Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
13:29 (GMT +7)

Dọc miền kí ức

Tôi tranh thủ về thăm người bác họ đang sinh sống tại tổ 8, phường Cam Giá, thành phố Thái Nguyên. Trời nắng nóng, nhưng vào nhà bác, không khí thật dễ chịu. bởi xung quanh có rất nhiều cây cối, lại có con suối nhỏ gần nhà, rặng tre xanh rì rào chở từng làn gió mát rượi, ve vuốt, mơn man da thịt.

Trước cửa nhà bác có đầm sen đang mùa hoa nở rộ, trông thật thích mắt. Những bông sen hồng to hơn chiếc bát ăn cơm, đua nhau khoe sắc, tỏa hương thơm dịu. Bác bảo trước kia chỗ này gọi là xóm Sen. Xóm có nhiều vùng đầm, ao, ruộng thụt, canh tác lúa khó khăn nên người dân trồng nhiều sen (tôi thầm nghĩ có lẽ vì thế mà xóm có tên là xóm Sen).

Tác giả trong lần về thăm lại xóm Sen (nay là tổ 8, phường Cam Giá). Ảnh: V.T
Tác giả trong lần về thăm lại xóm Sen (nay là tổ 8, phường Cam Giá). Ảnh: V.T

Xóm Sen là nơi ở của gia đình ông bà ngoại tôi từ những năm 60 của thế kỉ trước. Tôi được nghe bà ngoại kể lại: Vào những năm 1959 - 1960, gia đình ông bà ở xóm Sen, xã Cam Giá, huyện Đồng Hỷ. Khi đó, Khu Gang thép bắt đầu xây dựng. Máy múc, máy ủi và hàng vạn công nhân đến đây san đồi, bạt núi. Năm 1963, Nhà máy Gang thép ra mẻ gang đầu tiên, trở thành cái nôi của ngành luyện kim Việt Nam. Các xưởng máy của Nhà máy hiện nằm trọn trên vùng đất Cam Giá này.

Ngày ấy, dân cư toàn nhà tranh vách đất, dãy nhà của công nhân ở cũng đều là nhà trát dứng, mái lợp lá cọ. Xóm Sen có nhiều gia đình theo đạo Thiên Chúa. Trong xóm còn có cả nhà thờ làm bằng tre, gỗ mộc mạc.

Lúc đầu, ông bà đi làm thuê cho công trường. Ông hỗ trợ đội khoan đất thăm dò. Bà vác cây, chuyển lá. Sau đó, ông viết đơn xin vào làm công nhân và được phân công nhiệm vụ cán bộ Phòng Vật tư. Ngoài giờ làm ở công trường, bà còn cấy lúa, trồng rau. Ruộng rau muống trước cửa nhà được bà chăm tốt, ngày nào cũng hái và bó từng bó mang vào cân bán cho nhà bếp công nhân. Hái rau, móng tay ngâm nước nhiều cụt ngủn, đau rát, bà phải làm móng sắt đeo vào để hái. Sắn, khoai vườn nhà, bà dỡ luộc đem bán; rồi bà đồ xôi, nấu chè, mang cả hoa quả vườn nhà vào khu công trường để bán. Từ khi Khu Gang thép bắt đầu xây dựng, bà bán được nhiều hàng hơn, cuộc sống cũng phần nào đỡ chật vật.

Cuối tuần, ông ngoại thường đạp chiếc xe Thống Nhất chở mẹ tôi và cậu tôi lên trung tâm thị xã Thái Nguyên chơi. Hai chị em thích lắm vì chẳng những được xem phố xá, mà còn được ông mua kem cho ăn, nên chỉ mong nhanh đến thứ Bảy. Thực ra, trung tâm thị xã Thái Nguyên ngày đó còn rất đơn sơ, đường rải nhựa nhỏ hẹp, nhà cửa thưa thớt, đã có gì mà ngắm. Nhưng bù lại, cây cối hai bên đường thì sum suê, xanh mát, đường phố thoáng đãng, nhìn ra ngay bên bờ sông Cầu thơ mộng...

Mẹ tôi kể: Ngày đó, mẹ và cậu tôi hay vào xưởng gỗ, vào các khu công trường nhặt vỏ bào, đầu mẩu gỗ về đun. Xưởng gỗ ngày xưa nằm ở ngay cổng làng đào Cam Giá, chỗ nhà xưởng của một công ty may hiện nay. Trước dãy nhà công nhân có bể nước lớn, chiều tối mẹ và các cậu vẫn thường sang vặn khóa, cầm vòi nước xả vào người để tắm, đùa nghịch thỏa thích. Rồi có những lần mẹ và cậu đi bộ về nhà cụ ngoại ở xóm Bến Đò xem kéo mía nấu đường. Chỉ chờ được cậy mật dính khuôn để kéo ra thành sợi kẹo kéo rồi ăn, “kẹo mật” dẻo, thơm, ngọt lịm.

Tuy chưa đầy 10 tuổi nhưng mẹ tôi phải dậy từ 2 giờ sáng đi xếp hàng chờ mua thịt giúp ông bà. Thời tem phiếu nên mua đồ cũng khó khăn. Thi thoảng, được ông ngoại cho tiền, mẹ và cậu chạy nhanh lên lò bánh mì khu công nhân để mua, háo hức, vui sướng như được món quà quý.

Bà ngoại tôi kể, khi đó mẹ tôi từng là thiếu nhi Gang Thép tiêu biểu, được các anh chị phụ trách cho đi nghỉ mát biển Sầm Sơn. Nhưng đến Hà Nội thì nghe tin máy bay Mĩ bắn phá ra miền Bắc nên lại phải quay về. Lúc đó đang mùa hè, các chị mua cho mỗi đứa một chùm nhãn ngồi ăn, vui vẻ trò chuyện trên xe. 

Năm 1964, do kế hoạch mở rộng Khu Gang thép, nhà ông bà ngoại ở gần đó nên dù không muốn cũng phải di dời. Được một người quen giới thiệu, có chút tiền đền bù, ông ngoại tôi đưa gia đình lên đất Phú Lương định cư. Đó cũng là năm máy bay Mĩ bắt đầu bắn phá ra miền Bắc. Hàng ngày, ông đạp xe gần 30 cây số xuống Khu Gang thép làm việc. Vì hoàn cảnh gia đình đông con (ông bà tôi sinh được 9 người con), kinh tế khó khăn, chỗ làm xa nên năm 1968, ông đành nghỉ việc ở nhà máy về lao động sản xuất cùng vợ con ở xóm Làng Chảo, xã Động Đạt, huyện Phú Lương và đó cũng là nơi gia đình ông bà, bố mẹ tôi sống đến nay (ông ngoại tôi đã mất năm 2018).

Năm 1972, máy bay Mĩ bắn phá thành phố Thái Nguyên dữ dội, gây cho nhân dân Thái Nguyên nhiều tổn thất về người và của. Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên) phải sơ tán lên xã Động Đạt. Mỗi khoa ở một nơi: Khoa Lý ở xóm Làng Chảo, Khoa Hóa ở khu vực Cổ Cò, thuộc xóm Tân Lập,... Thầy và trò lên vùng đất mới cùng chặt cây, chẻ nứa dựng nhà ở, phòng học. Làng mạc lúc bấy giờ phủ xanh cây cối nên việc kiếm nguyên vật liệu dựng nhà không khó. Nhân dân hàng ngày đi làm ruộng tăng gia sản xuất, thấy có máy bay địch gầm rú bay qua thì mọi người nép vào bờ ruộng, bụi cây. Người già, trẻ nhỏ ở nhà thì chui xuống hầm trú ẩn. Có lần, một quả bom lạc rơi trúng vào hầm của gia đình ông Th. ở xóm Tân Lập, những người ở nhà chết hết, chỉ còn hai bố con đi rừng chưa về thì sống sót. Thầy giáo T. từ thị xã Thái Nguyên trên đường lên Phú Lương công tác bị trúng bom ở Phấn Mễ. Dân làng đưa về khu rừng vầu xóm Làng Chảo an táng... Dẫu không phải trọng điểm bắn phá của giặc Mĩ như ở trung tâm thị xã nhưng việc đào hầm, tăng xê trú ẩn ở các làng đều được chuẩn bị chu đáo. Thời chiến, mất mát, đau thương là điều khó tránh khỏi.

Năm 1976, bố mẹ tôi lấy nhau và cùng là giáo viên ở xã Động Đạt, gần nhà ông bà nội, ông bà ngoại. Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất Phú Lương, chỉ được nghe kể về Cam Giá, về Gang thép qua những câu chuyện của bà, của mẹ. Rồi với niềm yêu thích văn chương, tôi thi vào Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, học khoa Ngữ Văn. Năm 1998, ra trường, tôi trở về địa phương công tác tại Trường THCS Động Đạt 1, cũng là địa điểm mà Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc từng sơ tán trong những năm giặc Mĩ bắn phá.

Tác giả (hàng sau bên phải) chụp ảnh cùng bà ngoại, mẹ và hai cháu
Tác giả (hàng sau bên phải) chụp ảnh cùng bà ngoại, mẹ và hai cháu

Giờ đây, dù ông bà ngoại tôi và gia đình không còn ở khu Gang thép nữa nhưng nơi đó vẫn có các bác, cô chú anh em họ hàng. Mỗi dịp lễ tết hàng năm hay những khi có chuyện vui, buồn, tôi thường cùng gia đình về thăm nơi mẹ tôi sinh ra, thăm cội nguồn yêu thương của gia đình. Mảnh đất Gang thép và mảnh đất Phú Lương đã trở thành máu thịt, lưu giữ bao kỉ niệm của ông bà tôi cũng như thế hệ chúng tôi hôm nay.

Những năm tháng chiến tranh gian khó, nhiều biến động đối với gia đình mà chứa chan kỉ niệm. Quê hương Thái Nguyên với bao kỉ niệm không thể quên. Ở tuổi 94, mỗi lần nhắc lại, bà ngoại tôi vẫn rưng rưng kể bằng giọng trầm lắng, ân tình nhớ về miền kí ức thao thiết một thời…

Đoàn Thị Hạnh

2 đã tặng

2

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy