Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
18:27 (GMT +7)

“Quân đạo - Thần tiết”, biểu hiện cốt yếu của “Nội thánh ngoại vương”

Như đã trình bày ở bài viết Tư tưởng “Nội thánh ngoại vương” trong bài thơ Phong niên của Lê Thánh Tông trên Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên số 15 (10/8/2023), “Nội thánh ngoại vương” vốn là một hạt nhân tư tưởng trong học thuyết Nho gia đã được Lê Thánh Tông vận dụng một cách linh hoạt vào trong sáng tác của ông để tạo nên những thi phẩm thể hiện rõ quan điểm cá nhân cũng như tư tưởng của Khổng Tử. Trong bài viết này, tác giả muốn bàn luận thêm về sự ảnh hưởng của học thuyết Nho gia, cụ thể hơn nữa tư tưởng “Nội thánh ngoại vương” trong hai thi phẩm Quân đạoThần tiết thuộc Quỳnh uyển cửu ca của Lê Thánh Tông.

77
Cảnh vua Lê thiết triều. (Hình minh họa, nguồn: internet)

Quỳnh uyển cửu ca, như đã biết, là tập thơ của Lê Thánh Tông và các đại thần trong Tao đàn Nhị thập bát tú, trong đó Lê Thánh Tông xướng 9 bài thơ, gọi là cửu ca, và các đại thần họa lại. Hai chữ “Quỳnh uyển” không đơn giản là vườn quỳnh mà kỳ thực xuất phát từ tích “Quỳnh Lâm yến” liên quan đến việc Tống Thái Tông ban yến cho các tân Tiến sĩ ở vườn Quỳnh Lâm. Sau thi điện, những người thi đỗ sẽ được nhà vua thết đãi một bữa tiệc ở “Quỳnh Lâm uyển” (vườn Quỳnh Lâm).

Xuất phát từ ý nghĩa tao nhã đó, Lê Thánh Tông muốn xây dựng một “khu vườn” của riêng triều đại ông để tập hợp các văn sĩ ưu tú nhất của đất Đại Việt. Vì thế, “Quỳnh uyển” không chỉ đơn giản là một vừa hoa quỳnh ngát hương mà còn là nơi anh tài tề tựu.

Quân đạo - Đạo của vị vua sáng

Khi đã xác lập được tư tưởng chủ đạo để trị quốc là tư tưởng Nho gia, Lê Thánh Tông tiếp tục triển khai quan điểm chính trị trên các phương diện cụ thể. “Nội thánh ngoại vương”, khi ấy, dĩ nhiên là tiêu chuẩn của một bậc minh quân. Và khi bậc minh quân đó đứng trên bách tính, cai trị trăm nhà, thì ắt hẳn đó phải là một vị vua sáng.

Lê Thánh Tông đã thông hiểu đạo lý đó và ông tự đề ra cho bản thân một phép tắc, đạo lý làm vua, ông viết bài Ngự chế Quân đạo thi 御製君道詩, tạm gọi tắt là Quân đạo 君道 (Đạo làm vua). Bài thơ như sau:

Phiên âm:

NGỰ CHẾ QUÂN ĐẠO THI

Đế vương đại đạo cực tinh nghiên,

Hạ dục nguyên nguyên thượng kính thiên.

Chế trị bảo bang tư kế thuật,

Thanh tâm quả dục tuyệt du điền.

Bàng cầu tuấn ngải phu văn đức,

Khắc cật binh nhung trọng tướng quyền.

Ngọc chúc điều hòa hàn noãn tự

Hoa di cộng lạc thái bình niên.

Dịch nghĩa:

BÀI THƠ NGỰ CHẾ: ĐẠO LÀM VUA

Đạo lớn của bậc đế vương, ta đã nghiên cứu rất kĩ lưỡng

Dưới thì chăm lo đời sống nhân dân, trên thì tôn kính trời.

Đối với việc gây dựng sự thịnh trị, giữ gìn đất nước,

thì suy nghĩ phát huy kế tục,

Đối với bản thân thì chay lòng ít dục, bỏ hẳn việc ham chơi săn bắn.

Rộng rãi tìm kiếm những bậc tài giỏi, để phô bày văn đức,

Chăm lo hỏi han việc võ bị, coi trọng tướng quyền.  

Điều hòa mọi việc sáng suốt theo mùa nóng lạnh có thứ tự,

Người Kinh và người các dân tộc ít người cùng vui hưởng thái bình.

Tác giả đã khẳng định ngay từ câu đầu tiên của bài thơ, trên con đường trở thành một vị vua sáng thì không gì cần thiết hơn là sự nghiền ngẫm, nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu những đạo lý mà các bậc vua hiền chúa giỏi từng vận dụng trong quá khứ. Và Lê Thánh Tông hiểu rõ việc đầu tiên là phải tuân theo và hòa hợp giữa đạo trời và đạo người. Trên thì kính cẩn tuân theo mệnh trời, dưới thì chăm lo đến cuộc sống của nhân dân.

Nếu ngược dòng lịch sử, có thể dễ dàng nhận thấy quan điểm này từ các vị vua sáng, chẳng hạn Lý Thái Tổ đã từng viết trong Thiên đô chiếu câu: “Thượng cẩn thiên mệnh, hạ nhân dân nguyện” (trên thì kính cẩn vâng theo mệnh trời, dưới thì vì mong muốn của nhân dân mà thực hiện). Một vị vua được coi là “cầu nối” giữa thiên, địa, nhân (điều này được thể hiện bằng nét sổ trong chữ vương 王), do đó, việc tuân theo mệnh trời, hiểu được quy luật của đất, lắng nghe lòng người là những phẩm chất cơ bản và thiết yếu. Lê Thánh Tông nghiên cứu đạo làm vua của người xưa, và kế thừa, phát huy nó vào trong thực tiễn. Những nội dung đó có thể được coi là biểu hiện rõ nét nhất của “ngoại vương”.

Khi xét đến “Nội thánh”, có lẽ câu thơ thứ tư trong bài, “Thanh tâm quả dục tuyệt du điền, đã biểu hiện tương đối rõ ràng. Để tu tập nội tại bản thân, Lê Thánh Tông quan niệm không gì quan trọng hơn là hạn chế những dục vọng tầm thường, để tinh thần thanh tịnh, bỏ hẳn việc săn bắn. Đây không phải là biểu hiện của Lê Thánh Tông đã thiên hướng theo Phật giáo, đây là sự gặp gỡ giữa các học thuyết lớn thời cổ đại. Nhìn chung, cả Phật giáo và Nho giáo đều có những giáo lý hướng con người đến với sự tốt đẹp. Nếu như Phật giáo có bát chính đạo, để hướng con người vào con đường đúng đắn để tu tập, thì Nho giáo cũng có “khắc kỷ, phục lễ, vi nhân” (khắc chế dục vọng của bản thân, quay về với điều lễ, làm điều nhân) để rèn rũa mỗi cá nhân trong cuộc sống.  

Sự hòa hợp của “Nội thánh ngoại vương” còn được thể hiện ở những câu thơ tiếp theo trong bài. Bậc minh quân cần không ngừng cân đối việc chăm lo phát triển nhân tài (văn trị), cũng như củng cố lực lượng quốc phòng (võ bị). Một quốc gia mạnh, là quốc gia ổn định được văn trị và võ bị. Đặc biệt, ở Lê Thánh Tông có một tư tưởng rất sáng suốt đó là hòa hợp dân tộc, ông không phân biệt người Kinh và các dân tộc thiểu số ở vùng biên. Sự hòa hợp dân tộc là một điều bất cứ một vị vua nào cũng cần làm tốt.

Bình phẩm bài thơ Quân đạo, Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận từng viết: “đại cương về phép trị nước đủ cả, như kính trời, nuôi dân, giữ nước, yên ổn phương xa, thân thiện nơi gần. Nơi nơi cùng hưởng thái bình.”. Nhóm đại thần Đào Cử bình thêm: “Nói chung, khi hạ vần thì thường vận dụng điển cố sử sách. Nhưng cách vận dụng của thánh thượng rất nhuần nhị. Ý không cầu kỳ mà lại tuyệt diệu, lời không đẽo gọt mà lại điêu luyện, cả tám câu cân đối trong một bài hoàn chỉnh.”.

Có lẽ những lời tán tụng của các đại thần trong Tao đàn có phần hơi phóng khoáng nhưng nhìn chung, giá trị ngôn từ của thơ ca Lê Thánh Tông là điều không thể phủ nhận.

Thần tiết - Tiết tháo của kẻ tôi hiền

Đạo vua - tôi là đạo lý muôn đời của các triều đại. Vua sáng cần phải có tôi hiền thì quốc gia mới hưng thịnh. Hiểu rõ được đạo lý này, Lê Thánh Tông đã viết bài Thần tiết vừa để khuyên răn các đại thần trong triều, vừa lấy đó là tấm gương sáng để mọi người noi theo.

Phiên âm:

NGỰ CHẾ THẦN TIẾT THI

Đan trung cảnh cảnh nhật tinh lâm,

Chính tại an dân nghĩa kỵ thâm.

Y, Phó trung cần phu nhất đức,

Trương, Hàn thanh giá trọng thiên câm (kim).

Nội ninh ngoại phủ hồi thiên lực,

Hậu lạc tiên ưu tế thế tâm.

Chí toại danh thành tôn tử mậu,

Nham lang tùng bách uất sâm sâm.

Dịch nghĩa:

BÀI THƠ NGỰ CHẾ: TIẾT LÀM TÔI

Một lòng son sáng rực rỡ như mặt trời,

Việc làm chính sự là ở chỗ yên ổn nhân dân, điều nghĩa ấy

thật sâu sắc.

Y Doãn, Phó Duyệt trung thành, cần mẫn, phô bày được sự

đạo đức chuyên nhất,

Trương Lương, Hàn Tín tiếng tăm, danh giá quý hơn cả

nghìn vàng.

Trong ngoài vỗ yên, ấy sức kéo trời,

Lo trước vui sau, là lòng giúp nước.

Chí thành danh toại, con cháu đông vui,

Khác nào cây tùng, cây bách trên vách núi sum suê xanh tốt.

Không xét đến tính cổ động, thì bài thơ quả thực là một tác phẩm mẫu mực cho việc răn dạy hạ thần của Lê Thánh Tông. Ông đi từ việc khái quát đạo của kẻ làm bề tôi, và tiếp đến là những tấm gương tiêu biểu được trích dẫn từ trong sử sách. Y Doãn, Phó Duyệt là những bề tôi giỏi của vua Thành Thang nhà Thương; Trương Lương, Hàn Tín là những tướng lĩnh tài ba, mưu lược của Cao Tổ nhà Hán. Đó là những tấm gương không thể phủ nhận và được nhắc đến rất nhiều trong lịch sử Trung Quốc. Họ được coi là biểu tượng của tài hoa và sự trung thành của các bề tôi.

Sau khi đưa ra những tấm gương về sự trung thành cũng như tài hoa đức độ của các bậc trung thần trong lịch sử Trung Hoa, Lê Thánh Tông không quên nhắc đến một bài học của kẻ làm “thần”. Ông mượn lời của Phạm Trọng Yêm đời Tống “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (Lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ). Theo Lê Thánh Tông, kẻ bề tôi cần giữ được phẩm chất “tiên ưu, hậu lạc” (lo trước, vui sau) để phục vụ quân vương và bách tính. Đây là tư tưởng khá tiến bộ mà sau này đã từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa phát triển khi nói “cán bộ là công bộc của dân”. Khi đã phục vụ tốt cho triều đại và người dân, thì mọi điều tốt đẹp sẽ đến. Khi đó mỗi bậc trung thần nghĩa sĩ sẽ có tiết tháo cứng cỏi như bách, như tùng, hiên ngang trước mọi hoàn cảnh khắc nghiệt của thời tiết, xanh tốt sum suê quanh năm tháng, đó chẳng phải là tiếng thơm còn mãi hay sao?

Bình luận về bài thơ Thần tiết, Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận viết: “Lâu nay, ý thơ ca về vua sáng tôi hiền cũng nhiều, nhưng thông thường, khi ý thiết thực thì lời khô khan, hoặc khi lời văn hoa thì ý lại không được thanh cao. Tìm được bài thơ hay đủ mọi mặt không được mấy. Nay kính xem thơ của Thánh thượng: vừa trang nhã, vừa thiết thực và thanh cao. Bốn câu giữa dẫn điển cố, đối nhau rất chỉnh, coi như thâu tóm đại ý toàn bài.” Hai vị đại thần Ngô Luân và Nguyễn Xung Xác bình thêm: “Nay kính đọc bài Tiết tháo bầy tôi của thánh thượng: ý thì sáng suốt, thẳng thắn, cao xa, lời thì trang nhã, mạnh mẽ, trung hậu. Có những chữ sách như: “nội minh, ngoại phủ”, “hậu lạc, tiên ưu” được dùng rất hay, xưa nay chưa thấy.”.

Vẫn là những lời phẩm bình tú lệ, điển nhã của các văn thần dưới thời Lê Thánh Tông. Tuy nhiên, những lời bình trên cũng rất phù hợp trong bối cảnh xã hội đương thời. Một khi nhà vua muốn đề cao văn trị, thượng tôn đức trị, thì sức mạnh của ngôn từ luôn được xem là một lực lượng không thể bỏ qua. Nhà vua dùng câu chữ để răn dạy kẻ dưới, đó cũng là một cách làm thể hiện nhân văn.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra ở đây là Thần tiết là bài thơ nói về “tiết tháo của kẻ bề” tôi thì có liên quan gì đến “Nội thánh ngoại vương”? Trong triết học Nho gia, cương lĩnh đầu tiên của Đại học (đạo học của bậc đại nhân) là “minh minh đức” (làm sáng đức sáng). Khi người quân tử đạt đến cảnh giới “minh minh đức”, tự làm sáng đức sáng của mình, thì còn cần làm sáng đức sáng của người khác. Lê Thánh Tông muốn tu tập trở thành một vị vua sáng, chắc chắn một điều ông không thể bỏ qua là chuyên tâm bồi dưỡng những bề tôi hiền. Nếu “thanh tâm quả dục” là tự làm sáng đức sáng của bản thân, thì “đan trung cảnh cảnh” chính là biểu hiện của việc nhắc nhở làm sáng đức sáng cho người khác.

Ngoài ra, “Nội thánh ngoại vương” không phải là tiêu chuẩn tu tập chỉ dành riêng cho nhà vua. Bất cứ một Nho sinh nào trên con đường trở thành người quân tử đều cần tu tập “Nội thánh ngoại vương” để đạt được “một phiên bản hoàn hảo hơn” của mình. Do đó, các văn thần khi muốn trở thành lương thần, được tiếng thơm muôn thuở cũng cần hiểu rõ đạo lý của “Nội thánh ngoại vương” và tu dưỡng theo con đường đó.

Quân đạo Thần tiết cũng là thực thể của “Quân minh - Thần lương” (vua sáng - tôi hiền), biểu hiện cốt yếu của “Nội thánh ngoại vương” được Lê Thánh Tông vận dụng trong trị quốc an bang và trước tác thi phẩm. Bằng những câu từ trang nhã vừa thể hiện được học vấn uyên thâm vừa thể hiện được tài năng ngôn ngữ, Lê Thánh Tông mang đến cho Tao đàn Nhị thập bát tú nói chung và văn học trung đại Việt Nam hai thi phẩm quý giá, có thể coi là hai viên ngọc quý cùng tỏa sáng cho tư tưởng “Nội thánh ngoại vương” vậy.

Nguyễn Trung

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Sân khấu độc lập: Những thách thức

Sân khấu - Múa 4 giờ trước

Ẩm thực Thái Nguyên - tinh hoa phong vị xứ Trà

Cuộc sống quanh ta 22 giờ trước

Ơi những ngày thu

Văn xuôi 1 ngày trước

Vị giác

Xem tin nổi bật 2 ngày trước

Tháng chín...

Văn xuôi 2 ngày trước

Dành cho các em nhân dịp Tết Trung thu

Xem tin nổi bật 2 ngày trước