Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
12:32 (GMT +7)

Một con đường sẽ thành đại lộ

(Nhân 10 năm thành lập Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên [2008-2018])

Đại văn hào Lỗ Tấn từng viết, đại ý rằng: Ngày xưa trên trái đất vốn không có đường, người ta đi mãi mới thành đường. Tôi xin mạo muội thêm vài ý vào danh ngôn ấy: Trái đất thuở ban đầu vốn không có đường, nhờ có những người đầu tiên dám đặt bước chân vào gai góc, mới có những người đến sau đi tiếp để thành đường.

Với mảng sách về đề tài dân tộc và miền núi của Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên cũng thế. Trong bối cảnh xuất bản có rất nhiều hướng lựa chọn, Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên đã xác định sách về mảng đề tài dân tộc và miền núi sẽ là một nhiệm vụ trọng tâm trên con đường phát triển của mình.

 

Công lao “mở đường” đầu tiên phải kể đến nhà giáo, nhà phê bình văn học Lâm Tiến. Ông là người đầu tiên và có lẽ cũng là duy nhất dành cả cuộc đời mình cho việc khai mở một con đường riêng: nghiên cứu phê bình về văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại. Các công trình của Lâm Tiến như Văn học và miền núi (2002), Tiếp cận văn học dân tộc thiểu số (2011).v.v.. vừa là minh chứng cho điều đó, vừa là bàn tay vẫy gọi, là ngọn lửa hồng đầu tiên nhen lên, là bước chân đầu tiên khai mở một con đường chông gai trong nghiên cứu văn học, để từ đó rất nhiều học trò của ông đã đi tiếp và gặt hái thành công. Trước Lâm Tiến và cùng thời với ông cũng có một số nhà nghiên cứu văn học tìm hiểu về văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại như Nông Quốc Chấn, Phong Lê, Đinh Văn Định v.v.., nhưng họ nghiên cứu rất nhiều đề tài khác, có lẽ họ chỉ như một khách bộ hành trên đại lộ, thi thoảng rẽ vào một lối nhỏ, hái một bông hoa lạ có tên văn học dân tộc thiểu số, rồi lại trở về con đường rộng lớn của mình. Chỉ có Lâm Tiến là người đã dành trọn cuộc đời mình cho mảng sáng tác này - một mảng sáng tác hay và khó với bao “rào cản” như sự khác biệt về văn hóa, nỗi cô đơn trên một con đường rất ít bạn đồng hành.

Hạnh phúc thay cho Lâm Tiến khi ông nhìn lại phía sau lưng mình, thấy rất nhiều học trò đi tiếp bước chân ông, tiêu biểu nhất trong những người tiếp bước ấy lại đều công tác tại Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên. Người thứ hai sau Lâm Tiến là PGS.TS. Trần Thị Việt Trung - nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên. Có lẽ chỉ cần kể tên những công trình nghiên cứu mà chị chủ biên hoặc tham gia với tư cách đồng tác giả đã đủ nói lên sự tâm huyết, say mê và đóng góp của chị cho sự nghiệp nghiên cứu, phê bình về văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại: Lịch sử phê bình văn học Việt Nam (giai đoạn từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945 (tác giả, 2002, tái bản 2010), Bản sắc dân tộc trong thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại (chủ biên, 2010), Xứ Lạng và Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Trường Thanh (2011), Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam thời kì hiện đại - Một số đặc điểm (đồng chủ biên, 2011), Nghiên cứu, lí luận phê bình văn học dân tộc thiểu số Việt Nam thời kì hiện đại (chủ biên, 2013), Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam - truyền thống và hiện đại (đồng chủ biên, 2014) và Nghiên cứu, phê bình về văn học dân tộc thiểu số (tác giả, 2016).

Đi tiếp một con đường đầy chông gai đủ khó khăn, gieo vào trái tim học trò tình yêu cùng khát khao khám phá văn học dân tộc thiểu số và miền núi còn khó khăn hơn nhiều. Chị Trần Thị Việt Trung đã làm được điều ấy. Có một nghiên cứu sinh do PGS.TS. Trần Thị Việt Trung hướng dẫn nay đã trở thành một nhà giáo giỏi, một nhà nghiên cứu trẻ đầy hứa hẹn: TS. Nguyễn Kiến Thọ với luận án “Thơ ca H’Mông từ truyền thống đến hiện đại”. Công trình đã đạt Giải A về lí luận phê bình – Giải thưởng văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2012 - 2016.

Bản thân tôi, nguyên là Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên, cũng dành rất nhiều tâm huyết cho nghiên cứu mảng văn học dân tộc thiểu số. Các công trình nghiên cứu của tôi về lĩnh vực văn học dân tộc thiểu số tuy chưa nhiều nhưng đều nặng trĩu yêu thương, trân quý với mảng sáng tác này, với các cuốn sách đã xuất bản: Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam - truyền thống và hiện đại (đồng chủ biên, 2014), Văn học địa phương miền núi phía Bắc (chủ biên, 2016). TS. Cao Thu Hoài, người được tôi hướng dẫn thực hiện luận án Tiến sĩ cũng chọn một đề tài cùng hướng đi tâm huyết của thầy: “Nửa thế kỉ văn xuôi dân tộc thiểu số và miền núi”.

  1. Phạm Quốc Tuấn, hiện là Phó Giám đốc phụ trách Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên cũng đóng góp một công trình tâm huyết về đề tài dân tộc và miền núi: “Truyện thơ Nôm Tày Phạm Tử - Ngọc Hoa”.

Từ những nhà khoa học tâm huyết của Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên ấy, một hệ thống sách về dân tộc và miền núi được kêu gọi, đặt hàng, tạo mọi điều kiện thuận lợi về công tác xuất bản đã hình thành, ngày càng đầy đặn, phong phú, phát triển và nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Có thể kể tên những cộng tác viên tâm huyết, những người bạn tâm giao của Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên, có sách về đề tài dân tộc và miền núi xuất bản tại Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên, như: PGS.TS. Đào Thủy Nguyên với cuốn Bản sắc văn hóa dân tộc trong văn xuôi của các nhà văn dân tộc thiểu số Việt Nam; PGS.TS. Cao Thị Hảo với Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam thời kỳ hiện đại - một số đặc điểm (đồng chủ biên); Nhà nghiên cứu Lương Bèn với Từ điển Tày - Việt; Nhà nghiên cứu Mông Kí Slay với Từ điển Nùng - Việt; Nhà nghiên cứu Đồng Khắc Thọ với Nhà tưởng niệm Bác Hồ - Đèo De, ATK Định Hóa, Thái Nguyên; Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Thắng với Những di tích thời đại đá ở Thái Nguyên; Nhóm tác giả của Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên với Những phát hiện khảo cổ học tiền sử tại hang Ốc, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên; Nhà văn Ma Đình Thu với Pụt Kì Yên; Nhà văn Hoàng Quảng Uyên với Mặt trời Pắc Bó

Có thể nói, với danh mục đã xuất bản hàng loạt xuất bản phẩm (Sáng tác thơ và văn xuôi; Sưu tầm khảo cứu; Nghiên cứu phê bình văn học…) không chỉ thuộc khoa học xã hội và nhân văn, mà có cả tác phẩm thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, kinh tế, xã hội…, Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên tự hào đã xây dựng được một thương hiệu riêng, xác định một con đường riêng: xuất bản sách về đề tài dân tộc thiểu số và miền núi, đóng góp thiết thực cho tỉnh Thái Nguyên nói riêng, cho các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc nói chung, xứng đáng là một Nhà xuất bản Trung ương duy nhất phục vụ công tác xuất bản của toàn bộ khu Việt Bắc và Tây Bắc của Tổ quốc.

Những đóng góp thầm lặng, bền bỉ và ý nghĩa của Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên đã được ghi dấu bằng những giải thưởng dành cho nhiều cuốn sách mà đơn vị đã tổ chức xuất bản. Tiêu biểu trong đó như: Công trình Nghiên cứu phê bình về văn học dân tộc thiểu số Việt Nam của PGS.TS Trần Thị Việt Trung đạt Giải thưởng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; Công trình Văn học địa phương miền núi phía Bắc do PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh chủ biên đạt Giải thưởng Sách hay của Hội xuất bản Việt Nam; Tập thơ Vũ khúc Tày của nhà thơ Y Phương đạt Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam.v.v..

Có lẽ phải đến khi đọc lại danh mục sách về đề tài dân tộc và miền núi đã xuất bản 10 năm qua (2008 - 2018), chúng ta mới hiểu hết những giọt mồ hôi thầm lặng, lòng yêu nghề, và tình yêu sâu nặng của các thế hệ cám bộ Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên dành cho vốn văn hóa quý báu của đồng bào các dân tộc thiểu số, dành cho quê hương Thái Nguyên và cho sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Mười năm - một chặng đường chưa dài nhưng đã ghi dấu bao cố gắng, bao thành công trong sự nghiệp xuất bản của Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên. Nhìn lại chặng đường đã qua để vững tin vào hiện tại, chuẩn bị hành trang để đi tới tương lai tươi sáng.

Xin được bày tỏ lòng tri ân, niềm tự hào, sự tin yêu và hi vọng đối với Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên và con đường đang đi tới.

PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh

(Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên)

* PGS.TS. Tổng biên tập Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy