Về một công cụ giám sát xã hội
VNTN - Đại hội toàn quốc lần thứ VIII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thành công tốt đẹp.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN), mà tiền thân là Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đã trải qua gần 85 năm hoạt động và trưởng thành. Qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã luôn thể hiện vai trò quan trọng của mình trong việc phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân, vì lợi ích của dân tộc.
Ngày nay, trong tình hình mới, đất nước ta đang có nhiều nhân tố tích cực thúc đẩy sự nghiệp cách mạng tiến lên, và cũng xuất hiện những hiện tượng tiêu cực, gây phương hại đến sự đoàn kết dân tộc. Những hiện tượng tiêu cực đó là: Quyền làm chủ của nhân dân đó đây còn bị vi phạm; tình trạng phân hoá giàu nghèo ngày thêm rõ rệt; lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân dựa vào quyền lực đã trở thành tệ nạn v.v… Tình hình nói trên đặt ra yêu cầu đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận.
Hiến pháp 2013 xác định, “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Sự hiến định trên đây, không chỉ xác định vị trí, mà còn thừa nhận phương thức hoạt động mới của Mặt trận, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân, trong đó có việc giám sát và phản biện xã hội. Thật ra từ năm 1999, tại Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng đã đề cập những vấn đề này. Cụ thể là, về việc giám sát, Luật ghi: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiệm vụ… giám sát các… đại biểu dân cử và cán bộ, công chức Nhà nước”. Và, “tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước…”. Đây cũng chính là công việc phản biện xã hội. Ngoài ra, qua việc thực hiện Qui chế dân chủ ở cơ sở, qua hoạt động của Thanh tra Nhân dân (TTND) v.v… MTTQ các cấp, nhất là cấp cơ sở đã có những kiến nghị thiết thực với cấp uỷ, chính quyền đồng cấp. Nhờ những hoạt động này, uy tín của MTTQ đã không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, các cơ chế nói trên nói chung đang còn nhiều hạn chế.
Xin lấy hoạt động TTND làm ví dụ. Trước hết phải nói rằng, TTND là công cụ mà Đảng, Nhà nước trao cho MTTQ để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước và tăng cường sự đồng thuận xã hội. Nếu MTTQ biết sử dụng TTND, sẽ không chỉ tạo cho mình một vị thế tốt ở địa phương mà còn để lại trong lòng nhân dân một niềm tin vào vai trò của Mặt trận. Tiếc rằng, hoạt động này chưa phát huy được tác dụng mà nó phải có. Ví như có nơi, nhân dân góp ý nên thanh tra việc thu, chi và quản lý các quĩ do dân góp. TTND đề xuất với Chủ tịch MTTQ đưa việc này vào chương trình hoạt động năm của TTND và được Chủ tịch MTTQ nhất trí. Thế nhưng sau đó chính ông Chủ tịch MTTQ lại thông báo là việc thanh tra quĩ “không được đồng ý”. Ai không đồng ý, vì sao không đồng ý thì ông không nói. Rút cục, việc thanh tra các quĩ bị loại khỏi chương trình. Vậy là, ngay TTND ở cơ sở cũng có vùng kiêng kỵ. Nhân dân nghe tin này đã lộ vẻ không vui. Còn những người làm TTND, mà người ta gọi là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, thì giảm hẳn nhiệt tình làm việc.
Qua câu chuyện trên cho thấy, TTND có thể mang lại tác dụng thiết thực và cũng có thể trở thành hữu danh vô thực. Thanh tra chuyên nghiệp đã rút ra kết luận rằng, thanh tra cấp dưới sẽ ít vướng mắc, thanh tra đồng cấp sẽ có nhiều khó khăn. Kết luận trên, đối với TTND càng đúng. Từ kết luận này, cho thấy MTTQ cần chăm lo tốt hơn đến TTND và bản lĩnh hơn trong việc sử dụng TTND. Có như vậy Mặt trận mới làm tốt chức năng giám sát của mình. Có lẽ đây cũng là bài học của Mặt trận ở địa phương nào đó.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...