Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
19:25 (GMT +7)

Văn học sử Việt Nam: viết lại và viết khác đi

VNTN - Cho đến thời điểm này (năm 2019), việc nghiên cứu lịch sử văn học dân tộc Việt Nam - phản ánh dưới hình thức các công trình văn học sử - đã bị thực tế của sự phát triển lịch sử văn học bỏ xa đến nửa thế kỉ. Những công trình văn học sử Việt Nam được biên soạn gần đây nhất (hai bộ giáo trình văn học Việt Nam của khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội và khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội) đã có tuổi thọ trên dưới 40 năm, và ở những công trình ấy, phạm vi nghiên cứu của các nhà lịch sử văn học đều dừng lại ở cái mốc 1945. Nghĩa là toàn bộ văn học Việt Nam trong giai đoạn 30 năm chiến tranh (1945 - 1975) rồi gần 45 năm hậu chiến (tạm tính đến năm 2020 cho tiện) với tất cả những vận động và sắc thái phức tạp của nó đang chờ được mô tả, được khái quát, được nhận định bằng những công trình văn học sử mới.

 

Nhưng nếu để, và chỉ để đáp ứng yêu cầu này, thì việc biên soạn những công trình văn học sử mới ấy chỉ có ý nghĩa là viết thêm vào, viết tiếp. Trong khi đó, ta hãy nhìn lại tuổi thọ của những công trình văn học sử Việt Nam được biên soạn gần đây nhất - như đã nêu trên - 40 năm! 30 năm là khoảng thời gian đủ để diễn ra - và trên thực tế đã diễn ra - những thay đổi đáng kể trong việc phát hiện những tư liệu văn học mới, và quan trọng hơn, thay đổi trong nhận thức của giới nghiên cứu.

Vì thế, điều cần hơn cả của việc biên soạn những bộ văn học sử mới trong thời điểm hiện nay là viết lại và viết khác đi. Câu hỏi đặt ra: khác như thế nào?

1. Khác về cách phân kỳ lịch sử văn học.

Phân kỳ vốn là thao tác mà bất cứ nhà văn học sử nào cũng không thể bỏ qua nếu muốn nhận thức sự vận động mang tính đặc thù của từng giai đoạn trong tiến trình liên tục của lịch sử văn học. Nhưng ở hầu hết (nếu không muốn nói là ở tất cả) những bộ văn học sử Việt Nam đã có, dễ nhận thấy rằng sự phân kỳ chủ yếu dựa trên quan điểm lịch sử - xã hội. Những mốc lớn của thông sử được mặc nhiên coi là những mốc lớn của lịch sử văn học: người ta “chặt khúc” lịch sử văn học theo những sự kiện chính trị - xã hội mang tính bước ngoặt, như thể cứ hễ chính trị - xã hội thay đổi là văn học cũng chuyển mình ngay lập tức.

Cách phân kỳ như vậy rõ ràng là không giúp được gì nhiều cho việc nhận thức những quá trình văn học. Nó không tính đến sự tồn tại mang tính độc lập tương đối của lịch sử văn học trong quan hệ với lịch sử xã hội. Nói cách khác, nó bất cập.

Ví dụ sinh động nhất cho cách phân kỳ này là việc xác định thời điểm khởi đầu của văn học Việt Nam hiện đại. Đã có lúc người ta chọn mốc 1858, năm Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Rồi sau đó, người ta lại nghiêng về chọn mốc 1930, năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Không thể phủ nhận rằng đây là những sự kiện quan trọng trong lịch sử xã hội Việt Nam: chúng xảy ra, và lịch sử đã bẻ hướng, đã vận động theo một quỹ đạo khác. Nhưng sẽ là không thỏa đáng nếu gán cho các mốc thời gian này tầm quan trọng tương tự trong tiến trình văn học.

Từ sự kiện 1858, văn học Việt Nam đã có thêm nội dung yêu nước chống thực dân xâm lược, nhưng những phương diện khác không thay đổi: vẫn một quan niệm văn học và mỹ học Nho giáo, vẫn cơ bản một ngôn ngữ văn học Hán - Nôm, vẫn một hệ thống thể loại được tích hợp từ truyền thống của văn chương trung đại Việt Nam có từ trước đó, hệ thống chủ đề, đề tài và hệ thống hình tượng nhân vật trung tâm của văn học cũng không có nhiều biến động.

Tình hình cũng tương tự nếu ta xem xét mốc 1930 trong dòng chảy liên tục của văn học. Không có nhiều điều kiện để đi sâu vào chi tiết này, tôi chỉ xin được nêu lại ở đây một quan điểm đã nhận được sự đồng thuận của nhiều nhà nghiên cứu văn học sử Việt Nam hiện nay: dời mốc 1930 xuống hai năm - năm 1932 - sự xác định khởi điểm của văn học Việt Nam hiện đại sẽ trở nên thỏa đáng hơn. Năm 1932, năm ghi nhận sự bùng phát của phong trào Thơ Mới, năm mà văn xuôi của nhóm Tự lực Văn đoàn và những nhà văn thuộc phái “tả chân” đã phát triển tới mức trở thành hai khuynh hướng rõ rệt trong văn học. Với một số lượng tác phẩm tới hạn và những thay đổi mạnh mẽ về quan niệm văn học và mĩ học, về hệ thống chủ đề, đề tài, về hệ thống hình tượng nhân vật trung tâm, về hệ thống thể loại và ngôn ngữ văn học, có thể nói, năm 1932 đã đánh dấu không chỉ “một thời đại trong thi ca”, mà là một thời đại trong văn học dân tộc.

Để giải quyết yêu cầu “khác đi về cách phân kỳ lịch sử văn học” - cũng tức là để phân kỳ cho chính xác hơn - thiết nghĩ, đề xuất của nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương là rất đáng lưu tâm. Phải căn cứ vào những tiêu chí bên trong của bản thân văn học để phân kì, chứ không phải những tiêu chí của sử học hay chính trị - xã hội. Phải đo văn học bằng hệ đo lường của chính nó.

Hệ đo lường này tôi đã hơn một lần đề cập ở trên: quan niệm văn học và mỹ học, hệ thống chủ đề, đề tài, hệ thống hình tượng nhân vật trung tâm, hệ thống thể loại, và cuối cùng là ngôn ngữ văn học. Khi nào cả năm “đại lượng quan trắc” này thay đổi, khi ấy nhà văn học sử mới có đủ cơ sở hợp lí để đặt mốc phân kỳ trên tiến trình liên tục của văn học (nếu không, sự phân kỳ sẽ chỉ là... “chặt khúc” cho gọn).

Một tiêu chí phân kỳ như vậy sẽ điều chỉnh lại cách phân kỳ đã có đối với văn học Việt Nam từ 1945 trở về trước. Mặt khác, nó cũng “kéo áo nhắc nhở” nhà văn học sử khi viết về văn học giai đoạn sau 1945 trong các bộ lịch sử văn học sắp tới: những mốc 1954, 1975, rồi 1986 với tất cả tác động to lớn của chúng đến tiến trình lịch sử của dân tộc sẽ rất dễ khiến người ta lại đơn giản coi “cái văn học” chỉ là con đẻ của “cái xã hội”.

2. Khác về cách nhìn nhận các giá trị văn học.

Trong nhận thức mang tính phổ quát, một bộ văn học sử luôn là một “bảng tổng sắp” của các giá trị văn chương. Dù muốn dù không, người viết văn học sử vẫn phải định vị các trào lưu, khuynh hướng, tác giả, tác phẩm trong lịch sử văn học (ngay cả việc không nhắc đến cũng đã là sự thể hiện của một thái độ định vị).

Vấn đề ở chỗ: tiêu chí nào được dùng để định vị?

Đọc lại các công trình văn học sử Việt Nam đã có, đặc biệt là các công trình được biên soạn tại miền Bắc sau năm 1954, dễ thấy nổi lên hai tiêu chí, là hiện thực và yêu nước. Vì tiêu chí hiện thực, nên phong trào Thơ Mới và văn xuôi của nhóm Tự lực Văn đoàn (nói chung là văn học lãng mạn chủ nghĩa) đã nhiều lúc bị nhìn nhận bằng một thái độ đầy “cảnh giác”, bất chấp những đóng góp to lớn của chúng trong tiến trình của văn học Việt Nam hiện đại. Vì tiêu chí yêu nước, nên nhiều tác giả, nhiều bộ phận tác phẩm văn học đã không được đánh giá một cách thỏa đáng, không được xếp ở vị trí đúng mức.

Thật ra, tiêu chí hiện thực còn tương đối rõ ràng, nhưng tiêu chí yêu nước thì xem chừng khá mù mờ.

Một nhà nho như Phan Thanh Giản - vị đại khoa đầu tiên của khu vực Nam Bộ - người đã tự tìm đến cái chết đặng giải quyết những giằng xé nội tâm khi ông bị đẩy vào một tình thế bất khả kháng để rồi phải mang nỗi nhục “mãi quốc”, là yêu nước hay không yêu nước?

Một học giả như Phạm Quỳnh, người cả đời dấn thân vào sự nghiệp truyền bá những tinh hoa tư tưởng và văn hóa Đông - Tây cho quốc dân đồng bào - và thực tế là tờ Nam Phong tạp chí của ông đã làm việc đó một cách rất hiệu quả, là yêu nước hay không yêu nước?

Vả lại, ngay ở bộ phận tác phẩm được viết tại các đô thị bị tạm chiếm trong thời gian chiến tranh (từ 1945 đến 1954 tại Hà Nội, từ 1945 đến 1975 tại các đô thị miền Nam) cũng không ít tác phẩm có nội dung yêu nước, nhưng những khu vực văn học này lại dường như không tồn tại trong mắt các nhà văn học sử - cụ thể là các tác giả của hai bộ giáo trình văn học Việt Nam nói trên.

Chưa hết, để có mặt một cách hợp lý trong công trình văn học sử - dù đúng là họ xứng đáng có mặt - nhiều tác giả lại được/ bị gắn vào mình những phẩm chất hiện thực hoặc yêu nước mà xem ra là khá khiên cưỡng đối với họ. Người ta nói đến một “chủ nghĩa hiện thực” trong tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du, nhưng không để tâm lắm tới việc cái quan niệm văn học và mỹ học của nhà Nho liệu có trở thành cơ sở cho sự ra đời của chủ nghĩa hiện thực hay không?(1)

Người ta nhấn mạnh đến một “tinh thần yêu nước” thầm kín trong thơ của Trần Tế Xương, cho dù tinh thần yêu nước của ông tú thành Nam có những biểu hiện thực tế không khác một con dân nước Việt bất kỳ.

Thế rồi, đối với một tác giả lớn của văn học yêu nước cuối thế kỉ XIX như Nguyễn Đình Chiểu, đã có công trình văn học sử nào chỉ ra những hạn chế trong nội dung chủ nghĩa yêu nước của ông? (Một ví dụ: khi viết “tấc đất ngọn rau ơn chúa, nợ áo cơm phải trả đến hình hài” trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Nguyễn Đình Chiểu đã gán cho hành vi dấy nghĩa của người nông dân Nam Bộ cái ý thức thần tử rất xa lạ với họ; họ đánh Tây không vì “ơn chúa”, mà vì một tinh thần yêu nước tự nhiên hơn nhiều)(2).

Hàng loạt chi tiết cần phải được đặt ra, được xem lại đối với nhà văn học sử khi bắt tay vào thực hiện “bảng tổng sắp” văn học mới.

Để có một “bảng tổng sắp” phản ánh sát gần hơn nữa những giá trị trong lịch sử văn học dân tộc, nói như nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương khi ông mượn chữ của M. Bakhtine, người viết văn học sử phải biết “đa thanh hóa” các tiêu chí định vị. Yêu cầu này đòi hỏi một thái độ cởi mở và độ lượng - có thể nói như vậy - trong việc đánh giá các giá trị văn chương.

Nhưng thiết nghĩ, ở đây vẫn cần phải thêm hai yêu cầu nữa: 1/ Nhấn mạnh đến các trào lưu, khuynh hướng, tác giả, tác phẩm trên phương diện những đóng góp thực sự của chúng vào quá trình phát triển tư duy nghệ thuật của nền văn học dân tộc; 2/ Không né tránh việc viết về những điểm dừng, những hạn chế trong các giá trị của văn học dân tộc - có như vậy, sự nhìn nhận mới có thể gọi là đầy đủ, mà đó cũng chính là biểu hiện của một cơ thể đủ khỏe mạnh, đủ năng lực để sống chung với các khiếm khuyết.

3. Khác về cách xác định tọa độ nghiên cứu văn học.

Đọc các công trình văn học sử Việt Nam đã có, dễ thấy là việc nghiên cứu văn học được đóng khung chỉ ở bản thân văn học. Và đây là nguyên nhân chủ yếu đưa đến ấn tượng rằng công việc của người viết văn học sử chỉ là khảo tả và bình tán về các trào lưu, khuynh hướng, tác giả, tác phẩm. Trong khi đó, chủ nghĩa duy vật lịch sử đã chỉ ra cho chúng ta một nguyên lí cơ bản: văn học là một hình thái ý thức có quan hệ mật thiết và chịu sự tác động qua lại của những hình thái ý thức khác trong thượng tầng xã hội (triết học, tôn giáo, chính trị, pháp luật, các loại hình nghệ thuật v.v...).

Đối với thực tế phát triển lịch sử của văn học Việt Nam, ít nhất là cho đến hết thế kỉ XIX, không khó nhận thấy một tình trạng vẫn được gọi bằng cái tên “văn, sử, triết bất phân”. Bởi vậy, nghiên cứu lịch sử văn học chỉ ở văn học cũng đồng nghĩa với cắt xén lịch sử văn học.

Để có thể nhìn ra tính chất đa diện của nền văn học dân tộc Việt Nam, cần phải đặt nó trong một tọa độ rộng lớn hơn, đặc biệt là trong quan hệ với các hệ tư tưởng chi phối sâu đậm đến đời sống tinh thần của cả xã hội (Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo đối với văn học Việt Nam trung đại chẳng hạn). Mặt khác, cũng rất cần có một sự quan tâm nhiều hơn nữa của nhà văn học sử về các mối quan hệ giữa văn học Việt Nam với các nền văn học khác, trong khu vực và trên thế giới.

Thời trung đại, cùng với văn học Nhật Bản và Triều Tiên, văn học Việt Nam vận động trong quỹ đạo của vùng văn học chữ Hán, lấy văn học Trung Quốc làm nền văn học trung tâm.

Sang thời cận đại rồi hiện đại, văn học Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ của văn học Pháp, rồi văn học Nga Xô viết.

Còn hiện nay, khi thế giới đã trở nên phẳng, văn học Việt Nam lại có nhiều điều kiện hơn nữa để nhận gió bốn phương thổi tới cùng một lúc. (Tôi nói “cùng một lúc”, vì nhiều tư trào văn học hiện đại khác nhau trên thế giới, bất kể sự lệch pha về thời điểm ra đời và hoạt động của chúng, đã “cùng một lúc” ập đến và để lại dấu vết trên sáng tác của các nhà văn Việt Nam: văn học hiện sinh chủ nghĩa, văn học phi lý, văn học dòng ý thức, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ - La tinh, văn học hậu hiện đại v.v...).

Trong bối cảnh như vậy, nếu nghiên cứu văn học Việt Nam chỉ ở văn học Việt Nam, nếu nghiên cứu văn học Việt Nam bị cắt đứt với những nguồn mạch “quan hệ quốc tế”, thì đó sẽ là một sự nghiên cứu rất phiến diện, và tất nhiên, không tránh khỏi sẽ đi vào vết mòn mà người nghiên cứu rất muốn tránh, là khảo tả và bình tán, như nó đã từng có. Cũng tức là, để thực hiện được yêu cầu “khác đi về cách xác định tọa độ nghiên cứu văn học” trong các công trình văn học sử mới đang được chờ đợi, nhà văn học sử đồng thời phải là nhà nghiên cứu văn hóa và là nhà văn học so sánh.

* * *

Trong lúc tôi viết bài báo nhỏ này, công trình Lịch sử văn học Việt Nam mà Viện Văn học giữ vai trò là cơ quan tổ chức biên soạn cũng đang ở giai đoạn gấp rút hoàn thành. Những băn khoăn của người viết có lẽ cũng đã được các nhà khoa học đặt ra và thảo luận kĩ lưỡng. Dù sao, đây là một công trình tập thể - nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học cho biết có hơn 60 nhà khoa học tham gia viết công trình này - và không vì thế mà nó ngăn trở việc ra đời của những công trình văn học sử Việt Nam khác, nhất là những công trình do các cá nhân biên soạn (chúng ta hãy nhớ tới những công trình như Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm, Việt Nam cổ văn học sử của Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên của Phạm Thế Ngũ, hay Bảng lược đồ văn học Việt Nam của Thanh Lãng). Công chúng đang cần có những bộ văn học sử Việt Nam mới, đầy đủ hơn, khoa học hơn, giàu sức thuyết phục hơn.

Vài ý kiến lạm bàn, xem như một sự quan tâm đến vấn đề thiết yếu của văn học giới nước nhà.

(1) Xem: Thực tại, cái thực và vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam trung cận đại, trong sách Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại. Trần Đình Hượu. NXB Giáo Dục. 1999; Vấn đề chủ nghĩa hiện thực và các nền văn học phương Đông, trong sách Phương Đông và phương Tây. N. Konrat. Trịnh Bá Đĩnh dịch. NXB Giáo Dục. 1997.

(2) Xem: Những đặc điểm mang tính quy luật của sự phát triển văn học nhìn nhận qua sáng tác của một tác giả, trong sách Văn học Việt Nam - dòng riêng giữa nguồn chung. Trần Ngọc Vương. NXB Giáo Dục. 1998.

Hoài Nam

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy