Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
11:36 (GMT +7)

Mong một mái ấm bình yên sau bão

VNTN- Đã hơn 2 tháng trôi qua kể từ khi cơn bão Yagi quét qua, sức tàn phá của nó khiến nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Định Hóa nói riêng vẫn chưa thể an cư.

Mong một mái ấm bình yên sau bão
Nhiều gia đình lâm vào cảnh lao đao sau bão Yagi

Bị ta-luy cao vùi lấp hoàn toàn một gian nhà và hiện hữu mối đe dọa còn có thể tiếp diễn, vợ chồng anh Ma Ngọc Miền và chị Nguyễn Thị Cương, ở xóm Hợp Thành, xã Trung Hội, huyện Định Hóa bỗng chốc trở thành tay trắng. Bởi ngôi nhà, “mái ấm” của 4 thành viên trong gia đình, cũng là tài sản lớn nhất mà gia đình anh có.

Tuy gian nhà chính vẫn còn, nhưng ở chái nhà, giường, tủ, quần áo và nhiều vật dụng khác vẫn đang ngổn ngang trong đống đất đá. Mặc dù vậy, các thành viên trong gia đình anh chị không ai còn dám ở trong nhà vì khối lượng đất đồi đang sạt dở vẫn đe dọa có thể sập xuống, trùm lên gian nhà còn lại bất cứ lúc nào.

Mong một mái ấm bình yên sau bão
Một gian nhà của vợ chồng chị Cương bị đồ sập hoàn toàn

Kể lại việc các thành viên trong gia đình thoát thân trong gang tấc, chị Cương giơ cánh tay áo lao động đang nhễ nhại mồ hôi quệt nước mắt, bộc bạch:

Nhà tôi vừa ra khỏi được danh sách hộ cận nghèo đầu năm nay. Những tưởng, từ đây hai vợ chồng cố gắng làm lụng để có thể thoát được cảnh nghèo khó, ai ngờ, hỏng nhà là lại trắng tay. Từ hôm bão, cả nhà phải dắt díu nhau về ở nhà bà ngoại ở dưới xã Trung Lương, cách đây 8 cây số. Cả nhà chỉ có hơn 1 sào ruộng cấy lúa, 2 vợ chồng tôi ai thuê gì làm nấy nên thu nhập cũng bấp bênh.

Tôi hỏi thăm đường đến nhà ông Trần Văn Quỳ, ở xóm Văn Lang, xã Thanh Định. Những người tôi hỏi đều chép miệng bảo: Không ai chăm chỉ làm lụng bằng ông ấy, giờ liệt nằm một chỗ. Rõ tội!

Căn nhà của ông Quỳ còn nguyên trạng nhưng đất ở quả đồi phía sau đã sạt xuống chân tường sau nhà. Bao năm chắt góp, tự tay đốt gạch, tự tay xây cất, ông mới làm xong ngôi nhà để ở nhưng do nửa quả đồi phía sau đã xuất hiện vết nứt lớn nên chính quyền địa phương cương quyết yêu cầu gia đình ông phải dọn ra khỏi nhà để đảm bảo an toàn tính mạng.

Mong một mái ấm bình yên sau bão
Ông Trần Văn Quỳ bị liệt nửa thân dưới sau cơn tai biến đầu năm 2024

Khuôn mặt già nua, thiếu đi sự chăm sóc khiến ông dường như già hơn cái tuổi 73 của mình. Ông đắng đót bảo: Bao nhiêu vận xui cứ lần lượt đến với tôi và gia đình!

Hơn 10 năm trước, vợ ông phát hiện mắc bệnh ung thư, để chữa chạy cho vợ, ông phải vay ngân hàng số tiền 70 triệu đồng, đến nay chưa trả hết nợ. Thế nhưng sự sống của vợ ông cũng không kéo dài được bao lâu, bỏ lại ông để ra đi.

Mùng 6 Tết âm lịch vừa qua, một cơn tai biến ập đến khiến ông bị liệt nửa người dưới, mọi sinh hoạt cá nhân giờ chỉ quanh quẩn trên chiếc giường. Trước đó, trong một lần đi làm, ông bị ngã từ ta-luy cao xuống, gãy mất mấy cái xương sườn nên sức khỏe gần như suy kiệt.

Ông có con, nhưng chẳng người nào khá giả. Anh con trai út chưa lập gia đình đang ở với ông, đi làm tự do, sáng đi sớm, tối muộn mới về. Từ sau cơn bão Yagi, ông chuyển ra nhà người con trai thứ 3 ở.

Thế nhưng, gia cảnh con ông cũng éo le. Con trai ông đi biền biệt hàng năm mới về nhà, con dâu ông nghe nói theo người ta “vượt biên” cũng đã lâu. Ở nhà chỉ có 2 đứa cháu nội. Cơm nước của 3 ông cháu hiện nay đều trông vào cô cháu gái đang học lớp 8.

Lúc chúng tôi đến, bà Nông Thị Đa, xóm Đồng Đình, xã Phúc Chu đang đun ấm nước trên chiếc xe rùa tại nhà văn hóa xóm Đồng Dọ, xã Phúc Chu. Bên cạnh bà là người con trai năm nay đã 40 tuổi, bị khiếm thính. Anh liên tục phát ra những âm thanh ú ớ khi thấy người lạ ghé thăm.

Mong một mái ấm bình yên sau bão
Gia đình bà Nông Thị Đa hiện đang ở tạm Nhà văn hóa xóm Đồng Dọ, xã Phúc Chu 

Từ hôm xảy ra cơn bão Yagi, mẹ con bà được xóm di dời ra ở trong Nhà văn hóa cũ. Từ khi xóm Đồng Dọ sáp nhập vào Đồng Đình thì Nhà văn hóa đang tạm để trống.

Ngoài cậu con trai khiếm thính và “không được khôn” như lời bà Đa nói, gia đình bà Đa còn có 2 vợ chồng người con trai út.

Trong Nhà văn hóa xóm Đồng Dọ, gia đình bà Đa kê 3 chiếc giường, một chiếc được ngăn cách bằng rèm đã sờn cũ. Kế bên đầu 2 chiếc giường còn lại là chiếc bàn nhỏ đặt di ảnh chồng bà. Trong góc nhà, gần cửa ra vào kê chiếc bàn cũ thay không gian bếp.

Mong một mái ấm bình yên sau bão
Không gian sinh hoạt của 4 thành viên trong gia đình bà Đa

Vì nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra bất cứ khi nào nên chấp hành yêu cầu của chính quyền địa phương, gia đình bà không thể quay về nhà cũ từ sau bão. Nhưng hơn ai hết, bà và vợ chồng người con trai út mong mỏi có thể dựng lại được ngôi nhà để gia đình ở vì một lý do đặc biệt.

Bà tâm sự: Vợ chồng con trai út nhà tôi lấy nhau đã nhiều năm nhưng chưa có con. Hai đứa chúng nó đang làm thủ tục nhận con nuôi. Thủ tục sắp xong rồi. Tôi mong từng ngày được đón cháu về nhà, nhưng cũng lo vì cháu bé mới sinh, ở đây thì bất tiện nhiều thứ. Thế nên tôi ước sao, có thể dựng lại được ngôi nhà, dù nhà tạm thôi cũng mừng.

Đường vào xóm Làng Bẩy, xã Tân Dương vẫn còn hằn đậm dấu vết của bão, lũ. Hai bên đường là những ụ đất được vét từ lòng đường lên sau nhiều ngày xóm bị nhấn chìm trong biển nước. Đất dưới lòng đường quẩn theo bánh xe, tung lên những lớp bụi mù mịt.

Mong một mái ấm bình yên sau bão
Hiện trường còn sót lại sau bão tại ngôi nhà của vợ chồng anh Phùng Nam Thân

Ngôi nhà của vợ chồng anh Phùng Nam Thân và chị Hà Thị Bích Phượng nằm ngay mặt đường xóm. Tường nhà trát xi, cột gỗ. Toàn bộ bức vách lưng nhà đã bị đất từ quả đồi phía sau sạt xuống, du đổ. Trong nhà, chiếc màn còn chưa kịp vén, bị vùi trong đất, lõng thõng chỉ hở phía cửa và đỉnh màn.

Vợ chồng anh Thân phải đi ở nhờ nhà người thân, chờ làm nhà mới. Hôm tôi đến, anh Thân đi vác gỗ thuê chưa về. Vợ anh đang hai tay ôm hai đứa trẻ sinh đôi mới 15 tháng tuổi.

Mong một mái ấm bình yên sau bão
Đất sạt từ ta luy trùm cả lên nóc nhà của vợ chồng anh Nam

Hai vợ chồng anh Thân, chị Phượng còn khá trẻ. Anh Thân sinh năm 1992, còn vợ, ít hơn anh một tuổi. Từ khi lấy nhau, ra ở riêng, được gia đình giúp đỡ dựng ngôi nhà, lấy chỗ trú nắng, che mưa. Bao năm làm lụng, dành dụm không đủ cho các chuyến ngược xuôi đến bệnh viện để thăm khám và thực hiện các thủ tục cần thiết để làm IVF. Kết quả hai bé trai ra đời trong niềm hạnh phúc vỡ oà của đôi vợ chồng trẻ và cả hai bên nội, ngoại.

Để hai con có chỗ ở ổn định, được ông bà nội, chia cho mảnh đất thổ cư, vợ chồng anh Thân đã vay mượn họ hàng để xây cất lại ngôi nhà mới, cách ngôi nhà cũ chừng vài trăm mét. Anh, chị đang cố gắng để có thể vào nhà mới trước khi năm mới gõ cửa, nhưng cũng đang loay hoay với khoản nợ, vay để làm nhà mới.

Không ở gần taluy, không bị sạt lở nhưng, bão Yagi đã cuốn phăng mái nhà của vợ chồng anh Nông Văn Dũng và chị Lương Thị Thu ở xóm Thống Nhất 1, xã Quy Kỳ, khiến cả gia đình anh phải sang nhà bố mẹ ở nhờ.

Ngôi nhà của bố mẹ anh Dũng, chị Thu mới được hoàn thiện năm ngoái từ nguồn quỹ hỗ trợ xoá nhà dột nát của địa phương. Dưới cái nóng hanh, anh Dũng mình trần liên tiệt quai búa vào bức tường để phá bỏ đi lớp áo có phần bở bục. Vợ anh - chị Thu thì luôn tay, luôn chân xúc những mảng tường vỡ vụn lên chiếc xe rùa, đầy ra bên ngoài để đổ.

Mong một mái ấm bình yên sau bão
Chị Thu không thể đi làm xa vì phải vừa chăm sóc bố mẹ chồng đã già yếu và cô con gái bị khuyết tật từ nhỏ

Ngôi nhà này, anh Dũng tự tay xây cách đây cũng đã hơn 20 năm, chị Thu phụ vữa cho chồng. Rồi 3 người con lần lượt ra đời, trong đó người con gái thứ 2 năm nay 20 tuổi bị khiếm khuyết bẩm sinh. Để “chèo lái” gia đình, anh Dũng phải đi làm thợ xây ở xa, thi thoảng mới về nhà. Chị Thu ở nhà, vừa chăm lo cho các con, vừa chăm sóc bố mẹ chồng đã già yếu lại liên miên bệnh tật.

Lời tâm sự của chị Thu nhẹ như gió thoảng mà sao nghe lại nặng trĩu lòng người: Lấy chồng hơn 20 năm, gia đình tôi cứ là hộ nghèo suốt. Mong mỏi được thoát nghèo, vợ chồng đã bảo nhau làm cật lực, nhưng cũng chỉ thoát nghèo được duy nhất 1 năm, rồi lại biến cố ốm đau và lại là hộ nghèo.

Lần này, được Uỷ ban MTTQ nói là sẽ hỗ trợ kinh phí để sửa nhà nên tôi gọi anh Dũng về, mạnh dạn bóc tường ra sửa sang lại ngôi nhà cho vững chãi. Chứ để tự thân thì không biết đến bao giờ, chúng tôi mới làm lại được ngôi nhà mới.

Những hoàn cảnh về các gia đình tại huyện Định Hóa ở trên là lời nhắc nhở chúng ta về sức tàn phá khốc liệt của thiên tai và sự mong manh của cuộc sống. Để giúp họ vượt qua khó khăn, trở lại cuộc sống ổn định, rất cần sự chung tay của cộng đồng, các tổ chức và chính quyền địa phương. Một ngôi nhà mới được dựng lên sau bão, một chút hỗ trợ tài chính hay vật liệu xây dựng có thể trở thành chiếc phao cứu sinh, giúp họ đứng dậy từ đổ nát.

Mỗi người một chút sẻ chia, cùng nhau lan tỏa tình yêu thương, thì những gia đình như anh Miền, ông Quỳ, bà Đa, anh Thân, anh Dũng sẽ sớm được an cư, trẻ nhỏ có mái ấm yên bình, và những mảnh đời bất hạnh lại được thắp lên tia sáng của niềm tin và hy vọng.

Kim Ngân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy