Thủ pháp nghệ thuật trong thơ thất tuyệt đời Đường
Cách thể hiện ý tứ và hình ảnh
Một trong những đặc điểm của thơ Thất tuyệt là ngắn (4 câu 28 chữ), vì vậy đòi hỏi người làm thơ không thể diễn đạt hoặc kể lể dài dòng, mà phải chọn những sự việc hoặc hình ảnh tiêu biểu, điển hình nhất, có mối liên hệ nội tại giữa người và cảnh vật, gây cảm xúc mạnh. Thông qua đó, tác giả không chỉ thể hiện rõ cảm xúc của mình mà còn có thể gợi được cảm xúc cho người thưởng thức thơ.
Thông thường thơ xưa thường tránh nói thẳng ra cảm xúc của mình bằng ngôn từ cụ thể, chẳng hạn như “nhớ lắm”, “thích lắm”, “buồn quá”, mà thi nhân cần thông qua hình ảnh, ngôn từ, chỉ cốt gợi mở để người thưởng thức tự phát hiện cái hay, cái đẹp, tư tưởng, tình cảm mà tác giả muốn gửi gắm trong thơ. Đó chính là cách diễn đạt mà người xưa thường nói: "Ý tại ngôn ngoại" (ý ở ngoài lời). Ngôn từ ít mà hiểu nhiều, nói gần mà hiểu xa, nói nông mà ý sâu, nói riêng mà hàm ý rộng, nói cụ thể mà ngụ ý khái quát, trừu tượng... là như vậy. Do đó khi thưởng thức một bài thơ, tùy theo sự nhận thức và cảm xúc của từng người, có thể phát hiện nội dung và tư tưởng bài thơ theo nhiều cung bậc khác nhau.
Dưới đây, theo sự nhận thức của tôi, xin thử phân tích bài thơ Tặng biệt của Đỗ Mục:
Đa tình khước tự tổng vô tình,
Duy giác tôn tiền tiếu bất thành.
Lạp chúc hữu tâm hoàn tích biệt,
Thế nhân thùy lệ đáo thiên minh!
(Đa tình trái lại như là không có tình
Chỉ cảm thấy trước chén rượu tiễn biệt mà không sao cười được
Cây nến có ''tâm'' còn biết luyến tiếc sự ly biệt
Thay người nhỏ lệ cho đến khi trời sáng!)
Dịch thơ:
Đa tình mà lại hóa vô tình,
Thật khó làm vui trước chén quỳnh.
Chiếc nến có lòng còn luyến tiếc,
Thay người nhỏ lệ suốt năm canh.
(Tương Như dịch - Thơ Đường - tập 1)
Bài thơ lấy tiêu đề là ''Tặng biệt'' mà không thấy xuất hiện một nhân vật cụ thể nào. Thật lạ là ngay cả chủ và khách cũng không hề xuất hiện! Chỉ duy nhất xuất hiện hai vật thể, và một sự vật. Vật thứ nhất là ''li rượu'' (tôn) xuất hiện ở câu thơ thứ hai. Li rượu chính là vật cụ thể biểu trưng cho cuộc tiễn đưa. Cảm xúc người trong cuộc khi nâng chén lên ''chạm chén'' (tôn tiền) mà ''không thể cười được''. Điều đó cho ta biết rằng: Bữa tiệc đưa tiễn nhau này là sự bất đắc dĩ, bữa tiệc mà kẻ ở người đi không hề muốn. Vật thứ hai là ''cây nến'' (lạp chúc), xuất hiện ở câu thơ thứ ba, vừa gián tiếp thông báo cho độc giả rõ thời gian, không gian diễn ra cuộc tiễn biệt, lại vừa trực tiếp ''thay người'' biểu hiện rõ mức độ tình cảm trong cuộc tiễn biệt mà tác giả không trực tiếp nói ra. Sự vật sau cùng là ''trời sáng'' (thiên minh). Sự vật này xuất hiện kịp thời, đúng vào phút hai người phải chia tay! Bài thơ cũng đồng thời chấm dứt. Sự kiện "thiên minh" này tác dụng thông báo thời gian phải chăng chỉ là phụ, mà hàm ý sâu xa là tác giả kín đáo muốn chia sẻ với bạn mình rằng: Chẳng cần nói những lời hoa mỹ khách sáo "thệ hải minh sơn" như thường thấy làm chi, tình bạn tri âm tri kỷ của hai ta khăng khít, thủy chung, nay phải lìa xa, kẻ ở người đi, buồn đau đứt ruột, tình cảm đó dường như cây nến đã nói hộ và có Trời cao sáng soi chứng giám!
Bài thơ này rõ ràng cho ta thấy cách lựa chọn hình ảnh, sự vật và ngôn từ thật là điển hình và ''đắc địa''. Sự sắp đặt cho những hình ảnh và sự vật liên kết logíc chặt chẽ với tình cảm nhân vật, đến mức hai nhân vật đưa tiễn nhau không hề phải ''xuất đầu lộ diện''. Ấy vậy mà khi đọc lên người đọc vẫn hình dung ra tình cảm tiễn biệt nhau của hai người bạn thật là sâu đậm. Họ quyến luyến nhau đến mức phải ứa lệ! Những "giọt lệ" của cây nến nói hộ điều này. Ngoài ra ta cũng có thể khẳng định chủ của cuộc tiễn biệt bạn mình chắc chắn là tác giả Đỗ Mục không phải ai khác. Còn bạn thân của tác giả là ai dẫu người đọc có biết hay không cũng không quan trọng. Trong bài cũng không hề có từ nào trực tiếp chỉ thời gian, không gian diễn ra cuộc tiễn biệt. Nhưng chỉ cần hình ảnh cây nến cháy và giọt ''lệ nến'' đã "thay người nhỏ lệ đến sáng", đủ biết tiệc rượu chia tay bạn của tác giả diễn ra ít nhất cũng từ chiều tối hôm trước, thâu đêm cho đến sáng hôm sau. Họ đã thức cùng nhau suốt đêm để giãi bày tâm sự! Sự lựa chọn hình ảnh và sự vật, phép ẩn dụ và nhân hóa sự vật qua ngôn từ trong bài thơ không ai có thể tài hoa hơn Đỗ Mục! So với bài thơ tiễn bạn cũng nổi tiếng của thi hào Lý Bạch là Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng (Hoàng Hạc Lâu tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng), tuy 2 việc tiễn đưa ở 2 hoàn cảnh không gian và thời gian khác nhau, nhưng cách diễn tả, tôi thấy bài Tặng biệt của Đỗ Mục vựơt trội về mọi mặt.
Minh họa. Nguồn: internet
Phần dịch nghĩa tôi đã phải thêm vào nhiều từ để diễn đạt cho thông. Đủ biết tác giả lựa chọn hình ảnh, ngôn từ cô đọng không thể hơn được. Nếu dịch thành thơ Việt, giữ nguyên thể thất tuyệt khó mà diễn dịch trọn vẹn! Như bản dịch dẫn ra ở trên kể đã hay, giữ được nguyên thể nhưng phải bỏ mất ý của từ ''thiên minh''. Nếu làm thơ tứ tuyệt (dù ''ngũ tuyệt'' hay ''thất tuyệt") được gọi là hay lại càng không hề dễ chút nào!
Cách sử dụng câu và ngôn từ
Về cách đặt câu và sử dụng ngôn từ, thơ Tứ tuyệt nói chung và Thất tuyệt nói riêng đều làm sao đạt mục đích chính xác, sâu sắc và ''tiết kiệm'' ngôn từ nhất. Điều đó không chỉ đúng với yêu cầu ngặt nghèo về số câu số chữ do thể thơ hạn chế, mà còn buộc người làm thơ phải lựa chọn, cẩn trọng từng từ, từng hình ảnh, âm thanh, không phạm ''niêm luật''; đặc biệt tối kị dùng những ''hư từ'' mà người xưa gọi là "chữ nước'' (như các từ “thì”, “là”, “mà” trong tiếng Việt ).
Cách đặt câu
Trong khá nhiều trường hợp, để tiết kiệm số từ, người làm thơ ''tỉnh lược'' (bỏ bớt) cả những ''thành phần cơ bản'' của câu như ''chủ ngữ'' hoặc ''vị ngữ'' mà một câu nói thông thường không thể thiếu.
Tất nhiên để ''tỉnh lược'' được những thành phần cơ bản tưởng như không thể thiếu được đó, tác giả phải vận dụng những cấu trúc ngữ pháp khác nhau, làm sao để ý nghĩa câu thơ vẫn không hề bị ảnh hưởng.
Ví dụ những câu dẫn ra dưới đây đã bị lược bỏ chủ ngữ, trở thành câu "chủ ngữ ẩn".
"Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi"
(Rượu nho trong chén ngọc dạ quang
Muốn uống tiếng đàn tỳ bà liền giục giã đi ngay)
(Lương Châu từ - Vương Hàn)*
Hai câu thơ này không những thiếu chủ ngữ - chủ ngữ là tác giả - mà trật tự cũng bị đảo ngược. Bổ ngữ trực tiếp (tân ngữ) là "bồ đào mỹ tửu" đưa lên trên!
Hay 2 câu sau cũng lược bỏ chủ ngữ:
"Đa tình khước tự tổng vô tình
Duy giác tôn tiền tiếu bất thành"
(Đa tình nhưng trái lại tựa như chẳng có tình
Chỉ còn cảm thấy trước chén rượu tiễn đưa không sao cười lên được)
(Tặng biệt - Đỗ Mục)
Từ 2 ví dụ trên cũng có thể thấy rõ trong những bài mà chủ thể trữ tình chính là tác giả thì hoàn toàn có thể lược bỏ chủ ngữ. (Cũng cần nói thêm, hiện tượng này không chỉ thấy ở thơ tứ tuyệt mà có ở bất kể thể thơ nào, khi cần thiết).
Còn hiện tượng lược bỏ "vị ngữ" cũng rất hay gặp. Những ví dụ sau, các động từ làm vị ngữ bị lược bỏ, nhưng câu vẫn hoàn toàn trọn nghĩa:
"Nhất phiến cô thành vạn nhận san"
(Một mảnh thành đứng chơ vơ trên núi cao vạn thước)
(Lương châu từ - Vương Chi Hoán).
Câu này lược bỏ động từ "ở" hoặc "đứng" (tại, trạm tại). Hay câu: "Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi" dẫn phần trên cũng bị lược bỏ động từ "rót vào" (châm) hay "trong" (tại).
Cách sử dụng ngôn từ
Thế giới cảnh vật trong thơ Đường nói chung và thơ Thất tuyệt nói riêng, luôn được thể hiện bằng những hình ảnh sống động. Cảnh vật thiên nhiên và con người là một thế giới đồng nhất gắn bó chặt chẽ với nhau. Nói như cụ Nguyễn Du: "Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!" (Kiều). Vì vậy cây cỏ, hoa lá, chim muông, núi non, mây, nước, trăng sao... cả đến các vật dụng, thậm chí cả các khái niệm trừu tượng như không gian, thời gian cũng có tâm hồn như con người vậy! Đấy là chưa nói đến cách thơ xưa thường dùng những sự vật hay cây cỏ, lá hoa, phong, tuyết, nguyệt, đến cả 4 mùa xuân, hạ, thu, đông... làm hình ảnh ẩn dụ hoặc biểu trưng cho tính cách hay phẩm hạnh con người. Chẳng hạn: tùng, bách, trúc, mai biểu trưng cho người quân tử, kẻ trượng phu, tượng trưng tính cách chính trực, phẩm hạnh thanh cao của con người ("quân tử trúc, trượng phu tùng"); hoa đào, hoa lý (mận) biểu trưng thân phận phụ nữ... (Điều này khác với thơ hiện đại khi mô tả phong cảnh, hay cây cỏ chỉ để làm cho hình ảnh sinh động, hiện thực hơn thôi).
Để đạt được điều đó, nhà thơ đã trực tiếp hoặc gián tiếp ''nhân hóa'' mọi sự vật, bằng cách đưa tất cả những động từ hoặc hình dung từ vốn chỉ dùng cho chủ thể là con người trong mọi cung bậc sinh hoạt và tình cảm thường ngày để dùng chung cho cả người và mọi vật trong thi ca. Dưới đây xin nêu một số ví dụ:
- Thôi Hộ:
Đào hoa y cựu tiếu xuân phong
(Hoa đào năm ngoái vẫn cười với gió xuân như cũ)
- Đỗ Mục:
Lạp chúc hữu tâm hoàn tích biệt
Thế nhân thùy lệ đáo thiên minh!
(Ngọn nến có tâm vẫn còn luyến tiếc sự ly biệt
Nhỏ lệ thay người đến khi trời sáng!)
- Trương Kế:
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
(Nửa đêm tiếng chuông đến thuyền khách)
- Vương Hàn:
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
(Định uống tiếng đàn tỳ bà đã giục đi ngay)
- Vương Chi Hoán:
Khương địch hà tu oán dương liễu
Xuân phong bất độ Ngọc Môn quan
(Tiếng sáo người Khương cớ gì mà oán cây dương liễu
Vì gió xuân không thể đi qua nổi cửa ải Ngọc Môn)
- Trịnh Cốc:
Dương hoa sầu sát độ giang nhân
(Hoa dương liễu làm buồn đến giết được người qua sông!)
Qua những câu thơ dẫn ra trên đây, có thể thấy, rõ ràng những động từ dùng cho sự vật đều là những động từ mà thường ngày chuyên dùng chỉ những hành vi, động tác của con người.
Hai thủ pháp nghệ thuật trên đây, nói cho đúng hơn, không chỉ dùng riêng trong thể thơ Thất tuyệt, mà dùng cho mọi thể loại thơ ca đời Đường, chỉ có khác là trong thơ thất tuyệt được dùng phổ biến hơn, tập trung hơn. Những thủ pháp nghệ thuật trên đã ảnh hưởng sâu sắc đến thơ Trung Quốc những đời sau, thậm chí ảnh hưởng đến cả nền thơ chữ Hán cổ của các nước lân bang chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.
Trần Ngọc Chùy
(*) Từ "mã thượng" ở câu thơ "Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi": sách Thơ Đường tập 1 (Nxb Văn hóa, 1962), bản dịch nghĩa dịch thành "trên ngựa''; sách Đường thi tứ tuyệt do Nguyễn Hà tuyển dịch (Nxb Văn hóa thông tin, 1996) lại dịch là ''lên ngựa'' (''Sắp uống tiếng tỳ bà trên ngựa đã giục giã'', hay bản của Nguyễn Hà ''Muốn uống, tiếng đàn đã giục lên ngựa''), đều sai hoàn toàn! Đúng nghĩa phải là “lập tức”, “liền ngay”, “ngay tức thì”... để nói sự gấp gáp (Theo Từ điển Từ Hải, trang 127, cột 1, dòng 21 từ dưới lên).
Bởi vậy tôi đính chính lại: "Muốn uống tiếng tì bà giục giã đi ngay".
Câu này dịch giả Trần Quang Trân dịch thơ bên dưới là chính xác. Bản dịch khá hay, giữ đúng niêm luật của thơ thất tuyệt cận thể.
Bồ đào rượu ngát chén lưu ly
Toan nhắp tỳ bà đã giục đi.
Say khướt sa trường anh chớ mỉa
Xưa nay chinh chiến mấy ai về?
Trần Ngọc Chùy
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...