Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
10:24 (GMT +7)

Phép cấu trúc đối lập trong thơ thất ngôn tuyệt cú đời Đường

VNTN - Một trong những nét nổi bật làm cho loại thơ ngắn (tứ tuyệt) đời Đường đạt đến đỉnh cao mà thơ các triều đại trước đó và sau đó không bằng, hoặc có cũng là lặp lại, không chỉ ở mặt cấu trúc hình thức nghiêm ngặt (số câu chữ cố định, luật bằng trắc về âm thanh) mà còn ở cấu trúc nội tại trong thơ Đường nói chung và thơ tuyệt cú nói riêng. Đó là phép CẤU TRÚC ĐỐI LẬP. Theo tôi đây chính là nét nổi bật nhất trong thi pháp của thơ Đường. Nó khác hẳn với lối thơ trữ tình mang tính “tự sự” của các triều đại trước Đường hoặc theo lối “phú, tỷ, hứng” như Kinh Thi…

Phép “cấu trúc đối lập” này trở thành hạt nhân thể hiện quy luật mâu thuẫn thống nhất trong một bài thơ, thậm chí trong từng câu thơ. Những bài tuyệt cú nổi tiếng nhất đều là những bài đạt đến đỉnh cao của phép “cấu trúc đối lập”. Đó là những bài có thể gọi là “toàn bích”. Ở những bài như vậy, trong mỗi câu và trong cả bài đều hàm chứa trong nó mối quan hệ đối lập hoặc về ý hoặc biểu hiện ở hình thức ngôn từ, hoặc đạt tới cả hai mặt. Trong cái đối lập lớn lại hàm chứa cả cái đối lập nhỏ. Một khi tính đối lập đạt tới đỉnh cao thì tự bài thơ đem đến cho người đọc những dự cảm xung đột trong cảm xúc, tự trong sâu thẳm của tư duy, như được gợi ra một sự bừng tỉnh của nhận thức thẩm mỹ, khiến đọc xong bài thơ ta cảm thấy tác giả đem đến cho ta một cảm xúc mới lạ mà tựa như ta vẫn thấy, vẫn cảm nhận được mà nay đã có người nói hộ thành lời.

Những bài thơ như vậy ta chỉ cần nghe một lần đã không thể quên được.

Dưới đây xin phân tích “cấu trúc đối lập” ở một số bài thơ cụ thể để minh họa:

Ví dụ 1: HỒI HƯƠNG NGẪU THƯ

Hạ Tri Chương

Thiếu tiểu ly gia lão đạo hồi,

Hương âm vô cải mấn mao tồi.

Nhi đồng tương kiến bất tương thức,

Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai?

(Từ nhỏ xa nhà, già lão trở về,

Giọng quê không hề đổi, tóc mai rụng.

Trẻ con gặp nhưng không nhận ra,

Cười hỏi khách từ nơi nào đến?)

Câu 1: Sự đối lập giữa lúc đi và ngày về, lúc trẻ và lúc già.

Câu 2: Đối lập giữa tiếng nói và mái tóc, giữa cái bất biến và cái khả biến, giữa nội tâm và vẻ ngoài, giữa bản chất và hiện tượng.

Câu 3: Đối lập giữa trẻ và già, giữa mới và cũ, xưa và nay, quen và lạ, thấy mà như không thấy.

Câu 4: Đối lập giữa khách và chủ, giữa chủ cũ và chủ mới, giữa tác giả và quê hương. Bao trùm lên tất cả những sự đối lập trên là sự đối lập giữa tấm lòng yêu thương sâu sắc và tha thiết của tác giả với sự dằn vặt dai dẳng vì phải xa lìa quê hương gần hết cả cuộc đời, đến mức tưởng chừng như quê hương đã ruồng bỏ một cách hoàn toàn tự nhiên, phù hợp với quy luật tất yếu của cuộc sống. Điều này được biểu hiện ở thái độ ngỡ ngàng một cách hoàn toàn ngây thơ và chân thành của bầy trẻ, một lớp người tiêu biểu cho nét mới của quê hương.

Mối cảm xúc vui buồn lẫn lộn, cười mà phải ứa lệ trong tim này của những ai đã từng sống tha hương trong ngày trở về gặp lại, đã mấy người có thể nói lên chỉ bằng 28 chữ với những lời vừa chân thành, vừa sâu sắc, nhưng lại rất bình dị làm rung động tận đáy sâu cõi lòng người như Hạ Tri Chương!

Ví dụ 2: KHUÊ OÁN

Vương Xương Linh

Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu,

Xuân nhật ngưng trang thướng thúy lâu.

Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc,

Hối giao phu tế mịch phong hầu.

(Trong phòng khuê thiếu phụ không biết buồn.

Ngày xuân trang điểm lộng lẫy bước lên lầu.

Chợt thấy sắc xuân dương liễu ven đường.

Lòng thấy hối tiếc vì đã giục chồng đi chinh chiến để mong ấn phong hầu!)

Câu 1: Đối lập giữa sự vô tư với nỗi buồn đã manh nha mà chưa nhận ra.

Câu 2: Đối lập giữa việc trang điểm lộng lẫy với mục đích của sự trang điểm.

Câu 3: Đối lập giữa người và cảnh, giữa “hữu tri” và “vô tri”, giữa không khí mùa xuân và tâm trạng thiếu phụ.

Câu 4: Đối lập giữa sự ly biệt và ước mong đoàn tụ, giữa quá khứ vô tư và hiện tại bừng tỉnh, giữa xa cách và gần gũi. Bao trùm lên tất cả những mối quan hệ đối lập trên là sự đối lập giữa hạnh phúc thật sự của con người, đó là hạnh phúc lứa đôi với cái hạnh phúc giả ảo là công danh mà con người tự huyễn hoặc mình. Trong khoảnh khắc, sức sống thanh xuân của cảnh vật tưởng vô tri mà lại hóa thành “hữu tri”, đã đánh thức tâm hồn người thiếu phụ vô tư khiến nàng bỗng nhận ra niềm hạnh phúc thật sự mà vô tình đã để tuột khỏi tay vì những mơ tưởng về công danh phú quý hão huyền! Tác giả chẳng nói lời nào cảnh tỉnh, nhưng tấn bi kịch mà người thiếu phụ phải chịu ở đây, rõ ràng đã cảnh tỉnh mọi người hãy tỉnh táo, kẻo dễ lầm lẫn giả thật giữa cuộc đời này mà vô tình để tuột khỏi tay niềm hạnh phúc chân chính, để rồi hối không kịp như nàng thiếu phụ kia!

Ví dụ 3: LƯƠNG CHÂU TỪ

Vương Hàn

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,

Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi.

Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu,

Cổ lai chinh chến kỷ nhân hồi.

(Rượu quý Bồ đào trong chén ngọc dạ quang,

Đang định uống thì tiếng tỳ bà đã giục giã đi ngay.

Say nằm ở chốn sa trường anh chớ cười mỉa,

Vì xưa nay chinh chiến mấy ai trở về).

Câu 1 và câu 2: Đối lập giữa tiệc rượu và ra chiến trường,... giữa phong thái ung dung của người ra chiến trường với không khí chiến trận giục giã gấp gáp.

Câu 3 và câu 4: Đối lập giữa đoàn tụ và chia ly, giữa say và tỉnh, giữa ra đi và trở về, giữa hiện tại và tương lai, giữa sống và chết. Bao trùm lên toàn bài là sự đối lập giữa niềm vui chốc lát với niềm đau thương vô tận. Đó chính là cái kết bi thảm tất yếu xưa nay đang chờ đợi những người đi chinh chiến! Đó cũng là tố cáo tội ác của chiến tranh muôn thủa!

Ví dụ 4: TẶNG BIỆT

Đỗ Mục

Đa tình khước tự tổng vô tình,

Duy giác tôn tiền tiếu bất thành.

Lạp chúc hữu tâm hoàn tích biệt,

Thế nhân thùy lệ đáo thiên minh.

(Đa tình mà lại tựa là vô tình,

Chỉ cảm thấy trước chén rượu mà không sao cười được.

Cây nến có tấm lòng còn biết luyến tiếc hộ sự ly biệt này,

Nên đã thay người nhỏ lệ cho đến khi trời sáng!)

Bốn câu của bài “Tặng biệt” này tạo nên các mối quan hệ đối lập đan xen giữa người và vật, trong đêm ly biệt. Đó là sự đối lập giữa nội tâm và vẻ ngoài, giữa hoan lạc với bi thương, giữa người và vật, giữa hữu tri và vô tri. Bao trùm lên toàn bài là nỗi buồn ly biệt. Bài thơ còn độc đáo là không hề đả động đến hình bóng con người, không xuất hiện người đi kẻ ở, mà người đọc vẫn có thể hình dung ra bóng dáng và tâm trạng của cả hai. Đúng là tuyệt tác!

Ví dụ 5: ĐỀ ĐÔ THÀNH NAM TRANG

Thôi Hộ

Tích niên kim nhật thử môn trung,

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.

Nhân diện bất tri hà xứ khứ?

Đào hoa y cựu tiếu đông phong!

(Ở chỗ cửa này, vào ngày này năm ngoái,

Mặt người và hoa đào sắc hồng soi lẫn nhau.

(Bây giờ) mặt người không biết đi đâu?

Chỉ còn hoa đào vẫn cười với gió đông như cũ)

Bài này gồm các mối quan hệ đối lập giữa người và hoa, giữa vẻ đẹp của người và vẻ tươi của hoa, giữa quá khứ và hiện tại, giữa đi và ở, giữa mất và còn, giữa hoa và gió, giữa người và cảnh. Ở đây các mối quan hệ cũng đan xen vào nhau, tác động lẫn nhau. Bao trùm lên toàn bài là kỷ niệm đẹp của quá khứ và nỗi nhớ nhung luyến tiếc không nguôi trong hiện tại.

Ví dụ 6: TÁI KINH HỒ THÀNH HUYỆN

Đỗ Tuân Hạc

Khứ tuế tằng kinh thử huyện thành,

Huyện dân vô khẩu bất oan thanh.

Kim niên huyện tể gia chu phất,

Tiện thị thương sinh huyết nhiễm thành.

(Năm ngoái từng qua huyện thành này,

Không miệng người dân nào mà không kêu oan.

Năm nay quan huyện lại được thưởng thêm tua đỏ,

Hẳn là do máu dân lành nhuộm nên đấy.)

Bài này gồm các mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại, giữa dân chúng và quan huyện, giữa nỗi oan khuất và nỗi bất bình, giữa tua đỏ của quan và máu đỏ dân lành, cuối cùng là thành tích của quan huyện và nỗi đau khổ của dân lành. Đó chính là lời tố cáo tội ác bọn tham quan ô lại và tấm lòng đồng cảm của tác giả đối với người dân lao động.

Ví dụ 7: KÝ PHU

Trần Ngọc Lan

Phu thú biên quan thiếp tại Ngô,

Tây phong xuy thiếp thiếp ưu phu.

Nhất hàng thư tín thiên hàng lệ,

Hàn đáo quân biên y đáo vô?

(Chồng đi thú nơi biên ải, thiếp ở đất Ngô,

Gió tây thổi thiếp lạnh, thiếp lo cho chồng.

Một dòng thư viết, nghìn dòng nước mắt,

Rét đến chàng, áo có đến không?)

Bài này tập trung các mối quan hệ đối lập giữa chồng và vợ, giữa biên ải và quê hương, giữa xa cách và tình cảm lo nhớ, giữa gió lạnh và nỗi âu lo, giữa thư từ và nước mắt, giữa gió lạnh và áo ấm, giữa đến và không đến. Bao trùm lên toàn bài là sự ly biệt và tấm lòng nhớ thương lo lắng cho chồng của người vợ ở quê nhà. Bài thơ ngầm tố cáo hiểm họa chiến tranh do bọn thống trị gây nên làm cho vợ chồng phải ly tán!

Ví dụ 8: PHONG KIỀU DẠ BẠC

Trương Kế

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,

Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.

Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự,

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

(Trăng xế, quạ kêu sương đầy trời,

Khách ngủ trước cảnh buồn của đèn chài le lói dưới lùm cây phong bên sông.

Tiếng chuông chùa Hàn Sơn ngoài thành Cô Tô,

Nửa đêm vang vọng đến thuyền khách.)

Bài này gồm các mối liên hệ đối lập giữa ẩn và hiện, giữa trăng và sương, giữa động và tĩnh (tiếng quạ, tiếng chuông, thuyền khách ngủ) giữa cái nhỏ bé và sự bao la vô cùng, giữa sáng và tối, giữa quên lãng và chợt tỉnh. Bao trùm lên là nỗi buồn nặng trĩu vô tận không thể nào quên được trong tâm trạng cô đơn của kẻ lữ thứ.

Ví dụ 9: CUNG TRUNG TỪ

Chu Khánh Dư

Tịch tịch hoa thì bế viện môn,

Mỹ nhân tương tịnh lập quỳnh hiên.

Hàm tình dục thuyết cung trung sự,

Anh vũ tiền đầu bất cảm ngôn.

(Hoa nở lặng lẽ, cửa cung đóng im lìm,

Người đẹp túm tụm đứng bên hiên ngọc.

Chuyện riêng trong cung, u uất trong lòng muốn kể với nhau,

Nhưng thấy con chim vẹt đậu cạnh bên, nên không dám nói nữa!)

Bài này gồm các quan hệ giữa hoa nở và cửa đóng, giữa người và vật, giữa tự do và tù túng, giữa con người có tâm hồn và sự vật vô hồn, giữa nỗi niềm cay đắng âm thầm và niềm khao khát muốn được chia sẻ.

Lời thơ không nói những lời trực tiếp so sánh mà lại thực so sánh: Thân phận những người cung nữ chẳng khác gì những bông hoa lặng lẽ nở rồi tàn trong bốn bức tường kia. Đến cả tâm hồn và nỗi lòng chua xót cũng bị giam cầm “khóa kín” ở tận đáy lòng, không dám thốt ra lời. Thân phận họ chẳng khác gì con chim “Anh Vũ bị nhốt trong lồng” nhưng lại còn không bằng cả con chim Anh Vũ nữa, vì chúng còn có thể hót lên lời… Hơn thế nữa còn sợ cả con chim Anh Vũ. Một nỗi sợ hãi tưởng như phi lý mà thật có lý, vì chim kia mà nghe thấy, nhắc lại những nỗi niềm tâm sự, lộ ra thì e tính mạng cũng khó mà chu toàn được!

Ví dụ 10: LŨNG TÂY HÀNH

Trần Đào

Thệ tảo Hưng Nô bất cố thân,

Ngũ thiên điêu cẩm táng Hồ trần.

Khả liên Vô Định hà biên cốt,

Do thị xuân khuê mộng lý nhân.

(Thề quét sạch quân Hung Nô không quản gì thân sống,

Năm ngàn binh lính đội mũ lông điêu, mặc áo gấm bị chôn vùi ở đất Hồ.

Thương thay những nắm xương bên bờ sông Vô Định ấy,

Mà vẫn còn là người trong mộng của nàng khuê phụ chốn phòng xuân).

Bài này tập trung các mối quan hệ đối lập giữa sự ra đi và trở về, giữa sống và chết, giữa thắng và bại, giữa ý chí quyết chiến và kết cục bi thảm, giữa mộng và thực. Bao trùm lên toàn bài là những hùng tráng và bi thương. Sau cùng là tiếng kêu đồng cảm thầm kín và gián tiếp bộc lộ tiếng nói tố cáo chiến tranh thảm khốc của tác giả.

Qua 10 ví dụ dẫn ra trên đây của các tác giả khác nhau ta có thể thấy rất rõ phép “cấu trúc đối lập” này là thi pháp phổ biến trong những bài thơ thất tuyệt mà cũng là phổ biến trong thơ Đường nói chung. Phép cấu trúc đối lập này được các nhà thơ thể hiện bằng hình ảnh, sự việc hoặc tâm trạng đan xen vào nhau, theo “nút” mâu thuẫn, để “kịch tính” đạt đến đỉnh cao, thường ở cuối bài thơ, khiến cho người đọc nhiều khi phải sửng sốt khi bài thơ kết thúc, gây nên một sự rung động đột biến trong cảm xúc thẩm mỹ của người đọc. Chính điều này đã khiến cho sự so sánh thơ tuyệt cú với truyện ngắn của nhà phê bình văn học Trung Quốc Lưu Học Khải rất có lý: “Truyện ngắn thường được cắt ra một mảng ngang của cuộc sống, thêm vào cách thể hiện tập trung để người đọc từ “lát cắt ngang” này có thể nhận thấy tất cả cuộc sống. Tuyệt cú ở điểm này, có chút giống như truyện ngắn” (Đường Thi giám thưởng từ điển - Thượng Hải, xuất bản xã, năm 1989, trang 129).

Trần Ngọc Chùy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy