Hành trình mới của báo chí Thái Nguyên
VNTN- Nhân dịp Đại hội Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên, phóng viên Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên đã có buổi trò chuyện cùng đồng chí Nguyễn Bảo Lâm, Uỷ viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh. Cuộc phỏng vấn xoay quanh những nỗ lực không ngừng để xây dựng một nền báo chí gần gũi, nhân văn, đồng thời ghi nhận vai trò của đội ngũ phóng viên, biên tập viên trong hành trình sáng tạo và đổi mới. Qua chia sẻ của Chủ tịch Hội, giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn về những thành tựu đã đạt được và mục tiêu mà Hội Nhà báo Thái Nguyên đang hướng tới, góp phần khẳng định giá trị của báo chí trong đời sống tỉnh nhà.
Thưa đồng chí, nhìn lại chặng đường 5 năm vừa qua, đồng chí có thể chia sẻ đôi nét về những thành tựu mà Hội Nhà báo Thái Nguyên đã đạt được và tinh thần mới trong nhiệm kỳ 2024-2029?
Đồng chí Nguyễn Bảo Lâm: Chúng tôi đã đi qua một hành trình 5 năm đầy nỗ lực và gặt hái được những thành tựu đáng tự hào. Hội Nhà báo Thái Nguyên và các cơ quan báo chí trong tỉnh không chỉ củng cố được vị thế mà còn khẳng định vai trò quan trọng của mình trong bối cảnh phát triển mới của đất nước.
Tỉnh Thái Nguyên hiện có 03 cơ quan báo chí và 01 cơ quan truyền thông; 20 cơ quan báo chí Trung ương, ngành có đại diện và thường trú; 32 bản tin của các sở, ban, ngành. Báo chí Thái Nguyên đã phát triển đầy đủ các loại hình: báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử.
Nhằm tập hợp, đoàn kết, rèn luyện bản lĩnh chính trị, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ nghề nghiệp cho các hội viên, đồng thời đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên - nhà báo trên địa bàn tỉnh, ngày 15/6/1992, UBND tỉnh Bắc Thái đã ban hành Quyết định số 218 thành lập Hội Nhà báo tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên). Khi mới thành lập, Hội có 40 hội viên đến nay đã phát triển lên 241 hội viên; 01 Liên chi hội; 04 chi hội; 03 câu lạc bộ.
Nhiệm kỳ này, chúng tôi bước vào với một tinh thần đầy nhiệt huyết và khát vọng đổi mới, sẵn sàng đối diện với những thách thức của thời kỳ công nghệ số và trách nhiệm lớn lao mà thời đại đặt ra.
Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên có những định hướng gì để xây dựng và phát triển tổ chức hội ngày càng vững mạnh?
Đồng chí Nguyễn Bảo Lâm: Đại hội VII Hội Nhà báo tỉnh đã đặt ra mục tiêu "Xây dựng tổ chức Hội trong sạch, vững mạnh; Nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn cho đội ngũ người làm báo ngang tầm nhiệm vụ thời kỳ chuyển đổi số." Chúng tôi tập trung vào rèn luyện bản lĩnh chính trị, trau dồi đạo đức và nâng cao trình độ nghiệp vụ cho các hội viên. Điều này không chỉ giúp họ có đủ kỹ năng để đáp ứng yêu cầu công việc mà còn đảm bảo duy trì vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.
Đồng chí có thể chia sẻ thêm về các hoạt động hỗ trợ nghiệp vụ mà Hội đã thực hiện trong nhiệm kỳ qua?
Đồng chí Nguyễn Bảo Lâm: Trong nhiệm kỳ qua, chúng tôi đã tổ chức 20 lớp tập huấn nghiệp vụ và phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức 4 lớp tập huấn về sản xuất tác phẩm báo chí đa phương tiện và báo chí số, thu hút trên 500 lượt hội viên. Đồng thời, Hội đã hỗ trợ kinh phí cho các Liên Chi hội, Chi hội tổ chức tập huấn theo đặc thù của từng cơ quan báo chí và nhu cầu của các hội viên. Hội và các cơ quan báo chí cử 150 lượt hội viên tham gia các lớp bồi dưỡng của Hội Nhà báo Việt Nam. Hội cũng đã tổ chức 10 chuyến đi thực tế sáng tạo tác phẩm trong tỉnh.
Hoạt động hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao đã đi vào nền nếp, thực chất. Trên cơ sở Hội đặt hàng một số chủ đề ưu tiên, các chi hội phối hợp với lãnh đạo cơ quan báo chí tổ chức cho hội viên đăng ký, thực hiện đề tài và xét duyệt công khai, minh bạch. Bình quân hàng năm, Thái Nguyên được Hội Nhà báo Việt Nam hỗ trợ từ 160-200 triệu đồng cho sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao.
Hội Nhà báo Thái Nguyên đã gặt hái những thành tựu gì từ các hoạt động hỗ trợ nghiệp vụ này?
Đồng chí Nguyễn Bảo Lâm: Nhờ các hoạt động hỗ trợ nghiệp vụ, chất lượng các tác phẩm báo chí của hội viên đã được nâng cao rõ rệt. Những năm vừa qua, hội viên Hội Nhà báo Thái Nguyên đã giành hàng trăm giải thưởng báo chí, trong đó có giải Búa Liềm Vàng, giải Diên Hồng, giải Báo chí về phòng chống tham nhũng tiêu cực, các Liên hoan phát thanh - truyền hình toàn quốc, giải báo chí đưa Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống, giải báo chí Huỳnh Thúc Kháng… đặc biệt có 4 tác phẩm được trao giải tại Giải Báo chí Quốc gia.
Thành tích cao tại các giải báo chí đã động viên khích lệ các nhà báo trong tỉnh có thêm niềm say mê, tâm huyết với nghề báo, không ngại khó ngại khổ đầu tư sản xuất những bài báo dài kỳ, đa phương tiện, có sức lan toả cao và được xã hội quan tâm.
Thời đại công nghệ số đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành báo chí. Đồng chí nhận thấy những cơ hội và thách thức đó như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Bảo Lâm: Thời đại 4.0 mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đòi hỏi người làm báo phải nhanh chóng thích nghi, tự làm mới mình để không bị tụt lại. Đó không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là thách thức lớn đối với mỗi nhà báo - những người vừa là người chứng kiến, vừa là người kiến tạo dòng chảy thông tin. Cuộc cách mạng số mang lại cho báo chí những công cụ mạnh mẽ chưa từng có, từ các nền tảng mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo, đến phân tích dữ liệu lớn (bigdata). Đối với Thái Nguyên, một tỉnh có vị trí chiến lược trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa của cả nước, việc sử dụng các nền tảng đa phương tiện không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu cấp thiết.
Vậy Hội có những định hướng gì để nâng cao năng lực cho các nhà báo trong thời kỳ chuyển đổi số?
Đồng chí Nguyễn Bảo Lâm: Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên sâu cho hội viên về kỹ năng sử dụng công nghệ mới trong báo chí. Bên cạnh đó, chúng tôi còn chú trọng đến việc giáo dục chính trị, tư tưởng và nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ. Những người làm báo không chỉ là người truyền đạt thông tin mà còn là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân, phải giữ vai trò tiên phong trong việc bảo vệ lợi ích của nhân dân và định hướng dư luận.
Đồng chí có thể chia sẻ một vài nhiệm vụ trọng tâm của Hội Nhà báo tỉnh trong thời gian tới?
Đồng chí Nguyễn Bảo Lâm: Trong những năm tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và các quy định của Hội Nhà báo Việt Nam về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 08/4/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Báo chí, Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội, Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy định xây dựng cơ quan báo chí văn hoá và văn hoá của người làm báo Việt Nam và các quy định khác.
Đồng thời, Hội tiếp tục đổi mới hoạt động, có giải pháp hiệu quả tạo sự gắn bó, mối liên kết mật thiết giữa Hội Nhà báo tỉnh với các cơ quan báo chí của tỉnh, cơ quan đại diện, phóng viên thường trú trên địa bàn tỉnh. Tham mưu, góp ý với tỉnh, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực thông tin, báo chí để định hướng dư luận và bảo vệ quyền lợi của nhà báo, hội viên. Phối hợp quản lý, chỉ đạo báo chí thực hiện tốt công tác thông tin, thông tin đúng định hướng; thực hiện tốt nhiệm vụ phối hợp xử lý các vấn đề báo chí nêu trên địa bàn.
Tiếp tục chú trọng đến việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên.Tăng cường đi thực tế giúp các nhà báo không chỉ tiếp cận nhanh hơn với thông tin mà còn biết cách biến thông tin đó thành những sản phẩm báo chí chất lượng, có giá trị định hướng dư luận. Điều này không chỉ giúp tạo ra những sản phẩm báo chí chất lượng để tham gia Giải thưởng báo chí của tỉnh mà còn tham gia Giải thưởng báo chí quốc gia và Giải báo chí các ban, bộ, ngành Trung ương; khẳng định vai trò quan trọng của báo chí trong việc định hướng dư luận và phát triển xã hội.
Tổ chức tốt Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng tỉnh Thái Nguyên; Quan tâm đầu tư tác phẩm báo chí chất lượng cao tham gia Giải báo chí quốc gia và các giải báo chí chuyên đề của các ban, bộ, ngành Trung ương; Liên hoan Phát thanh, Truyền hình toàn quốc…
Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thư ký các Liên chi hội, Chi hội Nhà báo; Ban Chủ nhiệm các Câu lạc bộ trực thuộc; Sửa đổi, bổ sung các Quy chế hoạt động của Hội Nhà báo phù hợp với yêu cầu hoạt động của nhiệm kỳ mới.
Mở rộng hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế. Tăng cường phối hợp hoạt động và giao lưu với Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm khẳng định vai trò, vị thế của cơ quan Hội nơi ra đời của Hội Nhà báo Việt Nam và Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Xây dựng đội ngũ người làm báo Thái Nguyên có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ nghiệp vụ chắc chắn, đáp ứng được yêu cầu của hoạt động báo chí thời đại công nghệ số vừa là trách nhiệm và cũng là niềm tự hào của Hội Nhà báo Thái Nguyên tại mảnh đất cội nguồn nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam và Trường dạy nghề báo chí Huỳnh Thúc Kháng.
Trân trọng cảm ơn đồng chí về những chia sẻ đầy tâm huyết. Chúc Hội Nhà báo Thái Nguyên sẽ đạt được nhiều thành công hơn nữa trong nhiệm kỳ mới!
Sa Mộc (thực hiện)
1 đã tặng
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...