Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
23:25 (GMT +7)

Từ thiện

VNTN - Lâu nay, công việc từ thiện đã trở thành một vấn đề được sự quan tâm của toàn xã hội. Trên thực tế, nhiều hoàn cảnh éo le, không may mắn đã được cải thiện hơn, thậm chí đổi đời mà sự xuất phát được bắt đầu từ những hành động từ thiện của các tổ chức, cá nhân. Thực ra công việc từ thiện không phải thời nay mới có mà đã xuất hiện từ lâu đời. Dân ta có câu “lá lành đùm lá rách”. Tuy nhiên, chỉ ở những đất nước văn minh, từ thiện mới trở nên thường xuyên, mang ý nghĩa toàn dân và trở thành một động thái tích cực của xã hội. ở một số nước phát triển, các vấn đề thất nghiệp, người có hoàn cảnh cơ nhỡ, trẻ em mồ côi, người già cô đơn, nghèo đói được đặc biệt quan tâm, thường là được hưởng những món tiền phụ cấp xã hội. Ngoài ra, khi ốm đau bệnh tật họ còn được vào các bệnh viện nhân đạo, không mất tiền. Nói một cách đầy đủ và chính xác, công việc từ thiện không chỉ mang ý nghĩa giúp đỡ người cùng khổ mà còn có những ý nghĩa sâu xa hơn thế. Chúng ta vẫn chưa quên những cuộc biểu tình “Chiếm Phố Wall” của nước Mĩ nhằm đòi sự đóng góp nhiều hơn nữa của giới giàu có cho xã hội. Chúng ta chưa bàn đến sự đúng/ sai của những cuộc biểu tình, nhưng như vậy đã chứng tỏ một điều, vấn đề chênh lệch giàu/ nghèo luôn là vấn đề nóng bỏng của toàn nhân loại. Những cuộc biểu tình ấy cũng là một động thái nhằm giảm bớt sự chênh lệch giàu nghèo trong một đất nước. Mà sự chênh lệch giàu/ nghèo, như chúng ta đã biết, cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những lộn xộn, thậm chí mất yên ổn về chính trị. Như vậy, từ thiện còn mang cả ý nghĩa an toàn xã hội, an ninh đất nước. Cho nên từ thiện, không chỉ mang ý nghĩa hảo tâm mà còn trở thành một yếu tố tất yếu trong tiến trình đi lên của một đất nước văn minh. Trong một xã hội, có người gặp nhiều khó khăn, khốn cùng, lại có những người có nhiều điều kiện may mắn (từng có câu “nước chảy chỗ trũng” hoặc “người giàu trồng lau ra mía, người nghèo trồng mía thành lau”). Vì vậy, trong cộng đồng, công việc từ thiện nhìn ở một góc độ nào đó còn như một trách nhiệm, nghĩa vụ. Từ  quan niệm ấy, có thể nói, nếu một doanh nhân thành đạt, giàu có nào đó mà lờ đi công việc từ thiện thì phải hiểu rằng, họ không chỉ là những người thiếu hảo tâm mà còn là ngưòi “ăn gian” trong đời sống cộng đồng. Đứng trên ý nghĩa cá thể thì điều này có vẻ như vô lí, nhưng trên ý nghĩa xã hội thì lại hoàn toàn lô gích.ở ta, công việc từ thiện đang ngày một hoàn thiện. Nó được bộc lộ khi thì mang tính chất toàn dân như các cuộc quyên góp cho đồng bào bão lụt, vì người nghèo, vì những dư hoạ chiến tranh, khi thì là những hiện tượng các doanh nhân, doanh nghiệp, tổ chức đứng ra làm các ngôi nhà tình thương, những cuốn sổ tiết kiệm cho người nghèo, những món quà hàng năm. Nhìn chung đó là những việc làm đáng ngợi ca, biểu hiện tinh thần nghĩa cử cao đẹp.Nhưng song song với những nét đẹp ấy, việc từ thiện nhiều khi cũng bộc lộ cả những mặt trái của nó. Có không ít người đã lợi dụng ý nghĩa từ thiện để mưu toan những việc không chính đáng chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích cá nhân. Thành ngữ “thả con săn sắt bắt con cá rô” có thể đem ra để so sánh với các mưu đồ thiếu trong sáng này của họ. Lợi dụng tính chất từ thiện để  đổi chác cá nhân (đổi lợi, đổi danh) thì không phải là sự từ thiện đích thực. Đã từng thấy có một doanh nhân mang tiền “từ thiện” khắp thiên hạ nhưng chính mẹ đẻ lại đang phải sống trong nghèo đói. Hay gần đây nhất là 100 thùng mì tôm Gấu Đỏ cận và hết hạn sử dụng được một đại lý mang đến tặng cho bệnh nhân ung thư tại bệnh viện K ở Tam Hiệp (Hà Nội) hồi đầu tháng 6 năm 2012… Làm sao có thể tin vào sự từ tâm của những kẻ như thế.Một đất nước, dù phát triển và giàu có đến đâu chăng nữa nhưng lòng từ thiện bị thủ tiêu thì đất nước ấy sẽ không bao giờ có sự bền vững.

Thái Văn 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy