Tiền đề và triển vọng của văn học viết về lịch sử
VNTN - Văn học viết về lịch sử là một hiện tượng, một thể tài văn học hay chỉ là cái vỏ của lịch sử, là cơn nhập đồng của quá khứ? Văn học viết về lịch sử là diễn ngôn văn học hay diễn ngôn lịch sử? Câu hỏi này đặt ra trước hết trên nền tảng của những suy tư ở bình diện triết học. Đồng thời, xuất phát từ bình diện đó, những chú ý ở cấp độ tư duy, phương thức phản ánh đòi hỏi việc đánh giá văn học viết về lịch sử trong những phạm trù có tính lý luận - mỹ học. Nghĩa là, trước thực tại của văn học viết về lịch sử, điều kiện ra đời, phát triển, mối tương quan giữa lịch sử - như là thực tại xã hội với lịch sử trong văn học, triển vọng, khả năng và giới hạn của diễn giải… cần phải được nhìn nhận một cách thỏa đáng.
Chúng ta có thể nói gì về sự nở rộ của trào lưu văn học viết về lịch sử những năm gần đây? Cụ thể hơn, tại sao nhà văn đương đại lại chọn lịch sử như một cảm hứng, một đề tài cho sáng tác của mình?
Một số tác phẩm văn học viết về lịch sử
Có thể, trong ý niệm của mình, nhà văn viết về lịch sử để chiêm ngưỡng lại ánh hào quang xưa cũ, để khơi dậy lòng tự hào dân tộc, đề xuất một cách lý giải, một gợi ý, một bổ sung, một can dự (nghệ thuật) vào việc đánh giá, nhìn nhận lại quá khứ. Cũng trong ý niệm của mình, văn học viết về lịch sử gợi lên cái tiền đề của hiện tại, mượn xưa để nói nay, lịch sử như cái cớ, như biểu tượng gửi gắm những suy tư về sự tồn tại, lẽ hưng phế của các giá trị qua biến thiên của thời gian. Lịch sử là cái đã qua, nhưng văn chương viết về lịch sử luôn gắn với hiện tại, bởi người kể chuyện và người nghe chuyện đều là người của hôm nay (ý của Lukacs Gyorgy khi bàn về Chân lý lịch sử). Sự nở rộ của trào lưu viết về lịch sử cho thấy sự quan tâm của các nhà văn đến quá khứ dân tộc. Điều đó nói lên những bận tâm sâu xa, những trăn trở cốt thiết, những hoài nghi hay tin tưởng mãnh liệt trước các giá trị lịch sử. Có cái gì đó trong lịch sử liên quan đến bản thân người viết, đến cuộc sống, xã hội, bối cảnh của chủ thể ở thì hiện tại. Tính chất mơ hồ của quá khứ - nhất là những quá khứ xa, sự vây bọc của thời gian, sự chi phối của các diễn ngôn thời đại, thể chế, chính trị, văn hóa, chủng tộc… đã tạo nên một lịch sử không hề dễ dàng để minh định hay xác quyết. Đó là cơ hội, là cảm hứng vẫy gọi nhà văn, là tiền đề cho sự ra đời các tác phẩm văn học viết về lịch sử. Đọc các tác phẩm văn học viết về lịch sử, từ cái nhìn loại hình (Văn học) đến cái nhìn thể loại (Tiểu thuyết - Truyện ngắn - Thơ…), chúng ta có cơ hội tiệm cận với những phiên bản lịch sử khác, đầy hào khí của những thời đại anh hùng đánh giặc giữ nước, những võ công oanh liệt của tiền nhân, những tấm gương hào kiệt làm nên đại nghiệp kiến quốc, kinh bang tế thế. Nhưng, cũng tại đó, chúng ta được tiếp xúc với những cuộc đời rất đỗi con người, những đàn ông, đàn bà, những trẻ trai cường tráng và căng đầy huyết sống. Từ bậc vương tôn công tử, lá ngọc cành vàng đến thứ dân manh lệ, từ điện ngọc lầu son đến thôn cùng xóm vắng,… đều là con người với tất cả các cung bậc xúc cảm, nhu cầu và trải nghiệm sống thường nhật. Lịch sử trong sự hiện diện của nó đã không thể (hoặc không có nhiệm vụ) đáp ứng đòi hỏi phong phú, sinh động nơi nhà văn. Lịch sử cố gắng chứng minh điều đã có trong quá khứ, văn chương nỗ lực làm sống lại lịch sử ở thì hiện tại. Bằng các phương thức nghệ thuật, văn chương đem lại cho chúng ta cái nhìn gần hơn, đời hơn, và cũng vì thế mà tường tận hơn những ngõ ngách của quá khứ.
Bước ngoặt ngôn ngữ học đưa nhân loại vào một bình minh khác, ở đó ngôn ngữ nắm vai trò là thực thể kiến tạo. Con người bỗng bàng hoàng nhận ra, thế giới (bao gồm cả con người) chỉ là sản phẩm của ngôn ngữ. Triết học ngôn ngữ khởi động nhận thức về việc không có gì ở bên ngoài ngôn ngữ. Ngôn ngữ mở ra thế giới, đồng thời giới hạn thế giới (ý niệm của Ludwig Wittgenstein: Giới hạn ngôn ngữ của tôi nói lên giới hạn của thế giới của tôi). M. Heidegger cũng nhấn mạnh rằng: Ngôn ngữ là ngôi nhà của tồn tại. Chúng ta, truyền thống, lịch sử và hiện tại cũng như mọi dự phóng về phía tương lai không thể hiện hữu bên ngoài ngôn ngữ. Mặt khác, khi ngôn ngữ lên ngôi, các thiết chế quyền lực đã chi phối trật tự, cấu trúc của các diễn ngôn, định hình chân lý. Lý thuyết diễn ngôn của M. Foucault đã trao cho ngôn ngữ hoạt lực kiến tạo nhưng đồng thời cũng cảnh báo về khả năng hiện diện của thực tại thông qua vị trí, quyền lực của các diễn ngôn. Điều đó đặt văn chương - như một loại hình diễn ngôn (ngôn ngữ có tính nghệ thuật) vào tình thế là khả năng của diễn giải, khả năng của tưởng tượng và biểu hiện. Cùng số phận với văn học, lịch sử cũng được đặt trong trường hình dung và kiến tạo của ngôn ngữ (ngay cả đối với con người - nhân vật lịch sử, các dấu vết, di tích lịch sử). Số phận này không mang màu sắc bi kịch, mà đó là một cơ hội, bởi không ai có thể xác thực lịch sử. Lịch sử đã gửi gắm vào tương lai bí ẩn của mình, chờ đợi những bình minh của diễn giải, hướng đến khả năng tiệm cận với chân lý. Văn học đã đến như một khả năng ở hiện tại, nối kết vào lịch sử bằng đặc trưng nghệ thuật, đề xuất một lịch sử trong không gian thẩm mỹ. Như thế, trên bình diện triết học, câu trả lời có thể tìm thấy. Văn học viết về lịch sử là một hiện tượng của lịch sử văn học, nó không phải là lịch sử, càng không đặt ra yêu cầu đối chiếu trùng khít lên lịch sử. Chân lý lịch sử trong văn học viết về lịch sử là chân lý nghệ thuật.
Trên bình diện mỹ học, văn học viết về lịch sử khác lịch sử ở tư duy phản ánh, cơ chế diễn giải - tạo nghĩa. Lịch sử như một khoa học nỗ lực đem đến tư duy xác thực, tiệm cận với thực tại như là nó đã diễn ra trong quá khứ. Lịch sử tạo nghĩa bằng niềm tin vào tính xác thực, có tính duy nhất. Văn học viết về lịch sử thể hiện “thế giới bên trong” của nhà văn, nơi mà lịch sử chỉ như là một chất liệu, một gợi dẫn, một vẫy gọi. Phản ánh nghệ thuật trong tác phẩm văn học viết về lịch sử trao cho chủ thể khả năng diễn giải quá khứ - lịch sử theo cách mà họ cảm nhận, họ hình dung. Cơ chế tạo nghĩa của văn học viết về lịch sử tuân thủ tính quá trình gắn với tính thẩm mỹ, tính chủ thể và tính đặc thù của cộng đồng diễn giải. Tại đây xảy ra mối xung đột giữa chân lý lịch sử và nghệ thuật, hay nói cách khác là giới hạn của tưởng tượng, hư cấu lịch sử. Tuy nhiên, trước khi bàn về giới hạn của tưởng tượng và hư cấu lịch sử, chúng ta buộc phải thừa nhận sự hiện diện đầy quyền uy của chủ thể tính trong các thực hành ngôn ngữ hay diễn giải - diễn dịch ngôn ngữ. Điều này lập tức nối kết câu chuyện của mỹ học tiếp nhận và triết học ngôn ngữ vào hiện tượng học. Và, có thể nói rằng, sự nở rộ của sáng tác văn học về đề tài lịch sử có tiền đề sâu xa từ ba hoạt lực thuộc về nhận thức luận ấy. Mặt khác, những tương đồng trong cấu trúc lịch sử xã hội của hiện tại và quá khứ đã làm nền cho những sáng tạo văn chương viết về lịch sử. Đó là tiền đề có tính thực tiễn, là sự vẫy gọi mà nhà văn đã nhận ra và đáp lời.
Văn học viết về lịch sử bản thân nó là một hình thức diễn giải lịch sử thông qua các phương thức nghệ thuật. Mục đích của nó, như đã nói không phải là tái lập lịch sử mà là tính thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật và tư tưởng. Do vậy, nhà văn bên cạnh việc tìm hiểu lịch sử như một sử gia còn tiếp tục hành trình đi về phía văn chương bằng các khả năng của nghệ thuật. Triển vọng của sự diễn giải đặt ra đối với nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình văn học và hệ thống giáo dục. Đồng thời, trong tính rộng lớn của thế giới - như là sản phẩm của ngôn ngữ, văn học viết về lịch sử là một hiện tượng, một tư liệu để sử học, nhân học, văn hóa học, xã hội học, các loại hình nghệ thuật, khoa học khác tham chiếu, diễn giải.
Từ những tiền đề triết học, mỹ học, thực tiễn của văn học viết về lịch sử có thể nhận ra rất nhiều cơ hội của diễn giải. Theo đó, trước một trào lưu, một khuynh hướng, một tác giả, tác phẩm, một biểu hiện nào đó của văn học viết về lịch sử cũng có thể đem đến niềm hứng thú cho cộng đồng. Chẳng hạn, chúng ta có thể đặt ra rất nhiều câu hỏi, có tính vấn đề như: viết về lịch sử thì viết cái gì? viết như thế nào? tại sao lại có sự xuất hiện của văn học viết về lịch sử? tiền đề triết học, mỹ học, thực tiễn của văn học viết về lịch sử, các giai đoạn, thành tựu, tác giả, tác phẩm, dấu vết của lịch sử, huyền sử, dã sử, giai thoại, sự hư cấu của nhà văn, giới hạn của tưởng tượng, giá trị nghệ thuật và thông điệp - tư tưởng, mối liên hệ giữa văn học - lịch sử, văn học viết về lịch sử và các loại hình nghệ thuật, các khoa học - chuyên ngành khác, quá trình tái nhận thức các mơ hồ hay đặt định từ quá khứ, động thái của hiện tại trong tương quan với lịch sử… Những ý tưởng đó có lẽ đã nằm trong các khu vực quan tâm của mỗi người.
Những tiền đề triết học, mỹ học, lịch sử xã hội khác nhau sẽ đem đến nhận thức và những thực hành văn chương khác nhau. Sự nở rộ của văn học viết về lịch sử trong giai đoạn hiện nay cần được lý giải trên nhiều bình diện để có sự mô tả, lý giải và đánh giá thỏa đáng. Những đề cập bước đầu trong bài viết này, cùng với những nghiên cứu khác trước mắt chỉ như những tín hiệu, những vẫy gọi cho một hành trình kế tiếp. Những bình minh khác của diễn giải vẫn chờ đợi chúng ta.
Nguyễn Thanh Tâm
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...