Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
10:28 (GMT +7)

Nho gia Việt Nam với một số chân dung tự họa

VNTN - Trong lịch sử đằng đẵng mười thế kỷ của văn chương Việt Nam trung đại, mà bộ phận cấu thành lớn nhất, quan trọng nhất xét về mặt loại hình tác giả, là văn chương nhà nho, lúc nào cũng dư thừa loại tác phẩm mang trong tiêu đề những cụm từ như “Cảm hoài”, “Thuật hoài”, “Ngôn hoài”, “Hữu cảm”, “Mạn hứng” v.v... Điều đó cho thấy ở nhà nho luôn thường trực nhu cầu được tự bộc lộ, tự trình hiện diện mạo tinh thần của mình qua tác phẩm nghệ thuật ngôn từ. Nhưng cần chú ý đến một thực tế: trước hậu bán thế kỷ XVIII, đại đa số các diện mạo tinh thần mang tính chất tự bộc lộ, tự trình hiện đó chỉ là những chân dung cảm xúc - đạo lý của tác giả nhà nho. Và, tuy có thể rất khác nhau về bối cảnh, về những sự kiện cụ thể gây cảm hứng sáng tác cho mỗi người, song chân dung cảm xúc - đạo lý mà nhà nho vẽ ra qua các tác phẩm văn chương thì lại thường giống nhau một cách đáng ngạc nhiên. Có lẽ phải đến cuối thế kỷ XVIII, với sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của dòng văn học vẫn được định danh là “nhân đạo chủ nghĩa”, thì sự tự bộc lộ, tự trình hiện diện mạo tinh thần qua văn chương của tác giả nhà nho mới trở nên đa dạng và được cá tính hóa “đến độ”. Chân dung từ lúc này không chỉ là chân dung cảm xúc - đạo lý nữa, mà nó còn là, và chủ yếu là, chân dung của những cảm xúc ngoài đạo lý, những khát khao, những hoài vọng, những tâm sự buồn vui ngọt đắng mang đậm tính chất cá nhân, cá thể và gắn chặt với những hoàn cảnh rất cụ thể. Tôi gọi đó là những chân dung tự họa của nhà nho.

Trước hết là chân dung tự họa của Phạm Thái (1777-1813), người sớm nổi tiếng là phong lưu danh sỹ trong giới nhà nho Bắc Hà, người đã tận lực chống chọi với Tây Sơn để mưu việc khôi phục cơ nghiệp cho Lê triều, nhưng rốt cuộc lại phải đắng lòng chấp nhận đế quyền của Nguyễn triều trên toàn bộ lãnh thổ. Ông để lại hai bài thơ Tự thuật.

Bài 1:

Có ai muốn biết tuổi tên gì

Vừa chẵn ba mươi gọi chú Lỳ

Năm bảy bài thơ gầy gối hạc

Một vài đứa trẻ béo răng nghê

Tranh vờn sơn thủy

màu nhem nhuốc

Bầu dốc kiền khôn, giọng bét be

Miễn được ngày nào

cho sướng kiếp

Sống thì nuôi lấy, chết chôn đi.

Và bài 2:

Năm bảy năm nay những loạn ly

Cũng thì duyên phận cũng thì thì

Ba mươi tuổi lẻ là bao nả

Năm sáu đời vua

khéo chóng ghê

Một tập thơ dầy

ngâm sang sảng

Vài nai rượu kếch nốc tỳ tỳ

Chết về Tiên, Bụt cho xong kiếp

Đù ỏa trần gian sống mãi chi.

Phạm Thái viết hai bài này trong khoảng 1807- 1813, sáu năm cuối đời, cũng là lúc triều Nguyễn về cơ bản đã ổn định quyền lực thống trị của mình và mọi mưu đồ chống đối tân triều đã tỏ rõ là sẽ chẳng đi đến đâu. Vì thế, hai bài Tự thuật của Phạm Thái chính là bản tính sổ một cuộc đời, một cuộc đời gói gọn trong hai chữ “thất bại”: chí lớn tan tành, tình duyên lỡ dở, chuỗi ngày còn lại chỉ là chuỗi ngày sống thừa. Chân dung tự họa của ông, có thể nói, là chân dung của một cuồng nho “đã không biết sống làm vui”, không chút thiết sống, và đang dìm sự phẫn chí, nỗi chán chường, sự bất cần đời trong men rượu để chờ ngày đoạn kiếp. Hình tượng nhân vật “nghịch phách” kiểu này ít thấy trong văn chương nhà nho trước đó, và phải rất lâu về sau, trong phong trào Thơ Mới, nó mới tìm được một truyền nhân xứng đáng: Vũ Hoàng Chương, tác giả của “Thơ say”.

Nhưng nếu kể về sự dụng công trong việc vẽ nên chân dung tự họa, phải là hai tác giả nhà nho quan trọng vào bậc nhất của văn chương Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX: Nguyễn Công Trứ (1778- 1858) với “Hàn nho phong vị phú” và Cao Bá Quát (1809-1854) với “Tài tử đa cùng phú”. Hai bài phú Nôm xuất sắc này cùng mở ra trước mắt người đọc cảnh nghèo của nhà nho, hay nói cách khác, hai bức chân dung tự họa ở đây là hai bức chân dung hàn sỹ. Song mỗi chân dung lại được tạo thành từ những nét bút rất khác nhau.

Nhà nho xứ Nghệ Nguyễn Công Trứ thì hý họa:

“Ngày ba bữa vỗ bụng rau bịch bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no/ Đêm năm canh an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ/ Ấm trà góp lá bàng lá vối, pha mùi chát chát chua chua/ Miếng trầu têm vỏ mận vỏ đà, buồn miệng nhai nhai nhổ nhổ/ Áo vải thô nặng trịch, lạnh làm mền, nực làm gối, bốn mùa thay đổi bấy nhiêu/ Khăn lau giắt đỏ lòm, trải làm chiếu, vận làm quần, một bộ ăn chơi quá thú”.

Ông đùa bỡn với cái nghèo, đùa bỡn trong cảnh nghèo, ra chiều phong lưu sướng khoái với nếp sinh hoạt của kẻ khó:

“Đỡ mồ hôi võng lác, quạt mo/ Chống hơi đất dép da, guốc gỗ/ Miếng ăn sẵn cà non mướp luộc, ngon khéo là ngon/ Đồ chơi nhiều quạt sậy điếu tre, của đâu những của”.

Gặp những tình huống đầy “nguy kịch” như kiểu “con khóc đòi ăn, chủ nợ réo tiền”, tuy có khiến ông phải “vò đầu bứt tai” mà nghĩ ra trăm phương nghìn kế để vượt qua: làm thầy thuốc, thầy cúng, thầy bói, thầy địa lý, đi buôn, đánh bạc… song Nguyễn Công Trứ vẫn có thể đùa bỡn được:

“Mất việc toan giở nghề cơ tắc, tủi con nhà mà hổ mặt anh em/ Túng đường mong quyết chí cùng tư, e phép nước nên chưa gan sừng sỏ”

(Đói ăn vụng, túng làm liều, lối thoát khá thường thấy ở thế nhân ấy có thực là ý nghĩ đã lướt qua đầu nhà nho Nguyễn Công Trứ, hay chỉ là cái cớ để ông cất tiếng cười xua tan sự đè nặng u ám của cảnh nghèo?).

Và cuối cùng, kết bài, Nguyễn Công Trứ đã hoàn thiện bức chân dung hàn sỹ của mình bằng một chấm phá - phản đề rất đậm chất AQ:

“Khó bởi tại trời, giàu là cái số/ Dầu ai ruộng sâu trâu nái, đụn lúa kho tiền, cũng bất quá thủ tài chi lỗ”.

Kẻ giàu có chẳng qua chỉ là tên giặc giữ của mà thôi, không được tích sự gì!

Nguyễn Công Trứ viết “Hàn nho phong vị phú” khi ông chưa tham chính. Còn sau đó, như mọi người đều biết, ông sống cuộc đời của một mệnh quan triều Nguyễn, hoạn lộ tuy có lúc thăng lúc trầm song nhìn về toàn cục thì quả thực là hiển hách.

Cao Bá Quát lại khác. Danh tiếng nổi như cồn, hoài bão không nhỏ, nhưng chung cuộc thì ông cũng chỉ hiện thực hóa được những khát vọng của mình ở mức cực hạn. Vì thế, “Tài tử đa cùng phú” của ông có lẽ không nên chỉ đọc như bài phú về một chặng của cuộc đời, mà là bài phú về một đời “tài tử đa cùng”. Cao Bá Quát tự tín sâu sắc về phẩm chất tài tử của mình, ông không tiếc bút mực để tự họa một chân dung với kích thước tài năng và ý chí vượt ngưỡng:

“Nghiêng cánh nhạn tếch mái rừng Nhan Khổng, chí xông pha nào quản chông gai/ Cựa đuôi kình toan vượt bể Trình Chu, tài bay nhảy ngại chi lao khổ/ Lắc bầu rượu dốc nghiêng non nước xuống, chén tiếu đàm mời mọc trích tiên/ Hóng túi thơ nong hết gió trăng vào, cơn xướng họa thì thầm lão Đỗ/ Tươi nét mặt thư sinh lồ lộ, bưng mắt trần toan đạp cửa phù đồ/ Rửa buồng gan du tử nhơn nhơn, giương tay Tạo rắp xoay cơn khí số”.

Sống trong cảnh nghèo, song Cao Bá Quát không ứng xử với cái nghèo theo lối bỡn cợt như Nguyễn Công Trứ. Ông khá “nghiêm trang” với nó. Dường như ông coi sự “đa cùng” là định mệnh của người tài tử, và mặt khác, là một thứ trang sức cao giá. Bởi thế, người hàn sỹ Cao Bá Quát mới có thể tự so sánh mình với những danh nhân nức tiếng trong Bắc sử, như Bá Di, như Lã Vọng: “Đói rau rừng, thấy thóc Chu mà trả, đá Thú Dương chơm chởm, xanh mắt Di nằm tót ngáy o o/ Khát nước sông, trông dòng đục không vơ, phao Vị Thủy lênh đênh, bạc đầu Lã ngồi dai ho lụ khụ”.

Bởi thế, ông mới có thể kiêu ngạo coi rẻ lối tiến thân cầu phú thông thường của người đời: “Ngán nhẽ kẻ tham bề khóa lợi, mũ cánh chuồn đội trên mái tóc, nghiêng mình đứng trực chốn hầu môn/ Quản bao người mang cái giàm danh, áo giới lân trùm dưới cơ phu, mỏi gối quỳ mòn sân tướng phủ/ Khéo ứng thù những các quan trên/ Xin bái ngảnh cùng anh phường phố”. Một chân dung như thế này có lẽ đã ít nhiều báo trước cái kết cục bi thảm của Cao Bá Quát: thời Nguyễn, với sự xiết chặt của một chính quyền chuyên chế đầy sức mạnh, không phải thời để những kẻ mang tư tưởng “nổi loạn” có thể làm nên chuyện.

Tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp (1858) đã chính thức khai diễn một trường đoạn đen tối đau thương nhất trong lịch sử dân tộc. Đồng thời, nó cũng là tác nhân khách quan làm nảy sinh trong Nho lâm Việt Nam một mẫu nhân cách văn hóa mới, từ trước chưa từng có, đó là người hào kiệt tự nhiệm (chữ của cố Giáo sư Trần Đình Hượu). Một trong những đại diện tiêu biểu cho mẫu nhân cách này là Sào Nam Phan Bội Châu, người chủ trương đấu tranh yêu nước theo lối “thiết huyết” (sắt và máu - tức là sử dụng bạo lực cách mạng), cha đẻ của phong trào Đông du. Trước khi xuất dương sang Nhật cầu viện, cầu học, Phan Bội Châu đã sáng tác nhiều tác phẩm nhằm tuyên truyền, giải thích, kêu gọi và tập hợp các tầng lớp nhân dân. Trong số các tác phẩm nổi tiếng nhất thời điểm đó của ông có bài thơ được coi là khẩu chiếm trước lúc lên đường: “Xuất dương lưu biệt”. Bài thơ như sau:

Đính thiên lập địa hảo nam nhi

Khẳng khứa càn khôn

tự chuyển di

Ư bách niên trung tu hữu ngã

Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy

Giang sơn tử hỹ sinh đồ nhuế

Hiền thánh liêu nhiên

tụng diệc si

Nguyện trục trường phong

Đông hải khứ

Côn ba kình lãng nhất tề phi.

Chương Thâu dịch:

Đội trời đạp đất đấng làm trai

Há để càn khôn tự chuyển dời

Trong khoảng trăm năm

cần có tớ

Rồi sau ngàn thuở há không ai

Non sông đã chết, sống vô ích

Hiền thánh vời xa, đọc uổng hơi

Cưỡi gió biển Đông

xuôi thẳng nẻo

Côn kình vỗ sóng cuộn trào sôi.

Hình tượng nhân vật trung tâm, mà cũng là chân dung tự họa của nhà chí sỹ Phan Bội Châu trong bài thơ này là người hào kiệt tự nhiệm. Hào kiệt, bởi sự khẳng định mạnh mẽ của chủ thể trữ tình về tầm vóc nhân cách và vị thế tồn tại của mình: trên trục không gian, nhân cách ấy được đo bằng thiên địa - càn khôn; trên trục thời gian, nhân cách ấy được đo bằng “trăm năm này - ngàn năm sau”. Tự nhiệm, bởi người hào kiệt tự thấy mình phải có trách nhiệm trước nước nhà đang trong cảnh nguy biến, mà đây là trách nhiệm trực tiếp, không qua một đại diện trung gian là ngôi vua chuyên chế như trong truyền thống. Khi Phan Bội Châu viết “Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si”, thì không phải ông phủ nhận hiền thánh, mà là phủ nhận một con đường hình thành nhân cách đã trở nên lỗi thời của nhà nho. Bằng những nét bút “đại thảo” đầy hào sảng, Phan Bội Châu đã tự họa chân dung một nhà yêu nước sục sôi, một con người hành động quyết liệt, và đó là điểm khiến ông trở thành cực nam châm hấp dẫn, lôi cuốn được một bộ phận không nhỏ giới sỹ phu Việt Nam đương thời đi theo con đường của mình.

Tự họa, tự bộc lộ, tự thể hiện con người tinh thần của mình qua tác phẩm văn chương, xét cho cùng, là nhu cầu nội tại của người sáng tác. Nhưng chắc chắn là chỉ những ai có ý thức mạnh mẽ về mình như một cá thể đơn trị, không lặp lại ở những cá thể khác, thì những bức chân dung tự họa mới có cơ trở nên là những bức chân dung sắc nét, tạo được sức hấp dẫn, trước hết, bởi sự khác biệt. Điều đó không chỉ đúng với các tác giả nhà nho, loại hình tác giả văn chương vốn dĩ phải chịu quá nhiều ràng buộc về mặt mỹ học, mà nó đúng với ngay cả các tác giả hiện đại. Trên phương diện này, văn chương có lẽ là hệ thống sàng lọc khắc nghiệt vào bậc nhất: nó không chấp nhận những gì xam xám, mờ mờ!.

Hoài Nam

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy