Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024
04:32 (GMT +7)

Vẳng tiếng chuông chùa

Lúc mới lên năm, tôi đã theo chị gái đến trường. Ở thập kỷ 60, đất nước có chiến tranh nên rất nghèo và lạc hậu. Dân đói nghèo, cuộc sống tù túng, thanh thiếu niên lớn lên chủ yếu ở nhà "bám đít trâu" (theo cách nói của các cụ). Nhà nhà ai cũng nai lưng ra làm ruộng, kiếm sống bằng nghề làm nông. Những công cụ sản xuất hết sức thô sơ, chiếc cày 51, chiếc bừa 12 răng, chiếc cuốc, chiếc cào cùn cụt. Vậy nên cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, chẳng ai dám mơ đến đệm êm, chăn ấm. Dù vậy nhưng người dân quê tôi vẫn rất hiếu học. Trường lớp không có, Ban quản trị Hợp tác xã quyết định sử dụng khu đình chùa của làng để làm lớp học. Giáo viên là những anh chị biết viết, biết đọc, ngày ngày đứng lớp để dạy cho các lứa tuổi đàn em. Công xá được trả bằng lúa, bằng khoai, tính theo công điểm.

Diện mạo chùa Úc Kỳ quê tôi ngày nay
Diện mạo chùa Úc Kỳ quê tôi ngày nay

Lớp học của tôi là một gian của ngôi chùa. Đầu những năm cải cách ruộng đất, tượng Phật phải xếp gọn vào một góc. Một phần chùa sử dụng làm kho đựng thóc lúa của Hợp tác xã. Ba gian còn lại là ba lớp học với đủ loại tuổi, có bạn hơn tôi năm sáu tuổi, cùng học nên vẫn gọi là mày, tao. Có đứa lại kém hai, ba tuổi cũng vậy, cùng mày tao "cá mè một lứa" cùng học một lớp với nhau. Đứa thì do nhà nghèo phải ở nhà phụ bố mẹ làm đồng nên đi học muộn. Đứa thì do cuộc sống ít được quan tâm chăm sóc, ăn uống kham khổ, sống mất vệ sinh nên học kém, có đưa trí tuệ kém phát triển, mãi không lên được lớp, mấy năm vẫn ở lớp Vỡ lòng.

Lớp Vỡ lòng của tôi có khoảng hai chục đứa, vì không cùng lứa nên rất hay bắt nạt nhau. Bàn tôi có năm đứa. Tôi ngồi cạnh một bạn gái rồi đến thằng Lầy, nó hơn tôi 7 tuổi. Thằng Lầy rất xấu trai, răng lợi thì khấp khểnh và vàng oẻn, cái mất, cái còn. Có cái thì bị sứt một mảnh, do lặn ngụp bắt tôm ở sông, chẳng may va vào đá nên bị vỡ, thường giắt cơm hoặc rau. Đặc biệt nó còn bị lác một mắt nên trông rất kinh, lúc nào muốn trêu hoặc hăm dọa tôi, nó chỉ cần nhìn vào cái gì đó chếch tôi khoảng 60 độ là con ngươi của nó sẽ chĩa thẳng vào tôi, khiến tôi rất sợ.

Ngồi đầu bàn là cái Thiếp. Thiếp cũng hơn tôi khoảng 7-8 tuổi, nó dở dở người, răng vẩu nặng và đen kít, ít khi ngậm được mồm. Giờ tập tô, thầy giáo bảo lấy sách bút ra tập tô, nó loay hoay mãi, tô bằng cả tay cả mắt và cả mồm nữa. Chỉ tô được vài chữ là dãi từ mồm nó chảy ra ướt nhòe cả sách. Học cả buổi mà không biết tên một chữ nào, thầy chỉ cho nó đánh vần chữ a, bê, xê (tức là chữ a, bờ, cờ thời nay), xong quay lại hỏi chữ a, nó lại không biết chữ a là chữ nào.

 Ngoài cái Thiếp và thằng Lầy ra thì bàn tôi còn ba đứa nữa. Ba đứa tôi gần bằng tuổi nhau, tôi đi học sớm, kém chúng hai tuổi nên là đứa bé nhất. Đến giờ học tôi len lén ngồi mà không dám ho he gì. Bàn học là một mảnh gỗ dài khoảng hai mét hai, rộng ba mươi phân, không có ghế, nền nhà đồng thời làm ghế luôn. "A lê phệt". Trong chiếc bàn hơn hai mét cho năm đứa ngồi, vị chi mỗi đứa chỉ được nhúc nhích trong khoảng hơn bốn mươi xăng ti mét chiều dài, đã vậy hai đứa kia to lớn nên nó ngồi chiếm gần hết phần của bàn, ba đứa tôi chỉ còn lại phần rất nhỏ, ngồi viết khó khăn, có nhiều khi đang viết thì bị thằng Lầy huých cho một phát, thế là chữ lại mọc thêm râu…

Những buổi đến trường rồi cũng qua nhanh, tối tối tiếng chuông chùa vẫn ngân rung điểm nhịp, các tượng Phật đã xếp vào góc nhà, nhường chỗ cho đống thóc, đống lúa to lù lù chờ ngày mai nắng ấm, nhờ bàn tay những người nông dân tần tảo xúc tãi ra sân phơi. Người thỉnh chuông là ông Từ vừa trông coi chùa vừa làm bảo vệ trông coi thóc, lúa. Tuy là kết hợp nhưng đêm đêm ông vẫn thỉnh chuông đều đều theo giờ quy định, tiếng chuông của ông ngân rung nhắc nhở mọi người, mọi nhà, dù gian khổ đến đâu cũng đừng quên lãng những tục lệ tâm linh của các cụ ngàn xưa để lại. Tiếng chuông chùa khiến cho lòng người thư thái hơn, từ bi bác ái hơn, thương yêu đùm bọc nhau hơn. Tiếng chuông còn giúp thức tỉnh bản giác của con người đó là tính thiện, tính từ bi hỷ xả, đó là sự vô ngã, là lòng vị tha… Nó thức tỉnh những gì tốt đẹp nhất trong mỗi con người mà đôi khi vì áp lực cuộc sống, vì mưu sinh vì tham sân si oán hận đã vô tình lãng quên.

Kỷ niệm thời thơ ấu của tôi là như vậy. Như cây măng mọc trong sỏi đá, vất vả, gian truân nhưng dạn dày sương gió. Không biết có phải thế mà sau này lớn lên, dù gặp trắc trở đến đâu tôi cũng vẫn chịu đựng được mà không cảm thấy tuyệt vọng. Tôi lớn lên trong bão táp của một thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước gian khổ, ác liệt và đói nghèo. Tôi luôn nghĩ rằng, sẽ chẳng có gì khổ ải và khó khăn hơn thế.

Đất nước đã qua chiến tranh, đã phục hồi được nền kinh tế, dân đã giàu, nước đã mạnh. Giờ tôi đã cảm thấy không còn gì làm tôi khổ hơn được nữa, chỉ mong sao đừng dịch dã, đừng thiên tai bão lũ và đặc biệt đừng có chiến tranh, để tuổi thơ của các con, cháu tôi không phải ám ảnh bởi một cuộc sống khổ ải thiếu thốn như tôi.

Được như ngày nay, tôi thầm cảm ơn quê hương, mảnh đất Phú Bình - Thái Nguyên yêu dấu, đã sinh ra và nuôi tôi lớn lên, cùng những thăng trầm của cuộc sống. Những bến nước, bờ tre, những ngôi chùa, ngôi đình dùng làm lớp học, và cả những người bạn có hình hài không bình thường, do cha mẹ phải sống trong bần hàn, lạc hậu, ăn uống đói rách sinh ra.

Tác giả (thứ hai, bên phải) trong bức hình chụp năm lớp 5 (1968) ở Trường Cấp 2 Quyết Tiến (Nhã Lộng, Phú Bình)
Tác giả (thứ hai, bên phải) trong bức hình chụp năm lớp 5 (1968) ở Trường Cấp 2 Quyết Tiến (Nhã Lộng, Phú Bình)

Thương xa xót nhưng yêu đến vô cùng. Tôi may hơn các bạn là thân hình không bị méo mó, nhưng tôi và các bạn đã cùng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo mà thấm đẫm yêu thương này. Úc Kỳ ơi! Phú Bình ơi! Thái Nguyên ơi! Nơi "chôn nhau cắt rốn" của tôi ơi! Tôi yêu Người đến quặn lòng. Nét chữ đầu tiên để tôi trở thành cây bút văn chương như hôm nay, cũng xuất phát từ ngôi chùa mái cong như muôn nỗi khát khao, nhẫn nhịn ấy.

Dù đã hơn 50 năm trôi qua, tôi đi công tác và lấy chồng, sinh con, sinh cơ lập nghiệp ở một nơi khác, chưa một lần được nghe lại tiếng chuông chùa làng tôi, nhưng âm thanh của tiếng chuông ở ngôi chùa, nay là di tích cấp Quốc gia - Đình chùa Úc Kỳ vẫn văng vẳng trong tôi, luôn thúc giục tôi trở về nơi ấy, với bao kỷ niệm vui, buồn, luôn ngân dài trong trái tim.

Ngọc Thị Lan Thái

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy