Vị ngọt cuộc đời trong “Vị chát trung du”
(Đọc tập truyện ngắn “Vị chát trung du” của Hồ Thủy Giang)
Hồ Thủy Giang - cây truyện ngắn, đó là điều khẳng định của nhà lý luận phê bình Vũ Nho trong bài viết trên báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) số 38, tháng 9/2013: “Gọi Hồ Thủy Giang là cây truyện ngắn thiết nghĩ hoàn toàn xứng đáng với những đóng góp của một nhà văn sống trên mảnh đất Thái Nguyên miệt mài lao động âm thầm, bền bỉ”.
Nhà văn Hồ Thủy Giang đã có tới trên 30 đầu sách gồm đủ thể loại: tiểu thuyết, lý luận phê bình, kịch bản phim, thơ,… trong đó có tới trên 13 tập truyện ngắn. Với số lượng tác phẩm văn học kể trên, có thể nhiều tác giả sẽ bị cạn kiệt “vốn”. Vậy mà mới đây, Hồ Thủy Giang lại cho ra đời tiếp tập truyện ngắn Vị chát trung du (NXB Hồng Đức, 2020), thì quả thật năng lượng văn chương của tác giả còn rất dồi dào. Vũ Nho nhận xét: “Có cảm giác chỗ nào ở cái mảnh đất Thái Nguyên này, từ phố thị cho đến xóm núi mờ sương… ông nhà văn cũng có mặt và nhặt ra chuyện. Đủ loại. Từ chuyện to đến chuyện nhỏ, chuyện buồn đến chuyện vui, chuyện thương tâm đến chuyện bức xúc; chuyện ngành này, nghề nọ,... Nhặt ra, đưa lên để cùng bạn đọc suy ngẫm về nhiều phương diện của thời cuộc, về lẽ đời…”.
Vị chát trung du có 22 truyện, tác giả đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống và khai thác từng chi tiết tưởng chừng như nhỏ nhặt, thế mà rồi qua nhào nặn, bằng sức lao động vô cùng nghiêm túc, đầy trách nhiệm, tác giả đã đem đến cho bạn đọc một món ăn tinh thần mới, nhiều hương vị trong mỗi truyện của mình.
Cứ nhẩn nha kể, mới đọc tưởng như chẳng có gì, chỉ là những điều thông thường của cuộc sống hàng ngày, thế rồi bỗng bất ngờ “có chuyện”. Người đọc thấy giật mình trước diễn biến của từng câu chuyện. Bằng trải nghiệm cuộc sống và con mắt tinh đời, anh đã thâu tóm được những màn kịch diễn ra trong đời sống. Rồi với trái tim rung động, tha thiết yêu người đã ngân lên những giai điệu đồng cảm với nhân vật, để cho ra đời những tác phẩm làm bạn đọc thổn thức. Sau những ngôn từ, cái đẹp của tình người, tình yêu, tình bạn, tình làng xóm… được hiện ra trong tác phẩm, gửi tới bạn đọc những thông điệp có giá trị tư tưởng và nhân văn sâu sắc.
Tôi có cảm nhận, bao trùm lên tất cả trong tập truyện Vị chát trung du là hình ảnh những nhân vật sống có nhân cách, có tình yêu thủy chung. Ông Sầm A Sám (truyện ngắn Vị chát trung du) “đã ngoại tám mươi, hơn nửa thế kỷ trôi qua vẫn sống độc thân trong căn nhà, nói đúng hơn là trong cái chòi canh tựa vào thân cây mít già, tạo thành cái thế lơ lửng như chuồng chim khổng lồ giữa đồi chè. Mọi đồ vật trong nhà cũng vậy. Từ cái sàn nhà, cái mặt bàn làm bằng cây mai đập dập, từ cái gáo ống bương; bộ ấm cổ lỗ xỉn màu, từ cây đàn bầu, cây nỏ bằng gỗ rừng… Tất cả đều giống như chủ nhân của chúng…”. Vì sao lại như vậy? Đọc xong truyện, người ta mới hiểu ra rằng: Tất cả những cái đó chính là nơi lưu giữ kỷ niệm với người phụ nữ mà ông yêu thương. Ở đó có tình yêu và nước mắt. Có bát cháo ngon lành, có vị thuốc rừng… cùng sự chăm sóc tận tình của họ cho nhau. Đặc biệt, ở đó còn có đồi chè truyền thống mà ông vẫn giữ được, gọi là chè trung du, có vị đắng đậm, chát se sắt trên môi, khi hai người chung sống đã cùng nhau thưởng thức hàng ngày. Ở đời, có những người chỉ son sắt với một người như thế đấy.
Truyện Vòng quay hạnh phúc lại gần với chuyện của thời nay. Đôi vợ chồng già có sáu người con, chúng bàn với nhau mỗi đứa nuôi ông hoặc bà một tháng. Với cái vòng quay ấy, mà có tới 5 năm, ông bà chưa được gặp nhau. Chúng có biết đâu rằng ông bà thương quý nhau lắm, càng già càng thương nhau. Ngày còn ở cùng, bà ấy đi đâu nửa ngày là ông đã thấy cồn cào ruột gan. Và giờ đây chỉ mong có ngày được gặp nhau mà khó quá…
Trong truyện Hương vị mối tình đầu, các loại chè hảo hạng của Thái Nguyên như Tân Cương, La Bằng, Trại Cài… đã được người con dụng công tìm mua cho bố mình thưởng thức. Dù cũng công nhận đó là những loại chè ngon tuyệt đỉnh, nhưng sau mỗi tuần trà, ông bố lại dõi cặp mắt đục hơi sương về phía có những ngọn núi mờ xanh tận chân trời. Ánh mắt thoáng một chút buồn xa xăm. Hỏi ra người con mới lờ mờ biết rằng bố luôn nhớ tới một loại chè có tên “chè hoa vàng” quý hiếm ở Thái Nguyên, một loại chè ngon đặc biệt, một vị thuốc rất công hiệu, từng được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loại chè. Nhưng gần đây nó gần như tuyệt chủng. Thì ra loại chè ấy ông bố đã từng được song ẩm với cô gái đã tận tình chăm sóc khi ông bị bệnh trong những ngày hành quân, phải ở lại gia đình một thầy lang để chữa trị. Mối tình đầu ấy và cái vị chè hoa vàng ấy ông làm sao mà quên được…
Thông qua tập truyện, tác giả còn đề cập nhiều đến lẽ sống. Con người không chỉ cần danh vọng, quyền lực, tiền bạc… mà phải biết lẽ sống ở đời. Đừng đánh mất lòng tin ở con người. Mất nó, chúng ta không còn gì để sống cả. Hưng và Hoàng trong truyện Cây gạo cuối sân trường là hai người bạn cùng lớp. Vì hoàn cảnh gia đình, Hoàng không học giỏi bằng Hưng. Nhà Hưng khá giả. Hưng đã yêu và hôn bạn gái ở gốc cây gạo cuối sân trường. Nhưng rồi khi ra trường, Hưng đã bỏ cô bạn đó, để rồi cô gái ấy chờ đợi lỡ dở một đời. Với cách sống ấy, Hưng cũng thất bại trong sự nghiệp. Ngược lại, Hoàng đã trưởng thành và trở thành nhà văn bởi Hoàng sống có tình người và có chí vươn lên, luôn đề cao lẽ sống ở đời, có lòng vị tha và nhân ái. Câu chuyện đề cập đến vấn đề cốt tử: Làm gì cũng có thể thất bại, nhưng làm người mà thất bại thì nguy hại vô cùng. Để trả ơn ông Tùng, người đã giúp mình những ngày gian khó (Ông bác họ), khi thành đạt, hàng tháng, Vinh đã gửi tiền về cho ông Tùng chữa bệnh. Lúc ông Tùng qua đời, người nhà mang số tiền ấy đưa lại cho Vinh. Trong thư, ông Tùng nói với Vinh: “Bác nói để cháu hiểu, nếu sử dụng số tiền này để mua thuốc thì chưa chắc bác đã có thể sống vui sống khỏe đến ngày nay. Bác sống chính là nhờ sự hiếu thảo vô bờ bến của cháu đấy, cháu có biết không? Thuốc cũng rất quan trọng, nhưng đôi khi niềm tin yêu, tinh thần vị tha và sự tĩnh tâm, tĩnh trí trước cuộc đời mới thực sự làm cho con người trường sinh”. Trong truyện này, nhà văn đã biết cách dùng những câu chuyện tưởng như chẳng có gì để nói những điều sâu sắc.
Lưu Nhân Chú (Tiếng sáo ở thành Đông Quan) đã dùng tiếng sáo của mình làm tan rã quân địch. Nghe tiếng sáo, tướng giặc Vương Thông nói: “Đã bao năm bôn ba chinh chiến, thắng thua đã nhiều, thấy đầu rơi máu chảy cũng lắm. Tưởng con tim đã cằn cỗi, chai sạn, vậy mà hôm nay nghe tiếng sáo của Lưu tướng quân, tôi bỗng thấy lòng khắc khoải nhớ cố quốc quá”. Tiếng sáo kỳ diệu như vậy đấy, có thể làm bớt đi bao nước mắt bi ai và máu nóng hận thù.
Các truyện ngắn khác như: Tiếng ghi ta trong phố nhỏ; Sa; Không được mời; Đôi đũa; Chuyện ông giáo Sạ; Người giữ rừng; Đội Cấn và những người bạn… đều được viết theo dòng chảy của tình yêu thương con người và tình yêu quê hương tha thiết.
Nhà văn Hồ Thủy Giang cho rằng, văn chương có thể giúp ta vượt qua được nỗi đau của cuộc đời. Văn chương làm cho con người trở nên lương thiện. Bão trời chỉ có thể làm đổ cửa đổ nhà chứ bão lòng có khi tàn phá cả một kiếp người… Ông đã khéo léo đưa những triết lý đó vào trong sáng tác của mình để mong có thể giúp con người vượt qua những bờ vực, đặc biệt là những bờ vực của tâm hồn.
Nhiều truyện, ông viết ngắn. Đó như là sự dồn nén đến không thể dồn nén được nữa, để rồi nó có sức công phá lớn mà người đọc trông đợi. Ông tiếp thu được tinh hoa của thể tài truyện ngắn thế giới, từ những nhà văn nổi tiếng như của Mô-pa-xăng, Sê-khốp hay những truyện cực ngắn của Trung Quốc. Ông ít viết về những sự đao to búa lớn, cứ thủ thỉ tâm tình, có lúc vui tươi trào lộng mà hóa ra lại là những truyện vô cùng trọng đại về cõi đời và cõi người.
Đọc Vị chát trung du, người đọc nhận ra rằng đó chính là vị ngọt ngào sâu lắng của cuộc đời.
PHẠM ĐỨC
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...