Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
13:20 (GMT +7)

Nâng cao đời sống người dân miền núi nhờ số hoá

VNTN- Trong bối cảnh công nghệ ngày càng trở thành động lực chính cho phát triển kinh tế, thời gian qua, huyện Định Hóa đã quyết liệt triển khai các chương trình đổi mới thông tin và kết nối số nhằm giúp người dân nông thôn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận tri thức và công nghệ hiện đại.

Với quyết tâm xây dựng hạ tầng thông tin và nâng cao kiến thức kỹ thuật cho người dân, Định Hóa đang dần thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội của khu vực miền núi và tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững.

Nâng cao đời sống người dân miền núi nhờ số hoá
Nhờ được đầu tư các công trình điện, đường, trường, trạm đầy đủ cùng với hạ tầng số hiện đại, đời sống của người dân ở nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Định hoá đang  ngày càng "thay da đổi thịt"

Thúc đẩy tiếp cận thông tin và công nghệ ở vùng khó

Nhiều năm qua, việc truyền tải thông tin và hỗ trợ viễn thông tại Định Hóa đã đạt được những thành tựu đáng kể. Toàn huyện hiện có cụm loa truyền thanh tại 100% các thôn, xóm và tổ dân phố, cùng với đó là 13 đài truyền thanh thông minh mới được đầu tư tại các xã vùng sâu, vùng xa.

Các điểm bưu điện văn hóa xã cũng được xây dựng rộng khắp, đảm bảo thông tin liên lạc và hỗ trợ người dân tiếp cận với các dịch vụ thông tin hiện đại. Mạng Internet cùng sóng phát thanh, truyền hình đã phủ kín tất cả 23 xã, thị trấn, tạo điều kiện để chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước được truyền tải tới từng hộ dân.

Đặc biệt, trong khuôn khổ tiểu dự án về truyền thông giảm nghèo đa chiều, hơn 4.000 hộ nghèo, cận nghèo đã được hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông công ích, cấp phát SIM và cài đặt Wi-Fi miễn phí.

Cùng với đó, hơn 250 thuê bao sử dụng máy 2G đã được nâng cấp lên điện thoại 4G, giúp người dân có cơ hội tiếp cận nhanh chóng với các ứng dụng số. Chị Ma Thị Yến, xã Sơn Phú chia sẻ:

 “Nhờ có điện thoại 4G và Wi-Fi miễn phí, chúng tôi dễ dàng nhận được thông tin về các chương trình hỗ trợ kinh tế và có thể học hỏi kỹ thuật canh tác mới qua mạng. Điều đó rất bổ ích và cần thiết trong việc giúp bà con tiếp cận phương cách làm nông nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn. Chúng tôi có thể tìm kiếm thông tin, nghe các bài giảng về các loại thuộc bảo vệ thực vật nên và không nên dùng; dấu hiệu nhận biết các loại bệnh trên cây trồng, vật nuôi…”.

Để hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ thông tin một cách hiệu quả, 13 điểm hỗ trợ kỹ thuật số đã được thiết lập tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên địa bàn huyện, giúp đồng bào dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp cận kiến thức và kỹ năng cần thiết để cải thiện cuộc sống.

Các điểm này được trang bị tivi kết nối Internet, loa hội trường, cùng các thiết bị phụ trợ, đặt tại các nhà văn hóa thôn, xóm với vị trí thuận tiện cho người dân đến học hỏi. UBND xã chịu trách nhiệm quản lý và tổ chức tập huấn cho cán bộ trực tiếp hỗ trợ người dân khai thác và sử dụng các ứng dụng công nghệ.

Huyện Định Hóa đã và đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu và chỉ tiêu của chương trình phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững, đồng thời rút ngắn dần khoảng cách về mức sống và thu nhập bình quân của người dân so với vùng trung tâm.

 Bên cạnh đó, huyện đã tổ chức chương trình truyền thông về giảm nghèo đa chiều tại 15 xã để cung cấp thông tin, kiến thức hữu ích về giảm nghèo, nâng cao nhận thức cho cán bộ đảng viên và người dân về công tác giảm nghèo bền vững. Chương trình này cũng giúp người dân hiểu và đồng thuận với các chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, góp phần xây dựng thành công huyện Định Hóa thành huyện nông thôn mới.

Phát triển kinh tế và kỹ năng bền vững cho người dân

Nâng cao đời sống người dân miền núi nhờ số hoá
Các chợ nông thôn trên địa bàn huyện Định Hoá đều đã triển khai ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt

Cùng với việc phổ cập thông tin, huyện Định Hóa cũng tập trung nâng cao chất lượng sống và tạo ra các mô hình kinh tế bền vững cho bà con vùng cao. Chương trình giảm nghèo thông tin của huyện không chỉ dừng lại ở cung cấp thiết bị mà còn chú trọng đào tạo kỹ năng thực tế.

Từ năm 2016 đến nay, Định Hóa đã tổ chức hơn 100 lớp dạy nghề cho khoảng 1.200 lao động nông thôn, tập trung vào các ngành như chăn nuôi, sửa chữa máy móc nông nghiệp và điện lạnh. Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình đã có thêm kỹ năng mới để tự sản xuất và tăng thu nhập.

Bà Ma Thị Cam, xã Trung Hội nằm trong danh sách các hộ mới thoát nghèo của huyện Định Hóa. Gia đình bà được hỗ trợ gà giống để chăn nuôi tăng thu nhập. Bà Cam chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi gặp khó khăn vì đất sản xuất ít, chỉ có công việc đồng áng, thu nhập không ổn định. Nhờ chương trình hỗ trợ sản xuất của Nhà nước, gia đình tôi được cấp 100 con gà giống, thức ăn, thuốc thú y và các vật tư chăn nuôi khác với tổng kinh phí 14,2 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 7,5 triệu đồng”.

Không chỉ nhận được hỗ trợ về vật chất, bà Cam còn được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, giúp gia đình tiếp cận thông tin và kiến thức mới. Trước đây, việc chăn nuôi chủ yếu theo phương pháp truyền thống khiến hiệu quả kinh tế thấp và khó kiểm soát dịch bệnh. Nhờ học hỏi từ các lớp tập huấn và kinh nghiệm của các hộ chăn nuôi khác trong xã, bà đã áp dụng phương pháp chăn nuôi khoa học, hiệu quả hơn, giúp gà phát triển tốt, ổn định nguồn thu nhập và từng bước cải thiện cuộc sống gia đình. Nhờ vào sự hỗ trợ từ chính sách và chương trình giảm nghèo thông tin, gia đình bà Cam đã từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Một điển hình khác về ứng dụng công nghệ vào phát triển kinh tế địa phương là mô hình sản xuất gạo J02 tại thôn Thống Nhất 1, xã Quy Kỳ. Trước đây, gạo J02 được bán lẻ và ít được biết đến rộng rãi, nhưng nhờ sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên, mô hình sản xuất lúa J02 theo tiêu chuẩn hữu cơ đã ra đời.

Bà Hoàng Thị Thuỷ, thành viên tổ sản xuất bày tỏ: Tham gia vào Dự án, các thành viên được trang bị kiến thức về quản lý chất lượng sản phẩm, với mục tiêu sản xuất an toàn, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, chúng tôi còn được học những điều vô cùng mới mẻ như được hướng dẫn tạo mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hỗ trợ tham gia các sàn thương mại điện tử và bán hàng trực tuyến. Từ khi ứng dụng công nghệ vào các công đoạn tạo ra sản phẩm, khách hàng đều phản hồi rằng, họ yên tâm hơn khi dùng sản phẩm của chúng tôi. Đó chính là yếu tố quan trọng cho sự phát triển bền vững. Tôi nghĩ vậy.

 Tổ hợp tác sản xuất gạo J02 tại thôn Thống Nhất 1 hiện đã có hơn 10ha lúa canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Công nghệ đã giúp tăng giá trị sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh và thu nhập cho các thành viên trong tổ. Bên cạnh không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng gạo việc dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm giúp nâng tầm thương hiệu gạo địa phương.

Với những chính sách đồng bộ và hiệu quả, Định Hóa đang dần tạo dựng nền tảng vững chắc cho quá trình phát triển bền vững, góp phần cải thiện chất lượng sống của người dân. Nhìn về tương lai, Định Hóa đang nỗ lực lấy công nghệ làm nền tảng để cải thiện toàn diện đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng và nhân dân Định Hoá nói chung.

Bình Yên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy