Văn chương là một cuộc vong thân…
VNTN - Văn chương không chỉ là cuộc ngao du mà còn là một cuộc trở về, đúng hơn là một cuộc ngao du để trở về. Trở về với bản thể sau một tích hợp những trải nghiệm để rồi nhận ra một điều: càng viết, nhà văn càng không vượt ra được chính mình. Hành trình vong thân cũng chính là hành trình trở thành chính mình. Thế thì liệu có những tài năng? Liệu có những hoài thai vật vã và lột xác trở thành một con người khác? Tôi cứ đinh ninh nhà văn dù cố gắng đến đâu cũng chỉ tìm thấy cái khác chứ không thể thành ra một con người khác được. Viết văn như một cuộc bóc tách mình, bóc từng thớ tâm hồn mà ngắm nghía, không để rao bán mà để nhâm nhi nỗi đau như một lạc thú trong hành hương về cội. Điều lạ lùng là sau tách bạch ấy, nhà văn cứ ngơ ngác mà lạ lẫm với mình. Ngơ ngác ấy trở thành khám phá. Lạ lẫm ấy trở thành đam mê. Bằng cách đó họ tha hóa cái tôi bản thể hay là để mặc cho cái tôi bản thể vùng quẫy trong một cõi khác mà lý luận văn học xưa nay vẫn định danh là vùng thẩm mỹ nhà văn đến được sau chuỗi thăng hoa. Đã đến lúc nên đặt ra vấn đề: thung lũng Cô Sầu độc và lạ của Cao Duy Sơn hay xứ Linh Nham mộng huyễn của Nguyễn Bình Phương liệu có phải được tạo dệt bằng thi pháp của tài năng nghệ thuật hay đơn giản chỉ là một biểu đạt cõi mình của nhà văn từ trong vô thức? Viết văn thực ra là sự chiết xuất tâm hồn hay là cuộc ly thân để mô phỏng tâm hồn? Tôi đồ rằng cách thứ hai mới là chứng thực của một nhà văn. Thế thì quả thật không có tài năng văn chương đích thực, chỉ có một thứ đích thực là văn chương mà tác giả là người có được sự ủy thác của thiên mệnh. Phủ nhận sáng tạo là một cách đi ngược lại lý thuyết văn chương truyền thống nhưng biết đâu, đó chẳng phải là một cách tiếp nhận hiện đại. Và như thế, tôi cho mình cái quyền được nhẩn nha mà đọc Tiếng chuông chùa Tử Đằng như một liệu pháp tinh thần trong những ngày đại dịch Cô vit đang làm cho cả thế giới rối bời đảo điên về các hệ giá trị. Và nhận ra điều này: Thực ra Nguyễn Đức Hạnh chẳng cầu kì sáng tác gì, đơn giản chỉ là anh đang mượn những ngón tay phàm trần gõ lên bàn phím để chép lại những mảnh kí ức được ghép bằng hình dung của nhớ, thậm chí anh mót cái sự nhớ của mình như người ta mót lúa, nhặt từng bông, góp từng bông thành “lượm”. Có điều qua đó, người đọc không chỉ có được hình dung về hạt lúa mà còn có được hình dung về cánh đồng. Tiếng chuông chùa Tử Đằng là một tiếng chuông theo hình dung từ. Nó là tiếng chuông thu không của tâm hồn, nó là tiếng dẫn niệm của ý thức về một chốn vô minh mà sáng rõ, không phải là ánh sáng của trí huệ mà chính là trí huệ, khơi mở và đóng khép. Tiếng chuông cứ khoan nhặt nhả từng giọt chữ, nhà văn họ Nguyễn cứ mải miết nhặt mà gom thành từng câu chuyện. Nó rời rạc đến khó chịu nếu như chỉ đọc cầm chừng. Nó lơ mơ đến vô nghĩa nếu cứ muốn xác quyết một hiện thực. Nó lủng củng đến mệt mỏi nếu cứ cố mà hình dung về một tín hiệu hay một thông điệp tư tưởng mà trước nay người ta thường gắn cho tác giả một cách vô lối, như một vu vạ không hơn… Thậm chí, đọc xong rồi, gấp sách lại cũng chẳng thấy dư âm ngoài những bấn loạn của ý nghĩ, về đại thể không gọi tên được, cứ u u minh minh. Rất lâu sau, đủ để ý thức dẹp bỏ những cảm ấn nhất thời thì câu chuyện của Nguyễn Đức Hạnh mới dần manh nha và lắng lại. Thì ra là một phiên bản cuộc đời anh mà tôi đồ rằng đó là bản chính, còn bản phô tô mà anh đang chiếm hữu nó lem nhem và khó hình dung hơn nhiều. Nếu thực sự tin vào sứ mệnh, vị phó giáo sư tiến sĩ văn học vốn rất chuyên sâu vào lý luận này có khi còn cười cợt vào chính những gì mà anh coi là thành quả, là giá trị đạt được của cuộc đời mình như là cái kết có hậu của một quá trình phấn đấu. Anh không biết được rằng nếu không có sự vong thân vào tiếng chuông thì thực tại của anh chỉ là một kiếp sống thừa. Như đã nói, toàn bộ 15 truyện ngắn trong Tiếng chuông chùa Tử Đằng chỉ là 15 giọt tiếng chuông nhẩn nha/dữ dội vọng từ vô thức. Nguyễn Đức Hạnh chép lại câu chuyện tiếng chuông ấy hăm hở như một cách hàm ơn tiền kiếp. Anh chép lại những mảnh ghép của chân dung bản thể qua sứ giả là một nhà văn. Giá trị nếu có của nhà văn ấy, trong Nguyễn Đức Hạnh, chỉ đơn giản như là cái cách người ta nhặt được đúng những vật dụng từ một cái kho chữ nghĩa sau khi ai đó gọi tên, yêu cầu. Mà sở dĩ nhặt được đúng những vật dụng ấy cũng là do nó quen thuộc. Không quen thuộc sao được khi nó là câu chuyện của chính anh. Những phố Đán, Bến Tượng, Linh Nham… những bãi tha ma Dốc Lim, cây đa Chợ Chu,… những “hắn”, những “gã”, những “tôi” chẳng qua là những vong thân khác nhau của một bản thể. Chẳng phải Nguyễn Đức Hạnh đã từng sinh ra ở chính cái mái phố tuềnh toàng nơi ngã ba Đán đó sao? Chẳng phải chính anh đã từng cùng lũ trẻ con xóm ấy có cả một tuổi thơ náo loạn ở cái nghĩa địa Dốc Lim đầy oan hồn người chết? Chẳng qua là những đứa trẻ khác không được chọn, còn anh chính là người được chọn để mà kể những câu chuyện về mình. Tiếng chuông chùa Tử Đằng là một tập truyện ngắn, nhưng tính truyện ngắn chỉ được quy ở khuôn chữ chứ không phải ở sự kể. Truyện của Nguyễn Đức Hạnh có chất ngồn ngộn của tiểu thuyết, trong đó ăm ắp bề bộn những chi tiết. Có thể có nhà văn lão luyện nào đó đọc anh rồi chặc lưỡi vì sự phí phạm của những độc, lạ được bung ra một cách phóng túng đến cẩu thả trong mỗi câu chuyện của anh. Những biết làm sao, nếu anh được chọn, tôi tin anh cũng biết chắt lọc như thường. Nhưng anh đang phải làm cái việc của đứa trẻ vỡ lòng tập viết chính tả, nghe và ghi lại đã đủ quá sức rồi, làm sao có thời gian và khả năng để mà chau chuốt. Thế nên, nếu có ai đó cẩn trọng về câu chữ sẽ có nhiều cớ để bắt bẻ anh. Nhưng tôi thì tin anh đang ở cái thế “lực bất tòng tâm” vì anh đâu có viết văn, anh đang mệt mỏi và cần mẫn lắng nghe tiếng vọng, hình như đó là tiếng chuông chùa… Hãy thử một lần nhắm mắt mà ngẫm nghĩ về những câu thơ, đoạn thơ ở trong những câu chuyện của anh, cái mà chúng ta thấy được dường như chỉ là một sự mông lung, huyền bí, mộng mị như chính những câu chuyện anh đang kể. Từ một em hồn ma giữa dòng Bến Tượng, đến một vong hồn nơi nghĩa địa Dốc Lim; từ một trang bản thảo biết nói, những bụi sim mua biết bò, đến những tiếng vọng thầm thì nơi huyệt mộ. Những vong hồn tìm anh mà kí thác chuyện đời hay chính anh đang vong thân mà kể chuyện mình, khó mà rành mạch. Nguyễn Đức Hạnh không hướng sự quan tâm chú ý quá nhiều đến cách cấu tứ mang tính thi pháp của truyện ngắn. Nó có vẻ xa lạ với cách mà anh phô ra cùng người đọc. Đơn cử như cái cách anh kết thúc mỗi truyện ngắn của mình chẳng hạn. Những câu chuyện của Nguyễn Đức Hạnh không có hồi kết, nó cứ cuồn cuộn dâng trào đan xoắn vào nhau như thể truyện này là tiếp nối của truyện kia. Là một người đọc anh, tôi cứ lẩn thẩn nghĩ: nếu chỉ cần bỏ đi những nhan đề như những ngăn cách rời rạc và lỏng lẻo, chỉ cần xếp lại những trường đoạn câu chữ ấy cạnh nhau, sẽ có một tiểu thuyết. Nhưng dường như Nguyễn Đức Hạnh còn đang mải mê đuổi theo những đám mây màu chì nhàu nhĩ, đang thóc mách nghe lỏm những rì rầm của huyền tích Thái Nguyên, đang vồ vập, hớn hở chơi đồ hàng với những bụi sim mua bé bỏng, đang cần mẫn nhặt từng tiếng chuông nơi cổ tháp già nua; đang hoang mang vô định trong một hình dung bất tận về mình…Vậy nên, đành để bạn đọc tỉnh táo và tinh anh làm giúp anh cái việc ngàn đời đó. Nguyễn Kiến Thọ
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...