Chủ nhật, ngày 08 tháng 12 năm 2024
15:47 (GMT +7)

Giảm nghèo thông tin ở huyện Đồng Hỷ: Nỗ lực kết nối cộng đồng

Huyện Đồng Hỷ đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững thông qua việc cải thiện khả năng tiếp cận thông tin của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số và vùng miền núi.

Giảm nghèo thông tin ở huyện Đồng Hỷ: Nỗ lực kết nối cộng đồng
Hệ thống loa truyền thanh giúp người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa kịp thời nắm bắt thông tin một cách hiệu quả

Thực hiện Dự án 6 “Truyền thông và giảm nghèo về thông tin” và Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 10 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Đồng Hỷ đặt mục tiêu không chỉ nâng cao đời sống thông tin mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Tiếp cận thông tin - Nền tảng cho giảm nghèo bền vững

Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2023, huyện Đồng Hỷ có 1.341 hộ nghèo (chiếm 5,53%) và 1.084 hộ cận nghèo (chiếm 4,47%). Trong đó, 340 hộ vẫn chưa có điện thoại thông minh, gây khó khăn trong việc tiếp cận thông tin qua các kênh trực tuyến.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã nỗ lực đưa thông tin đến từng gia đình thông qua các kênh truyền thống như hệ thống truyền thanh cấp huyện, xã và các kênh truyền hình trung ương, địa phương.

Toàn huyện hiện có 5/15 xã và thị trấn ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông vào hệ thống truyền thanh và 13/15 xã, thị trấn sử dụng đài truyền thanh không dây FM.

Đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông sử dụng phương thức truyền dẫn tín hiệu âm thanh trên hạ tầng viễn thông, internet, có khả năng quản lý, kiểm soát chất lượng tín hiệu tới từng cụm loa.

Mỗi hệ thống gồm: máy tính, micro, cụm loa truyền thanh tại các xóm, bộ thu phát truyền thanh internet sử dụng sim 3G, 4G để thu phát chương trình.

So với truyền thanh có dây và không dây FM, truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông có nhiều ưu điểm hơn như: quản lý tập trung, sử dụng cơ sở dữ liệu dùng chung, đồng bộ từ trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện đến cơ sở; cán bộ vận hành chỉ cần sử dụng máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet là có thể kiểm tra được hoạt động của toàn bộ cụm loa và lập lịch tiếp âm phát sóng; lắp đặt ở mọi địa hình, mọi phạm vi khoảng cách …

Anh Nguyễn Văn Thanh, xã Nam Hoà chia sẻ: Nhà tôi ở cách xa trung tâm xóm, nhiều khi lãnh đạo xóm thông báo gì đó nhưng tiếng loa rè hoặc bập bõm không nghe được thông báo nên nhiều khi không kịp thời nắm bắt thông tin cần thiết. Từ đầu năm nay, hệ thống loa được nâng cấp, đầu tư nên chất lượng âm thanh tốt hơn nhiều. Tôi đã thường xuyên nghe được tin tức, nhất là những chương trình nói về mô hình làm kinh tế giỏi. Qua đó giúp tôi có thêm động lực phấn đấu trong sản xuất.

Ngoài ra, trang thông tin điện tử của huyện và các xã, thị trấn luôn cập nhật kịp thời các tin tức thời sự, chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số và các hộ nghèo, cận nghèo, được tiếp cận thông tin nhanh chóng và chính xác.

Năm 2024, UBND huyện Đồng Hỷ đã giao Phòng Văn hóa - Thông tin làm chủ đầu tư cho Tiểu dự án 2, Dự án 10 với kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng nhằm thiết lập điểm ứng dụng công nghệ thông tin tại 5 xã Văn Lăng, Tân Long, Quang Sơn, Cây Thị và Hợp Tiến.

Các điểm này sẽ giúp người dân vùng dân tộc thiểu số có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ thông tin, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực miền núi.

Chị Đào Thị Si, xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng, chia sẻ: Trước đây, chúng tôi ở trên núi cao, ít khi nghe, xem được tin tức. Nhưng nay, mạng internet ở xóm đã rất ổn định, muốn xem gì mở điện thoại ra là có hết. Nhờ đó tôi và bà con ở xóm nắm bắt được các tin tức về thời tiết, phòng chống dịch bệnh, có lợi cho việc trồng trọt, chăn nuôi. Cũng nhờ nghe và xem được tin tức, con trai tôi biết được nhiều công ty tuyển dụng công nhân, thế là nó đăng ký đi làm. Thu nhập khi làm việc ở công ty ổn định cũng giúp gia đình tôi cải thiện đáng kể được cuộc sống.

Thực tế cho thấy, việc triển khai hệ thống thông tin hiện đại và các điểm ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ là giải pháp ngắn hạn, mà còn mang tính bền vững, góp phần quan trọng trong việc cải thiện đời sống của người dân, giúp họ nắm bắt cơ hội phát triển kinh tế và cập nhật kiến thức, kỹ năng hữu ích để tăng thu nhập.

Thách thức trong hành trình giảm nghèo thông tin

Giảm nghèo thông tin ở huyện Đồng Hỷ: Nỗ lực kết nối cộng đồng
Nhờ nỗ lực từ các chương trình giảm nghèo nói chung, giảm nghèo thông tin nói riêng đã giúp đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng no ấm, văn minh. Ảnh: Xóm Khe Mong, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ ngày càng mang "diện mạo" tươi sáng.

Những kết quả đạt được là rất đáng kế, nhưng dù đã có những nỗ lực, công cuộc giảm nghèo thông tin ở Đồng Hỷ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Nhiều hộ gia đình sống ở vùng đồi núi cao, nơi sóng di động chưa phủ sóng đủ mạnh, khiến việc tiếp cận thông tin còn hạn chế.

Ở những khu vực đã lắp đặt hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin, một số khu dân cư cách xa nhà văn hóa vẫn không thể nghe được thông tin do chỉ có cụm loa tại nhà văn hóa xóm.

Với những giá trị đó, giảm nghèo thông tin ở Đồng Hỷ nói riêng và công tác giảm nghèo thông tin nói chung không chỉ đơn thuần là cung cấp tin tức, mà còn là cầu nối giữa đồng bào dân tộc thiểu số với các cơ hội phát triển và tiến bộ xã hội.

Với nỗ lực của chính quyền địa phương cùng sự đồng lòng của người dân, việc triển khai các dự án giảm nghèo thông tin sẽ tiếp tục được mở rộng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, từng bước đưa huyện Đồng Hỷ giảm bớt khó khăn, trở thành một địa phương ph­­­­át triển bền vững, nơi mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin và dịch vụ công cộng.

Dù còn nhiều thách thức, nhưng với sự quyết tâm và đầu tư hiệu quả, tin rằng Đồng Hỷ sẽ đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững, mang lại những thay đổi tích cực cho đời sống của người dân.

Sa Mộc

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục