Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
23:21 (GMT +7)

Văn hóa ứng xử

Có câu chuyện: Một chiếc xe con và một chiếc xe máy không may va quệt phải nhau. Người ta thấy người lái xe con mở bật cửa phăm phăm chạy về phía người đi xe máy lúc này cũng đang lồm ngồm đứng dậy và cũng vội vã lao nhanh về phía người lái xe con. Một không khí căng thẳng! Rất có thể phải gọi cảnh sát cơ động can thiệp. Vậy mà khi hai người sáp gần nhau, người ta được chứng kiến cảnh tượng cả hai người cùng chắp tay trước ngực, đầu cúi xuống. Hoá ra là họ xin lỗi nhau. Một hình ảnh vô cùng đẹp. Chỉ tiếc rằng hình ảnh ấy lại ở bên nước Lào.

Có một câu chuyện khác: Chiếc xe 12 chỗ dừng trước hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Chờ quá lâu mà vẫn không thấy đèn xanh bật lên. Mấy người Việt ngồi trên xe la lớn “Đèn hỏng rồi! Cứ cho xe qua đi”. Vậy mà không. Chàng thanh niên lái xe người Đức vòng xe lại và tìm một con đường khác để đi. Một cử chỉ thực thi pháp luật triệt để. Nhưng tiếc thay, chiếc ô tô ấy lại ở tận nước Đức.

Gần đây trong một bộ phim của Phi-lip-pin có đoạn một cô bé bảy tuổi bị bắt cóc. Tên bắt cóc nói: “Tao cởi trói để mày gọi điện về bảo bố mẹ đưa tiền chuộc”. Cô bé nói với tên bắt cóc: “Cháu cảm ơn! Cháu cảm ơn!...”. Sẽ khó có một nhà biên kịch Việt Nam nào lại viết một câu đối thoại như vậy. Nhưng Phi-lip-pin thì khác. Lời cảm ơn của cô bé là một phản ứng tự nhiên trước một ân huệ (được tên cướp cởi trói). Đối với nhà biên kịch Phi-lip-pin thì lời đối thoại trên chỉ là một phản ảnh thường tình về ứng xử.

Lại một chuyện nữa: Trên chuyến xe khách nọcó một người bị ốm, nhưng ghế ngồi đã hết nên đành phải đứng. Ông tài xế kêu gọi sự nhường nhịn nhưng không ai nhúc nhích. Một lát sau mới có một ông già trên 70 đứng dậy mời người ốm ngồi xuống. Rất tiếc, câu chuyện này lại ở Việt Nam.

Những câu chuyện trên, hoàn toàn chỉ là những phản ảnh khách quan và nhất là không có ý sùng ngoại, bài nội.

Vậy, tại sao người Việt Nam thường ít có những ứng xử tốt đẹp như người nước ngoài? Chắc chắn sẽ có rất nhiều cách lí giải và biện bạch. Có người nói vì người Việt ta không có truyền thống ấy. Đó là một nhận định sai lầm, nếu không muốn nói là sự báng bổ ông cha. Từng đã có rất nhiều cụm từ, những mệnh đề mang nội dung ứng xử văn hoá tốt đẹp từ ngàn xưa còn lưu lại nhưng hình như bị người ngày nay coi là cổ lỗ sĩ nên ít ai còn dùng như: “Kính bác”, “Hầu chuyện bác”, “Bác lại nhà”, “Bác bỏ qua cho”, “Phiền bác giúp”, “Ơn trời bể này tôi đâu dám quên”…

Như vậy là ởta đã có truyền thống ứng xử nhã nhặn, văn hoá từ lâu đời. Hình như chỉ khoảng bốn, năm chục năm trở lại đây nếp văn hoá ấy mới mai một dần. Thật trớ trêu, trong khi khắp hang cùng ngõ hẻm đâu đâu cũng dựng lên những cổng lớn, cổng bé với những hàng chữ khổng lồ: “Tổ dân phố, thôn, xóm, làng văn hoá”.

Nếu ta lơ đãng hoặc coi chuyện ứng xử là việc không đáng quan tâm thì rất có thể dần dần những thói xấu, vô văn hoá, thiếu văn minh, một lúc nào đó sẽ biến thành thuộc tính của dân tộc thì thật buồn.

Hiện nay, trong nhà trường phổ thông đã có các chương trình chính khoá về giáo dục công dân. Đó cũng là nền móng để ta xây dựng một nền văn hoá ứng xử. Nhưng sẽ chẳng bao giờ thành công nếu học sinh nhận thức các bộ môn ấy như một con vẹt, nhất là, khi những người lớn, bố mẹ, anh chị, chú bác, thậm chí là chính các thầy cô giáo của chúng không bao giờ thực thi những chuyện ấy như một thói quen không thể thiếu trong đời sống.

                                                                                                   Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy