Bàn thêm về câu thơ “Trí chủ hữu hoài phù địa trục”
VNTN - Báo Văn nghệ Thái Nguyên số 38 (ra ngày 18/9/2018) có đăng tải một bài viết của tác giả Nguyễn Xuân Hưng với nhan đề Bài Cảm hoài của Đặng Dung: “Địa trục” là gì?. Nhìn chung bài viết khá công phu, tác giả đã dày công tra cứu tư liệu và lập luận để phủ định một số quan niệm truyền thống về từ “địa trục”, đồng thời đưa ra một ý kiến mới về ý nghĩa của câu thơ thứ năm trong bài Cảm hoài của Đặng Dung. Ngay sau khi bài viết được đăng tải, đã có khá nhiều ý kiến quanh nội dung bài viết. Với tính chất trao đổi, người viết xin phép được bàn thêm về câu thơ thứ năm này.
Cặp câu 5 - 6 trong bài thơ Cảm hoài được in trong Thơ văn Lý - Trần[1] như sau:
致主有懷扶地軸,
洗兵無路挽天河。
Phiên âm:
Trí chủ hữu hoài phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
Để làm rõ nội dung ý nghĩa của câu thơ thứ năm này, người viết muốn hướng đến hai vấn đề: Bàn lại ý nghĩa của từ “địa trục”; hai chữ đầu tiên trong câu thứ năm đọc là “trí chủ” hay “cải chúa”.
Về từ “địa trục” 地軸
Trước hết cần xác định “địa trục” là một từ ghép, vì là từ nên khi tra cứu cần dùng từ điển (dùng tra từ), còn tự điển (dùng tra chữ) chỉ dùng để tham khảo và tránh tin tưởng tuyệt đối.
Về ý nghĩa của từ này, Từ nguyên giải thích như sau: “Trong thuyền thuyết cổ đại, mặt đất rộng lớn (đại địa) có trục. Trương Hoa thời Tấn trong Bác vật chí từng viết: “Đất có ba nghìn sáu trăm trục, ràng giữ lẫn nhau”. Đến thời Đường, Ngu Thế Nam trong Bắc đường thư sao quyển 157, có dẫn trong phần Hà hải quát địa tượng như sau: “Núi của dãy Côn Luân, chắn ngang làm thành địa trục”. Về sau được dùng để phiếm chỉ mặt đất rộng lớn (đại địa).... Khoa học hiện đại lấy giả thiết đường thẳng xuyên qua hai cực Nam Bắc của địa cầu là địa trục”. 古代傳說大地有軸。晉張華博物志:“地有三千六百軸,互相牽制”。北堂書鈔一五七引《河海括地象》:“崑崙之山,橫為地軸”。後用來泛指大地....現代科學以貫穿地球南北兩極的假設直綫為地軸。(Từ Nguyên, Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, Trung Quốc, 1998, tr. 590).
Cùng quan điểm ấy, nhóm học giả La Trúc Phong, trong Hán ngữ đại từ điển, giải thích về ý nghĩa của từ “địa trục” như sau: “1 (địa trục) là trục của mặt đất rộng lớn (đại địa)....cũng phiếm chỉ mặt đất rộng lớn. 2 Nay chỉ đường trục của địa cầu tự quay quanh nó, nó (đường trục) vuông góc với mặt phẳng xích đạo”. 1古代傳說中大地的軸。。。亦泛指大地。2今指地球自轉所圍繞的軸綫,它和赤道平面相垂直。(La Trúc Phong (chủ biên), Hán ngữ đại từ điển, quyển 2, Thượng Hải từ thư xuất bản xã, Thượng Hải, Trung Quốc, 1986, tr. 1030).
Khảo qua hai cuốn từ điển nổi tiếng của Trung Quốc, có thể thấy “địa trục” là một từ ghép bởi hai yếu tố “địa” 地 và “trục” 軸. Từ ghép này cố định và có hai ý nghĩa: nghĩa thứ nhất là chỉ trục của mặt đất rộng lớn (hoặc phiếm chỉ mặt đất rộng lớn); nghĩa thứ hai là chỉ trục của địa cầu. Trong bài thơ Cảm hoài, từ “địa trục” được dùng theo ý nghĩa thứ nhất.
Trở lại với vấn đề từ điển và tự điển. Trong bài viết trước, tác giả Nguyễn Xuân Hưng sử dụng công cụ chính để tra cứu là Tự điển Hán Việt của Thiều Chửu. Bản chất của tự điển là dùng để tra ý nghĩa của các chữ đơn lẻ, trong đó có thể dẫn dụ một số từ hàm chứa thành phần là chữ đang tra cứu. Khi tra cứu tự điển của Thiều Chửu, người tra có thể tra theo bộ thủ, tra theo âm Hán Việt, tra theo bính âm (âm Bắc Kinh), tra theo nét bút (hai nét đầu tiên của chữ cần tra). Về cơ bản, Tự điển Hán Việt của Thiều Chửu rất hữu ích khi tra cứu các chữ (tự). Trong cuốn tự điển này, mục chữ “trục” 軸 có 5 ý nghĩa: 1 cái trục xe; 2Cái trục cuốn; 3Phàm vật gì quay vòng được thì cái chốt giữa đều gọi là trục; 4 Ở cái địa vị cốt yếu cũng gọi là trục; 5Bệnh không đi được. Đáng chú ý nhất là ở mục ý nghĩa thứ ba, Thiều Chửu dẫn dụ thêm “như quả đất ở vào giữa nam bắc cực gọi là địa trục 地軸”. Như vậy ngay chính tác giả Thiều Chửu cũng xác định “địa trục” là một từ có ý nghĩa nhất định. Do đó có cần thiết hay không khi tách từng bộ phận của từ (các chữ) ra để phân tích sau đó lại ghép vào thành một từ với ý nghĩa khác với ý nghĩa vốn có của từ đó? Đành rằng, Đặng Dung không dùng từ “địa trục” theo nghĩa của khoa học hiện đại cũng như theo ý nghĩa của từ “địa trục” trong cách dẫn giải của Thiều Chửu, nhưng cũng không vì thế mà nhà thơ dùng từ “địa trục” để chỉ người “người nắm giữ chính quyền” đất nước, như tác giả Nguyễn Xuân Hưng đã đề xuất. Hiểu như vậy có phần xa vời, chưa thuyết phục.
Xét trong tương quan đối ngẫu giữa câu thứ năm và câu thứ sáu ở cặp câu luận, có thể thấy “thiên hà” 天河 cũng là một từ cố định. Từ nguyên giải thích ý nghĩa của từ này như sau: “(thiên hà) là hệ thống do số lượng lớn những ngôi sao cấu tạo thành. Vào những đêm tạnh trời cao, phô bày màu trắng bạc, có hình dạng giống như dòng sông lớn, cho nên gọi là thiên hà. Cũng gọi là tinh hà, thiên hán, vân hán, ngân hán, ngân hà..v..v. Dữu Tín thời Bắc Chu trong bài Kính phú, ở tập Dữu tử sơn tập có viết: “Thiên hà dần biến mất, (là lúc) mặt trời sắp lên”.”由大量恒星構成的星系。晴夜高空,呈銀白色帶狀,形如大河,故名天河。也叫星河,天漢,雲漢,銀漢,銀河等。北周庾信《庾子山集》——《鏡賦》:“天河漸沒,日輪將起”(Sđd, tr. 686). Thiết nghĩ “địa trục” đối với “thiên hà” thì không còn gì phù hợp hơn.
Như vậy có thể tóm lược lại, “địa trục” là trục của mặt đất rộng lớn, hoặc phiếm chỉ mặt đất bao la (đại địa).
“Trí chủ” hay “cải chủ”
Gần đây có ý kiến cho rằng hai chữ đầu tiên của câu thơ này phải là “cải chủ” hoặc “cải chúa”[2] mới đúng. Do trong thư tịch, trước tác của Bùi Dương Lịch ghi chép lại hai chữ này là 改主. Bản thân người viết thấy đây cũng là một vấn đề cần trao đổi.
Để xác định một văn bản tác phẩm, nhất là tác phẩm văn học trung đại, vốn sử dụng chữ Hán và chữ Nôm làm công cụ thể hiện, cần xác định được bản nền, tức bản được dùng để nghiên cứu. Hiện nay, các thư tịch Hán Nôm đáng tin cậy còn chép lại bài thơ Cảm hoài có thể kể đến như Việt âm thi tập (VÂTT), Toàn Việt thi lục (TVTL), Hoàng Việt thi tuyển (HVTT).
Theo kết quả khảo sát của nhóm tác giả thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội[3], văn bản cổ nhất có in bài Cảm hoài của Đặng Dung là bản VÂTT do Phan Phu Tiên biên soạn, Nguyễn Tử Tấn phê điểm, bản in lần đầu năm 1459, in lại năm 1729. Như vậy, VÂTT là bản in có niên đại gần nhất với thời điểm Đặng Dung sáng tác bài thơ Cảm hoài. Nhóm tác giả trên cũng lựa chọn VÂTT làm bản nền (người viết đồng tình với quan điểm này). Kết quả khảo sát đối chiếu dị văn giữa VÂTT (A.1925) và các văn bản khác như sau:
Qua bảng khảo sát có thể thấy, dị văn không rơi vào hai chữ đầu tiên của câu thứ năm của bài Cảm hoài, tức là việc dị biệt ở chữ này là không có. Do đó hai chữ này nhiều khả năng vẫn được giữ nguyên là “trí chủ” 致主 (gắng hết sức phò chủ).
Vậy tại sao lại có sự nhầm lẫn giữa “trí chủ” và “cải chủ”? Sự nhầm lẫn này có thể xuất phát từ hai nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là do bối cảnh xã hội, nguyên nhân thứ hai có thể xuất hiện trong quá trình sao lưu văn bản.
Nhìn vào bối cảnh lịch sử thời Đặng Dung sống có thể thấy rất nhiều biến cố lịch sử xảy ra. Năm 1400, Hồ Quý Ly soán ngôi nhà Trần. Năm 1407, nhà Trần sụp đổ, cha con họ Hồ bị bắt. Cũng trong năm này, Trần Ngỗi tự lập làm vua, lên ngôi ở Tràng An, xưng là Giản Định đế, bắt đầu nhà Hậu Trần. Cha của Đặng Dung là Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân hết lòng phò tá Trần Giản Định. Nhưng về sau, Giản Định đế nghe lời gian thần, đem lòng ngờ vực đã xuống tay giết hại Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Lúc này Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị (con của Nguyễn Cảnh Chân) tức giận bỏ Giản Định đế, đem binh từ Thuận Hóa về Thanh Hóa và rước Trần Quý Khoáng đến Nghệ An lập làm vua, tức Trùng Quang đế. Như vậy trong giai đoạn lịch sử này, trong sự nghiệp phò tá nhà Hậu Trần của Đặng Dung đã có một cuộc “đổi chủ” (cải chủ). Phải chăng đây là một nguyên nhân dẫn đến ý kiến cho rằng hai chữ đầu tiên trong câu thơ thứ năm này đáng lý ra phải là “cải chủ” 改主?
Xét trong bối cảnh lịch sử thì thấy có sự hợp lý, nhưng xét vào nội dung câu thơ thì sao, nếu câu thơ viết thành “Cải chủ hữu hoài phù địa trục”? Lúc này câu thơ sẽ được dịch là “Thay đổi chủ (vua), có hoài bão nâng trục đất”. Ý nghĩa của câu thơ này chưa thật sáng rõ. Để minh bạch hơn, phải đặt nó trong mối quan hệ đối ngẫu với câu thơ dưới. Câu thứ sáu trong bài thơ Cảm hoài “Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà”. Câu thơ này vốn lấy ý từ hai câu cuối trong bài thơ Tẩy binh mã của Đỗ Phủ:
安得壯士挽天河
凈洗甲兵長不用
Phiên âm:
An đắc tráng sĩ vãn thiên hà
Tịnh tẩy giáp binh trường bất dụng
Nghĩa là:
Làm sao có được người tráng sĩ kéo dòng sông trên trời xuống
(Để) rửa sạch giáp binh mãi mãi không dùng nữa
Vận vào bài thơ của Đặng Dung, câu “Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà” sẽ được dịch thành “Không có cách kéo dòng sông trên trời xuống để rửa sạch giáp binh”. Như thế tức là hành động trong ba chữ cuối câu “vãn thiên hà” là hướng vào sự việc ở hai chữ đầu câu “tẩy binh”. Trở lại với câu thơ thứ năm có từ “cải chủ” đứng đầu, để phép đối hoàn hảo, câu này sẽ có kết cấu tương xứng với câu dưới, tức ba chữ cuối “phù địa trục” có mục đích hướng đến sự việc “cải chủ”. Và theo đó, câu thơ này sẽ được hiểu thành “Có hoài bão nâng đỡ trục đất để đổi chủ”. Khi đó câu thơ đi vào sự tối nghĩa. Do vậy, để câu thơ rõ nghĩa, khó có thể chấp nhận được từ “cải chủ” nằm ở đây. Đành rằng bối cảnh xã hội rất quan trọng, nhưng đó không phải là yếu tố quyết định hoàn toàn ý nghĩa của tác phẩm. Mục đích cuối cùng của người đọc vẫn là hiểu rõ nghĩa từng câu chữ trong văn bản.
Mặt khác, như chúng ta đã biết, trong quá trình sao lưu văn bản, hiện tượng “tam sao thất bản” xảy ra khá phổ biến. Xét về lịch đại, Đặng Dung sinh năm 1373 - mất năm 1414, VÂTT được in lần đầu năm 1459, Bùi Dương Lịch sinh năm 1757 - mất năm 1828, khoảng cách từ thời đại Đặng Dung viết Cảm hoài và VÂTT được in lần đầu đến thời Bùi Dương Lịch sinh sống là trên dưới 400 năm. Với khoảng thời gian dài như vậy, việc sao lưu văn bản xảy ra hiện tượng “tam sao thất bản” là điều khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, tự dạng của chữ “trí” 致 và chữ “cải” 改 khi viết đá thảo khá giống nhau nên hiện tượng sao chép nhầm hoàn toàn có thể xảy ra, tức “trí chủ” 致主 bị chép thành “cải chủ” 改主. Đây cũng là lý do thứ hai dẫn đến ý kiến đề xuất chữ “cải chủ”.
Với những cơ sở trên, người viết khẳng định hai chữ đầu tiên của câu thơ thứ năm trong bài Cảm hoài là hai chữ “trí chủ” 致主 (gắng hết sức phò chủ).
Thêm nữa, trở lại với bảng khảo sát trên, chúng ta có thể thấy, trong bản nền VÂTT, câu thứ năm còn có thêm một chữ khác biệt so với các bản khác, đó là chữ “tình” 情. Xét về sức biểu cảm, “tình” 情 có thể không bằng “hoài” 懷 nhưng vì VÂTT là bản cổ nhất, gần với thời đại Đặng Dung viết Cảm hoài nhất, nên chữ “tình” vẫn là một sự lựa chọn đáng tin cậy.
* * *
Tóm lại, câu thứ năm của bài thơ Cảm hoài, theo ý kiến của người viết, được xác định là: Trí chủ hữu tình phù địa trục (Có lòng muốn chống đỡ trục đất để gắng hết sức phò giúp chủ)
Từ những cơ sở trên, người viết đề xuất một văn bản bài thơ Cảm hoài, văn bản được trích trong Việt âm thi tập (bản A. 1925), như sau:
感懷
鄧容
世事悠悠奈老何,
無窮天地入酣歌。
時來屠釣成功昜,
運去英雄飲恨多。
致主有情扶地軸,
洗兵無路挽天河。
國讎未復頭先白,
幾度龍泉戴月磨。
Phiên âm:
Cảm hoài
Đặng Dung
Thế sự du du nại lão hà?
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.
Trí chủ hữu tình phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
Quốc thù vị phục đầu tiên bạch,
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma.
Dịch nghĩa:
Cảm xúc trong lòng
Việc đời dằng dặc, già rồi biết làm sao?
Trời đất vô cùng (tất thảy đều) nhập vào bài cuộc say hát.
Thời cơ đến, kẻ làm nghề giết mổ (gia súc) và kẻ câu cá cũng dễ dàng thành công,
Vận (đã) đi qua, (thì) anh hùng cũng nhiều lần nuốt hận
(Vẫn) có lòng muốn chống đỡ trục đất để gắng hết sức phò giúp chủ,
(Nhưng) không có cách kéo dòng sông trên trời xuống để rửa sạch giáp binh.
Thù nước chưa trả được, đầu đã sớm bạc mất,
Mấy lần mài thanh gươm báu Long Tuyền dưới ánh trăng.
Bài thơ thực là một thiên tuyệt tác, đúng như Lý Tử Tấn từng phê bình trong Hoàng Việt thi tuyển: “phi hào kiệt chi sĩ bất năng” (không phải là kẻ sĩ hào kiệt, không thể nào viết được những vần thơ này).
..........................................
[1] Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam - Viện Văn học, Thơ văn Lý - Trần, tập 3, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr.517 - 518.
[2] Chữ 主 có hai âm đọc “chủ” hoặc “chúa”, ý nghĩa không khác nhau.
[3] Xin xem Hà Minh (chủ biên), Văn bản tác phẩm Hán Nôm trong nhà trường, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2018.
Nguyễn Trung
1 đã tặng
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...