Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
23:45 (GMT +7)

Từ chuyện “vải thiều xuất ngoại”

VNTN - Bản tin chào buổi sáng bông lúa và bản tin chào buổi sáng ngày 16/6/2015, phát trên VTV1 liên tiếp báo “tin vui” đến nhà nông ở hai tỉnh Hải Dương và Bắc Giang: đã đưa được 600kg vải thiều Việt Nam vào thị trường Malaysia và hứa hẹn tuần sau sẽ đưa thêm được 6 tấn nữa vào thị trường này. Tin vui ấy mấy ngày sau liên tiếp được phát lại, coi như một tín hiệu đáng mừng cho quả vải thiều và người trồng vải Việt Nam. Nhiều khách hàng người Malaysia và Úc gật gù khen quả vải thiều Việt Nam ngon, ngọt, giòn, có khách hàng người Malaysia nói: Hôm nay tôi mới biết Việt Nam có quả vải thiều ngon như thế, bao nhiêu năm nay tôi cứ tưởng chỉ có Trung Quốc và Thái Lan mới có vải thiều…

Khoảng vài chục năm nay, người trồng vải đã quen với tình trạng hàng trăm xe tải chất đầy vải thiều bị nung nóng dưới cái nắng hè gay gắt ở biên giới Trung Quốc - Việt Nam vào mùa chín rộ. Vải thiều bị ách tắc, giá cả bèo bọt. Nhiều xe vải vội chạy lùi vào nội địa bán giá thấp, thà chịu lỗ còn hơn mất trắng. “Kịch bản” xót xa ấy cứ lặp đi lặp lại như một chu kỳ của thiên nhiên, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có biết không? Sao không có động thái nào “giải cứu” cho ngành vải thiều như vừa qua cộng đồng xã hội đã giải cứu hành tím và dưa hấu?

Đã có hẳn một “nghị quyết tam nông” của Đảng, trong đó có nêu một cơ chế vận hành là mối liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp (còn gọi là nhà buôn). Trong các hướng phát triển tổng thể của các ngành sản xuất, nhất là ngành sản xuất nông nghiệp thì hướng xuất khẩu vẫn là một đường lối lớn, một cứu cánh lớn cho nhiều ngành như thủy sản, ngũ cốc, trái cây… Nhưng nhà khoa học không thể đứng ra làm xuất khẩu được, nhà nông không có năng lực tìm thị trường và rất ít thông tin về thị trường quốc tế. Nhà doanh nghiệp chỉ loay hoay lo lợi nhuận, tự chống chọi với cơ chế cạnh tranh để bảo vệ mình. Chung quy, người dân chỉ trông chờ vai trò “người cầm chịch” của Nhà nước. Các cán bộ quản lý ngành nông nghiệp hẳn đã được đi nhiều nước trên thế giới để học tập kinh nghiệm và giới thiệu sản phẩm của Việt Nam ra nước ngoài. Mùa vải thiều của Việt Nam là mùa vải trái mùa của thị trường Úc, trái mùa thì giá cả ắt phải “cất cánh”, thế mà với thị trường này, mùa vải năm 2015 chúng ta mới đưa được 1,6 tấn vải sang giới thiệu và đã được chào đón khá nồng nhiệt.

Để cổ vũ người trồng vải, Đài Truyền hình Việt Nam sau khi loan tin vui đã giới thiệu tấm gương về xứ sở Madagaxca - cũng là cường quốc vải thiều. Con đường xuất khẩu vải của họ đến châu Âu bằng tàu biển, đi mất 3 tuần lễ, nhưng có tới 70% sản lượng vải thiều đã làm chủ thị trường này trong nhiều thập kỷ. Ở Việt Nam, từ cảng Hải Phòng đi Kuala lumpur chỉ mất 3 đến 5 ngày, con số 600 kg vải thiều xuất đi không làm bà con vui lên được vì nó quá bé nhỏ so với sản lượng trên 200 nghìn tấn vải thiều mùa này. Chẳng rõ bao năm qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đi đâu để người trồng vải bơ vơ, loay hoay trong cái ao làng?

Quay trở lại với câu chuyện “Ngày vải thiều Việt Nam tại Australia" - sáng kiến bất chợt của Thương vụ và Hội doanh nhân Việt Nam tại Úc châu không ngờ thành công ngoài mong đợi. Chỉ chưa đầy 1 giờ, hơn 300kg vải đã được bà con ủng hộ với giá không hề rẻ. Thấy rằng, cho dù có muộn vì mùa vải thiều năm 2015 chẳng kéo dài bao lâu nữa và sau nhiều chục năm bỏ quên thị trường Malaysia hay Úc, Nhật..., nhưng vải thiều của chúng ta luôn có giá trị nhất định. Nếu trả lời thỏa đáng được câu hỏi về vai trò của Nhà nước trong 4 nhà, chắc hẳn nông dân trồng vải vui mừng lắm, như là niềm vui của các phát thanh viên trên Đài Truyền hình Việt Nam.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy