinh phục Tình yêu, hạnh phúc nam nữ nói chung và Tình yêu con người nói chung là khát vọng vĩnh hằng, luôn luôn mới, luôn luôn hấp dẫn loài người và chỉ Con Người (viết hoa) mới có thể thấu hiểu sâu sắc điều này!

Yêu thơ cũng đồng nghĩa với yêu cái Đẹp, cái Thiện và khát vọng “chạm” tới tận cùng những tuyệt mỹ - điều này cho thấy với nhà thơ sáng tạo thi ca đã trở nên nhu cầu tinh thần của tác giả, tìm đến với Thơ cũng là để chiến thắng chính mình, đó là cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối, giữa lòng yêu đời, yêu người và sự thờ ơ, vô cảm, lụi tàn…

Đọc thơ Vũ Đình Toàn, lắng nghe thật sâu, có lúc chúng ta nghe tiếng “gào thét” “bàng hoàng “ (từ dùng của Lỗ Tấn) của nhân vật trữ tình trên hành trình ráo riết kiếm tìm giá trị cuộc sống. Nhà thơ chua xót nhận ra: Trông lên: trời thẳm mịt mù/ Nhìn xuống: điệp trùng biển cát/ Đêm: rét thấu xương/ Ngày: lửa táp  (Ảo ảnh trên sa mạc). Tuy vậy, chưa bao giờ thi sĩ thất vọng, chúng ta bắt gặp Vũ Đình Toàn luôn đau đáu, trăn trở chính phục “nàng Thơ”- người Đẹp đặc biệt luôn ám ảnh, thắp ngọn lửa khát vọng khôn nguôi trong trái tim thi sĩ :

Muốn lùa đêm tối cướp bình minh/ Muốn thay óc lạnh bằng tim nóng/ Muốn ngắt hoa tươi khỏi lá cành…/ Ừ nhỉ, tôi điên, nhưng chẳng lạ/ Lòng tôi đang cháy một niềm thơ. (Cháy một niềm thơ)

Thơ ca hấp dẫn từ cổ chí kim bởi không những dễ làm xúc động và lấy đi nước mắt của người đọc, có khả năng từ trái tim đi thẳng đến trái tim mà còn giúp ta bừng ngộ và khám phá ra bao chân lý ở đời. Đó chính là sự hài hòa thẩm mỹ giữa cảm xúc và lý trí, giữa sự rung ngân của con tim biết hát và một trí tuệ giàu suy tưởng về lẽ người, lẽ đời.

Người làm thơ “có nghề” thường luận bàn về một vấn đề, một khía cạnh của đời sống nhân sinh từ những chiêm nghiệm, nhờ đó giúp cho độc giả có cái nhìn thấu đáo và sâu sắc hơn về cuộc đời và con người thông qua hình tượng nghệ thuật. Tính triết luận trong thơ làm cho thơ thêm sắc cạnh, độc đáo và ấn tượng hơn trong tiếp nhận của bạn đọc nhờ vào tứ thơ đã chuyển hóa thành quan niệm sống của cá nhân thi sĩ. Vì vậy, triết luận thiên về suy tưởng, biện giải nên bao giờ cũng thấm thía và có chiều sâu nhận thức.

Triết luận là một khái niệm có nội hàm phong phú, nó bao chứa cả triết lý và cả hình thức triển khai tính triết lý ấy trong một chỉnh thể nghệ thuật. Vì vậy, tính triết luận trong thơ thường chi phối đến bút pháp nghệ thuật và hình thức kiến tạo tác phẩm của nhà thơ. Những vấn đề trên ta cũng có thể bắt gặp trong thơ Vũ Đình Toàn, và ở những bài thơ như: Ảo ảnh trên sa mạc, Tự vấn, Và ta tồn tại, Cái án cô đơn... thấy rất rõ đặc điểm trên.     

Chẳng hạn đó là chứa chất những suy tư của một người thầy đầy trách nhiệm với công việc “trồng người: “Cuộc đời và tiết giảng/ Là một hay là hai?/ Câu hỏi chừng đơn giản/ Mà sao khó trả lời (…) Sáng vừa giảng niềm tin/ Chiều đã nghe nói dối/ Sáng thành thật hết mình/ Chiều giấu đầu trong bụi…Tiết giảng luôn trong veo/ Đời lập lờ sáng tối …(Tự vấn).

Tiết giảng thăng hoa với bao “vui say”, khát vọng, tiết giảng là “sân khấu” rực rỡ màu hồng; còn cuộc đời vốn trần trụi, đầy “bùn nhơ”, “cỏ dại”, và dối trá. Sau những vần thơ sử dụng đắc địa lối so sánh ẩn dụ để lột tả sự trớ trêu, bi hài của nghề làm thầy là nỗi day dứt khôn nguôi khi tác giả thức nhận rõ khoảng cách giữa tiết giảng và cuộc đời là sự “xa cách biển trời”: Sao không xích gần lại? Làm sao xích gần lại?

Những câu hỏi liên tiếp dồn nhau để kết thúc bài thơ như dội lên khát vọng: Phải làm sao để giữa bài giảng và hiện thực cuộc sống rút ngắn khoảng cách? Sở dĩ có nỗi niềm trăn trở này phải chăng là bởi vì Vũ Đình Toàn luôn ý thức rất cao trách nhiệm và lương tâm người thầy giáo. Trên giảng đường, trong tiết học, thầy nói bao điều tốt đẹp, bao lý thuyết cao siêu nhưng hiện thực cuộc sống đầy tiêu cực “nhức buốt” khiến trái tim nhà giáo yêu nghề, yêu trẻ không thể bình yên.

Câu hỏi: Tồn tại? Không tồn tại? (Tự vấn) tưởng đã lùi vào dĩ vãng vẫn ráo riết truy vấn nhà thơ. Rồi con người sẽ sống ra sao khi niềm tin bị xói mòn nhất là với thế hệ trẻ - những người đang học tập trong nhà trường? Đó là câu hỏi mà bất cứ ai có lương tri, lương tâm cũng phải day dứt quan tâm trong thời đại kim tiền nhốn nháo, và thầy giáo - nhà thơ Vũ Đình Toàn đã giúp chúng ta chia sẻ những nỗi niềm đau đáu không phải dễ ai cũng có thể trải lòng!

Thơ dễ đi vào lòng người chính nhờ khả năng cảm hóa, thấu hiểu “tha nhân”. Ở một số bài thơ khác, bên cạnh triết luận về Thơ, về Tình yêu, Vũ Đình Toàn còn triết luận về những vấn đề thế sự nhân sinh khác như vạn vật trong dòng trôi chảy của thời gian, sự cô đơn bản thể của kiếp người...

Ví như trong Chùa hoang hoa đại, Vũ Đình Toàn chọn lối diễn đạt tự do, câu chữ buông rơi như những cánh hoa đại thơm ngát đang Thơm/ vào/ hư vô… hình thức thơ “mang tính quan niệm” gợi liên tưởng đến một không gian trong trẻo, tĩnh lặng lạ thường, sự biến ảo của vạn vật theo thời gian: đối lập giữa “xưa” và “nay”, giữa mất và còn, tồn tại và không tồn tại … trong dòng chảy vô thủy vô chung của thời gian còn lưu lại điều gì? Có gì đó xót xa, tiếc nuối về sự mất mát, hư hao của vạn vật mà không gì có thể ngăn trở được… tất cả phải chăng rồi trở thành “chùa hoang”? Tận cùng nơi tiềm thức mỗi người những kỷ niệm được đánh thức, mà nói như Văn Cao khi suy ngẫm về thời gian: Thời gian qua kẽ tay/ Làm khô những chiếc lá/ Kỉ niệm trong tôi/ Rơi/ như tiếng sỏi/ Trong lòng giếng cạn...(Thời gian) nó nhắc nhở con người cần biết trân trọng mỗi “satna” quý báu khi có mặt ở cõi đời.

Được sinh ra và lớn lên trong cuộc đời, mỗi người hiện diện là một “cái Tôi” cá tính, chấp nhận cuộc tồn sinh với cuộc đời đồng nghĩa với việc phải đối diện với nhiều thử thách. Cô đơn là cái án ai cũng phải mang ở cõi trần ai: Khát vọng đã không phương dập tắt/ Thì cô đơn luôn chực sẵn chân thềm.../ Cô đơn đã băm vằm em giấc ngủ/ Đã đông kết hồn em băng giá.../ Cô đơn đã xiềng chân em trong vũ hội.../ Em - tù chung thân của cô đơn (Cái án cô đơn).

Chừng nào còn khát vọng thì còn cô đơn, cô đơn là căn tính của kiếp người - đó là điều không thể khác. Suy tưởng này của Vũ Đình Toàn mang tinh thần hiện sinh rõ nét. Trong thực tế, nhiều khi, nỗi buồn, niềm cô đơn, sự bất hạnh lại là những “tài sản” vô giá, là chất xúc tác làm nên những điều kỳ diệu cho cuộc sống đặc biệt là trong nghệ thuật.

Vì vậy, trong sáng tạo thơ ca, tạo ra cho mình một thế giới riêng với đủ sự cô đơn bản thể để không chỉ khám phá cuộc đời mà còn khám phá chính mình, trả lời câu hỏi: Tôi là ai?, không phải là chuyện đơn giản đối với người cầm bút. Luôn tự xác quyết “nhân vị” của mình để không bị lẫn vào đám đông lạnh lùng, vô cảm với những “bộ đồng phục” tinh thần đơn điệu, đó cũng là sự thể hiện bản lĩnh và phẩm tính của người nghệ sĩ chân chính, không tự dối lừa mình. Đây là điều không phải ai cũng có thể làm được.  

Trong sáng tạo nghệ thuật nói chung và thi ca nói riêng, nhà thơ nào có vốn sống, vốn văn hóa, vốn triết học và biết vận dụng những nền tảng đó sáng tạo thì cảm hứng triết luận sẽ làm nên phong cách riêng của nhà thơ. Thơ Vũ Đình Toàn, mặc dù chưa thật đều và không phải bài nào cũng đậm chất triết luận nhưng ý thức sáng tạo văn bản thơ đa nghĩa trên nền tảng của tư duy triết học đã giúp thơ ông mang yếu tố triết luận, và có lẽ đây chính là một trong những giá trị cơ bản làm nên hồn cốt thơ Vũ Đình Toàn.

***

Một đời cầm phấn và cầm bút, Nhà giáo - Nhà thơ Vũ Đình Toàn đã về hưu và sống an nhiên nơi xóm nhỏ: “Ngọn bút thôi tìm sổ điểm/ Tóc râu vui phận già làng “ (Ngày ấy) nhưng qua thơ có thể thấy trong trái tim nhà thơ tình yêu cuộc sống vẫn tràn đầy. Và người viết bài này xin được tri âm cùng tác giả những tâm tư, trăn trở khôn nguôi về thế sự cũng như bản lĩnh của người cầm bút trước cuộc đời: Mưa nắng bất thường, sâu bọ lan nhanh/ Mùa thu hoạch quả chua đùa quả ngọt/ Vườn ta vẫn chim reo lảnh lót/ Ca rạng đông hoài…sau cả lúc tàn canh (Mảnh vườn chung thủy).

Cao Thị Hồng

1 đã tặng

0

0

0

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Dành cho các em nhân dịp Tết Trung thu

Xem tin nổi bật 16 giờ trước

Thơ dành cho các em nhân dịp Tết Trung thu

Xem tin nổi bật 1 ngày trước

Son môi

Xem tin nổi bật 2 ngày trước

Xin lỗi mùa thu

Thơ 3 ngày trước

Xác xơ những vườn đào sau lũ

Xem tin nổi bật 3 ngày trước