Những chiêm nghiệm phù sinh
(Đọc Hai phía phù sinh, thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Nxb Hội Nhà văn, 2018)
Duyên ngẫu nhiên, trong cái không khí trầm linh của mùa Vu lan, tôi đọc tập thơ mà cái tên “Hai phía phù sinh” đã thấy nó quá hợp cảnh hợp tình, hợp cả tâm linh. Với suy nghĩ ban đầu, ngồi một mình nhâm nhi ấm trà, tĩnh thì chẹp miệng đọc chút xem sao, nhưng rồi tôi đã cuốn vào như bị ma rủ, đọc hết luôn tập thơ mà còn thấy thòm thèm.
Thơ của Quỳnh không láng mướt ngôn ngữ ẻo lả lời thơ, không vần điệu dễ thuộc, không có những cung quãng để cho người ta hớn hở vui cười, và càng không có những câu để cho ai có thể mượn vay hoặc dựa ý dựa vần.
“Hai phía phù sinh” nhất quán một giọng điệu, một thái độ, trạng thái cảm xúc được đinh vị bằng hai yếu tố: sự trải nghiệm và chiêm nghiệm. Người ta có thể không thuộc bài thơ nào trong tập thơ, nhưng bài thơ nào cũng làm người ta phải nhớ bởi sự ám ảnh.
Tập thơ được chia làm hai phần. Mỗi phần chị mượn một câu của người nhà Phật để khái quát. Phần thứ nhất chị lấy câu: “Khi ta bước đi, mỗi bước đi là gần kề cái chết”. Đây là phần mang nặng sự suy cảm, liên tưởng, một thủ thuật dẫn dụ người ta phải từ cái này mà nghĩ đến cái kia, từ cái rất nhỏ để suy đến những cái lớn lao. Nhìn vào một sự vật, hiện tượng, hình ảnh cụ thể xảy ra hay cảm nhận để suy nghĩ đến những vấn đề, những hiện tượng sự vật... có cùng một mối liên hệ, đó là: sinh tồn và hủy diệt, phát triển và tiêu vong, và cụ thể hơn là sự sống và cái chết. Tuy nhiên, kết cục lại là một điều để nhắc nhờ để cho người ta phải nghĩ suy, phải tự hỏi.
Hãy xem Nguyễn Thúy Quỳnh nhìn vào hình ảnh một con mèo bị xe ô tô nghiền chết:
“Giữa bầy nhầy máu
sót lại một vạt lông trắng mịn"
....và rồi, chị cảm thán với con mèo mà như nói với con người:
“Nó bẻ bỏng và thanh khiết thế
ra ngã năm làm gì
để chết tức tười dưới một bánh xe vô tình.”
(Về một con mèo bị xe cán)
Những câu thơ đọc lên mà thấy gai gai rờn rợn...
Một cái chết tưởng như rất bình thường. Con mèo chạy ra đường rồi bị xe cán chết, thịt nát xương tan, chỉ còn lại những túm lông đủ để người ta nhận ra đó là con mèo. Từ hình ảnh con mèo bị xe cán dẫn người ta liên tưởng đến mỗi ngày có hàng chục, mỗi năm có hàng chục ngàn con người chết vì tai nạn giao thông mà số liệu của cơ quan chức năng chưa bao giờ là 100% chính xác.
Nhìn vào hình ảnh một con cá chết ở sông Nhuệ để rồi liên tưởng, nghĩ suy đến việc người ta vô tư xả thải, đến những dòng sông đen ô nhiễm, đến những phận người khuôn mặt sạm đen vì phải sống với những dòng sông chết:
“Những dòng xe đen nườm nượp chảy về đâu
bỏ lại một dòng sông đen
lầm lụi chở những hồn cá về miền giải oan
và một dòng sông đen khác
chảy âm thầm trên những gương mặt
sạm đen”.
(Cá chết ở sông Nhuệ)
Cay đắng nghẹn lòng khi nhìn một em bé mồ côi bị chết vì đói. Sau khi đã cầu nguyện cho linh hồn em, người ta sẽ ngửa mặt lên trời mà than mà tự hỏi về chính mình:
“Nơi con đến
sẽ chỉ còn ánh sáng chan hòa
linh hồn con
sẽ cùng những con cá bơi thỏa thuê
trên dòng sông mát lành đã đón con về”
(...)
“Chúng ta,
những kẻ thản nhiên sống và ngợi ca sự sang giàu
giữa trùng trùng áp phích, pa nô quảng cáo sáng choang
không một ai đủ tư cách cầu xin con,
một em bé chết đói giữa ban ngày,
tha thứ”.
(Tặng linh hồn bé Nhung)
Nhìn những cảnh núi đồi trơ trọc mà nghĩ đến nạn phá rừng, nhìn những hàng cây tỏa bóng mát, bỗng một ngày chỉ vì một sự vô tình không đại diện, một vụ tai nạn bất ngờ... mà người ta có thể ra lệnh trảm cây hàng loạt chì vì họ muốn được an toàn hay vì lợi ích riêng tư. Khi sự việc đã rồi, những cái cây đã không còn, thì người ta lại “ra ân" cứu rỗi...
“Rồi cuối cùng, lệnh cũng được ban ra
Các đồ tể đã dừng tay búa đao
Và ai đó vô tư đã có thể thở phào”
(Đôi dòng dâng những hồn cây)
Cứ như thế, những hình ảnh, sự việc tưởng như nhỏ nhặt mỗi ngày lại mang đến những thông điệp lớn lao, những câu hỏi, những than vãn cứ cất lên trong vô vọng.
Vẫn biết trong cõi đời, sinh và diệt, có rồi lại mất... âu cũng là quy luật. Nhưng câu hỏi lớn đặt ra là: tất cả những gì đã, đang xảy ra quanh ta, những cái diệt sinh oan ức tức tưởi kia lại không phải là quy luật, mà chính là con người với tất cả lương tâm và trách nhiệm với cuộc sống đồng loại, với môi trường sống, với sinh mạng con người và với cả chính mình, người ta đã làm gì, đang làm gì để sự sống và cuộc sống này bớt đi những trái ngang, những oan ức, lệch vênh..., để được an toàn và công bằng mà sống? Mọi sự xót thương hối hận chỉ là những điều đã muộn rồi.
Phần thứ hai của tập thơ được chọn khái quát bằng lời người nhà Phật: “Mạng người sống trong hơi thở”.
Đây là phần chị đã rút ra và trải lòng bằng chính sự trải nghiệm cuộc đời và sự chiêm nghiệm từ cuộc sống, từ sự ứng xử, đối đãi của con người với con người trong cõi nhân gian, từ cuộc sống gia đình, mẹ cha, chồng vợ, con cái đến cộng đồng.
Có phải người ta đang sống vì nhau hay vì cái gì nữa? Nhất là trong cuộc sống đương đại, trong những trào lưu xã hội đưa đẩy, lôi kéo những lối sống thực dụng, hoặc là tham không biết để làm gì, hoặc là không cần biết ngày mai ra sao.
Nhìn vào thực tại cõi người thấy người ta đang vô tâm vô tình, thấy người ta đang sân si và bon chen, thậm chí là sẵn sàng làm ác với nhau mà thấy bất an, bẩt ổn. Nhìn lại mình, soi lại mình thì chỉ biết dặn lòng, thôi thì cứ cố gắng hết mình thôi, nghĩ và làm những điều không ác mà thôi.
Cuộc sống gia đình, tình cảm chồng vợ cũng thế. Chỉ bằng những hình ảnh, hành động quan tâm chăm sóc nhau, tình yêu thương cho nhau mới có thể an yên, tốt với chính mình, với gia đình mới có thể tốt với cộng đồng, với mọi người.
Nguyễn Thúy Quỳnh là người giàu vốn sống trải nghiệm và cũng là người phụ nữ nhạy cảm, tinh tế. Đọc đến cái hình ảnh vợ nép vào ngực chồng, để rồi chỉ một chi tiết, một hình ảnh nhỏ thôi đủ để thấy tình cảm, sự an yên và niềm hạnh phúc vợ chồng:
“Đêm đêm
Em áp mặt vào ngực anh
(...)
Mỗi sớm mai trước gương
Em nhìn thật lâu vào vết lõm trên trán mình
Vết cằm anh đã tì vào đó cả đêm
Và tủm tỉm nhận ra một chân dung của hạnh phúc.”
(Thơ tặng chồng)
Nếu ở phần một, thơ Nguyễn Thúy Quỳnh nặng nỗi ưu tư, chiêm nghiệm và triết luận về sự sống và cái chết trong cõi vô thường, là sự liên tưởng và những nghĩ suy, những câu hỏi đặt ra cho cuộc đời này, thì ở phần hai của tập thơ lại là những trăn trở, nghĩ suy về thế thái nhân tình, về tình cảm, tình người dành cho nhau.
Ở đây, lời thơ tha thiết nhẹ nhàng với một thái độ bình tĩnh và tự tin hơn, cái nhìn nhân sinh khoan hòa và nhân ái.
Mỗi bài thơ là một cuộc đời, một thân phận, dù riêng biệt nhưng lại liên quan hòa quyện trong cuộc sống chung với sự ứng xử cá nhân với cá nhân, cá nhân với cộng đồng. Mỗi bài thơ còn như một lời nhắn nhủ dặn lòng với chính bản thân mình. Hãy yêu nhau mà sống, hãy bình tâm mà sống. Bởi, cuộc đời này, cuộc sống này ngắn lắm, chẳng biết lúc nào mình sẽ ra đi, hãy sống làm sao đễ cho sự ra đi nhẹ nhàng như hơi thở.
Đừng quá sân si, đừng quá so đo. Hãy thản nhiên như những gì sẽ đến, phải đến. Bình tâm đón nhận và nghĩ về ngày mai tươi đẹp. Nghĩ về lúc nghỉ hưu nó cũng nhẹ nhàng thôi, đừng tiếc nữa, tham nữa làm gì. Tôi tâm đắc với thái độ thế này:
“Khóa đã rút chìa, cửa đã đóng xong rồi
Ngày mai mở cửa này sẽ là bàn tay khác
Anh mỉm cười ngắm ráng chiều dần tắt
Đợi những bình minh lộng lẫy của riêng mình.”
(Tặng một người bạn vong niên nghỉ hưu)
Thế đấy, hãy bình tâm và gắng với chính mình, gắng để cho trọn vẹn, gắng để được có những niềm vui sống, không sân hận âu lo.
Như đã nói ở trên, thơ Nguyễn Thúy Quỳnh không láng mượt ngôn từ, không rườm rà, hoa mỹ. Thơ Nguyễn Thúy Quỳnh căn cơ, thẳng thắn, định nói cái gì là câu chữ đi thẳng vấn đề. Thơ chị đọc không vần điệu dễ thuộc nhưng lại khiến người ta nhớ được, ít nhất là nhớ được bài thơ ấy nói cái gì, nhắn gửi cái gì.
Lạ thế mà hay thế, cách thức thủ pháp dẫn dụ làm cho người ta không thể bỏ dở bài thơ, đã đọc vào vài câu là phải đọc hết bài, đã đọc vài bài là phải đọc cả tập. Tưởng như cứng nhắc, tưởng như khô khan, thế mà lại phiêu không tưởng.
Tuyệt nữa là, dù đã ở vào cái tuổi đời mênh mông lên bà ngoại, thế mà giọng điệu, ngôn ngữ thơ Quỳnh vẫn mới mẻ, tối giản để đạt hiệu quả cao nhất. Giọng thơ ấy, ngôn ngữ ấy chính là ngôn ngữ và nghệ thuật thi ca hiện đại.
Trịnh Đình Nghi
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...