Sự thay đổi hệ hình tư duy lý luận văn học thời kỳ đổi mới nhìn từ mối quan hệ giữa...
Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, dưới ánh sáng đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, nhiều vấn đề lý luận văn học nghệ thuật mang tính then chốt (Văn học và chính trị; Văn học và hiện thực; Phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa; Tính dân tộc và tính hiện đại trong văn học nghệ thuật) đã đặc biệt thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều nhà nghiên cứu lý luận và các văn nghệ sĩ cả nước; Tinh thần biện giải, phê phán, tự phản tỉnh của các nhà khoa học đã giúp các vấn đề lý luận trên mở rộng biên độ nội hàm khái niệm, vượt qua giới hạn của những phương diện không còn phù hợp thời đại lịch sử mới, khẳng định cái mới, tiến bộ. Thành tựu đáng kể này của lý luận văn học Việt Nam đã có những tác động tích cực không nhỏ đến thực tiễn đời sống văn học nước nhà kể từ sau đổi mới đến nay.
Ảnh minh họa (nguồn: internet)
Trong những vấn đề trên, việc thay đổi tư duy lý luận văn học xung quanh vấn đề mối quan hệ giữa văn học và hiện thực có thể coi là một trong những bước chuyển biến nhận thức quan trọng nhất của tư duy lý luận thời đổi mới, bởi từ nền tảng này lý luận văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới đã tạo ra cho chính mình những cơ hội bình đẳng để đối thoại với lý luận hiện đại thế giới, mở ra một không gian mới để đời sống văn học nghệ thuật Việt Nam phát triển hướng đến tầm cao mới trong thời đại mới. Năm mươi năm qua - một chặng đường phát triển trong bầu khí quyển cởi mở, dân chủ, “Sự thay đổi hệ hình tư duy lý luận văn học thời kỳ đổi mới nhìn từ mối quan hệ giữa văn học và hiện thực” cho chúng ta suy ngẫm nhiều bài học kinh nghiệm để tiếp tục nâng cao chất lượng sáng tác và phê bình văn học nghệ thuật trong thời kỳ đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.
1. Mối quan hệ khăng khít giữa văn học và hiện thực dường như đã được nhân loại quan tâm từ thời cổ xưa. Tuy vậy, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, yêu cầu lịch sử đặt ra đối với nền văn học dân tộc mỗi thời điểm là khác nhau, nếu khơi sâu vào vấn đề mối quan hệ giữa văn học và hiện thực với các đặc trưng, các quy định nhiều dạng, nhiều kiểu thì nảy sinh nhiều khía cạnh cần xem xét và bàn bạc. Đây là một nguyên lý cơ bản mà mọi nền lý luận văn học đều quan tâm lý giải, đương nhiên đây cũng là một vấn đề phức tạp, bởi lẽ dường như suốt quá trình phát triển của tư duy lý luận từ xưa đến nay chưa bao giờ người ta tìm thấy một sự thống nhất tuyệt đối trong quan niệm về phản ánh hiện thực của văn học.
Ở ta, sau khi thống nhất đất nước, đặc biệt từ những ngày đầu đổi mới (khoảng cuối những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỷ XX), vấn đề mối quan hệ giữa văn học và hiện thực đã thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt của các nhà nghiên cứu lý luận cũng như sáng tác văn học. Bởi lẽ, quan hệ giữa văn học và hiện thực là vấn đề trung tâm của lý luận văn học, tháo gỡ được nó sẽ góp phần tích cực trong việc nhìn nhận lại một loạt những vấn đề quan trọng khác quyết định đến chiều hướng phát triển của một nền văn học. Luận giải quá trình vận động thay đổi hệ hình tư duy lý luận văn học thời kỳ đổi mới nhìn từ mối quan hệ giữa văn học và hiện thực thiết nghĩ là để tiếp tục khẳng định và phát huy thành tựu của văn học nói chung và lý luận văn học nói riêng trong thời kỳ đổi mới.
2. Trong một thời gian dài trải qua mấy chục năm kháng chiến, nhiều thế hệ những người cầm bút sáng tác, nghiên cứu, phê bình văn học, và bạn đọc ở ta đều cho rằng nhiệm vụ chủ yếu của văn học là phản ánh hiện thực. Hiện thực là cái “dâng sẵn”, chỉ chờ đợi nhà văn “phản ánh” vào tác phẩm. Hiện thực trong tác phẩm và hiện thực ngoài cuộc sống là một, đó là cái mà người ta phải sờ tận tay, nhìn tận mắt. Nếu hiện thực trong tác phẩm không giống với hiện thực ngoài cuộc sống thì tác phẩm không được tán dương, không được cộng đồng thừa nhận. Một thói quen đơn giản phổ biến trong cách tiếp nhận của cộng đồng: thích chăm chăm đối chiếu hiện thực trong tác phẩm nghệ thuật với hiện thực ngoài cuộc sống. Và quan niệm này đã trở thành một cái “chuẩn” để đánh giá giá trị của tác phẩm, “đo” nhân cách, tài năng của nhà văn. Cách nhìn hạn hẹp trên là một trong những nguyên nhân cơ bản tạo nên tình trạng nghèo nàn của văn học, đã đến lúc nó không còn thích ứng với thời đại mới - thời đại có nhiều đổi thay, xuất hiện nhiều nhận thức mới về con người và xã hội, thời đại tiếng nói dân chủ, tự do bên trong của người cầm bút được khích lệ.
Những người đầu tiên nhận thấy lực cản của cách quan niệm xơ cứng khiến ngòi bút không thể nào cất cánh, chính là những người sáng tác, hơn nữa lại là những cây bút lão luyện trưởng thành từ một giai đoạn vừa trải qua nhiều biến động của lịch sử dân tộc. Năm 1978, đất nước vừa thống nhất, không khí hân hoan chiến thắng vẫn tràn ngập, những trang viết về chiến tranh còn nóng hổi, nhưng Nguyễn Minh Châu đã bắt đầu trăn trở, lo lắng. Ông nhận thấy có điều gì bất ổn của những trang viết mà chính ông và đồng đội đã từng sống chết vì nó. Nguyễn Minh Châu hoài nghi: “Nhìn lại những tác phẩm viết về chiến tranh của ta, các nhân vật thường khi có khuynh hướng được mô tả một chiều, thường là quá tốt, chưa thực. Hình như tất cả những mặt tính cách đa dạng phải phơi bày trong đời sống thực thì lại có thể tạm thời giấu mình trên trang sách. Vì ý thức cổ động kháng chiến một phần, một phần khác có phải do quan niệm sơ lược về nhân vật anh hùng?” (1). Nỗi niềm của Nguyễn Minh Châu cho thấy ông đã nhận ra hạn chế của khuynh hướng sáng tác mô phỏng thực tế, sự thụ động của nghệ sĩ là do tình trạng “bao cấp” về tư tưởng mà ra. Thái độ hoài nghi khoa học đầy trách nhiệm với nghề của Nguyễn Minh Châu chính là khởi đầu cho một cách nhìn mới về hiện thực trong nghệ thuật. Quan niệm về cuộc sống và con người không còn đơn giản, hiện thực trong văn học được nhà văn nhận thức ở cấp độ mới: đó là một hiện thực đa chiều, con người và số phận của nó trong cõi nhân sinh đầy những “mảnh vỡ” này không thể chỉ có cái tốt, cái lý tưởng để chiêm ngưỡng như trong sử thi, nó cần được soi chiếu từ nhiều góc độ trong đời thường với những mặt đối lập nhau và luôn song hành bên nhau, thậm chí gắn chặt nhau: tốt và xấu, được và mất, cao thượng và thấp hèn, thiện và ác... Nếu nhà văn chỉ nói cái tốt, cái được, cái cao thượng, cái thiện thì cũng chỉ nói lên được một phần sự thật mà thôi.
Quan điểm lý luận về vấn đề văn học và hiện thực của Nguyễn Minh Châu trong giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới luôn nhất quán. Mười năm sau khi tiểu luận Viết về chiến tranh ra đời, tháng 12/1987 Nguyễn Minh Châu công bố tuyên ngôn nghệ thuật: Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa (2). Với tiểu luận này Nguyễn Minh Châu đã tự đưa ra một quyết định dứt khoát: đoạn tuyệt với lối văn minh họa. Nguyễn Minh Châu chỉ rõ căn nguyên sâu xa của tư duy nghệ thuật ấu trĩ, hạn hẹp một thời. Từ những trải nghiệm quý giá trên lộ trình văn học nhọc nhằn ba mươi năm cầm bút, Nguyễn Minh Châu với những trăn trở, băn khoăn, thậm chí xót xa, đau đớn, đã nỗ lực bứt thoát, vượt mình để đi đến một tuyên ngôn nghệ thuật quả cảm với nhiều giá trị tư tưởng mới. Nhà văn là người cất tiếng nói ban đầu báo hiệu cuộc chiến đấu cam go giữa cái mới, cái tiến bộ phù hợp thời đại và cái cũ, cái bảo thủ, trì trệ chính thức bắt đầu.
Với tinh thần phê phán để đổi mới thật sự, cũng giống như Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc, Nguyễn Tuân, Lê Lựu... và nhiều nhà văn khác cũng đã khẳng định điều then chốt nhất phải tháo gỡ trong tư duy của lý luận văn học lúc này là cần phải thay đổi quan niệm đánh đồng hiện thực của cuộc sống với hiện thực trong nghệ thuật, tuyệt đối hóa hiện thực, coi “hiện thực đã tốt, đẹp đến mức không còn gì có thể tốt, đẹp hơn...” - chính nhận thức phiến diện này là nguyên nhân dẫn đến sự hạ thấp vai trò của chủ thể trong sáng tạo nghệ thuật, là rào cản lớn nhất để văn học ta không thể vươn lên một tầm cao mới.
Tiến trình đổi mới ngày càng đi vào chiều sâu, chùm tiểu luận gồm ba bài của Lê Ngọc Trà liên tục được công bố: Văn nghệ và chính trị (tháng 11/1987); Về vấn đề văn học phản ánh hiện thực (tháng 3/1988); Vấn đề con người trong văn học (tháng 7/1989). Với tinh thần trao đổi thẳng thắn, chân thành, trung thực, những vấn đề mà Lê Ngọc Trà nêu lên thực ra cũng có thể nhận thấy trong ý kiến của các nhà văn lớp trước nhưng được lập luận ở một cấp độ mới, có sức thuyết phục mạnh mẽ.
Xuất phát từ những vấn đề cơ bản có liên quan đến triết học, đặc biệt là khai thác những điểm khả thủ của phản ánh luận Lê-nin, bàn về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực, Lê Ngọc Trà khẳng định: “Phản ánh hiện thực là thuộc tính chứ không phải là nhiệm vụ của văn học” (3). Ông cho rằng: “Việc nhấn mạnh quá mức bản chất phản ánh và nhiệm vụ mô tả hiện thực của văn học là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “suy tư tưởng” của khá nhiều tác phẩm văn học trong mấy chục năm qua” (4). Cụm từ “suy tư tưởng” mà Lê Ngọc Trà dùng để phê phán căn bệnh trầm kha của văn học giai đoạn trước đã cho thấy trong tiến trình đổi mới, tư duy lý luận hiện đại của Việt Nam tiến đến một bước nhận thức sâu sắc hơn về quan hệ giữa văn học và hiện thực. Hiện thực trong văn học cần phải vươn tới: “Chiều sâu của sự khái quát, khả năng vươn tới những tư tưởng có tầm nhìn nhân loại cũng như cách lý giải hiện thực độc đáo” (5). Cùng với việc tiếp nhận những tư tưởng tiến bộ của lý luận văn học thế giới lúc này có dịp được đưa vào Việt Nam, các nhà nghiên cứu lý luận đi đến sự khẳng định quan trọng: “Luận điểm văn học phản ánh hiện thực, tác phẩm là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan không đặt ra lý do gì để bàn cãi. Nhưng quan niệm cứng nhắc về chủ nghĩa hiện thực, quá thiên lệch nhấn mạnh chức năng phản ánh hiện thực, xem việc mô tả hiện thực là mục đích của văn học nghệ thuật thì sẽ dẫn đến cách đánh giá nghệ thuật theo lối đối chiếu với hiện thực, coi nhẹ tư tưởng riêng của người nghệ sĩ. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác không làm thế và chúng ta lại càng không nên làm thế. Lịch sử phát triển của văn học nghệ thuật đích thực đã chứng minh rằng phản ánh nghệ thuật không loại trừ chủ thể mà đặt điều kiện cho chủ thể bày tỏ về hiện thực một cách tập trung” (6).
Trong nghiên cứu với nhan đề Văn học và hiện thực trong tầm nhìn hiện đại, tác giả Trần Đình Sử cũng đã bàn đến sâu sắc hơn cơ sở hợp lý của mệnh đề Văn học phản ánh hiện thực và cho rằng để hiểu nghệ thuật người ta phải nghiên cứu quy luật sáng tạo, tâm lí học sáng tạo, kí hiệu học, tiếp nhận nghệ thuật... nhưng không vì thế mà phủ nhận văn học phản ánh hiện thực, tức là phản ánh sự kiện, kinh nghiệm, tư tưởng, tình cảm của con người trong văn học. Như vậy phương diện chủ quan của phản ánh nghệ thuật là điều cần được quan tâm trong xây dựng mô hình hiện thực, nếu chỉ tập trung chú ý và đề cao quá mức vấn đề văn học phản ánh hiện thực thì sẽ dẫn đến tình trạng coi nhẹ tính năng động chủ thể sáng tạo, triệt tiêu cá tính, phong cách của nhà văn.
Trong bài viết khác với nhan đề Phương diện chủ quan của phản ánh và đặc trưng của văn nghệ, Trần Đình Sử cho rằng chính vì là cái khả năng, nghĩa là cái chưa trở thành hiện thực, cho nên nhà văn mới có thể dùng hư cấu sáng tạo để làm cho cái khả năng tiềm tại hiện hình lên mặt giấy cho mọi người quan sát, thể nghiệm, thực hiện chức năng dự báo của văn học.
Như vậy, có thể thấy nhận thức về hiện thực trong nghệ thuật đến đây được các nhà lý luận khẳng định thêm một phương diện mới: Thế giới nghệ thuật trong tác phẩm là kết quả của quá trình người nghệ sĩ tự do tâm hồn, tự do trí tuệ để sáng tác theo quy luật của cái đẹp. Có thể đó là hiện thực của tâm linh, hiện thực của vô thức và kể cả “ảo ảnh của hiện thực” (Ch.Caudwell). Hiện thực ấy không nhất thiết phải trùng khít với hiện thực cuộc sống đang diễn ra trước mắt chúng ta. Hiện thực trong nghệ thuật là hiện thực do nhà văn tự thấy bằng kinh nghiệm sống và “văn học tái hiện mọi hiện tượng đời sống và nhìn nhận, phán xét chúng dưới con mắt cảm nhận có tầm văn hóa. Năng lực cảm nhận một cách có văn hóa là năng lực người nhất, là sản phẩm của văn hóa chứ không phải là bẩm sinh” (7).
Thế giới nghệ thuật là một thực tại không hẳn chỉ là những khái niệm khách quan thuần lý tính mà nó còn là những quan niệm chủ quan thấm đẫm cảm tính của chủ thể. Nó tồn tại dưới dạng ý niệm đã được cảm xúc hóa. Điều này lý giải vì sao trong văn học thời kỳ đổi mới ở nước ta các biện pháp tưởng tượng, kỳ ảo được sử dụng khá phổ biến. Công thức miêu tả cuộc sống “giống như thật” không còn là chuẩn mực duy nhất. Con người được miêu tả với tất cả mọi cung bậc: xã hội, tự nhiên, bản năng, tâm linh, vô thức... Những cây bút như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Lê Lựu, Ma Văn Kháng là những nhà văn sớm bắt kịp nguồn mạch tư duy mới này. Với vốn kinh nghiệm sống và với năng lực tư duy của mình, người nghệ sĩ có thể tự sáng tạo nên một hiện thực nghệ thuật riêng, mang đầy cá tính và bản sắc. Tính chất về cái khả nhiên (cái có thể xảy ra) cho phép nghệ thuật có thể tưởng tượng, hư cấu, tạo ra những thế giới chưa từng có nhằm thể hiện quan niệm nhà văn về cuộc sống, thể hiện những ý nghĩa của hiện thực được nhà văn phát hiện.
Rõ ràng cùng với sự tiếp cận lý luận hiện đại thế giới, với tinh thần chọn lọc tiếp thu sáng tạo, quan niệm về hiện thực trong nghệ thuật được lý luận văn học Việt Nam khẳng định thêm một bình diện mới: văn học nghệ thuật không chỉ phản ánh hiện thực mà còn là sáng tạo, đối thoại và dự báo về hiện thực.
Hiện thực đời sống diễn ra ngày một phong phú và hết sức phức tạp, giao lưu và hợp tác văn hóa phát triển mạnh, những vận động theo xu hướng tích cực của tư duy lý luận thuộc vấn đề mối quan hệ giữa văn học và hiện thực đã “mềm hóa” một quan niệm xơ cứng: Nếu trước đây trong quan hệ văn học và hiện thực thường nhấn mạnh vào sự phụ thuộc, phục tùng của văn học đối với hiện thực, thì ngày nay người ta nhấn mạnh, quan tâm tới phương diện chủ thể sáng tạo của người nghệ sĩ. Sự thay đổi này sẽ kéo theo hàng loạt sự thay đổi khác về các yếu tố xung quanh phương diện chủ thể sáng tạo, mà trong đó phương diện chủ quan của phản ánh và tiếp nhận văn học là hai yếu tố quan trọng có ảnh hưởng không nhỏ.
Với người cầm bút sáng tác, việc xoá bỏ rào cản của mô hình phản ánh đơn điệu đã giúp nhà văn nhận ra mình không phải chỉ là người “thư kí trung thành” (chữ dùng của H. de Balzac) của thời đại, nhiệm vụ của sáng tạo văn học không phải chỉ là để tái hiện những chặng đường lịch sử đã qua. Cao hơn, nhiệm vụ của người cầm bút là phải làm sao cho ra đời những tác phẩm độc sáng, đặt ra được những vấn đề thiết cốt của cuộc sống với những cách tân nghệ thuật đầy bản lĩnh và bản sắc. Cụm từ “sự thật trong nghệ thuật” được hiểu một cách toàn diện hơn, sự thật đó còn phải là sự thật của thái độ, cách nhìn, cách đánh giá của nhà văn với những hiện thực mà nhà văn “nghiền ngẫm”, có nghĩa là nó không đơn giản chỉ là sự thật của những tính cách và sự kiện được mô tả như trước đây quan niệm. Nó phải mang hơi thở của một thời nhưng nó cũng là trăn trở của mọi thời, nó được viết ra từ tâm sự gan ruột của người viết. Tuy vậy để ngòi bút của mình chạm đến được “sự thật” của chân lý nghệ thuật người viết cần phải dũng cảm dấn thân. Cái yêu, cái ghét của nhà văn phải đúng, nhà văn phải biết và dám nói thật. Yêu, ghét trong văn chương cũng có công lý, tính khách quan, yêu cái đáng yêu, ghét cái đáng ghét đó là một sự biểu hiện quan trọng của sự thật trong văn học.
Như vậy quan niệm mới về hiện thực đã tôn vinh vai trò của chủ thể sáng tạo, đồng thời cũng đưa ra lời cảnh báo với chủ thể sáng tạo: cái tâm của người viết không đơn thuần chỉ là bộc lộ bề mặt tình cảm nhân văn hay nhân đạo đối với cuộc đời này mà còn là chiều sâu và sự mãnh liệt của tình cảm ấy. Nhà văn phải có tâm huyết xả thân vì nghề, đau đáu, trăn trở, dám lăn lóc, thăng trầm để sáng tạo. Vì chỉ có vượt thoát được những cảm xúc mòn sáo, giải phóng tư duy một cách thực sự thì mới mong có những trang viết để đời, những trang viết không bị cằn cỗi, xác xơ.
Từ những đổi mới tư duy xung quanh vấn đề văn học và hiện thực trên, vấn đề tiếp nhận văn học ở Việt Nam đã có những chuyển biến đáng ghi nhận.
Trước đây, xuất phát từ quan niệm hiện thực “đóng” nên một thời người ta cho rằng đọc tác phẩm tức là đọc xem nhà văn đã “phản ánh hiện thực” ra sao, người đọc bị trói buộc vào việc phải so sánh, đối chiếu trực tiếp hình tượng tác phẩm với nguyên mẫu ngoài cuộc đời. Hiện thực trong tác phẩm có giống y hệt, có “ngang tầm” hiện thực đang hiện diện hay không. Hiện nay, từ quan niệm hiện thực “mở”, tư duy lý luận cho rằng tiếp nhận tác phẩm là đối thoại với tác giả trên mọi lĩnh vực. Trong quá trình tiếp nhận, người đọc có thể gặp gỡ tác giả, cũng có thể cách xa với tác giả. Bạn đọc và nhà văn phải đồng sáng tạo, giữa người sáng tác tác phẩm và người đọc tác phẩm có vai trò bình đẳng như nhau. Chính thế giới hiện thực lấp lánh, muôn màu trong tác phẩm do nhà văn sáng tạo lại là thế giới mà người tiếp nhận cũng phải tiếp tục sáng tạo.
3. Trong dòng chảy đổi mới chung của văn học dân tộc, sự thay đổi hệ hình tư duy xung quanh vấn đề mối quan hệ giữa văn học và hiện thực có thể coi là một trong những bước chuyển biến nhận thức quan trọng nhất của lý luận thời đổi mới, bởi từ nền tảng này, lý luận văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới đã tạo ra cho chính mình những cơ hội bình đẳng để đối thoại với lý luận hiện đại thế giới, thực sự mở ra một không gian mới để đời sống văn học nghệ thuật nước nhà phát triển, hướng đến tầm cao chất lượng mới. Xuất phát từ sự đổi mới hệ hình tư duy xung quanh vấn đề mối quan hệ giữa văn học và hiện thực, lý luận văn học thời kỳ đổi mới và hội nhập đã lan tỏa trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà cái nhìn mới mẻ và tiến bộ về vấn đề mối quan hệ giữa văn học và hiện thực. Đây là một giá trị vô cùng ý nghĩa, bởi lẽ nó sẽ kéo theo những đổi mới về tư duy lý luận ở nhiều phương diện khác nhau, trong đó quan trọng nhất là đã khẳng định được thiên chức của nhà văn đối với việc sáng tạo nghệ thuật, vai trò của chủ thể người đọc trong việc tiếp nhận tác phẩm, từ đó có những tác động không nhỏ đến nghiên cứu, phê bình và thực tiễn sáng tác văn học.
Chú thích
(1). Nguyễn Minh Châu - “Viết về chiến tranh” - Tạp chí VNQĐ, số 11/1978.
(2). Nguyễn Minh Châu - “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa” - Báo Văn nghệ, số 49 & 50 ra ngày 5/12/1987.(
3), (4), (5). Lê Ngọc Trà, Lý luận và văn học, (tái bản lần thứ nhất), Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2005, tr.36, 39.
Cao Thị Hồng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...