
Góc biếm họa số 8 (2025)

1. Khi nói “Người chọn nghề” hoặc “Nghề chọn người”, đó là cách định danh hai hoàn cảnh khác nhau trong việc tiếp cận một công việc - nhằm tạo ra những sản phẩm tinh thần hoặc vật chất mang tính chuyên biệt, mà ta vẫn thường gọi là “nghề nghiệp”.
Ở vế thứ nhất, “người chọn nghề” thể hiện sự chủ động có cân nhắc kỹ lưỡng, gắn với kỳ vọng cá nhân và mối tương quan trong xã hội. Sự lựa chọn này thường thỏa mãn sở thích, đam mê và phù hợp với năng lực của người lao động.
Ngược lại, “nghề chọn người” là khi một người rơi vào nghề trong hoàn cảnh bị động, như thể bị cuốn vào dòng chảy của số phận. Theo thời gian, họ dần gắn bó với công việc, để rồi bị nó cuốn theo suốt cả đời mà không thể dứt ra. Nếu công việc thuận lợi, họ được ngợi ca: “Nhất nghệ tinh - nhất thân vinh”; còn nếu lận đận, thì lại bị coi là “vướng vào chướng nghiệp”.
Từ những thực tế đời sống, người ta không dễ lý giải tại sao trong bất kỳ nghề nào cũng có những cá nhân bền bỉ, cần mẫn, dẫu hoàn cảnh ra thế nào vẫn gắn bó không rời - như thể đó là một mối “duyên nghiệp”. Trong dân gian, hiện tượng vừa thực vừa hư ấy được tâm linh hóa bằng câu nói quen thuộc: “Sinh nghề - tử nghiệp”.
Trong quãng đời làm quan ngắn ngủi 18 năm, với tâm thế của một nhà nho yêu nước và góc nhìn của một sĩ phu, Đặng Huy Trứ đã chứng kiến rõ nỗi lầm than của dân chúng, sự tha hóa của không ít quan lại mưu cầu vinh thân phì gia, cũng như sự bất lực của triều đình trước cảnh “thù trong, giặc ngoài”.
Năm 1867, trong chuyến đi Trung Quốc đầy trắc trở, ông lâm bệnh nặng và phải nằm điều trị suốt 9 tháng trong hoàn cảnh cô đơn, thiếu thốn. Chính trong khoảng thời gian đó, ông đã tranh thủ viết nên tác phẩm “Từ thụ yếu quy”- bộ sách gồm 4 tập, dày 650 trang. Cuốn sách như một bản cáo trạng, phơi bày thói hối lộ và tham nhũng tràn lan trong xã hội và chốn quan trường.
Trước khi cho ra đời “Từ thụ yếu quy”, ông từng tự mình soạn ra một số chuẩn mực đạo đức, như lời răn dạy dành cho bản thân và con cháu, để mỗi lần đọc lại đều có thể soi chiếu và tự nhắc nhở mình phải sống ngay thẳng, liêm chính.
Sử sách ghi chép rằng Đặng Huy Trứ là người có công lớn trong việc cải tiến và đưa nhiều ngành nghề mới lạ du nhập vào Việt Nam, như kỹ nghệ đóng tàu từ phương Tây, nghề làm thủy tinh, in ấn, khắc kẽm…, và đặc biệt là nghệ thuật nhiếp ảnh.
Năm 1868, ông được triều đình bổ nhiệm giữ chức Biện lý Bộ Hộ, trực tiếp phụ trách Ty Bình Chuẩn tại Hà Nội, chuyên lo về kinh tế và tài chính cho triều đình. Không phải ngẫu nhiên mà vào ngày 14 tháng 3 năm 1869, ông đã cho khai trương hiệu ảnh mang tên Cảm Hiếu Đường tại phố Thanh Hà, Hà Nội.
Người Hà Nội gốc vẫn truyền lại rằng, bên trong hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường có treo một bảng hiệu với tiêu đề “Cấm Chỉ”. Nội dung của bảng này như một bộ quy tắc ứng xử dành riêng cho nhân viên cửa hàng. Mục “Cấm” liệt kê cụ thể những hành vi xấu nhân viên không được làm (a; b; c…), trong khi mục “Chỉ” nêu rõ những việc tốt cần phải thực hiện (d; e; f…). Có lẽ chính nhờ cách phục vụ rạch ròi, chu đáo ấy mà hiệu ảnh đã chiếm được cảm tình và sự tin cậy của người dân Hà Nội - vốn nổi tiếng kỹ tính, yêu cái đẹp và trọng nghĩa tình.
Không rõ là chịu ảnh hưởng từ Nho giáo hay Phật giáo, nhưng khi soạn thảo “Từ thụ yếu quy”, Đặng Huy Trứ đã đặc biệt đề cao những giá trị tinh thần mà con người để lại sau khi qua đời. Những bức ảnh chân dung chụp tại hiệu Cảm Hiếu Đường luôn thể hiện thần thái nổi bật của nhân vật. Thời đó, việc có được một bức chân dung treo trong nhà là điều xa xỉ. Khách đến thăm thường đứng ngắm thật lâu, còn người thực trong ảnh hàng ngày vẫn soi lại chính mình qua khoảnh khắc được ống kính ghi lại. Theo quan niệm của Đặng Huy Trứ, mỗi khi nhìn lại ảnh mình, con người thường có xu hướng tự hoàn thiện, không muốn để lại những tì vết cho hậu thế. Bởi vậy, ông cho rằng nhiếp ảnh có khả năng cải tạo hành vi của con người. Và thời nay chúng ta có thể kết luận, rằng Đặng Huy Trứ đã chủ động chọn nghề ảnh để đưa về Việt Nam, coi đó như một phương tiện để giáo dục đạo đức các tầng lớp thần dân trong xã hội.
2. Nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của danh nhân văn hóa Đặng Huy Trứ (16/5/1825 - 16/5/2025) - người từ lâu được tôn vinh là cụ tổ nghề nhiếp ảnh ở Việt Nam - và cũng là dịp đánh dấu 50 năm Nhiếp ảnh Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (1975 - 2025), chúng ta không khỏi bồi hồi nhìn lại chặng đường phát triển của nhiếp ảnh nước nhà. Hơn một thế kỷ rưỡi đã trôi qua kể từ khi Đặng Huy Trứ đem nghề ảnh từ phương Tây về xứ sở, để rồi từ đó, một dòng chảy nghệ thuật mới được khai mở và nở rộ dần trên đất Việt.
Ngày nay, lớp hậu duệ của cụ tổ nghề ảnh Đặng Huy Trứ có thể tự hào rằng họ đã đi được một chặng đường dài, không chỉ giữ gìn mà còn phát huy mạnh mẽ những gì ông đã khởi xướng. Thừa hưởng di sản nghề nghiệp mà ông đặt nền móng, các thế hệ nhiếp ảnh người Việt đã sử dụng chiếc máy ảnh không chỉ là công cụ ghi nhận hình ảnh thô mộc đơn thuần, mà còn là phương tiện để biểu đạt tư tưởng, phản ánh hiện thực khách quan, dùng hình ảnh cất lên tiếng nói nội tâm nhằm đấu tranh gìn giữ những giá trị chân - thiện - mỹ trong mạch sống của dân tộc.
Sự phát triển nền nhiếp ảnh Việt Nam không thể tách rời khỏi những biến chuyển lớn lao của thời đại. Từ ảnh đen trắng sang ảnh màu, từ kỹ nghệ analog sang kỹ thuật số, rồi đến AI…, từng thời kỳ, các nhà nhiếp ảnh luôn là những người tiên phong trong việc cập nhật phát triển theo kịp với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Chính tinh thần tiếp biến không ngừng ấy đã giúp họ thích ứng và làm chủ được những công nghệ mới, đồng thời vẫn giữ được hồn cốt dân tộc trong từng khuôn hình.
Nếu như những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất, nhiếp ảnh vẫn còn là lĩnh vực hoạt động của một số ít người đam mê và được đào tạo bài bản, thì giờ đây, nhiếp ảnh đã phổ cập tới đại bộ phận nhân dân. Điện thoại thông minh, mạng xã hội, và những nền tảng chia sẻ ảnh trực tuyến đã góp phần khiến nhiếp ảnh trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa đại chúng. Tuy nhiên, cũng chính trong bối cảnh ấy, vai trò và trách nhiệm của các nhà nhiếp ảnh đi tiên phong lại càng quan trọng hơn bao giờ hết.
Không chỉ dừng lại ở việc tạo ra những bức ảnh đẹp, nhiều nghệ sĩ ảnh ngày nay còn là những trí thức thực thụ, bởi họ có nền tảng học thức cao hơn và đi sâu hơn về các lĩnh vực đời sống. Họ không chỉ quan tâm đến bố cục, ánh sáng hay đường nét, mà còn suy tư về xã hội, con người, thiên nhiên, môi trường... Họ có trách nhiệm với môi trường sống, yêu thiên nhiên, phản ánh qua hàng loạt tác phẩm mang tính thông điệp nhân văn và sinh thái.
Với sự phát triển của xã hội hiện đại, khi nghệ thuật dễ bị thương mại hóa, khi ranh giới giữa cái đẹp chân thực và cái đẹp “dàn dựng” trở nên mong manh, nhiều người vẫn vững vàng trong lựa chọn nghề nghiệp và đạo đức nghề nghiệp. Họ biết lấy nhiếp ảnh làm trọng, đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện tiêu cực, lợi dụng nhiếp ảnh để trục lợi cá nhân hoặc che giấu những hạn chế của bản thân. Đó là bản lĩnh, là khí chất mà lớp người đi trước như Đặng Huy Trứ từng khơi gợi, và giờ đây, đang được tiếp nối một cách đáng trân trọng.
Trong một xã hội luôn biến động và nhiều thách thức, người nghệ sĩ nhiếp ảnh hôm nay biết thích ứng nhanh chóng với mọi mô hình quản lý của xã hội để phát triển, vừa giữ được bản sắc nghề nghiệp, vừa hội nhập được với thời đại. Họ chính là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa những giá trị xưa và cách thể hiện mới.
Kỷ niệm ngày sinh của cụ Đặng Huy Trứ không chỉ là dịp tri ân một bậc tiền nhân, mà còn là lời nhắc nhở cho mỗi người yêu nhiếp ảnh hôm nay về một hành trình dài đầy tự hào, lại cam go - hành trình đấu tranh và tự cải tạo bản thân theo “Từ thụ yếu quy”. Giữ cái nhìn thẳng trung thực nổi trội của nhiếp ảnh, coi đó là nền tảng đạo đức để theo đuổi và gắn bó với nghề.
Vũ Kim Khoa
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...