
Góc biếm họa số 1+ 2 (2025)

Có một quãng đời in đậm trong trí nhớ của tôi, ấy là từ tuổi lên ba đến khi tôi chớm thành thiếu nữ. Đó là khoảng thời gian tôi đi qua tháng năm bom đạn Mỹ tơi bời, rồi lại hân hoan bước sang giai đoạn hòa bình và xây dựng ở nơi sơ tán: xóm Chợ, xã Phúc Trìu.
Đêm 17 tháng 10 năm 1965, gia đình tôi cùng nhiều người Thái Nguyên gồng gánh tài sản, dắt díu con cái đi khỏi thành phố Thái Nguyên. Chị cả tôi, năm đó 15 tuổi, gánh nồi niêu, bát đũa, bao gạo, mắm muối; mẹ tôi một bên thúng chất quần áo, sách vở, một bên thúng là tôi; bố tôi khoác chiếc ba lô, trong đó là những gì quan trọng nhất của gia đình như sổ gạo, tem phiếu, hộp ruốc, an bum ảnh, tay dắt chị hai tôi 7 tuổi. Cả nhà tôi âm thầm đi trong đêm, để lại sau lưng phố xá tan hoang sau trận bom kinh hoàng ban sáng. Đi ngay, đi ngay đến nơi an toàn, đó là mệnh lệnh của thành phố và chúng tôi lập tức thực hiện.
Mươi cây số với xe động cơ và đường nhựa êm ru như bây giờ thì chỉ tính bằng vài lượt “vít ga”, nhưng đối với đôi chân trẻ con líu ríu, với đôi vai phụ nữ gánh nặng trên con đường đất đá lổn nhổn tối mò mịt 60 năm trước thì đó là hành trình hun hút.
Nhà tôi được một gia đình nông dân xóm Chợ cho ở trọ. Ngày ấy, dường như mỗi nhà dân xóm Chợ đều có một gia đình từ thành phố vào ở. Lần đầu tôi biết mùi rơm rạ, mùi phân trâu; lần đầu được ăn khoai lùi bếp củi; lần đầu được xắn quần lội ruộng. Chị em tôi lớn lên dưới hầm kèo, thảng thốt mỗi khi nghe tiếng còi báo động, tiếng máy bay rít xé màng nhĩ; chị em tôi biết lấy quyển sách che cho ngọn đèn dầu bớt sáng, đi đường biết ghi nhớ vị trí có hầm cá nhân, đêm ngủ choàng dậy vẫn nhớ hướng chạy ra nơi trú ẩn.
Những địa danh “găm” vào trí nhớ tôi hồi đó, như dốc ông Hào (có quầy bán báo và đồ dùng học tập), dốc ông Giới, gốc trám, dốc Đỏ, nhà bà Khôi bán bánh giò; nhà ông Lợi cắt tóc; quán Ba Trăm có quầy bán bánh rán, thuốc lào, kẹo lạc.
Ngày ngày tôi đi qua các địa danh tên đất tên người đó mà đến Trường Cấp 1 Phúc Trìu. Đứa bé nghèo thèm thuồng nhìn tờ báo Nhi đồng treo phất phơ trên sợi dây căng trước quầy ông Hào; thèm thuồng hít mùi giò chả, mùi bánh cuốn từ nhà ông bà Khôi bay qua bờ rào cúc tần; thèm thuồng nhìn chiếc bánh rán tẩm đường trong chiếc lọ thủy tinh đậy nắp kín trong quầy hàng xén ven đường. Có lần tan học về vừa đói vừa mệt, tôi xỉu đi, được bạn cho nằm ở bóng tre rệ đường, chờ bố đi xe đạp đến đón về.
Phúc Trìu ngày ấy thưa vắng lắm, đất đai mênh mông, dựng nhà chỗ nào cũng được, đồi bãi bạt ngàn, thỏa sức trồng khoai trồng sắn. Nhà ai cũng một kiểu 3 gian 2 chái, vách trát bùn, mái lợp rạ, trong nhà có vài cái giường tre. “Trung tâm kinh tế” của Phúc Trìu khi đó là cửa hàng mậu dịch, là dãy nhà xây bằng gạch tổ ong, bán dầu hỏa, muối, xà phòng, đôi khi bán cả bia Trúc Bạch. Có lần nhà có việc, bố tôi mua về mấy chai bia màu xanh, chị em tôi mỗi người được lưng cốc, cho thêm mấy thìa đường mà nhấp tí đã lè lưỡi, nhăn mặt kêu cay quá, cay quá.
Đối diện cửa hàng mậu dịch là dãy hàng xén bán trầu vỏ, kim chỉ, bấc đèn, nhiều thứ lặt vặt khác tôi không nhớ tên. Bên cạnh cửa hàng mậu dịch là nơi ám ảnh với lũ trẻ con chúng tôi, đó là nơi bán thịt, đậu, mắm tôm… cho những người hưởng tem phiếu. Có lần tôi bị bố sai đi mua đậu, xếp hàng từ 3 giờ chiều đến 9 giờ tối mới mua được 2 bìa đậu đen nhẻm, hôi rình, về nhà nhìn xuống hai bàn chân đầy vết thủng lỗ chỗ vì bị nước “ăn chân”.
Khi giặc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, gia đình tôi trở về thành phố. Nhưng cho đến tận bây giờ, tôi vẫn vẹn nguyên nỗi nhớ xóm Chợ, nhớ Phúc Trìu. Nhớ phiên chợ nghèo, tôi lơ ngơ đứng bán vài cây chổi, cuối buổi có bà cụ răng đen nhai trầu ra mua “cho con bé nó về”; nhớ sắn, nhớ guột, nhớ ánh trăng chảy tràn mái rạ, nhớ hạt thóc lấm bùn mót từ chân lúa.
Thế nên, thỉnh thoảng tôi trở về nơi cũ, để đi qua quãng đường đó, để nghe những cái tên vang lên trong trí nhớ, để nói với các con rằng, chỗ này, ngày xưa...
Quán Ba Trăm bây giờ vẫn là khu vực ngã ba, nơi bán mua tấp nập, một ngả rẽ vào xã Phúc Xuân, đi thẳng thì vào xã Tân Cương. Phúc Trìu, Phúc Xuân và Tân Cương đều là những địa danh nằm trong chỉ giới địa lý của vùng chè ngon nổi tiếng cả nước. “Trung tâm kinh tế” xưa là cửa hàng bách hóa, nay là dãy quầy kinh doanh phân bón, đồ điện, đồ gia dụng... Những người bán hàng ở đây đều là cháu chắt, họ hàng của người ngày xưa, họ kể cho tôi nghe chuyện bà, cụ của họ làm cửa hàng trưởng, nhân viên mậu dịch hoặc đứng quầy bán thực phẩm thời bao cấp.
Làng quê quạnh quẽ xưa nay đông vui sắc màu. Con đường đất đá in dấu chân mệt nhọc của gia đình tôi ngày sơ tán, giờ phẳng lỳ, rộng rãi. Nhà hai bên đường đa số là các cơ sở sản xuất kinh doanh chè.
Tôi đến thắp hương nơi tâm linh nhất xóm Chợ là Đền thờ Tiến sĩ Đàm Chí. Theo sử sách thì cụ Đàm Chí sinh năm 1506, quê ở Sa Kệ, Sa Cát, huyện Đồng Hỷ, xứ Thái Nguyên (xưa), nay là xã Phúc Trìu, TP. Thái Nguyên. Năm 1535, cụ đỗ Đệ Tam bảng khoa Giáp đồng Tiến sĩ, xuất thân Hoàng giáp khoa Ất Mùi, niên hiệu Đại Chính thứ 6 (năm 1535) thời Mạc Đăng Doanh. Tiến sĩ Đàm Chí làm quan tới chức Thừa chánh sứ tước văn trái bá, tương đương với chức đứng đầu các Trấn tỉnh thời nhà Nguyễn sau này. Năm 1576, cụ mất và mộ cụ hiện nay (cách Đền khoảng 100 mét), đang được dòng họ và bà con xóm Chợ hương khói.
Ở đây, tôi may mắn gặp Trưởng xóm Chợ là chị Nguyễn Thị Thanh, đồng thời là thủ nhang trông coi Đền. Chị Thanh kể: Ngôi đền trước đây chỉ là cái miếu nhỏ, cách đây 10 năm, nhân dân xóm Chợ đã họp bàn, quyết tâm cùng nhau xây đền. Số tiền ban đầu vỏn vẹn chỉ có 7 triệu đồng, vậy mà công trình hoàn thành với số tiền đầu tư gần 1,7 tỉ đồng do bà con và khách thập phương đóng góp. Từ ngày đền cụ Đàm Chí được xây dựng khang trang, chẳng những bà con nhân dân phấn khởi, có nơi sinh hoạt tâm linh, tri ân bậc tiền nhân, mà còn góp phần làm giàu thêm đời sống văn hoá, tinh thần cho cộng đồng; người dân xóm Chợ làm ăn phát đạt, các cháu học sinh học hành thêm tấn tới, nhiều cháu đỗ vào các trường đại học tốp đầu…
Chốn xưa của tôi là thế, mộc mạc, dịu dàng như hương trà phảng phất. Tôi chợt hiểu vì sao chốn này luôn là nơi tôi nhớ đến đầu tiên mỗi khi cần kể cho ai đó chuyện “ngày xưa”.
Minh Hằng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...