Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
19:18 (GMT +7)

Nói chuyện “Quyền được chết”

VNTN - Đề xuất của Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) về việc bổ sung “quyền được chết” vào dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi được nêu ra từ tháng 4/2015; được biết từ 2005, Luật Dân sự đã đề cập đến “quyền được chết”, tuy nhiên lúc đó Quốc hội chưa xem xét. Đến thời điểm này Quốc hội tiếp tục bàn luận về luật Dân sự (sửa đổi), dẫu biết điều này sẽ gây nhiều tranh cãi, song Bộ Y tế vẫn đề xuất ủng hộ đưa “quyền được chết” vào nội dung của Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Nhìn nhận vấn đề khá cởi mở, các chuyên gia tâm lý cho rằng “quyền được chết” là một đề xuất thể hiện tinh thần nhân đạo. Chúng ta nên có cái nhìn tân tiến hơn cả về sự sống lẫn cái chết, bởi hiện có nhiều luật và quy định bảo vệ quyền được sống cho con người nhưng đã quên về cái chết. Không có lý do gì mà chúng ta lại không có những quy định cụ thể để họ được chết trong êm ái khi y học đã vô phương cứu chữa, chỉ cần lưu ý đối tượng nào, tình trạng nào được chấp nhận cho quyền quyết định được chết êm ái.

Ở luồng ý kiến “trái chiều” với đề xuất từ Vụ Pháp chế, người ta cho rằng trong tình hình hiện nay nó không phù hợp với văn hóa, tập tục, phong tục tập quán lâu đời của người Việt Nam. Đặt ra quyền được chết, con người sẽ rất dễ lạm dụng quyền này để thoái thác trách nhiệm đối với những người mình có bổn phận phải chăm sóc. Những nghi vấn như: liệu người bị bệnh hiểm nghèo có thực sự mong muốn được chết hay chỉ là do lúc túng quẫn, chán chường mới có suy nghĩ như vậy? Chúng ta có căn cứ nào để chứng minh rằng đó là ý chí, nguyện vọng thực sự của họ là muốn được chết? Bác sĩ Nguyễn Xuân Vinh, trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực bệnh viện Việt Đức thẳng thắn phản đối rằng: khi đưa ra luật, ai là người thực thi và thực thi như thế nào? Giao cho bác sĩ (BS) thì liệu các BS có dũng cảm làm hay không, vì tôn chỉ của chúng tôi là cứu người chứ không phải là giết người! Đấy là còn chưa kể đến những “hệ lụy” như việc người thực thi sẽ bị khiếu nại, kiện tụng của người thân bệnh nhân, lợi dụng quyền này để trục lợi bảo hiểm, tranh chấp tài sản…

 Thực tế trên thế giới suốt mấy chục năm qua, những cụm từ “Quyền được chết”, “Cái chết êm ái”, “Hỗ trợ tự tử”… chưa bao giờ thôi gây tranh cãi. Hiện chỉ một số rất ít quốc gia cho phép chết êm ái, bao gồm Hà Lan, Bỉ và Luxembourg. Theo luật pháp của những nước này, bác sĩ hoặc chuyên gia y tế được phép cố ý chấm dứt cuộc sống của một người, phổ biến nhất là bằng cách tiêm thuốc ngủ, sau đó là thuốc làm ngưng tim hoặc ngưng thở, dẫn đến tử vong. Từ 1942, Thụy Sĩ đã cho phép hỗ trợ tự tử: bác sĩ được phép kê toa thuốc dẫn đến cái chết nhưng bệnh nhân phải tự uống. Tại Hà Lan, mỗi năm có khoảng từ 2.500 - 3.000 người “chết êm ái” theo điều luật quyền được chết, chiếm khoảng 2% con số tử vong ở nước này. Oregon là bang đầu tiên ở Mỹ áp dụng điều luật mang tên Luật chết êm ái vào năm 1997, Sở y tế Oregon đã thống kê, đến năm 2014 có 1.327 người được kê toa dược phẩm để “chết êm ái”. Tính tới thời điểm tháng 4/2015, theo thống kê của tổ chức phi lợi nhuận Compassion & Choice, ít nhất 25 bang đã xem xét dự luật liên quan đến quyền được chết. Và trong năm 2015 này, Mỹ sẽ có hơn một chục bang nữa lại tiếp tục xem xét dự luật này. Tuy nhiên ở Anh, nếu một bác sĩ cố tình tiêm thuốc cho ai để chết, bác sĩ đó đã giết người với khung hình phạt lên đến án chung thân; hoặc nếu ai đó khuyến khích hay hỗ trợ người khác tự tử có thể ngồi tù đến 14 năm.

Việt Nam vốn là một quốc gia sống có đạo đức, truyền thống tốt đẹp giữa người với người, coi sinh mạng là vốn quý. Một khi “quyền được chết” được hợp pháp hóa, bác sĩ được phép làm điều này mà không sợ bị truy tố trước pháp luật, nhưng nếu chúng ta không xây dựng một cơ chế pháp lý đồng bộ thì việc thực thi áp dụng “quyền được chết” là rất khó thực hiện trên thực tế.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy