Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024
15:33 (GMT +7)

Trẻ cậy cha, già cậy ai?

Dịp nghỉ lễ, nhà bà An, hàng xóm của tôi đông vui nhộn nhịp hẳn lên. Các con ở xa được dịp kéo nhau về chơi, bà An cũng theo xe về quê. Mấy tháng rồi không gặp bà An, nhìn bà như gầy đi. Nhìn thấy tôi sang chơi, bà An ra ghế đá ngoài sân rót cốc nước vối nóng hổi mời tôi. Lâu ngày gặp lại hàng xóm ở quê, bà An phấn khởi trò chuyện rôm rả. Nhìn bà An có vẻ mệt mỏi, tôi hỏi:

- Bà lên ở với con trên thành phố tưởng nhàn hơn phải trắng béo lên chứ?

Bà An giọng vẻ chùng xuống:

- Chả nhàn đâu bà ạ. Hai đứa cháu, một đứa lớp 2, một thằng mới gần 1 năm tuổi. Bố mẹ chúng nó thì đi làm tối ngày, thành thử tôi xoay như chóng chóng trông hai đứa.

- Ồ thế thì bà vất quá. Thế chúng nó có trả lương cho bà không?

- Ôi xời, toàn con cháu trong nhà, ai lấy tiền của chúng nó làm gì. Mấy lần con dâu bảo đưa tiền cho tôi nhưng tôi không cầm.

- Bà suy nghĩ thế là lạc hậu rồi. Trẻ cậy cha, già cậy con. Chúng mình già cả, lương hưu không có, đi trông cháu vất vả, chả được nghỉ ngơi thì phải trả công xứng đáng chứ. Như tôi đây, hè vừa rồi mấy đứa mang con lên gửi tôi cứ tùy từng đứa mà lĩnh lương đều. Mình cầm tiền nhưng cũng lại mua quà cáp cho con chúng nó, nhiều thì tiết kiệm lại sau tặng các cháu học bổng động viên học tập. Còn lại thì bồi bổ thêm cho mình tăng sức khỏe hoặc đôi khi đi ăn cỗ bàn cho chủ động nữa chứ.

Bà An nghe tôi nói thì gật gù:

- Ừ, nhưng tôi cứ thấy ngại ngại thế nào ý, con cháu mình lấy tiền sợ chúng nó lại cười cho, bảo mình tham.

Tôi giải thích:

- Bà không trông thì chúng nó thuê “ô sin” cũng phải gần chục triệu/tháng chứ chả ít đâu. Cố gắng bồi bổ sức khỏe mà trông con cho chúng nó.

Thực ra trước đây tôi cũng có suy nghĩ như bà An. Nghĩ rằng việc trông con trông cháu là trách nhiệm của ông bà. Nhà tôi 6 đứa con, 2 đứa thì lấy chồng xa, chúng nó tự lo liệu và các cháu giờ đã lớn. Còn mấy đứa gần nhà thì ngày nào cũng mang con đến gửi ông bà trông. Vào năm học thì lại nhờ ông bà đưa đón con đi học. Nói chung ông bà cũng đầu tắt mặt tối suốt ngày. Chỉ mong chúng nó mau lớn mình nhàn. Nhưng hết cháu lớn thì lũ chắt lại ra đời thành thử cả đời ông bà như con mọn. Thời thế thay đổi, các con, các cháu cũng kiếm thêm thu nhập nên cũng nghĩ ra cách trả lương cho ông bà nên còn chút sức khỏe cũng cố gắng trông giữ bọn trẻ cho bố mẹ chúng nó yên tâm làm việc.

Hiện nay, tỷ lệ người già không có thu nhập khá cao. Nếu chăm cháu mà được trả lương thì họ sẽ có một khoản chi phí để trang trải cho cuộc sống tuổi già. Tuy nhiên, sau khi lập gia đình, các con cũng không nên coi việc chăm cháu là trách nhiệm và giao phó cho ông bà. Thỉnh thoảng có thể gửi ông bà chút tiền tiêu vặt để động viên, khích lệ thay cho cảm ơn. Tiền bồi dưỡng hàng tháng nhiều hay ít phụ thuộc vào tình hình tài chính riêng của mỗi gia đình. Một khi không muốn dùng tiền, có thể thay thế bằng cách mua sắm đồ dùng thiết yếu, những chuyến du lịch hay mua bảo hiểm, các gói thăm khám sức khỏe định kỳ vào lễ Tết hay dịp sinh nhật nhằm bày tỏ lòng biết ơn với cha mẹ. Điều này vừa cải thiện mối quan hệ trong gia đình vừa là cách để con cái báo hiếu.

Đặc biệt, khi ông bà chăm cháu sẽ không tránh khỏi những bất đồng về cách nuôi dạy, vì vậy cần biết thông cảm, sẵn sàng chia sẻ những khúc mắc để việc chăm cháu của ông bà trở thành niềm vui chứ không phải là gánh nặng. Bởi người già sợ nhất là sự cô đơn và thiếu tôn trọng từ con cái, quan trọng hơn vật chất chính là cái tâm, sự thấu hiểu của con cái khi đối xử với cha mẹ, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.

Tục ngữ có câu “Trẻ cậy cha, già cậy con”, với ý nghĩa là con cái khi còn bé thì được cha mẹ nuôi nấng bảo vệ, đến lúc cha mẹ già yếu thì sẽ có con cái để nương tựa. Tuy nhiên trong thực tế cuộc sống hiện nay, điều này đôi khi khó thực hiện. Ai rồi cũng sẽ già đi. Do vậy mỗi người ngoài sự chuẩn bị về sức khỏe, tài chính thì cũng hãy sẵn sàng, chủ động tâm thế để tuổi già hạnh phúc, vui vẻ.

Lê Độ

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bước qua đổ vỡ

Câu chuyện văn hóa 3 ngày trước

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Điều đàn ông sợ

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Hãy cứ “nghĩ hộ” con

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước

"Của cho không bằng cách cho"

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước