Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
13:24 (GMT +7)

Thương lắm Khuổi Mèo ơi!

Khuổi Mèo, xóm người Mông có vị trí biệt lập của xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Điều kiện kinh tế khó khăn, cái nghèo vẫn như những vòng quay lặp đi lặp lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Điều này giống như ở nhiều bản làng vùng sâu, vùng xa thường thấy. Thế nhưng, ở Khuổi Mèo lại có những điều đặc biệt. Người dân ở đây đoàn kết, chăm chỉ làm lụng, cùng nhau nuôi dưỡng giấc mơ thoát nghèo. Dẫu điều đó còn xa vời vợi.

Thương lắm Khuổi Mèo ơi!
Trở về nhà sau một buổi sáng làm việc vất vả

Bài toán khó

Cơn mưa rào buổi sớm như chặn lối tôi đến với Khuổi Mèo. Tôi dừng chân tại trụ sở UBND xã Sảng Mộc, lẫn trong tiếng mưa xối xả là sự trải lòng của ông Mai Duy Yến, Chủ tịch UBND xã về những cái khó của địa phương trong quá trình phát triển. Trong số diện tích 10 nghìn ha đất tự nhiên của Sảng Mộc thì đất rừng chiếm khoảng 8/10. Tuy nhiên đó hầu hết là đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Diện tích rừng sản xuất là không đáng kể.

Sảng Mộc ở cách xa trung tâm huyện Võ Nhai tới 60 cây số, dân số ít (gần 3.000 người) tư liệu sản xuất của người dân cũng ít. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 98%, với trình độ dân trí không đồng đều là những lý do khiến bài toán phát triển kinh tế ở các xóm trên địa bàn xã không dễ tìm ra lời giải.

Thương lắm Khuổi Mèo ơi!

Quán tạp hoá và cũng là nhà của gia đình anh Vương Văn Sình ở xóm Khuổi Mèo

Khuổi Mèo là một trong những xóm có vị trí biệt lập, cách xa trung tâm xã. 100% người dân trong xóm là đồng bào dân tộc Mông. Nhắc đến Khuổi Mèo, gương mặt hao gầy của Chủ tịch UBND xã càng nặng nét ưu tư: Cả xóm có 120 hộ, nhưng chỉ có chưa đến 10 hộ được ra khỏi danh sách hộ nghèo và cận nghèo. Vỏn vẹn gần 30 ha rừng và hơn 20 ha đất trồng ngô lúa chẳng đủ chia cho trên 570 nhân khẩu trong xóm. Hơn 1/4 số gia đình trong xóm không có ruộng. Nhiều người khác có đất nhưng cũng vụ cấy được, vụ không do việc tưới tiêu hoàn toàn phụ thuộc ông trời. Ở Khuổi Mèo, học sinh cơ bản chỉ học hết cấp 2, lên cấp 3 cũng có nhưng ít em theo học. Tôi cảm nhận được sự trăn trở trong ánh mắt của vị Chủ tịch UBND xã. Ánh mắt ấy dường như cũng thâm trầm như nền trời đang mưa như trút ngoài kia.

Ấm trà đã sang nước thứ ba mà mưa chưa dứt. Tôi sốt ruột, liên tục hướng ánh mắt nhìn ra cửa, thấy vậy Chủ tịch Mai Duy Yến trấn an: Cứ yên tâm, mưa thế chứ mưa nữa thì lát tạnh nhà báo vẫn có thể vào Khuổi Mèo bình thường, không như trước! Nói rồi anh rót mời tôi thêm chén trà nóng hổi.

Thương lắm Khuổi Mèo ơi!

Những phụ nữ ở Khuổi Mèo chăm chỉ và chất phác

Tôi tạm yên tâm với suy nghĩ, như thế nghĩa là đường vào Khuổi Mèo vẫn được giữ gìn tốt. Vì đường vào xóm được bê tông hoá thì tôi đã biết từ lâu, nhưng với những địa bàn đồi núi thì nguy cơ hỏng đường sau những trận mưa lớn luôn hiện hữu. Còn trước khi có đường bê tông, nếu gặp trời mưa lớn như thế này thì việc vào xóm gần như là không thể.

Ông Mai Duy Yến tiếp tục câu chuyện: Kinh tế của người dân trong xóm Khuổi Mèo tuy khó khăn nhưng họ rất đoàn kết, luôn đi đầu trong thực hiện các cuộc vận động. Họ luôn nỗ lực vươn lên trong khả năng có thể chứ không mang tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.

Cùng với sự nỗ lực của người dân thì nguồn lực Nhà nước đầu tư cho những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn như Khuổi Mèo cũng ngày càng lớn. Bên cạnh đường bê tông vào tận xóm, khoảng 2 năm trở lại đây, đời sống của người dân đã có nhiều đổi thay. Hiện nay, hầu hết các gia đình đều có xe máy, phương tiện nghe nhìn, 80% các hộ trong xóm đã có điện thoại di động thông minh, được tiếp cận với Internet…

 Mưa cuối cùng cũng ngớt, bầu trời quang đãng như chưa từng có sự ngưng tụ của những đám mây đen trước đó. Rời UBND xã, tôi lên đường vào Khuổi Mèo. Con đường nhỏ hẹp nhưng khá sạch sẽ sau trận mưa rào. Những ánh nắng đầu tiên của ngày chưa đủ sức xua tan những màn sương vắt ngang các triền núi sau mưa. Khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp như muốn bù đắp phần nào nỗi nhọc nhằn của bà con vùng sâu, vùng xa này.

Đồng hồ xe chỉ suýt soát 8km từ trung tâm xã cũng là lúc Khuổi Mèo hiện ra trước mắt tôi. Những ngôi nhà đóng cửa im lìm nằm khá xa nhau, tôi đi một vòng quanh xóm chỉ gặp lác đác một, hai người trên đường. Nhưng vẻ đìu hiu có lẽ đã bớt đi nhiều so với những lần trước đây tôi đến. Trời càng lúc càng oi ả, ánh nắng rọi xuống làm mềm rũ những chiếc lá mon mọc bên rạch nước ven đường vừa trước đó còn tươi roi rói.

Một, hai, ba… tôi đếm được bốn quán tạp hoá nhỏ bán đồ dùng thiết yếu cho bà con trong xóm. Đứng quan sát hồi lâu, tôi nhận thấy một quán có người ra vào khá tấp nập. Đó là nhà của vợ chồng anh Vương Văn Sình. Sình sinh năm 1994. Hai vợ chồng anh mở quán này đã được 3 năm.

“Vàng xanh” từ rừng

Thương lắm Khuổi Mèo ơi!
Măng nứa cho người dân có thu nhập trong vòng 4 tháng/năm

Trong sân, vợ chồng anh Sình đang luôn tay xếp những cây măng tươi đã được bóc vỏ trắng nõn cho vào bao. Những gốc măng già được anh dùng dao gọt lại cẩn thận trước khi đóng bao. Hỏi chuyện, tôi được biết, quán của vợ chồng anh Sình cũng chính là điểm tập kết thu mua măng rừng của người dân đi lấy về bán. Với những nơi như Khuổi Mèo thì một địa điểm tập kết hàng như nhà anh Sình vô cùng có ý nghĩa, vì cả xã Sảng Mộc không có chợ. Trước đây, để bán được cái măng, người dân phải mang đi bán ở chợ của xã khác, vô cùng vất vả, lại thường xuyên phải bán măng rẻ.

Là người nhạy bén, anh Sình nhìn thấy cơ hội làm ăn trong khó khăn, đồng thời anh luôn mong muốn làm được gì đó cho người dân xóm mình bớt vất vả. Nghĩ là làm, 3 năm trở về trước Sình đã thu gom măng để bán nhưng chỉ với số lượng ít, một vài chục cân mỗi ngày. Vì xa chợ nên anh Sình phải luộc măng lên rồi mang xuống chợ Cúc Đường bán. Dần dần anh nhận ra thương lái chuộng măng tươi hơn, bán măng tươi cũng đỡ vất vả hơn. Vừa bán hàng, anh Sình vừa tìm mối nhập măng cho mình. Khi đã đặt được hàng theo thoả thuận, anh Sình làm nhiệm vụ thu mua măng số lượng lớn tại nhà và thương lái sẽ đến tận nhà anh để lấy hàng.

Chốc chốc lại có người gùi những bao măng nặng trĩu vào cân bán cho vợ chồng anh Sình. Có vẻ đúng giờ cao điểm mua hàng nên vợ chồng Sình bận lắm, câu chuyện của chúng tôi cứ đứt quãng liên tục. Tôi lặng lẽ ngồi vào một chỗ quan sát hoạt động mua bán của vợ chồng Sình và bà con. Những người gùi măng đến, mặt ai cũng đỏ gay, mồ hôi nhễ nhải. Mỗi gùi măng hoặc bao măng có trọng lượng không giống nhau nhưng đều oằn nặng trên vai của người đi lấy. Lưng ai cũng khẽ cong lại, còn cái cổ luôn dướn vươn về đằng trước. Đi theo chân người lớn, có cả trẻ con, có em khoác gùi, có em xách trên tay những chiếc túi nilon đựng dăm ba cân măng đã bóc vỏ. Có túi đặt lên bàn cân chỉ được một, hai cân nhưng vợ chồng Sình đều thu mua hết.

Thương lắm Khuổi Mèo ơi!

Từ việc thu mua măng của bà con trong xóm đã mang lại một nguồn thu ổn định cho anh Sình

Phần lớn họ giao tiếp với nhau bằng tiếng của người Mông và khá dè dặt khi tiếp xúc với người lạ. Hơn 10 giờ trưa, lượng măng đổ trên chiếc bạt trong sân nhà anh Sình đã khá nhiều. Người đến cân măng đã tạm vãn. Chúng tôi tiếp tục câu chuyện dang dở. Anh Sình cho biết, đây là măng nứa. Mùa măng  thường kéo dài độ 4 tháng và sẽ hết vào cuối tháng 9 âm lịch. Sau đó, qua Tết sẽ đến mùa măng đắng, nhưng thời gian lấy măng đắng sẽ ngắn hơn măng nứa..

Với người dân Khuổi Mèo thì những cây măng được bóc vỏ trắng ngần kia chính là lộc của rừng dành cho họ. Bởi với điều kiện tự nhiên của xóm, thì việc đi lấy măng rừng về bán giúp họ có nguồn thu đều đặn nhất. Có điều, đi lấy măng không phải là công việc dễ dàng, trái lại nó vô cùng vất vả. Muốn đến được nơi có nhiều măng, người dân phải đi bộ vài tiếng đồng hồ. Mỗi ngày, khi núi còn chưa kịp thức, nhiều người đã khoác gùi đi vào rừng. Bên cạnh những khó khăn khi phải di chuyển trên địa hình rừng núi, dây rừng quấn chân hay gai cào cho chân tay toạc máu, họ phải đối diện với vô vàn muỗi, vắt và rắn rết. Chưa kể những cơn mưa rừng bất chợt luôn mang đến mối đe doạ khó lường.

Thương lắm Khuổi Mèo ơi!

Nhiều em nhỏ cũng theo người lớn vào rừng lấy măng về bán

Anh Sình cho biết thêm: Người nào chăm chỉ đi kiếm măng ở xa, nhiều nhất mỗi ngày cũng chỉ cõng được tầm 38 - 40kg vì đi đường rừng không như đường bằng đâu. Bà con đi lấy được cái măng khổ cực lắm nên thu gom măng của bà con vợ chồng mình chỉ lấy chút tiền chênh lệch thôi. Chẳng hạn như hiện tại, mình mua của bà con 8 nghìn đồng/kg, thì bán lại cho lái buôn 9 nghìn đồng/1kg. Mà 1 nghìn đồng tiền chênh lệch đó không phải đã được hưởng cả đâu. Bà con đi lấy măng từ rừng về, có cái dính đất, cái lại bị già. Mình vẫn cân hết cho bà con, nhưng trước khi bán mình đều phải gọt bỏ những cái chưa được, nên là măng bán ra sẽ hao hơn so với số lượng mua vào.

Người buôn thường mặc định có mặt ở nhà mình lúc khoảng 10 rưỡi đến 11 giờ trưa. Họ đóng hàng, cân hàng đến khoảng hơn 12 giờ là quay về thành phố. Bởi thế nên người dân đi lấy măng luôn phải về trước 12 giờ trưa để kịp giao hàng. Ở xóm, người chăm chỉ đi xa để hái măng và luôn là người tìm được nhiều măng nhất là vợ chồng ông Phài. A, ông bà về đến rồi đây!...

Theo tay anh Sình chỉ, tôi nhìn ra đường, 2 chiếc bóng gầy in xuống mặt đường, dù bước đi khá nhanh nhẹn nhưng tôi vẫn cảm giác được sức nặng của gùi măng như đang níu họ lại phía sau. Đặt được bao măng lên bàn cân, chiếc kim đồng hồ của cái cân nhảy nhót và dừng lại ở con số 85kg cho 2 bao măng.

 Vợ chồng anh Sình đọc và ghi số lượng măng vào cuốn sổ, sau đó nhanh nhẹn đổ bao măng vừa cân ra bạt và tiếp tục xếp tròn theo miệng bao. Vợ chồng ông Phài ngồi xuống một góc thở dốc, liên tục đưa tay quệt những vệt mồ hôi hối hả chảy trên mặt. Ông Sùng Văn Phài và vợ năm nay đã đều ngoài 60 tuổi, phải cõng bao măng nặng đi suốt quãng đường xa khiến gương mặt ông bà đỏ tím lại, những đường gân trên trán lộ ra dưới mái tóc đã nhiều sợi bạc.

Chừng mươi phút, thấy ông bà đã có vẻ hồi sức, tôi lại gần hỏi chuyện. Vợ ông Phài nói tiếng phổ thông không thạo nên ông trả lời thay vợ: Mấy tháng mùa măng, không tính Chủ nhật thì hầu như ngày nào vợ chồng tôi cũng vào rừng tìm măng. Măng không có quanh năm nên phải tranh thủ vì ngoài đi lấy măng bán ra, hàng ngày chúng tôi không có khoản thu nào khác. Rừng ở gần giờ măng ít, chúng tôi phải đi xa. Thường thì chúng tôi đi lúc 4 giờ sáng. Đến được chỗ có măng là hơn 6 giờ. Phải đi như thế mới kịp để 11, 12 giờ về đến nơi được.

Thương lắm Khuổi Mèo ơi!
Những  bao  măng nặng trên dưới 40kg được người dân "cõng", đi bộ suốt 2 tiếng đồng hồ từ rừng về

Tôi thầm cảm phục sức khoẻ và ý chí của vợ chồng ông. Với 8 nghìn đồng/1kg. Khoản tiền từ việc bán măng hôm nay của vợ chồng ông Phài cũng được coi là thành quả xứng đáng. Nhận 680 nghìn đồng từ vợ chồng anh Sình, ông Phài cất riêng ra một túi vài chục nghìn lẻ, ông bảo để lát về mua thức ăn. Số còn lại, ông cho vào túi áo ngực cài cúc lại cẩn thận trước khi ra về.

Mặt trời dần đứng bóng, anh Ân Văn Thuận là một trong 2 thương lái mua buôn măng của vợ chồng anh Sình đã có mặt ở Khuổi Mèo. Anh Thuận nhà ở xóm Cây Sơn, xã Linh Sơn, TP. Thái Nguyên. Anh chia sẻ: Lịch trình của tôi mấy năm nay, trừ Chủ nhật thì ngày nào cũng giống ngày nào. Mỗi ngày tôi sẽ lên đây mua khoảng đôi tạ măng và luôn có mặt ở chợ Thái trước 2 rưỡi chiều. Có mấy anh em cùng đi buôn măng, măng ở đây lại ngon nên chúng tôi thống nhất số lượng mỗi người sẽ lấy để ai dù đến trước hay đến sau cũng cũng mua được hàng. Riêng ngày Chủ nhật, người dân ở Khuổi Mèo không đi làm, nên tôi cũng nghỉ theo. Không phải vì không có chỗ nào khác có măng, mà tôi cũng muốn dành ra 1 ngày nghỉ trong tuần, nên nghỉ theo lịch của bà con Khuổi Mèo luôn.

Vì mua hàng đã lâu nên anh Thuận thân thiết với vợ chồng anh Sình và nhiều người dân ở Khuổi Mèo như người nhà. Có hôm mua hàng đã đủ, nhưng nếu điểm danh còn thấy ai chưa đi rừng về, anh sẽ nán lại chờ thêm, bởi nếu không kịp bán, măng để đến ngày hôm sau măng sẽ không còn ngon nữa, đồng nghĩa với việc bà con sẽ uổng công của ngày hôm đó.

Anh Sình cho tôi biết thêm, trong số vài chục người thường xuyên đi lấy măng, nhiều người chăm chỉ lắm. Mặc dù sáng đi tìm măng vất vả, đến trưa mới về nhưng chiều đến họ lại tranh thủ đi làm nương rẫy sớm.

Mấy năm nay, giá bò giảm “không phanh” nên số lượng bò nuôi lấy thịt ở xóm có ít đi. Đồi nương địa hình đồi dốc, thường bị xói mòn, ít màu mỡ, cây trồng kém phát triển, nhưng không vì thế mà người dân từ bỏ. Nhiều người đã học cách trồng cam, trồng na, vay vốn trồng keo. Một số người khác đã mạnh dạn đi thuê đất ở xóm lân cận để canh tác… Dù những mô hình này chưa mang lại hiệu quả như mong muốn nhưng đã cho thấy sự chăm chỉ và mong muốn vươn lên của người dân ở Khuổi Mèo. 

Thương lắm Khuổi Mèo ơi!

Anh Ân Văn Thuận (bên phải) một trong những người thu mua măng tại Khuổi Mèo mang về bán tại khu vực chợ Thái

Dẫu rằng vẫn còn những thách thức to lớn trong hành trình vươn lên của người dân Khuổi Mèo, nhưng sự đoàn kết của cộng đồng, sự hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực không ngừng nghỉ của từng gia đình ở nơi đây đang dần mang lại những tia hy vọng. Con đường thoát nghèo có thể còn xa, dù họ vẫn lặng lẽ giữa vùng núi có phần heo hút, song người dân Khuổi Mèo vẫn tràn đầy nghị lực và luôn mang trong mình khát vọng đổi thay.

Bình Yên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy