Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024
15:32 (GMT +7)

Trên đường ta về lại Thủ đô

  “Trên đường ta về lại Thủ đô

    Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ”

  (Ta đi tới - Tố Hữu)

Sau những ngày “mưa rừng suối lũ, những mây cùng mù”, bầu trời Việt Bắc, Thái Nguyên cuối mùa thu lại rực rỡ nắng vàng. Chúng tôi trở lại Việt Bắc với dự định tìm lại “Dấu xưa - Việt Bắc, hồn thu thảo”, ở địa điểm mà trước khi về Tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Tổng hành dinh của ta đóng quân. Cả chặng đường đi, trong tôi cứ văng vẳng câu thơ trên của Tố Hữu và tưởng tượng khung cảnh rợp trời cờ hoa của 70 năm trước…

Ngôi nhà Bác Hồ ở trên đồi Thành Trúc, xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ. Ảnh tư liệu lịch sử
Ngôi nhà Bác Hồ ở trên đồi Thành Trúc, xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ. Ảnh tư liệu lịch sử

Một sáng tháng 10 bầu trời thăm thẳm xanh, theo Quốc lộ 37, có điểm khởi đầu từ dưới đồng bằng châu thổ sông Hồng chạy qua TP. Thái Nguyên, xuyên qua huyện Đại Từ rồi vươn tiếp qua Đèo Khế, qua huyện Sơn Dương, TP. Tuyên Quang rồi rẽ trái qua bến phà Bình Ca xưa, men theo dòng Lô oai hùng một thủa... Rồi theo Quốc lộ 2, qua ngã ba Đoan Hùng về đất Phong Châu (Phú Thọ), nơi có ngọn Nghĩa Lĩnh cao vời mà trên núi là nơi thờ tự các Vua Hùng.

Chúng tôi đi như vậy để ghi chép lại, để một lần nữa giới thiệu về con đường kháng chiến mà trong đó ngày 18 - 19/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ nơi ở - căn nhà sàn đơn sơ trên đồi Thành Trúc, xóm Đầm Mua, xã Hùng Cường (Đại Từ, Thái Nguyên) về Đền Hùng đất Tổ cẩn cáo tổ tiên sau thắng lợi Điện Biên Phủ và trước khi trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội từ tay xâm lược Pháp...

Chính sử chép: ATK Đại Từ là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ và các cơ quan đầu não của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đóng đại bản doanh sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) mấy tháng trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Có mấy tháng nhưng đã triển khai nhiều việc hệ trọng. Báo chí mấy chục năm qua có nhắc nhưng chưa tương xứng với tầm vóc của địa danh về những sự kiện năm ấy cũng như cuộc sống hôm nay của vùng đất này, nhất là những sự kiện như tiếp các đại sứ lên chiến khu trình Quốc thư…

Chúng tôi đến thăm Di tích lịch sử Đồi Thành Trúc. Mặc dù được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia từ năm 2006 nhưng việc đầu tư cho quần thể quan trọng này còn rất đỗi khiêm tốn. Ngoài bia di tích ghi vị trí, dấu ấn lịch sử, nền ngôi nhà Bác Hồ ở tại đồi Thành Trúc vẫn đó, trong sự chờ đợi được đầu tư để xứng với tầm vóc cũng như sự trân trọng của hậu thế với lãnh tụ, với lịch sử.

... Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký (1954), ngay sau đó, Đội 36 Thanh niên xung phong do đồng chí Tạ Quang Chiến chỉ huy (ông Chiến là một trong 8 người được Bác đặt tên: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi) đã về xã Hùng Cường, xây dựng gấp một quần thể lán trại gồm: Khu nhà ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ; cơ quan ngoại giao, Đại sứ quán Liên Xô, Trung Quốc cùng các cơ quan đầu não của kháng chiến tập kết về Đại Từ, thực hiện các công việc chuẩn bị cho Tiếp quản Thủ đô. Nơi Bác Hồ ở và làm việc nằm trên đồi Thành Trúc, cơ quan Chính phủ bên xóm Vai Cày; cơ quan ngoại giao tại đồi Giang… đủ thấy niềm tin tuyệt đối của lãnh tụ, lãnh đạo đối với nhân dân và cán bộ ATK Đại Từ khi ấy.

Trở lại Đại Từ lần này, qua câu chuyện giữa bà con, thấy nhiều câu chuyện thú vị, như chuyện từ đồi Thành Trúc, Bác Hồ về Lễ Tổ Hùng Vương. Tôi dùng chữ “về” bởi nhẽ, Bác ra đi tìm đường cứu nước từ năm 1911 khi còn tuổi đôi mươi, sau 30 năm bôn ba khắp bốn biển, năm châu tìm đường cứu nước, đến mùa Xuân năm 1941, Bác mới về tới Cao Bằng. Trong một năm đầu nước nhà giành độc lập, Bác chẳng được một ngày nghỉ ngơi, rồi lại kháng chiến chống Pháp trường kỳ… cho nên ngày 18/9/1954, từ Thành Trúc, Bác đi lễ Tổ phải dùng chữ “về” mới chuẩn…

Khi đi tìm hiểu để viết bài ký này, tôi may mắn gặp hai người cao tuổi, đều trên dưới chín mươi. Đó là cựu chiến binh chống Pháp, bác Nguyễn Ngọc Tăng, và bác Trần Nhân, một nông dân sinh ra và lớn lên vùng núi phía Bắc Đại Từ. Bác Tăng hiện là Trưởng Ban liên lạc Đại đoàn Quân tiên phong (308) của tỉnh Thái Nguyên, là người chứng kiến và hiểu biết kỹ càng những sự kiện cuối năm 1954. Bác Tăng ra quân, làm đến chức Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Thái rồi nghỉ hưu. Riêng công tác CCB thì dù năm nay đã ngót 90 tuổi, Bác vẫn hăng hái... Bác Tăng kể: Đại đoàn 308 thành lập tại huyện  Phú Lương (Thái Nguyên) sau năm 1950, còn Trung đoàn 88 của bác thì thành lập tại xã Tân Cương, T.P Thái Nguyên. Đánh Điện Biên Phủ xong, 308 rút về Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang tham gia các việc hệ trọng của cách mạng. Trung đoàn các bác được học tập, tập huấn rồi tham gia Tiếp quản Thủ đô, cải cách ruộng đất... Vì các bác trong cùng đại đoàn chủ lực nên mọi công việc đều được phổ biến và học tập. Sự kiện Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn tại Đền Hùng thì Chính ủy Đại đoàn 308 - Tướng Song Hào đã cho học tập kỹ lưỡng…

Đồi chè ở xã Hoàng Nông (trước kia thuộc xã Hùng Cường), huyện Đại Từ. Ảnh: Đỗ Anh Tuấn
Đồi chè ở xã Hoàng Nông (trước kia thuộc xã Hùng Cường), huyện Đại Từ. Ảnh: Đỗ Anh Tuấn

Ngày 18/9/1954, Bác Hồ rời cơ quan Chủ tịch phủ đóng tại xóm Vai Cày, xã Bản Ngoại, trên chiếc xe Com măng ca số hiệu KT-032 vượt đèo Khế đi về hướng Tây. Xe Bác qua ngã ba Sơn Dương nhưng không rẽ phải đi Tân Trào mà đi thẳng rồi rẽ trái qua phà Bình Ca rồi men Sông Lô đi ngã ba Đoan Hùng, rẽ trái về xã Chân Mộng, huyện Phù Ninh (Phú Thọ). Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thời sự với chỉ huy và chiến sĩ trung đoàn bộ đội ta vừa hành quân từ Thượng Lào về, sau đó làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ. Xế chiều, Bác đến khu vực Đền Hùng (thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Phong Châu bây giờ). Con đường qua Ba Hàng và Tiên Kiên không đi được ô tô nên Bác và cán bộ phải bỏ xe đi bộ mấy cây số. Tối ngày 18, Bác ngủ qua đêm bằng chiếc giường bạt trong nhà Tăng của Đền Hùng. Sáng 19/9, Chính ủy Đại đoàn 308 - tướng Song Hào đến báo cáo công tác của Đại đoàn Quân tiên phong với Bác rồi cùng Bác lên núi qua đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, viếng mộ Tổ. Ở đâu Bác cũng thành kính và đọc kỹ các văn bia.

Hơn 9 giờ, Bác trở lại sân đền Giếng dưới chân núi nói chuyện với hơn 100 cán bộ, chỉ huy của Đại đoàn 308 vừa được triệu tập. Ngồi bên Bác có Chính ủy Song Hào và Phó Chánh Văn phòng Tổng Quân ủy Thanh Quảng. Bác nói nhiều về công việc tới của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có nhiệm vụ Tiếp quản Thủ đô của bộ đội Đại đoàn 308. Người căn dặn cán bộ, chiến sĩ phải tránh các khuyết điểm: Thiếu tổ chức, kỷ luật (ăn ở, đi lại, mua bán xa xỉ, tự do bắt chước lối sống không tốt, dễ sinh tham ô, hư hỏng)… Bác nói về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc và công lao của các vua Hùng. Bác kết: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Cả khu vực Đền Hùng sáng 19/9/1954 vang dậy tiếng hô: Nước Việt Nam muôn năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm! 10 giờ hôm đó, Bác trở lại Đại Từ…

Sách tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chép rằng: “Sau buổi nói chuyện lịch sử đó, Bác lại về sống tại căn nhà sàn đơn sơ tại đồi Thành Trúc… Ngày 20/9, Bác tiếp đoàn giáo phái miền Nam ra thăm miền Bắc, thăm Trường Tập huấn Cải cách ruộng đất nằm xã bên; thăm Trung đoàn 600 vừa thành lập có nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho Trung ương sau ngày tiếp quản Thủ đô… Cũng tại xã Bản Ngoại, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhà báo kiêm đạo diễn điện ảnh Rôman Cácmen nổi tiếng, có nhiều cảm tình với cuộc kháng chiến chính nghĩa của ta. Ngày 10/10/1954, từ nơi làm việc - xóm nhỏ Vai Cày, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát đi Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng:… “Cùng đồng bào Hà Nội thân mến! 8 năm qua Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn gần cạnh đồng bào… Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà. Lòng vui mừng khôn xiết kể!..”… Ngày 12/10/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời căn nhà đơn sơ trên đồi Thành Trúc và vẫn theo con đường 8 năm trước Bác lên: Đại Từ - Sơn Dương - Bến Bình Ca - Sơn Tây… trở về Thủ đô Hà Nội, kết thúc 8 năm xa cách...

Với núi rừng Việt Bắc, Thái Nguyên, Bác Hồ có cả thảy 15 năm ở và làm việc: Trước Cách mạng Tháng Tám (năm 1941 đến năm 1945; trong kháng chiến chống Pháp (từ năm 1947 đến năm 1954). Mảnh đất này ghi đậm dấu chân Người… Với người làm báo thì dù có nỗ lực đến mấy khi viết về Bác,về những địa chỉ đỏ của cách mạng vẫn như chưa làm được điều gì!

Những năm Đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội có rất nhiều việc làm ân nghĩa với Thủ đô Gió ngàn thời kháng chiến mà đỉnh cao là Xây dựng Đền thờ Bác trên đỉnh đèo De, khánh thành năm 2005.

Hôm nay, chúng tôi rong ruổi trên con đường Bác đã đi năm xưa, đến những nơi Bác đã ở 3 tháng trước khi về lại Thủ đô mà lòng bồi hồi khôn tả. Đất nước đã trải qua gần nửa thế kỷ thống nhất; gần 40 năm đổi mới toàn diện để thực hiện di huấn của Bác - Xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Vẫn đồi chè bát ngát của La Bằng, Bản Ngoại, Hoàng Nông; vẫn nắng chói sông Lô như thế, song bây giờ thay đổi nhiều lắm, từ  đời sống, đến sinh hoạt của nhân dân một vùng quê cách mạng đã giàu có nhiều rồi, thay đổi nhiều. Mọi người dân Việt Nam đều chung sức, chung lòng cho một Tổ quốc Việt Nam bền vững và thịnh vượng như mong muốn của Bác ngày nào.

Ký. Hữu Minh

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy