Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
21:22 (GMT +7)

Những tấm biển trên đường phố

Trong đời sống xã hội, đặc biệt là vào thời kinh tế thị trường thì những tấm biển hiệu và những tấm biển mang ý nghĩa thông báo là chuyện không thể thiếu. Có một dạo nhiều đơn vị, nhiều công ty lớn, nhỏ đã bị báo chí và các cơ quan chức năng phê phán mạnh mẽ về việc treo những biển hiệu bằng tiếng nước ngoài. Không thích viết là khách sạn, nhà hàng, cửa hàng… mà phải là Hotel, Restaurant, Shop… cho nó sang. Tất nhiên, việc phổ cập dần dần tiếng Anh để tạo cơ hội hòa nhập quốc tế là điều rất cần thiết, nhưng sự quá trớn và dùng tiếng nước ngoài với mục đích để khoe khoang hoặc dọa đời thì lại là một hành vi thiếu hiểu biết, chưa muốn nói là thiếu tôn trọng ngôn ngữ mẹ đẻ.

Ngoài việc sính ngoại nói trên, các biển hiệu ở ta cũng còn không ít các khiếm khuyết khác. Những tấm biển hiệu như: “Ở đây bán bánh Trưng”, “Hiệu xửa chữa xe đạp”, “Bán chứng vịt lộn”, “Nơi đăng kí tạm chú” hoặc “Cửa hàng ăn uống, có các món: phở - bún - xào”… vẫn thường “vui vẻ” xuất hiện trên hè phố. Đành rằng người qua đường không đến nỗi hiểu sai các mặt hàng mà cửa hiệu thông báo, nhưng những lỗi chính tả, lỗi không lô-gich ở các biển hiệu trên thật nực cười. Những người có chút am hiểu tiếng Việt thường thấy rất khó chịu.

Gần đây, bỗng thấy xuất hiện một vài tấm biển treo trước cổng một số ít cơ quan. Tấm biển ghi hàng chữ, đại ý: “Ở đây không cần sách. Yêu cầu các nhân viên phát hành không đến làm phiền”. Trong nền kinh tế thị trường hôm nay, đúng là đã có không ít các tiếp thị viên “lăn xả” vào mọi nơi, mọi chỗ để mong tiêu thụ hàng. Chắc là các cơ quan nọ cũng đã nhiều lần phải mất thì giờ về chuyện sách báo. Điều này cũng nên thông cảm. Tuy nhiên, nếu hạ một câu gọn lỏn “Ở đây không cần sách” thì quả là không ổn chút nào. Quay lưng lại với sách nghĩa là quay lưng lại văn hóa. Chả lẽ những cán bộ mình đầy tri thức mà lại quên những định nghĩa về sách: “Sách - nguồn tri thức vô giá của nhân loại”, “Sách là chìa khóa mở ra tri thức”… Dù có bức xúc thì cũng cần phải thận trọng khi trưng ra một tấm biển như vậy trước bàn dân thiên hạ.

Có một loại biển báo nữa cũng nên trao đổi. Đó là những tấm biển đặt trước những công trình thi công đường sá, cầu cống… mà khi tham gia giao thông ta thường xuyên phải đối diện. Chẳng hiểu sao đến tận hôm nay, vẫn còn những tấm biển rất không phù hợp như: “Đoạn đường đang thi công. Tốc độ 5 km/giờ”. Thực ra đó là cách thông báo của những thập kỉ 7, 8, 9 mươi thế kỉ trước rồi. Ngày ấy người tham gia giao thông chủ yếu bằng phương tiện xe đạp chỉ với tốc độ chừng 10 km/ giờ, nên hạn chế tốc độ một nửa là hợp lí. Còn bây giờ, trên thực tế, xe máy, ô tô chạy ào ào, chẳng thấy ai đi tốc độ chậm như vậy mỗi khi qua các công trường như vừa nói trên. Vậy là cái “mệnh lệnh” 5km/ giờ ấy chẳng ai làm theo và cũng chẳng thấy ai bị khiển trách, bắt bẻ. Vậy mà không hiểu sao, những tấm biển kiểu như thế vẫn cứ được trưng ra. Nhưng cũng mừng là hiện nay trên một vài tuyến đường họa hoằn cũng đã thấy các tấm biển được viết một cách nhã nhặn và hợp lí: “Đường đang sửa. Xin hành khách vui lòng đi chậm lại!” hoặc: “Đơn vị thi công xin lỗi các quí vị”. Hai từ “vui lòng” và cách “xin lỗi” như vậy là biểu hiện một tinh thần văn hóa, văn minh sâu sắc. Chỉ tiếc rằng, những tấm biển như vậy còn quá hiếm hoi, và có lẽ nó cũng chưa được nhiều đơn vị thi công học hỏi.

Những tấm biển trên đường phố là chuyện nhỏ. Nhưng nếu chúng ta cứ tùy tiện muốn viết sao thì viết thì thật bất ổn. Tuy là chuyện không lớn nhưng nó lại bộc lộ trình độ dân trí. Mà thực ra đâu có quá khó khăn. Chỉ cần chú trọng một chút, chịu khó học hỏi một chút là mọi chuyện sẽ tốt hơn nhiều.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy