Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024
05:54 (GMT +7)

Chống lãng phí, gỡ điểm nghẽn thể chế để phát triển kinh tế - xã hội

Ghi nhận nhiều điểm sáng về kinh tế - xã hội năm 2024, song nhiều đại biểu Quốc hội vẫn lo ngại trước tình trạng lãng phí và những điểm nghẽn chưa được tháo gỡ triệt để, đang ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV
Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV

Chống lãng phí thành công như chống tham nhũng để bước vào kỷ nguyên mới

Trong tuần làm việc thứ ba của Kỳ họp thứ tám, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế, xã hội. Bên cạnh đánh giá cao kết quả kinh tế - xã hội trong 9 tháng năm 2024, các vị đại biểu Quốc hội cũng phân tích sâu hơn một số hạn chế, trong đó có chống lãng phí.

Nêu vấn đề chống lãng phí trong bộ máy công quyền, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận xét, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến công tác chống lãng phí. Bộ Chính trị có Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25/12/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Quốc hội thực hiện giám sát tối cao và ban hành Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Và gần đây nhất, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới được bổ sung nhiệm vụ mới về phòng, chống lãng phí.

“Đặc biệt, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí đã đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp rất trúng. Có thể nói đây là một thông điệp mạnh mẽ, sâu sắc, khuyến khích mọi người dân, đặc biệt là cán bộ trong bộ máy công quyền cần xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong toàn xã hội. Bài viết đã đánh giá: “Lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển” - đại biểu Hoa phát biểu.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa phát biểu tại hội trường
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa phát biểu tại hội trường

Phân tích nguyên nhân, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho rằng, tình trạng trên có nguyên nhân còn một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý. Lâu nay họ chỉ coi lãng phí là hành vi cần phải khắc phục, nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Nguyên nhân tiếp theo, theo đại biểu là  “bệnh thành tích”, “tư duy nhiệm kỳ”, “tư duy chủ quan” của một số cán bộ muốn thực hiện những dự án ở địa phương, bộ ngành mình và trong nhiệm kỳ mình làm lãnh đạo để chứng tỏ năng lực, sự năng động. Nhưng do cách làm nóng vội, sự tính toán chủ quan, sự không tuân thủ đầy đủ các quy trình, thủ tục nên một số dự án đã không đem lại hiệu quả như mong muốn. Vừa qua, một số dự án đã được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí điểm mặt, chỉ tên là những dẫn chứng cụ thể nhất.

Ngoài ra, theo bà Hoa còn có nguyên nhân từ chế tài xử lý hành vi lãng phí đã ban hành, nhưng tính răn đe chưa cao. Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã quy định trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu, việc xử lý hành vi vi phạm trong việc để xảy ra tình trạng lãng phí. Tuy nhiên, các quy định này chủ yếu có tính chất cảnh báo, nhắc nhở.

“Tôi thiết nghĩ rằng, nếu chúng ta chống lãng phí thành công như chống tham nhũng thời gian qua thì đất nước ta nhất định sẽ vững vàng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình”, bà Hoa nêu quan điểm.

Đúng vai mà không thuộc bài sẽ tạo ra những sản phẩm kém chất lượng

Nêu ý kiến về yêu cầu đúng vai thuộc bài trong xây dựng luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cho rằng cần rà soát các quy định của pháp luật liên quan về tổ chức bộ máy, trong đó có Luật Tổ chức Quốc hội và các quy định liên quan khác để xác định cụ thể phạm vi ranh giới trách nhiệm, quyền hạn. Từ đó có căn cứ pháp lý thực hiện đúng yêu cầu đúng vai và khi đã đúng vai thì nhất định phải thuộc bài. Vì nếu như đúng vai mà không thuộc bài thì nhất định sẽ tạo ra những sản phẩm kém chất lượng.

Cũng bàn về chống lãng phí, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) nhấn mạnh đây là một nội dung không mới vì hằng năm Quốc hội đều thảo luận, đánh giá về công tác này nhưng cũng không bao giờ cũ vì luôn mang tính thời sự, lãng phí là lực cản sự phát triển của đất nước.

Đề cập lãng phí về nguồn lực xã hội, nguồn lực của đất nước trong các dự án trùm mền, công trình đắp chiếu hiện nay trên phạm vi cả nước, ông Thông nhận định  con số này không dưới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Nhưng đó là con số về mặt tài chính còn những lãng phí hệ lụy xoay quanh nó như lãng phí về nguồn lực đất đai, lãng phí về cơ hội phát triển của doanh nghiệp, của đất nước thì không đo đếm hết và trước hết đó là lãng phí niềm tin của Nhân dân.

Bộ máy cồng kềnh, công chức lương chỉ đủ thuê nhà bình dân

Trước phiên thảo luận toàn thể, Quốc hội đã dành một ngày thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội và có các phiên thảo luận tổ về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng và việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Ở những phiên này, tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước thế nào cho hiệu lực, hiệu quả là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.

Các đại biểu dự phiên thảo luận về KT - XH tại Kỳ họp thứ tám của Quốc hội
Các đại biểu dự phiên thảo luận về KT - XH tại Kỳ họp thứ tám của Quốc hội

Tham gia thảo luận, Tổng Bí thư Tô Lâm nói, tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước là vấn đề rất lớn và Trung ương đang tập trung bàn để tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy này.

Tổng Bí thư nêu rõ, từ Đại hội XII, nghị quyết của Trung ương đã đánh giá bộ máy Nhà nước cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, phải sắp xếp, phải tinh gọn. Nhưng, hiện nay mới làm từ dưới lên như xã, huyện sáp nhập còn tỉnh chưa làm tới. Hay mới thực hiện sắp xếp ở một số vụ, cục, tổng cục của bộ ngành còn trung ương chưa làm.

"Trung ương mà gọn được thì tỉnh sẽ gọn. Không có bộ nữa thì làm sao tỉnh có sở. Không có sở nữa thì làm sao huyện có phòng. Cách thức phải như thế nào và đây là vấn đề rất lớn, sắp tới phải bàn”, Tổng Bí thư nói.

Một số vị đại biểu cũng bày tỏ lo ngại trước thực trạng nhân lực khu vực công chuyển sang khu vực tư đang diễn ra rất nhiều, trong đó phần lớn là nhân lực chất lượng cao. Việc thu hút nhân tài vào khu vực công cũng gặp khó khăn nhất định, mức lương khởi điểm không đủ thuê nhà ở các thành phố lớn, từ đó có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vì nhân sự ở khu vực công là nhân sự làm chính sách.

Đồng tình với nhận xét này, Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nói, Kỳ họp này của Quốc hội, một cụm từ được nhắc đến rất nhiều từ phiên khai mạc cho đến các phiên thảo luận, đó là cụm từ thể chế là "điểm nghẽn của điểm nghẽn". Quốc hội đã và đang bàn rất nhiều đề xuất từ Chính phủ nhằm tháo gỡ vướng mắc về thể chế, trong đó có 5 luật về đầu tư và 7 luật về tài chính, ngân sách. “Nhưng theo tôi, để gỡ được điểm nghẽn thể chế thì rất cần nhân lực, mà nhân lực thì thực sự cũng đang bị nghẽn”, ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.

Vị đại biểu Quảng Trị phân tích, bao nhiêu năm qua, Quốc hội nói rất nhiều đến sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương. Tại Kỳ họp này, báo cáo của Bộ Nội vụ nhận định, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước về cơ bản đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Nhưng, khi phát biểu ở tổ thì Tổng Bí thư nói, việc này mới làm từ xã, huyện một số vụ, cục, tổng cục... “Trung ương chưa đụng được gì”.

“Tổng Bí thư cũng nói ngân sách đang chi gần 70% để trả lương, chi thường xuyên, vậy thì tinh giản biên chế đã thực sự đạt yêu cầu chưa. Rồi ở nhiệm kỳ này, đã có rất nhiều những phát biểu, những tranh luận kéo dài về việc chữa bệnh cán bộ công chức sợ sai, sợ trách nhiệm. Nhưng kết quả xếp loại chất lượng công chức trong năm 2023, chỉ có 6,57% là không hoàn thành nhiệm vụ, còn lại đều hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vậy như thế đã là đánh giá đúng tình hình chưa?”, đại biểu Hà Sỹ Đồng băn khoăn.

Vẫn theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị thì không thể phủ nhận nỗ lực tăng lương cơ sở 30% của năm nay. “Nhưng cho dù thế thì một cán bộ, công chức mới được tuyển dụng, dù xuất sắc đến đâu lương cũng mới chỉ đủ tiền thuê nhà ở mức bình dân và chi tiêu hết sức tằn tiện, chứ chưa nói đến những nhu cầu chính đáng khác. Thế nên, rất dễ hiểu là các địa phương xin cơ chế riêng để thu hút nhân tài, Quốc hội ủng hộ, nhưng nhân tài thì vẫn như lá mùa thu”.

“Tổng Bí thư nói chúng ta cần mạnh dạn nhìn nhận những khó khăn phải đang phải đối mặt để vượt lên khó khăn phục vụ phát triển. Kỳ họp này, như tôi đã nói ở trên, Quốc hội đã và đang bàn rất nhiều đề xuất từ Chính phủ nhằm tháo gỡ vướng mắc về thể chế. Nhưng tôi chưa thấy có đề xuất nào tháo gỡ điểm nghẽn về nguồn nhân lực. Mà khó khăn về nguồn nhân lực hiện nay là hết sức to lớn và tôi đề nghị nên đột phá từ chính khâu này thì mới có thể gỡ được những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của đất nước”, ông Hà Sỹ Đồng phát biểu.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng tham gia thảo luận
Đại biểu Hà Sỹ Đồng tham gia thảo luận

Cùng quan tâm đến nguồn lực con người, đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) nói Việt Nam cần nhanh chóng nghiên cứu có chính sách về dân số, trước thách thức già hóa dân số. Bởi, có nguồn nhân lực tốt mới có thể giữ đà tăng trưởng 6 - 7% những năm tới, và chuẩn bị kỹ để làm chủ nền công nghiệp công nghệ cao trong tương lai gần.

Nhận xét báo cáo của Chính phủ mới đề cập tinh giản biên chế bộ máy hành chính cấp huyện, xã, ông Kim nói như thế là chưa được, mà cần phải cách mạng hóa biên chế bộ máy ở cả trung ương, ngành và địa phương.

“Tôi xin phản ánh chính xác 100%, có đồng chí bộ trưởng nói với tôi rằng nếu Bộ tôi giảm 30% đến 40% biên chế cũng chẳng hề hấn gì”, ông Kim nói và cho rằng nếu giảm biên chế  có hai tác dụng, đó là giảm được người sách nhiễu và tăng được lương cho cán bộ mẫn cán, cán bộ chuyên nghiệp hơn và hiệu quả hơn.

Câu hỏi khó trả lời về nhân lực

Đề cập nội dung được các đại biểu bàn rất nhiều là đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các ngành nghề mới nổi, cho công nghệ kỹ thuật mũi nhọn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phân tích, Việt Nam đang đào tạo nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh một nền kinh tế mà tỷ trọng các doanh nghiệp FDI khá lớn. Đặc điểm của doanh nghiệp FDI là một doanh nghiệp mới đến Việt Nam bao giờ cũng sẽ đem những lĩnh vực mà Việt Nam chưa có hoặc là những lĩnh vực mới. “Khi họ đem một lĩnh vực mới mà Việt Nam chưa có đến thì câu hỏi đặt ra là ông đã chuẩn bị được đầy đủ nhân lực cho tôi chưa, sẽ luôn luôn là câu hỏi khó trả lời. Cho nên, chúng ta phải phân tích hết được khó khăn của việc đào tạo nhân lực để đáp ứng cho các doanh nghiệp FDI khi nền sản xuất trong nước với những lĩnh vực chúng ta chưa có thì kế hoạch và sự chủ động trong tương lai có lẽ cần phải tăng lên thì mới có thể đáp ứng được những yêu cầu này”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Bên cạnh những vấn đề trên, 59 ý kiến phát biểu ở hội trường còn thể hiện sự quan tâm của các vị đại biểu đến nhiều “điểm nghẽn” khác.

“Các đại biểu đề nghị phân tích cụ thể, có giải pháp ứng phó, tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, chủ động phòng chống, ứng phó các rủi ro, đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước, bội chi nợ công. Ngăn chặn xu hướng suy giảm của thị trường bất động sản, điều tiết tốt thị trường, cân đối cung cầu, có giải pháp chấm dứt việc đầu cơ, thổi giá bất động sản, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, nợ xấu, phát triển bền vững thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khái quát.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy