Hội thảo khoa học góp ý nội dung bản thảo lịch sử tỉnh Thái Nguyên
VNTN- Ngày 22/11, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã phối hợp với tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học góp ý nội dung bản thảo Lịch sử tỉnh Thái Nguyên tập 1 (từ khởi nguồn đến năm 1945).
Dự và chủ trì hội thảo có PGS, TS Nguyễn Duy Bắc - Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Tiến sĩ Trịnh Việt Hùng, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ. Cùng dự còn có đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, lãnh đạo một số sở ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Khẳng định giá trị lịch sử - văn hóa lâu đời của Thái Nguyên
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Nguyễn Duy Bắc - Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trưởng Ban tổ chức hội thảo nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc nghiên cứu và biên soạn Lịch sử tỉnh Thái Nguyên.
Thái Nguyên không chỉ là trung tâm của vùng trung du và miền núi phía Bắc mà còn giữ vai trò chiến lược về địa - chính trị, kinh tế và quân sự qua các thời kỳ lịch sử. Trải qua quá trình hình thành và phát triển với nhiều thay đổi về tên gọi, địa giới hành chính, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên luôn phát huy các truyền thống tốt đẹp, đoàn kết, đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.
Trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt là từ năm 1997 - khi tỉnh Thái Nguyên được tái lập, với những nỗ lực, quyết tâm bền bỉ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ, phát huy tiềm năng, thế mạnh và đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực; khẳng định vị thế của tỉnh Thái Nguyên đối với vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
Hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên đang ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX; đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số, bứt phá, hướng đến mục tiêu xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội; luôn bình yên, hạnh phúc, sung túc và phát triển!
Với vị trí quan trọng và truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời, tỉnh Thái Nguyên đã sớm thu hút sự quan tâm nghiên cứu của giới sử học, ngay từ thời quân chủ, trải qua thời kỳ thuộc địa, nhất là từ sau năm 1945 đến nay. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu đã công bố vẫn còn thiếu tính hệ thống và chuyên sâu về lịch sử tỉnh Thái Nguyên. Vì lẽ đó, việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử tỉnh Thái Nguyên là một việc cần thiết, nhằm phục dựng lại quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Thái Nguyên từ khởi nguồn đến nay trên tất cả các phương diện; trên cơ sở đó, đánh giá vị trí, vai trò và những đóng góp, cống hiến của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đối với lịch sử dân tộc; đồng thời, khẳng định những thành tựu về mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của tỉnh Thái Nguyên đạt được qua các thời kỳ.
Đặc biệt, việc nghiên cứu lịch sử không chỉ nhằm phục dựng quá khứ mà còn là nguồn tư liệu quý giá, phục vụ công tác giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây cũng là động lực quan trọng khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm của thế hệ trẻ, góp phần xây dựng một Thái Nguyên phát triển bền vững.
Bản thảo công phu và những đóng góp mong đợi
Được lựa chọn thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã phân công các cán bộ có trình độ chuyên môn sâu phối hợp với một số nhà khoa học tiêu biểu trong giới Sử học của các cơ quan nghiên cứu đầu ngành như Viện Sử học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và tỉnh Thái Nguyên để tiến hành nghiên cứu, biên soạn.
Trên cơ sở Đề cương sách (gồm 2 tập) đã được chính thức thông qua tại Hội thảo khoa học “Góp ý đề cương chi tiết Lịch sử tỉnh Thái Nguyên (Từ khởi nguồn đến năm 2025”), tổ chức ngày 22/3/2024 và đã được cơ quan chủ quản là Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên phê duyệt; sau 6 tháng khẩn trương, nghiêm túc triển khai, Ban Chủ nhiệm Đề tài và các thành viên tham gia đã hoàn thành bản thảo Lịch sử tỉnh Thái Nguyên (lần 1). Để công trình đảm bảo chất lượng khoa học cao nhất, Ban Chủ nhiệm Đề tài tiến hành triển khai các cuộc hội thảo góp ý theo từng tập.
Tập 1 có tiêu đề: “Lịch sử Thái Nguyên từ khởi nguồn đến năm 1945”. Tập 1 được cấu trúc thành 7 chương, bắt đầu từ đặc điểm địa lý, văn hóa của vùng đất, trải dài qua các giai đoạn tiền sử, sơ sử, thời kỳ Bắc thuộc, phong kiến và kết thúc ở thời kỳ Pháp thuộc (1884 - 1945).
Được thực hiện bởi Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - cơ quan đầu ngành về nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, công trình này còn nhận được sự tham gia của các chuyên gia đến từ Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), Khoa Lịch sử (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Thái Nguyên) và các cơ quan chuyên môn tại tỉnh Thái Nguyên.
Theo đánh giá chung, bản thảo đã được biên soạn kỹ lưỡng với hơn 600 trang tư liệu và hình ảnh minh họa.
Tuy nhiên, tại hội thảo, các đại biểu cũng chỉ ra một số điểm cần tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa gồm: kết cấu, nội dung các chuyên mục, tính chính xác của một số sự kiện, nhân vật lịch sử, mốc thời gian, cách diễn đạt trong từng chương, từng phần.
Để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, tính chính xác, khách quan và khoa học của các sự kiện, nhân vật và các mốc thời gian Ban biên soạn và các cơ quan tham gia phối hợp
Hội thảo lần này là cơ hội để Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp thu những ý kiến quý báu từ các nhà khoa học và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các cơ quan chuyên môn nhằm chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện bản thảo. Điều này không chỉ đảm bảo chất lượng khoa học cao nhất mà còn giúp công trình trở thành một tài liệu tham khảo giá trị cho cả nghiên cứu và giáo dục.
Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Tỉnh uỷ Trịnh Việt Hùng đề nghị Ban Biên soạn, các nhà nghiên cứu sử học, lãnh đạo các sở ngành, địa phương, đơn vị đầu tư công sức, trí tuệ tham góp ý kiến để tập trung làm nổi bật những đặc trưng lịch sử độc đáo, mang giá trị riêng biệt của Thái Nguyên trong cuốn sách. Việc biên soạn cần đặt chất lượng lên hàng đầu, không để áp lực về thời gian làm ảnh hưởng đến chất lượng nội dung.
Đồng chí cũng đề nghị Ban Biên soạn tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp tại hội thảo, phản hồi các ý kiến này bằng văn bản, đồng thời chú trọng việc lấy ý kiến rộng rãi trong đội ngũ cán bộ và nhân dân.
Kết thúc hội thảo, PGS, TS Nguyễn Duy Bắc bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới sự quan tâm, đóng góp của lãnh đạo tỉnh và cộng đồng các nhà khoa học, đồng thời khẳng định: “Bộ Lịch sử tỉnh Thái Nguyên không chỉ là sự ghi nhận quá khứ mà còn là nền tảng định hướng cho tương lai, đóng góp vào hành trình hiện thực hóa khát vọng phát triển của đất nước.”
Đồng thời cam kết Ban Biên soạn sẽ hoàn thành công trình với chất lượng cao nhất để công trình xứng đáng với ý nghĩa đặc biệt, là khơi dậy niềm tự hào về quê hương Thái Nguyên, khơi dậy khát vọng cống hiến, khát vọng phát triển Thái Nguyên trong kỷ nguyên mới.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...