Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
08:27 (GMT +7)

Văn chương hiện đại, hậu hiện đại dưới góc nhìn của một người sáng tác

VNTN - Một điều rất dễ nhận thấy là vào những năm 70, 80 của thế kỉ trước, không mấy người viết văn, làm thơ ở Việt Nam lưu tâm nhiều đến các vấn đề lí thuyết, hoặc cũng ít rạch ròi đến việc viết theo phương pháp sáng tác truyền thống hay hiện đại. Có lẽ chỉ khi bước vào những năm đầu của thời kì Đổi mới, khi có sự mở rộng giao lưu văn hóa giữa nước ta với các nước trên thế giới, đặc biệt là châu Âu, châu Mĩ vấn đề này mới được sự quan tâm rộng rãi.

Ngay từ đầu thế kỉ 20, các phương pháp sáng tác ở châu Âu, trong đó có các phương pháp của chủ nghĩa hiện đại đã có những ảnh hưởng tích cực đối với người viết của Việt Nam. Điều này được biểu hiện rõ nhất ở phong trào Thơ Mới, ở các nhà tiểu thuyết của nhóm Tự lực Văn đoàn…Sau đó trong hoàn cảnh lịch sử của nước ta, tinh thần ấy ngày một phôi pha. Tuy nhiên, cuộc tiếp biến ấy đã để lại những dấu ấn khó phai mờ, đã tạo nên xuất phát điểm cho một nền văn chương Việt Nam đổi mới.

Chắc chắn không một người cầm bút chân chính nào không mang quan niệm sáng tác là phải cách tân, nếu chưa muốn khẳng định nó là linh hồn của mỗi nền văn học.

 

Vào cuối thế kỉ 20 bước sang thế kỉ 21, trên văn đàn Việt Nam bàn không ít đến chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại. Nó đã trở thành những sinh hoạt bổ ích cho nhiều bạn viết và bạn đọc. Nếu tôi không lầm thì cũng bắt đầu từ thời kì này khá nhiều người sáng tác văn học ở nước ta mới có những khái niệm ban đầu về chủ nghĩa hiện đại, hậu hiện đại, những thứ mà đã manh nha và phát triển trong các nước Âu, Mĩ…từ cuối thế kỉ 19, đầu và giữa thế kỉ 20. Đã vậy, trước những vấn đề “cũ người mới ta” ấy, những tư tưởng định kiến, hẹp hòi, bản vị của một xã hội chưa phát triển lại ít nhiều trở thành những rào cản bất lợi cho việc tiếp nhận thông tin. Đó là một mặt. Mặt yếu khác, là sự tiếp nhận sống sượng, phiến diện, non yếu, nôn nóng, thậm chí lệch lạc ở không ít người cầm bút.

Tôi thấy ở tỉnh ta (có lẽ cũng ở nhiều địa phương khác nữa) một thời người ta rất thích đưa những yếu tố huyền ảo, kinh dị vào tác phẩm, kiểu như “Liêu trai chí dị” của Bồ Tùng Linh hoặc Conan Doyle. Điều này thực ra cũng rất thường tình thôi. Nhưng không bình thường ở chỗ là tác giả của nó lại xưng xưng tuyên bố rằng họ viết dưới ánh sáng của văn chương hậu hiện đại. Nhưng xin thưa, yếu tố ảo đã được đưa vào văn chương từ không biết bao nhiêu thế kỉ nay rồi. Không những ở Tây, ở Tầu mà ở ta (dân gian) đều có. Vậy là các tác giả nọ chưa phân biệt được cái ảo cổ điển, hiện đại khác cái ảo của hậu hiện đại như thế nào.

Vào những năm tháng này nhiều người lại đang khá say sưa với các yếu tố vô thức trong sáng tạo văn chương. Bàn đến vấn đề này, trước hết, chúng ta phải hết sức cảm ơn và vui mừng đón nhận Phơ- rớt và K. G. Jung khi các ông sáng tạo bộ môn phân tâm học, nêu ra các luận điểm về vô thức, mối quan hệ giữa phân tâm học với sáng tạo nghệ thuật, mở ra một con đường dài rộng cho tâm lí học hiện đại, mà sau đó nhiều nhà lí luận, nhà sáng tác đã ứng dụng để tạo ra những lí thuyết quan trọng đối với văn chương hiện đại mà đại biểu là chủ nghĩa siêu thực cùng lối viết tự động, dòng ý thức…Chúng ta không thể phủ nhận những tinh hoa mà các nước đã đạt được khi ứng dụng các lí thuyết hiện đại này vào sáng tác. Tuy nhiên điều cần nhận thức là khi sáng tác văn chương, điều quan trọng bậc nhất là phải luôn thành thật với chính mình. Bất cứ viết gì cũng phải từ “gan ruột” mình mà ra. Thật nực cười khi có nhà văn khoe rằng anh luôn dùng vô thức để sáng tác. Các nhà phân tâm học cho rằng sáng tạo nghệ thuật là sự thăng hoa những ẩn ức tính dục được dồn nén trong vô thức. Nó có mối quan hệ chặt chẽ với tuổi ấu thơ, thậm chí trong bào thai (vô thức cá thể, theo quan niệm của Phơ-rớt) hoặc những di truyền tâm lí từ thời tiền nhân loại (vô thức tập thể, theo quan niệm của K.G. Jung). Vô thức chỉ xuất hiện trong những “giấc mơ tỉnh” (HTG nhấn mạnh). Vì vậy, thật khó tin một nhà văn khi viết cứ “tỉnh như sáo” mà lại nói rằng mình đang viết bằng vô thức.

Một vấn đề đặt ra là tại sao một số tác giả ở Việt Nam chưa có được bao nhiêu thành công khi theo đuổi phương pháp của chủ nghĩa hậu hiện đại, kể cả những tác giả khá sành các lí thuyết ấy. Tất nhiên có nhiều lí giải khác nhau. Riêng tôi, là một người viết, thì luôn cho rằng có điều đó là bởi các tác giả này đang “sáng tác” bằng… lí thuyết chứ không phải bằng trái tim, bằng những điều mình tâm huyết. Mà viết văn chính là nói về những điều mình tâm huyết nhất. Câu nói của Gớt có vẻ rất thích hợp với giai đoạn hôm nay: “mọi lí thuyết đều là mầu xám”. Rất cần cảnh giác, bởi lí thuyết luôn có hai mặt, có phần tinh hoa và có cả phần rác rưởi. Sẽ đáng sợ nếu chúng ta lại mù mờ hứng nhận cái đáng loại bỏ.

Một vấn đề nữa cũng cần trao đổi: tại sao các nhà thơ ở thời kì Thơ Mới lại ứng dụng rất hiệu quả các lí thuyết của phương Tây? (lãng mạn trong Xuân Diệu, tượng trưng trong Đoàn Phú Tứ, siêu thực trong Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng). Theo tôi, nếu tạm loại trừ yếu tố tài năng, thì phải nghĩ rằng các vị ấy hình như không vồ vập một cách hổ lốn các lí thuyết mới như một số người viết bây giờ. Chất lãng mạn chừng như đã ém sẵn trong trái tim Xuân Diệu. Khi làn gió của chủ nghĩa lãng mạn từ phương Tây thổi tới, đối với “ông vua thơ tình ấy” chỉ như một sự gặp thời, một sự hòa điệu. Hay ở Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng, Chế Lan Viên cũng vậy. Đơn cử, một số nhà phê bình cho rằng thơ Hàn Mặc Tử có nhiều hình ảnh siêu thực tiếp nhận từ lí thuyết của văn chương hiện đại (cũng có người chưa tán thành nhận định ấy. Tuy nhiên, ở bài viết này không đặt ra vấn đề tranh luận). Dưới góc độ của người viết, tôi đoán rằng nếu quả thật có các yếu tố siêu thực trong thơ Hàn Mặc Tử thì nhất định không do sự cố tình hoặc ứng dụng lí thuyết một cách thô thiển mà chính từ một thân xác bệnh tật, một tâm hồn cô đơn đến cùng tận cộng với một không gian mơ hồ, ảo giác mà nhà thơ luôn tiếp cận đã tạo ra sự “vẫy gọi” của vô thức, đưa ông đến những mộng mị, chiêm bao, những “va đập chói lòa của từ ngữ” để từ đó tạo ra những hình ảnh dị biệt, bất ngờ, phi lí - là những yếu tố quan trọng trong hình ảnh thơ siêu thực.

Sau này, sự xuất hiện các hình ảnh siêu thực trong thơ Hoàng Cầm có lẽ cũng vậy. Tôi tin rằng trong các nhà thơ này không có sự ứng dụng máy móc, mà ở họ, dù tự phát hay tự giác vẫn luôn có sự đồng điệu từ bên trong. Bởi vậy, khi chúng ta chưa có sự “hòa điệu” thật sự thì tốt nhất hãy đừng nôn nóng mà có thể dẫn đến sự chệch đường.

Có một chiều ngược lại, tôi thấy vài cây bút thường rất vô tư và tự hào khi nói rằng “tôi trung thành với phương pháp sáng tác truyền thống Việt Nam chứ không cần Tây, Tầu, Mĩ, Nhật nào hết”. Nhưng rất cần đặt ra một câu hỏi thế nào là truyền thống? Thực ra, đứng về hình thức các thể thơ thì ở ta chỉ có vài thể chính như lục bát, song thất lục bát…Trong văn học trung đại của Việt Nam chủ yếu là thơ cổ phong, Đường thi, thì gốc là ở Trung Hoa. Còn văn chương đầu thế kỉ 20 ở ta thì hầu hết là sự tiếp thu (có người cho là sự hòa điệu) từ các phương pháp truyền thống và hiện đại của châu Âu. Rồi sau 1945, bước vào công cuộc kháng chiến chống Pháp cho đến trước Đổi Mới, và có thể nói là đến ngày hôm nay, các nhà văn Việt Nam chủ yếu viết theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa được các nhà văn Nga Xô viết đề xuất từ năm 1934. Thế thì viết theo truyền thống Việt Nam là theo tiêu chí nào? Chẳng lẽ là lối viết sử dụng điển cố, điển tích, lối văn biền ngẫu, lối viết chương hồi… đã được dùng từ lâu đời của Trung Hoa? Chẳng lẽ cả một nền thơ Việt Nam chỉ toàn là thể lục bát, song thất lục bát…?

Có một nhận định đáng chú ý: Thơ Việt Nam đương đại là sự kéo dài (tất nhiên có sự phát triển) của Thơ Mới (1932-1945). Còn về văn xuôi thì sự ảnh hưởng của Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng…đối với các nhà văn Việt Nam trong nhiều thập kỉ nay là một tất yếu. Vì vậy, văn chương truyền thống của ta, trên bình diện phương pháp sáng tác, là sự hòa trộn, phát triển từ nhiều ngọn nguồn văn hóa. Khái niệm truyền thống không nên hiểu một cách chung chung, bản vị, thiếu căn cứ hoặc tự tôn quá mức. Rất có lí khi không ít các nhà lí luận, các nhà văn cho rằng phương pháp sáng tác là tài sản chung của toàn nhân loại chứ không phải là độc quyền của một dân tộc, một đất nước, dù có thể nó xuất phát từ một đất nước nào đó. Bàn về điều này, nên lưu ý đến một phát biểu của Cao Hành Kiện, nhà văn đoạt Giải thưởng Nô- ben năm 2000: “Bất kể một nhà văn Trung Quốc nào cũng có thể vay mượn kĩ thuật nước ngoài, miễn là anh viết bằng một thứ tiếng Trung Quốc thành thục, tiêu biểu thì tác phẩm ấy nhất định phải có phong vị dân tộc”.

Nói chung các lí thuyết đều có sức nặng của riêng nó, nhưng không phải ai cũng đủ sức, đủ tầm nâng quả tạ thường nặng hơn cơ thể của mình. Từ việc đọc đến việc viết cũng đều như vậy. Vì thế, việc tiếp thụ, học tập, ảnh hưởng đều phải có qui trình, không phải cứ muốn là được. Về vấn đề này nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa đã nói rất chính xác: “Các nhà thơ hãy đi hết con đường hiện đại rồi hãy tính đến con đường hậu hiện đại. Đó là suy nghĩ nghiêm túc khi nhìn nhận hiện đại như một khái niệm có nội hàm là chỉnh thể thống nhất của nhiều yếu tố. Với thơ, không có việc đi tắt đón đầu một khi nhà thơ chưa chuẩn bị các hành trang cần thiết. Một trào lưu nghệ thuật thật sự mang ý nghĩa xã hội- con người bao giờ cũng có nguồn gốc tinh thần sâu xa của nó, chứ không chỉ là trò chơi hình thức, thuần túy theo sở thích cá nhân”. Không bao giờ nên cho rằng cứ có phương pháp sáng tác hiện đại thì văn chương sẽ trở thành hiện đại. Chủ nghĩa hiện đại, hậu hiện đại hướng tới cái đẹp chứ không đồng nhất với cái đẹp. Chúng ta cũng đã biết, các yếu tố hiện đại, thậm chí hậu hiện đại đã từng có mặt ở nhiều tác phẩm thuộc văn chương cổ điển. Và, các sáng tác thuộc văn chương hiện đại, hậu hiện đại cũng không thiếu gì sự sáo mòn, xơ cứng. Nghĩa là, cái hay của văn chương không nằm ở phương pháp mà nằm ở trái tim nhà văn. Hơn nữa, mọi thứ đều phải được thẩm định bởi thời gian. Xin được nhắc lại, người ta đã từng làm một cuộc bình chọn để tìm ra 100 tác phẩm tiêu biểu từ cổ chí kim của toàn hành tinh rồi từ đó chọn một tác phẩm giá trị nhất. Cuối cùng, Đông-ki-sốt là tác phẩm cao phiếu nhất. Chúng ta đều biết Đông-ki-sốt là tiểu thuyết được viết dưới ánh sáng của mĩ học truyền thống chứ không từ các chuẩn mực hiện đại.

Tóm lại, rất cần thận trọng khi tiếp thụ các lí thuyết từ bên ngoài. Nhiều nhà lí luận cho rằng các phương pháp, khuynh hướng sáng tác thường có nền tảng và luôn song hành cùng với nền kinh tế, văn hóa. Các nhà khoa học cũng đã có những chứng minh cấu tạo não bộ của người châu Âu gần với tư duy lí trí, còn người châu Á nghiêng về tình cảm. Vậy sẽ dẫn đến có những điểm khác nhau về văn hóa, nhân sinh, truyền thống, phong tục… Cho nên, sự ứng dụng a dua, lai căng chắc chắn sẽ phản tác dụng.

Gần đây, một vài nhà lí luận ở ta có xu hướng “xếp loại” nhà văn này là hiện đại, nhà văn kia là hậu hiện đại… Hơn thế, lại còn có những nhà văn được xếp ở khoảng giữa (nửa nọ nửa kia). Tôi nghĩ, có sự vội vàng và khiên cưỡng chăng? Khi khảo sát tác phẩm của một số nhà văn Việt Nam đã từng được “xếp loại” (tất nhiên không thể đầy đủ) tôi chưa hề thấy ở văn chương của họ được hình thành triệt để bởi một phương pháp sáng tác (phương pháp của chủ nghĩa hiện đại hoặc hậu hiện đại). Đơn cử thêm, trường hợp Nguyễn Huy Thiệp, đã từng có một số nhà phê bình phản ứng kịch liệt khi ai đó cho rằng văn chương Nguyễn Huy Thiệp là viết bằng phương pháp hậu hiện đại. Họ cho rằng đó chỉ là sự ứng dụng ít nhiều có hiệu quả (là người viết, tôi không muốn đi sâu vào vấn đề này mà chỉ muốn nêu ra như một ví dụ). Còn ở châu Âu người ta không hề ngần ngại, do dự khi nói thẳng băng các nhà thơ André Bereton, Argon, Trist Tazara… là các nhà thơ siêu thực; các nhà văn Faulkner, Proust… là các nhà văn dòng ý thức hoặc các nhà văn của chủ nghĩa hiện sinh như A.Camus, J.P.Sartre…

Có lẽ cái cần tránh nhất là nếu chúng ta chưa đủ tài năng, chưa đủ độ thấm sâu các lí thuyết về hiện đại, hậu hiện đại thì không nên vồ vập, máy móc, coi đó là cứu tinh trên đường đổi mới. Nói vậy, tôi hoàn toàn không có ý dị ứng với những tác giả đang muốn cách tân. Ngược lại, văn chương nước ta rất cần những cây bút tiên phong trong lĩnh vực đầy gian khó này. Trên thực tế, các nhà Thơ Mới (1932-1945) đã có những thành công. Và rất có thể trong tương lai chúng ta sẽ có những tác phẩm xứng đáng.

Nói đến phương pháp sáng tác trong văn học là động đến một câu chuyện vô cùng dài rộng và khó chấm dứt. Chắc chắn còn làm tốn nhiều giấy mực của các nhà lí luận. Với góc nhìn hẹp lại của một người sáng tác, những vấn đề tôi nêu ra hoàn toàn là những ý kiến cá nhân, không dám khẳng định bất cứ điều gì, dù nhỏ nhất. Người viết bài này chỉ với mong muốn góp một vài suy nghĩ ban đầu trao đổi cùng bạn viết. Có điều gì khiếm khuyết xin được các bậc cao nhân chỉ bảo.

Hồ Thủy Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy