Thứ sáu, ngày 09 tháng 05 năm 2025
00:29 (GMT +7)

Không gian mỹ thuật Hương sắc gió ngàn - Sắc màu mới của Thái Nguyên

Mỹ thuật bước ra từ phòng tranh

Trong dòng chảy sôi động của văn hóa nghệ thuật đương đại, việc xây dựng những không gian mỹ thuật thân thiện, gắn kết cộng đồng đang trở thành xu thế tất yếu. Tại Thái Nguyên - vùng đất cách mạng giàu truyền thống văn hóa - mô hình triển lãm Không gian mỹ thuật Hương sắc gió ngàn, do Chi hội Mỹ thuật Thái Nguyên phối hợp với Công ty Cổ phần Phát hành Sách Thái Nguyên và Hợp tác xã (HTX) Hương Vân Trà tổ chức tại Nhà trải nghiệm Homel - Khu đô thị Crown Villas Gia Sàng, đã đánh dấu bước đi tiên phong đầy sáng tạo. Không chỉ là sự kiện nghệ thuật, triển lãm còn gợi mở hướng phát triển mới cho mỹ thuật địa phương trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tặng hoa chúc mừng triển lãm
Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tặng hoa chúc mừng Triển lãm

Điểm nhấn đặc biệt của Hương sắc gió ngàn không nằm ở quy mô hay số lượng tác phẩm, mà ở tư duy tổ chức mới mẻ: đưa mỹ thuật rời khỏi không gian truyền thống khép kín, bước vào lòng đô thị hiện đại, kết nối trực tiếp với cộng đồng qua mô hình liên kết sáng tạo giữa nghệ sĩ - doanh nghiệp - công chúng.

Việc lựa chọn nhà trải nghiệm Homel - không gian văn hóa hiện đại giữa khu đô thị cao cấp - thể hiện quyết tâm đổi mới cách thức tổ chức triển lãm. Tại đây, công chúng không cần bước vào bảo tàng hay phòng tranh chuyên biệt, mà có thể thưởng thức nghệ thuật trong một không gian mở, tinh tế và gần gũi, như một phần tự nhiên trong nhịp sống hằng ngày.

Tham quan và cùng trải nghiệm nghệ thuật tạo hình hoa chè từ vỏ ngô
Các bạn nhỏ tới tham quan và cùng trải nghiệm nghệ thuật tạo hình hoa chè từ vỏ ngô

Chính sự gần gũi này đã phá bỏ rào cản lâu nay giữa mỹ thuật và công chúng - một thách thức vốn tồn tại trong việc đưa nghệ thuật tới số đông.

Giao hòa sáng tạo và đời sống

Với người nghệ sĩ, tổ chức triển lãm không chỉ là giới thiệu tác phẩm, mà còn là nhu cầu đối thoại, sẻ chia tâm hồn, gửi gắm thông điệp tới cuộc sống. Mỗi tác phẩm là kết tinh của tâm huyết, cảm xúc, trải nghiệm và suy tư thầm kín. Triển lãm trở thành nhịp cầu nối giữa miền sáng tạo và miền thưởng thức - nơi họa sĩ nhận lại ánh mắt say mê, nụ cười đồng cảm, phút lặng im trầm tư của người xem - phần thưởng tinh thần quý giá nhất.

Thực hành vẽ tranh tại triển lãm
Thực hành vẽ tranh tại Triển lãm

Nhiều họa sĩ, dù sở hữu những tác phẩm giá trị, vẫn trăn trở vì thiếu không gian trưng bày phù hợp. Đặc biệt mong muốn nhất của các họa sĩ là lan tỏa tình yêu nghệ thuật luôn cháy bỏng đến học sinh, sinh viên, người lao động, gia đình trẻ, bởi có không gian họ sẽ dễ dàng tiếp cận. Triển lãm lần này phần nào đã hiện thực hóa khát vọng đó - đưa nghệ thuật vào đời sống đô thị hiện đại, nơi mỗi ánh nhìn, mỗi bước chân đều có thể chạm vào cái đẹp.

Hương sắc gió ngàn không chỉ là sự kiện đơn lẻ, mà còn là tuyên ngôn mạnh mẽ: nghệ thuật hiện hữu trong từng hơi thở cuộc sống, thắp sáng cảm xúc, làm giàu tâm hồn, nuôi dưỡng những giấc mơ đẹp giữa xã hội chuyển động không ngừng.

Kết nối nghệ sĩ, doanh nghiệp và  công chúng

Không gian triển lãm Hương sắc gió ngàn là minh chứng sinh động cho mô hình hợp tác công - tư sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Chi hội Mỹ thuật Thái Nguyên đã chủ động kết nối cùng Công ty Cổ phần Phát hành Sách Thái Nguyên và Hợp tác xã Hương Vân Trà - những đơn vị giàu tâm huyết với văn hóa. Và mỗi bên đóng vai trò riêng, cùng tạo nên giá trị chung: nghệ sĩ mang đến tác phẩm và cảm xúc; doanh nghiệp hỗ trợ không gian, tổ chức và truyền thông; công chúng tiếp nhận, thưởng thức, đối thoại.

“Hoa đồng nội” của Dương Văn Chung
Tác phẩm “Hoa đồng nội” của  họa sĩ Dương Văn Chung trưng bày tại Triển lãm

Mô hình này không chỉ phù hợp với thực tiễn kinh tế - văn hóa thị trường, mà còn mở ra cơ hội để nghệ thuật vừa được triển lãm, vừa được tiêu dùng - theo cả nghĩa vật chất và tinh thần.

Triển lãm khẳng định một chân lý: tác phẩm nghệ thuật, dù hữu hình, nhưng giá trị tinh thần mà nó mang lại là vô giá. Một bức tranh có thể được giao dịch, nhưng cảm xúc và suy tưởng mà nó gieo vào lòng người thưởng thức thì không thể đo đếm bằng bất kỳ thước đo nào.

Hồn Việt Bắc - Tinh thần hội nhập

Dù được tổ chức trong không gian hiện đại, Hương sắc gió ngàn vẫn thấm đẫm hồn cốt văn hóa Việt Bắc - nơi truyền thống song hành cùng đổi mới. Các tác phẩm trưng bày mang đậm hơi thở vùng cao: phong cảnh núi rừng bát ngát, đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số, hình tượng người phụ nữ miền núi mộc mạc mà quyến rũ, nhịp sống sôi động nơi các phiên chợ vùng cao.

Chất liệu thể hiện phong phú, từ sơn dầu, sơn mài, acrylic, lụa cho đến khắc gỗ, in độc bản, kết hợp kỹ thuật hiện đại, tạo nên một diện mạo nghệ thuật vừa trẻ trung, mới mẻ, vừa gìn giữ tinh thần bản địa sâu sắc.

“Bình Yên” của Hoàng Minh Tiến
Tác phẩm “Bình Yên” của  họa sĩ Hoàng Minh Tiến

Triển lãm quy tụ những tên tuổi giàu kinh nghiệm trong làng hội họa Thái Nguyên như: Dương Văn Chung, Nguyễn Gia Bảy, Lê Quang Thái, Văn Thao, Hoàng Báu… Bên cạnh đó còn có sự góp mặt đông đảo các họa sĩ trẻ tiêu biểu như Trịnh Ngọc Hà, Dương Văn Tấn, Phương Văn Đạt... Sự giao thoa giữa các thế hệ, giữa kinh nghiệm và sức sáng tạo mới mẻ, đã tạo nên tổng thể triển lãm đa sắc, đa thanh. Ở đó, sắc màu núi rừng, vẻ đẹp hồn hậu của con người Việt Bắc luôn hiện hữu, song hành cùng kỹ thuật thể hiện hiện đại, tư duy thẩm mỹ đương đại - thể hiện tinh thần hội nhập tự tin với văn hóa toàn cầu.

Gieo mầm công chúng yêu nghệ thuật mới

Từ cách chọn địa điểm, bố cục trưng bày, phương thức kết nối truyền thông cho đến việc khai thác tính tương tác với cộng đồng, Hương sắc gió ngàn đang khẳng định mô hình triển lãm kiểu mới: nghệ thuật sống động, gần gũi và lan tỏa mạnh mẽ. Đặc biệt, xúc động là sự hiện diện đông đảo của học sinh - những mầm non của tương lai. Các em lần đầu tiên được tiếp xúc với một không gian mỹ thuật chuyên nghiệp mà gần gũi. Những ánh mắt háo hức, những câu hỏi hồn nhiên và sự say mê của các em đã thắp lên nguồn năng lượng tươi mới cho triển lãm, khiến mỗi họa sĩ càng cảm nhận rõ hơn ý nghĩa xã hội của công việc mình đang làm.

“Miền xa thẳm” của Hoàng Báu
Tác phẩm “Miền xa thẳm” của  họa sĩ Hoàng Báu

Triển lãm cũng mở ra những suy ngẫm cho giới văn hóa - nghệ thuật: muốn phát triển trong thời đại số, nghệ thuật cần đổi mới từ tư duy sáng tác đến cách tiếp cận công chúng. Hương sắc gió ngàn đã gieo những mầm đầu tiên cho thế hệ công chúng yêu nghệ thuật mới - bắt đầu từ những trái tim trong trẻo nhất.

Từ mô hình điểm đến xu hướng phát triển

Không quá lời khi khẳng định Hương sắc gió ngàn là mô hình điểm táo bạo và giàu triển vọng, không chỉ cho Thái Nguyên mà còn cho cả khu vực Việt Bắc. Với tính mở, tính kết nối và khả năng thích ứng linh hoạt, mô hình này mở ra hướng đi mới, phù hợp với bối cảnh nghệ thuật toàn cầu đang vận động mạnh mẽ.

“Hái chè” của Lê Quang Thái
Tác phẩm “Hái chè” của  họa sĩ Lê Quang Thái

Trong tương lai, nếu được đầu tư bài bản và bền vững, mô hình kết hợp văn hóa - đô thị - doanh nghiệp này hoàn toàn có thể phát triển thành chuỗi hoạt động văn hóa - nghệ thuật - du lịch hấp dẫn, mang dấu ấn riêng của Thái Nguyên. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để xây dựng thương hiệu văn hóa địa phương, đồng thời mở rộng cơ hội giao lưu, hợp tác quốc tế.

Khởi hành một giấc mơ nghệ thuật

Hơn cả một cuộc triển lãm, Hương sắc gió ngàn  là cách nghệ thuật lặng lẽ nhưng mãnh liệt hòa vào nhịp sống, đánh thức những cảm xúc nguyên sơ nhất trong lòng mỗi người. Không còn ranh giới giữa nghệ sĩ và công chúng, chỉ còn những trái tim cùng rung lên, đồng cảm trước cái đẹp, cái chân thực và những giá trị vĩnh cửu của nghệ thuật.

Triển lãm không chỉ là một sự kiện văn hóa, mà là một tuyên ngôn: nghệ thuật không nằm trên bục cao xa, mà sống động trong từng khoảnh khắc đời thường; không chỉ dành cho những người “hiểu nghệ thuật”, mà dành cho tất cả những ai biết rung động trước cái đẹp. Hương sắc gió ngàn thắp lên niềm tin rằng mỹ thuật, với sức mạnh kỳ diệu của mình, có thể trở thành một phần thiết yếu của đời sống tinh thần cộng đồng, nuôi dưỡng những tâm hồn rộng mở, giàu nhân ái và khát khao sáng tạo.

 “Khiêm tốn” của Nwalu sinh viên Nigeria
Tác phẩm “Khiêm tốn” của Nwalu  - sinh viên Nigeria

Một giấc mơ nghệ thuật đã khởi hành - không chỉ là giấc mơ của riêng những người cầm cọ, mà là giấc mơ chung của cả một vùng đất. Giấc mơ về một không gian văn hóa - nơi cái đẹp được trân trọng, nơi những tài năng trẻ được chắp cánh, nơi giá trị bản sắc Việt Bắc được gìn giữ, phát huy và lan tỏa mạnh mẽ ra thế giới.

Trong dòng chảy hội nhập, Hương sắc gió ngàn như một ngọn gió mới - mang theo hương sắc của núi rừng, của lòng người Việt Bắc - cất cánh cùng những giá trị văn hóa nhân loại. Triển lãm hôm nay có thể còn nhỏ bé nhưng khát vọng mà nó gửi gắm thì không giới hạn: khát vọng về một Thái Nguyên - Việt Bắc mới mẻ, tự tin, hội nhập, mà vẫn đậm đà cốt cách riêng biệt.

Và như thế, từ những nét cọ chân thành, những sắc màu rực rỡ, những ý tưởng táo bạo, một hành trình nghệ thuật đang âm thầm nảy nở - hướng tới tương lai, mang theo biết bao hy vọng, đam mê và khát vọng đẹp đẽ của những con người yêu quê hương, yêu nghệ thuật.

Gia Bảy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy