Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
00:41 (GMT +7)

Ứng xử với “hậu sinh”

VNTN - Người xưa nói: “Hậu sinh khả úy”. Thành ngữ này suy rộng ra có nghĩa là: thế hệ sau tài ba, giỏi giang hơn và biết phát huy, kế thừa tinh hoa của thế hệ trước sẽ làm cho xã hội phát triển hơn, văn minh hơn. Những người thuộc thế hệ trước được chứng kiến, được hưởng thụ thành quả từ sự tiến bộ của thế hệ sau mà cảm thấy hạnh phúc.

Lẽ thường là vậy. Nhưng ở đâu đó, nhất là trong các lĩnh vực văn chương, khoa học, có một số người thuộc thế hệ trước lại đi ganh tỵ, thậm chí ghen ghét, tìm cách cản trở sự phát triển của lớp thế hệ sau , chỉ vì lý do khá chung chung, trừu tượng: “Nó dám qua mặt mình”!

Hàng năm hoặc hàng kỳ, Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Việt Nam, các Hội chuyên ngành VHNT trung ương, Ủy ban Nhân dân và Hội VHNT các địa phương thường tổ chức xét chọn các tác phẩm VHNT xuất sắc để trao thưởng. Đối tượng tham dự giải là các tác giả có tác phẩm đã được công bố, không phân biệt tuổi tác, thành phần, người đã thành danh, người chưa thành danh. Mỗi cuộc tổ chức đều có kết quả là phân định được các thứ hạng thấp cao cho những tác phẩm xứng đáng, được chấm chọn bởi một hội đồng Giám khảo uy tín. Người được tặng thưởng thường nhận được những lời chúc mừng, chia vui của đồng nghiệp, gia đình, bè bạn và cũng cảm thấy vinh dự, tự hào về thành quả của chính mình. Người thành danh, người có tên tuổi, có uy tín rồi thì tiếp tục khẳng định vị trí nghề nghiệp; người chưa thành danh, nhất là những người trẻ tuổi càng tự hào hơn về sự tiến bộ, về vị thế mới. Trong những “cuộc đua” như thế, đôi khi “những tên tuổi lớn” lại nhận được giải thưởng thấp hơn so với những “kẻ vô danh” hoặc lớp trẻ hơn, hoặc không được giải thưởng gì.

Phần đông thì “những tên tuổi lớn” sẽ chúc mừng, chia vui, tìm cách nâng đỡ “những tên tuổi mới” này, nhưng thi thoảng cũng có người tỏ ra không phục, tìm cách dèm pha, soi tìm tỳ vết ở những tác phẩm, tác giả mà một thời cách đó không lâu họ còn là đệ tử, là học trò của mình. Có khi “những tên tuổi lớn” còn gọi điện, viết đơn thư gửi cấp này, cấp nọ đòi xem xét lại giải thưởng, cho rằng Ban Tổ chức, Ban Giám khảo thiếu năng lực, thiếu công tâm. Thông thường, trong những trường hợp như thế thì một số “tên tuổi mới” hoặc lớp trẻ sẽ nhường nhịn, xin nhường hoặc không nhận giải để mọi việc được êm xuôi và cũng đỡ mang tiếng “phạm thượng”. Việc này cũng gây khá nhiều phiền phức cho Ban Tổ chức.

Trong lĩnh vực khoa học, công nghệ cũng vậy. Cũng có người thuộc thế hệ cha chú “ghét cay ghét đắng” cái máy vi tính, “cái” internet. Xin kể một câu chuyện góp nhặt: cách đây khoảng chục năm, có ông nọ đang làm sếp ở cơ quan. Một dạo Nhà nước có dự án phổ cập tin học trong các công sở, mọi người, nhất là lớp trẻ nhanh chóng làm chủ cái máy vi tính, còn ông học mãi mà không vào được đầu. Có người vô tình nói: “Thủ trưởng mình mù tin học, mù ngoại ngữ”. Câu nói lọt đến tai ông, buồn bực thế nào ông chỉ cho mua một cái máy vi tính để cô văn thư đánh máy thay cho cái máy chữ kiểu cũ và cấm nối mạng internet. Ai có nhu cầu giao dịch thư từ điện tử thì ra quán “nét” hoặc bưu điện. Đến nay, đơn vị xưa mà ông quản lý được kế nhiệm bởi những lớp người trẻ hơn đã phát triển nhanh chóng trên cơ sở ứng dụng công nghệ tin học: nào là Trung tâm truyền thông, lập Website riêng, và sử dụng rất nhiều phần mềm ứng dụng nghề nghiệp. Ông biết những tiến bộ đó nhưng chẳng thấy vui, từ khi nghỉ hưu chẳng lần nào ghé thăm cơ quan cũ.

Người đi sau dù có hơn người đi trước nhưng đi sau vẫn là đi sau. Vả lại, không có người đi trước thì làm sao có người đi sau được. Xin đừng “ngáng” chân mà hãy nâng đỡ, động viên những tài năng khoa học, văn học nghệ thuật trẻ. Lượng thứ những gì lớp trẻ có học nhưng mà chưa khôn… mới là điều khiến họ nể phục dành cho thế hệ cha chú!

 

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy