
Góc biếm họa số 5 (2025)

Liên nặng nhọc lê từng bước chân giữa những luống chè đang kỳ vươn búp. Cái bình phun đeo sau lưng nặng trĩu, hai quai bình siết hằn lên vai đỏ lựng. Nắng như nung. Cái nóng hầm hập phả vào mặt người bỏng rát. Hơi thuốc trừ sâu bốc lên khiến Liên càng cảm thấy ngột ngạt. Để phòng thuốc sâu bám vào người Liên đã khoác ngoài bộ quần áo mưa và bịt bọc cẩn thận. Thế nhưng cái hơi nồng nồng, ngai ngái vẫn cứ cố chấp len lỏi qua lớp khẩu trang và xộc vào mũi cô đầy thách thức. Bước chân lảo đảo, đám bòng bong vấn vít quấn vào ủng khiến cô thêm nhọc nhằn. Cả nương chè cứ loang loáng trong nắng trưa rồi mờ dần, nhoè đi và tắt lịm.
Tiếng người nói lao xao, mùi thuốc khử trùng kéo Liên thoát khỏi cơn mê man. Cô khó nhọc mở mắt, đôi môi khô khốc khẽ mấp máy muốn nói mà nghe đắng ngắt nơi cổ họng. Thấy Liên tỉnh, ông Trình nắm vội tay con lay gọi:
-Liên ơi, Liên! Nhận ra bố không con?
Liên khe khẽ gật đầu. Ông Trình mừng quýnh, lau những giọt nước mắt đang trực trào ra nơi khoé mắt nhăn nheo, miệng mắng vốn con gái:
-Cha bố mày, làm ông hú hồn. Mà ai bảo mày trưa không về còn cố phun thuốc làm gì, say thuốc, say nắng lăn đùng ra đấy. Mấy cái đồng bán chè có đủ mua thuốc không con.
-Liên thều thào: Chắc lứa này bỏ thôi bố ạ, lá vừa xoăn vừa cháy hết rồi. Con định cố phun xem có vớt vát được không. Thế mà…
Không đợi Liên dứt câu, ông Trình gắt: - Mày thấy cái cố của mày chưa con? Chè đang ra búp mày phun, xong mày hái bán cho người ta hóa giết người à? Đấy nhá, mày chưa kịp giết ai mày chết trước. Hôm nay thằng Tít lên gọi mày về ăn cơm. Thấy mày gục đấy nó hô người đến đưa mày đi trạm. Nó mà không lên thì giờ này cả nhà đang bắc rạp làm ma cho mày đấy con.
Mắng con một tràng ông Trình ngồi phịch xuống ghế thở hổn hển. Đúng lúc ấy chị Lam trạm trưởng bước vào. Thấy Liên tỉnh rồi, chị lại kiểm tra, hỏi han thêm Liên mấy thông tin để làm bệnh án. Từ nãy đến cửa chị đã nghe hết câu chuyện của bố con ông Trình. Lúc này chị Lam mới lên tiếng: - Thôi bác, em nó mới tỉnh để em nghỉ ngơi thêm cho lại sức bác ạ. Rồi chị quay sang bảo Liên: - Nắng nóng lại cộng với hơi thuốc trừ sâu, sức khoẻ em không tốt nên ngất. Chị thấy về lâu về dài nhà mình nên có hướng khác đi em ạ. Cứ dùng thuốc sâu như thế này hại lắm. Mình tiếp xúc trực tiếp mình ảnh hưởng đầu tiên sau đó là đến người mua, người uống. Em với bác xem lại xem thế nào.
Nói rồi chị Lam chào hai bố con trở về phòng trực. Ông Trình lúc này cũng nguôi ngoai. Nhìn đứa con gái xanh như tàu lá nằm bẹp trên giường lòng ông thắt lại. Số con bé khổ từ thủa lọt lòng. Bà Thơ vừa mang thai nó thì ông nhận lệnh lên đường nhập ngũ để bảo vệ biên giới phía Bắc. Chuyến đó ông đi riết ba năm mới về với đôi chân tập tễnh vì trúng đạn. Cha con vừa kịp quen hơi bén tiếng thì bà Thơ vợ ông bị cảm rồi ra đi đột ngột. Cha con ông gà trống nuôi nhau đến giờ. Rồi con gái lấy chồng ông cứ ngỡ thế là yên bề gia thất. Ai ngờ khi cháu ngoại vừa đầy tuổi thì con rể ông mất vì ung thư. Đứa con gái tội nghiệp của ông một mình bươn bả nuôi con. Hàng ngày Liên đi hái chè đổi công cho các chị trong làng. Tối lại cắm mặt đốt lửa sao chè đến khuya. Mờ sáng lại mang ra ngã ba đầu làng cân cho thương lái. Cuộc sống của Liên chỉ quanh quẩn có chè là chè. Mà khổ nỗi cả cái vùng này có chè nhà nào mà không phun chứ. Hết bệnh rầy xanh, phồng lá rồi lại đốm nâu, nhện đỏ… có nhà phun được đôi ba hôm chè đến lứa là hái, nhà nào may hái được hết chật mới phun thì còn giãn được nửa tháng. Cứ cái đà này cây chè không phải là cây nuôi người nữa mà nó đang giết dần giết mòn người trồng chè. Nghĩ đến đây ông Trình thấy chua chát quá. Bom đạn chiến tranh không giết được ông, vậy mà lẽ nào ông với người dân xứ Đồng Chè này lại phải chết dần chết mòn chỉ vì cái thói quen canh tác lạc hậu, thiếu khoa học này sao? Phải rồi, khoa học! ông Trình thốt lên khiến Liên giật mình. Cô hỏi lại: - Bố bảo gì cơ?
Ông Trình chậm rãi đáp: - Phải thay đổi thôi con ạ, phải áp dụng khoa học tiên tiến thôi, không cứ cái đà này mình cũng chết mà chè cũng chết. Đấy, mấy lô chè gửi đi bị trả lại vì họ kiểm định thấy tồn dư thuốc bảo vệ thực vật nhiều đó thôi. Dần dần, thị trường quay lưng đến lúc đó bán ai mua hả con?
Liên mệt mỏi đáp lại bố: - Vẫn biết thế nhưng bố bảo quanh quẩn làng mình thuốc sâu họ bán có mấy loại đó thôi. Cũng có ai biết loại nào nữa đâu. Cứ người nọ nhìn chè đoán bệnh rồi bảo người kia dùng thuốc theo kinh nghiệm. Mình không phun chè nó đui, không búp cũng chết đói mà bố.
-Thôi con nghỉ đi cho khoẻ. Dần dần rồi bố tính. Ông Trình an ủi con.
***
Cả xứ Đồng Chè có 130 nóc nhà thì nhà nào cũng trồng chè. Cây chè ăn sâu bám rễ lớn lên cùng người dân từ thời bố ông Trình cùng bà con dân làng mãi mạn Nam Hà lên đây làm kinh tế mới. Quanh đi quẩn lại cũng đã mấy chục năm trời. Ngày đó người ta trồng chè hạt, năng suất không được cao lắm. Rồi cuối những năm 90, cả xã dấy lên phong trào cải tạo chè, thay thế giống chè già cỗi bằng giống chè cành, chè Bát Tiên. Được cán bộ khuyến nông tập huấn hướng dẫn cách chăm sóc cộng với giống tốt nên cây chè mới càn lên, hai ba năm là cho thu hoạch, búp cứ tua tủa. Ngặt nỗi thời tiết nắng mưa thất thường, sâu bệnh nhiều nên người ta cứ phải phun. Mà dân mình thì hay tiếc của, chè mới phun mà đến lứa cũng cố hái, không hái là chè quá lứa, xoè lá chỉ có làm chè bồm hoặc cắt bỏ. Cứ như thế người Đồng Chè quanh năm ăn ngủ với chè cũng ngấm dần thuốc trừ sâu sau mỗi lần phun, hái rồi sao. Nói ra cũng xấu hổ, là dân xứ chè nhưng chè làm ra toàn mang bán chứ không dám uống. Nhà nào cũng có dành ra một thửa nho nhỏ gọi là chè sạch để uống trong gia đình. Đó là những đám chè không phun thuốc hoặc có phun cũng để quá lứa chút, cánh chè xấu xấu nhưng được cái nhà dùng nên không quan trọng. Nhìn những đồi chè xanh mướt mắt uốn lượn, lại nhìn mấy bao tải chè khô mới bị trả về vì không đạt kiểm định, ông Trình thoáng buồn khi nghĩ đến một ngày nào đó người ta quay lưng với chè quê mình.
Liên khoẻ lại, cô lại tiếp tục xoay vần với công việc. Hết hái chè, sao chè rồi lại đem chè đi bán. Mùa chè, đêm nào cả xứ Đồng Chè cũng đỏ lửa. Tiếng máy quay xào xào, máy vò rít kẽo kẹt, những bóng người cặm cụi nhễ nhãi mồ hôi vẫn liêu xiêu, phờ phạc với chè.
Gần nửa tháng, ông Trình cứ ăn cơm xong là lại vùi đầu vào điện thoại. Thỉnh thoảng lại lấy cuốn sổ nhỏ ra ghi ghi chép chép. Liên cũng không hỏi vì cô nghĩ chắc ông đang làm báo cáo giữa năm cho Hội. 3 năm nay ông Trình được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh của xã nên nhiều khi cũng bận rộn lắm.
Hôm ấy Liên cùng thằng Tít đang đóng chè vào bao để sáng mai đem đi giao thì thấy ông Trình cùng mấy người nữa về nhà. Ông bảo đây là cán bộ của Liên minh hợp tác xã tỉnh và cán bộ Khuyến nông tỉnh. Mọi người về khảo sát để hỗ trợ xã xây dựng thương hiệu chè VietGAP. Liên nghe mà mơ mơ màng màng chưa hiểu VietGAP là gì. Thấy Liên ngơ ngác, anh cán bộ đi cùng giải thích:
-Chúng tôi đã khảo sát và nhận định xã mình có tiềm năng lớn về cây chè nên quyết định lựa chọn sản phẩm chè xanh để xây dựng sản phẩm VietGAP. Có nghĩa là xây dựng một sản phẩm chủ lực để phát triển kinh tế của xã. Khi đạt tiêu chuẩn VietGAP thì giá thành sản phẩm cao gấp từ 2 - 3 lần giá hiện tại. Tuy nhiên để được cấp chứng nhận thì sản phẩm phải được kiểm định chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và các yếu tố về nguồn gốc xuất xứ chị ạ.
Nếu như lúc trước nghe đến chè được giá gấp 2 - 3 lần Liên vui như mở cờ thì giờ cô lại thấp thỏm vì biết cái lối canh tác như cô và mọi người đang làm thì chẳng cần kiểm định cũng biết là không đảm bảo rồi. Cô nói:
-Khó lắm anh ạ. Giờ nhà nào cũng phun. Kiểm định chắc là không đạt được rồi.
-Khó chứ không phải không làm được. Càng khó mình làm được mới giỏi chứ chị nhỉ? – anh cán bộ cười rồi chào Liên và cùng mọi người vào nhà bàn chuyện với ông Trình.
Chiều hôm ấy, đoàn cán bộ về duy chỉ có cái anh lúc chiều nói chuyện với Liên là ở lại. Thấy Liên đi làm về ông Trình gọi cô vào nhà:
-Liên, đây là anh Thi, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Anh sẽ ở lại nhà mình vài bữa để hỗ trợ bà con mình xây dựng sản phẩm chè sạch. Con giúp bố thu dọn cái trái bên hông nhà cho anh nghỉ ngơi nhé.
-Ông Trình dứt lời, Thi cũng nhanh nhảu đế theo: Phiền chị Liên nhé. Sau này có nhiều việc em còn phiền chị giúp, có gì chị đừng từ chối nhé.
Liên né tránh ánh nhìn thăm dò từ Thi, cô ậm ừ rồi đi thu xếp phòng cho khách.
Sau hôm Thi đến ở nhà ông Trình, liền mấy ngày, hết xã rồi thôn tổ chức liên tiếp mấy hội nghị giới thiệu về mô hình, quy trình cũng như lợi ích của việc canh tác chè VietGAP và xây dựng sản phẩm OCOP. Hội nghị nào người dân cũng tham gia đông lắm, ai cũng hào hứng khi nghe nói về hiệu quả của cây chè có thể tăng gấp vài lần. Thế nhưng khi nói đến cách làm thì không khí lại chùng xuống. Cũng phải thôi, để đảm bảo hàm lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật cho phép thì sau khi phun xong không được hái ngay mà phải đợi cả nửa tháng trở lên. Như thế là phải cắt bỏ cả lứa chè. Mà phải cắt bỏ cả lứa chè chờ lứa sau mới hái thì khác nào đổ đi cả tạ thóc. Tổn thất như vậy ai mà không xót cho được. Rồi lại còn bón phân cũng phải tuân theo lịch, không những thế lại còn phải đúng chủng loại được cho phép, phân vi sinh, hữu cơ và chế phẩm sinh học gì gì đó nữa. Tất cả cứ như cái mớ bòng bong mà những người chỉ quen bán mặt trên đồi chè như người dân quê Liên thì chả hiểu gì. Làng xóm xôn xao chuyện làm chè sạch. Nhà nhà đắn đo không biết có nên đăng ký tham gia không. Tâm lý bà con còn e ngại vì một phần thực sự họ chưa dám tin mình có thể làm được. Một phần vì họ quá quen với lối canh tác cũ.
Ngoài việc khi tổ chức hội nghị Thi mời bằng được Liên bỏ việc tham gia, thì từ khi anh đến ở nhà bố con cô, mọi thứ trong nhà không có gì xáo trộn. Liên vẫn cặm cụi hái chè, thu mua thêm chè rồi đem về sao. Thỉnh thoảng có hôm Thi cũng ra phụ cô thêm lửa, giữa độ lửa đều cho bếp. Qua những lần như thế Liên và anh cũng nói chuyện nhiều hơn. Liên biết Thi hơn cô hai tuổi và còn độc thân. Cô hơi ngạc nhiên vì tính ra năm nay anh cũng ngoài ba mươi rồi, vào độ tuổi này ở làng cô thì đã con cái đề huề. Tuy nhiên Liên không hỏi mà chỉ nghĩ Thi mải lo sự nghiệp nên chưa tính đến chuyện vợ con. Hơn nữa mới biết nhau được vài bữa, nếu hỏi sâu về chuyện đời tư Liên sợ người ta nghĩ mình vô duyên nên câu chuyện của cô và anh chỉ xoay quanh cách làm chè, chăm chè. Sự điềm tĩnh, tỉ mỉ cùng những kiến thức sâu rộng của Thi về cây chè gợi mở cho Liên nhiều điều thú vị. Sợi dây niềm tin cứ từ từ dệt lên trong lòng người đàn bà goá xứ Đồng Chè như thế.
Sáng hôm ấy, khi Liên đang định khoác sọt lên vai để đi hái chè đổi công cho chị Ngà thì ông Trình gọi cô lại:
-Liên này, bố quyết rồi, bố đăng ký với xã tham gia mô hình VietGAP. Nhà mình tham gia hết cả 1 ha con ạ.
-Bố, như vậy có mạo hiểm quá không ạ? Con sợ mất trắng thì nhà mình lấy gì mà sống ạ. – Liên sốt sắng.
-Tin bố con ạ. Bố làm được. Bố hứa đấy. Hơn nữa bố không làm một mình. Bác Hùng, bác Tân cũng tham gia cùng bố. Có đồng đội sát cánh bên nhau bố tin mình không đầu hàng được.
Nói rồi ông Trình vỗ vai Liên và quả quyết bước về phía đồi chè. Liên đứng lặng nhìn theo bóng bố. Cô biết tính ông, gan lì và quyết đoán. Cô cũng biết ông rất cẩn thận, mỗi khi làm việc gì đều tính toán trước sau nên Liên tin lần này ông Trình cũng đã cân nhắc kỹ.
Thi đứng ngoài cửa nghe câu chuyện của bố con Liên từ đầu, anh bước vào lên tiếng:
-Liên yên tâm, tôi hứa sẽ không để bác và Liên thất vọng đâu. Tôi sẽ đồng hành cùng bác và mọi người.
-Mong rằng sẽ thuận buồm xuôi gió anh ạ. – Liên khẽ đáp.
-À Liên này, trưa Liên đừng nấu cơm tôi nhé. Tôi có việc phải lên tỉnh chắc trưa mai tôi mới về. Sáng tôi chưa kịp chào bác, Liên nói với bác giúp tôi nhé
-Vâng.
Chào Liên rồi Thi nổ máy xe phóng đi. Không biết vì tin vào sự quả quyết của bố hay vì có lời cam kết của Thi nhưng trong lòng Liên niềm hy vọng về sức sống mới của xứ Đồng Chè đã nhen nhóm.
Trưa hôm sau mặt trời đứng bóng trên ngọn tre đầu xóm Thi trở về. Theo sau anh là một xe tải và mấy cậu thanh niên xóm. Thi ngó vào nhà gọi lớn:
-Bác Trình ơi cháu lấy phân vi sinh với chế phẩm sinh học về rồi. Bác ới bác Tân, bác Hùng sang nhận giúp cháu nhé.
Ông Trình lật đật chạy ra:
-Mang cả vào đây, đồi nhà các ông ấy ở quanh đây, nên để nhờ nhà tôi lấy lên bón cho nó tiện. Nhà tôi cũng rộng rãi, thoải mải.
Có được lời của ông Trình, Thi cùng đám thanh niên hăng hái trèo lên xe bốc xếp từng bao phân vi sinh và các thùng thuốc chế phẩm vào xếp gọn gàng phía gian nhà kho. Chỗ đấy trước Liên dùng để chứa chè khô. Từ hôm bố quyết định tham gia mô hình VietGAP, Liên thôi không đi thu mua chè nữa và cũng dừng hẳn việc hái chè từ đồi chè của nhà để bố và Thi cải tạo lại.
Từ hôm lấy phân về, ngày nào Thi cũng cùng bố con Liên quần quật trên nương chè. Thi hướng dẫn Liên cắt tỉa hết lứa chè cháy nắng, rồi rạch luống để bỏ phân. Những đám chè bị cháy nắng, xoăn lá Thi hướng dẫn Liên pha chế phẩm sinh học để phun. Anh bảo phân vi sinh và chế phẩm sinh học an toàn cho cả cây và đất, cây sẽ khoẻ hơn mà đất không bị chai lì, môi trường không bị ô nhiễm. Quan trọng hơn là không độc hại cho con người. Đúng thật, từ hôm làm theo cách của Thi mặc dù trời vẫn nắng chang chang nhưng Liên không cảm thấy ngột ngạt bởi cái mùi nồng nồng ngái ngái của thuốc trừ sâu. Cô không còn sợ đến lạnh người khi phải đi lên nương nữa.
Hướng dẫn mọi người thành thạo cách chăm sóc Thi phải trở về cơ quan. Anh nhắn Liên:
-Khi nào chè được hái Liên gọi cho tôi nhé. Tôi sẽ về hướng dẫn bà con hái theo đúng kỹ thuật để cánh chè khi sao ra đẹp nhất mà lại dưỡng được cây chè cho lứa sau.
Thi đi rồi, tự nhiên Liên thấy căn nhà quen thuộc bỗng trở lên trống trải lạ. Thằng Tít thi thoảng lại hỏi: Mẹ ơi bao giờ bác Thi lại về? Những ngày Thi ở nhà Liên, sự cởi mở chân thành của bố con Liên khiên Thi cảm thấy gẫn gũi thân thuộc như ở nhà. Anh cũng điềm đạm và ân cần khiến thằng Tít nó quấn Thi cứ như sam. Từ hôm Thi về lại trên tỉnh, ngày nào Liên cũng lên thăm đồi chè. Cô lấy điện thoại chụp lại từng thay đổi của cây để gửi cho Thi, từ khi những mầm xanh mới nứt nơi kẽ lá cho đến khi nhú chồi non. Nhìn những búp chè non mỡ màng như thắp lên một hi vọng ấm áp trong lòng Liên. Một sự chờ đợi, ngóng trông lại nhen nhóm dần.
Sau cơn mưa rào mùa hạ, nắng rắc vàng cả vạt đồi khiến đồi chè ánh lên như ngọc biếc. Liên vui mừng nhắn cho Thi: - Anh ơi chè vào lứa rồi anh ạ. Trộm vía búp mập mạp và xanh biếc. Thi thả tim mà yên lặng không đáp.
Đợi mãi không thấy Thi trả lời Liên cứ ngơ ngẩn. Không lẽ anh quên lời hứa hôm bữa? Suốt buổi trưa hôm ấy Liên thẫn thờ hết nhìn ra ngõ lại ngóng lên phía đồi chè lấp loáng nắng. Trong bóng nắng Liên bất chợt nhận ra bóng dáng quen thuộc. Là Thi, đúng anh rồi. Liên bật dậy chạy ra mở cổng:
-Trời ơi, nắng nôi thế này mà lặn lội về, sao không để chiều mát hãy đi.
-Tôi về luôn cho kịp. Liên gọi giúp tôi mấy chị em trong xóm nữa nhé. Lát nữa mình lên đồi luôn. Tôi sẽ hướng dẫn mọi người cách hái chè đúng kỹ thuật.
-Nhưng anh nghỉ ngơi đi đã.
-Không cần đâu. Liên cứ đi đi đừng lo cho tôi.
Chiều hôm ấy trên đồi chè nhà Liên, Thi tỉ mỉ hướng dẫn mọi người hái chè theo tiêu chuẩn một tôm hai lá. Vì là dân xứ chè nên các chị em tiếp thu nhanh lắm, những đôi tay thoăn thoắt hái từng búp ngọc. Thi cũng phụ chị em, mà lạ thay anh hái nhanh không kém gì mọi người khiến ai cũng trầm trồ. Buổi tối Thi là cùng Liên sao chè, anh tỉ mỉ chêm lửa không để lửa quá to, anh bảo độ lửa quan trọng lắm, chè khê hay ngon đều nhờ lửa cả. Đến rạng sáng, Thi và Liên cũng hoàn thành mẻ chè đầu tiên. Mặt trời vừa ló rạng, Thi lại vội vã từ biệt bố con Liên để về tỉnh, anh mang theo cả gói chè mẫu để đem đi kiểm định.
Bẵng đi một thời gian Thi không về xứ Đồng Chè. Liên và mấy hộ tham gia mô hình vẫn kiên trì làm theo kỹ thuật mà anh hướng dẫn. Có vướng mắc gì cô và mọi người chủ động nhắn tin gọi điện để được Thi trợ giúp. Từ ngày làm theo mô hình VietGAP, Liên nhận thấy đồi chè của nhà có sự thay đổi rõ rệt, lá xanh hơn, ít sâu bệnh hơn, búp cũng khoẻ và mập mạp hơn. Không phải tiếp xúc nhiều với hoá chất nữa Liên thấy người khoẻ hẳn lên, da dẻ không còn xanh xao nữa. Nhiều khi soi gương Liên còn thấy đôi má bất giác ửng hồng.
Thời tiết giữa thu bắt đầu sa sương, chè cũng dần vào cuối vụ. Những đồi chè trong làng búp đã cằn hơn, không còn mỡ màng như thời điểm giữa hạ nữa. Vậy mà đồi chè nhà Liên và mấy hộ tham gia VietGAP búp vẫn tua tủa. Cầm điện thoại định nhắn vào nhóm đổi công để nhờ mấy chị em đi hái đỡ thì Liên thấy bố gọi điện. Ông Trình giục giã:
-Con thay quần áo rồi lên xã ngay nhé, mọi người tập trung ở đây cả rồi. Có tin vui con ạ.
Liên thay vội bộ đồ rồi đi thẳng lên xã. Trên hội trường uỷ ban đã đông đủ các ban ngành đoàn thể, có cả mấy anh cán bộ đợt trước vào nhà Liên và cả Thi ở đó. Thấy Liên đến, Thi vội chạy ra mừng rỡ nói:
-Mình thành công rồi Liên ạ. Sản phẩm chè của mình đạt tiêu chuẩn cấp chứng chỉ VietGAP rồi. Hôm nay huyện về trao chứng nhận đấy. Liên minh hợp tác xã cũng ký cam kết bao tiêu đầu ra cho bà con rồi. Anh không hứa suông nhé.
Cả người Liên lâng lâng khó tả. Vậy là niềm tin của Liên đặt đúng chỗ, vậy là bố cô và đồng đội đã làm được và quan trọng hơn cả xứ Đồng Chè đã tìm được hướng đi để cứu cây chè, cứu những phận đời không còn phải chết dần chết mòn vì chè nữa.
Ngay trong hội nghị hôm ấy đã có thêm hơn 20 hộ dân đăng kí tham gia mô hình VietGAP. Ông Trình cũng mạnh dạn xin xã đứng ra thành lập Hợp tác xã Cựu chiến binh để hỗ trợ và đồng hành cùng bà con phát triển thương hiệu chè xanh quê hương. Đề xuất của ông Trịnh được uỷ ban xã chấp thuận. Thi lại hỗ trợ ông Trình phối hợp với Liên minh hợp tác xã tỉnh hoàn tất thủ tục hồ sơ để ra mắt Hợp tác xã.
Hơn một tháng sau, Hợp tác xã Cựu chiến binh Đồng Chè chính thức ra mắt, trụ sở được đặt ngay tại nhà Liên. Sáng hôm ấy ông Trình trịnh trọng trong bộ quân phục, đôi tay run run xúc động đón nhận tờ quyết định thành lập Hợp tác xã từ tay đồng chí Chủ tịch Ủy ban xã. Trong bài phát biểu, ông Trình hứa sẽ đưa thương hiệu chè xanh Đồng Chè vươn xa để cây chè trở thành cây kinh tế chủ lực xoá đói giảm nghèo cho xứ Đồng Chè.
Buổi sáng hôm ấy, gió lạnh mơn trớn trên những đồi chè đang bước vào kỳ ngủ đông. Liên hết nhìn bố rồi lại nhìn ra những đồi chè phía xa. Bất giác một bàn tay nắm chặt tay cô, hơi ấm từ bàn tay ấy truyền lại khiến trái tim Liên loạn nhịp. Cô và Thi cứ đứng yên như thế cùng hít hà hơi nắng ấm mùa đông. Phía đồi chè, nắng đã bừng lên rực rỡ. Rồi mai này trên những đồi chè ấy không chỉ là những nương chè cho búp mỗi kỳ thu hoạch nữa. Loáng loáng trong bóng nắng, Liên như nhìn thấy từng đoàn khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm thu hái chè cùng bà con trong xóm. Thoảng trong gió không còn cái hương nồng nồng ngai ngái ngày xưa nữa mà thay vào đó là hương thơm thanh mát có pha chút chan chát đầu môi, ngọt ngào nơi cuối vị. Cả xứ Đồng Chè bừng lên trong nắng ấm mùa đông.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...