Nhìn lại ngày tổng tuyển cử đầu tiên
hững người làm cách mạng do Hồ Chí Minh đứng đầu đã nghĩ ngay đến việc phải tổ chức tổng tuyển cử. Cuộc tổng tuyển cử được tổ chức rất khẩn trương và trong tình hình khá căng thẳng vì bị các thế lực phản động chống phá. Tuy nhiên nó đã thành công tốt đẹp. Những người dân lần đầu tiên được hưởng quyền dân chủ trong bầu cử đã nhiệt liệt hưởng ứng cuộc tổng tuyển cử này.
Ngày 5/1/1946, trong buổi lễ ra mắt ứng cử viên tổ chức tại Việt Nam học xá, hướng về các cử tri, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: "Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện quyền dân chủ ấy". Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu: "Ngày mai là một ngày đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ", “là ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu tận dụng, hưởng quyền dân chủ của mình... Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: Về mặt trận quân sự, thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn". Vì thế mà: "Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do"
Hưởng ứng lời hiệu triệu thiêng liêng của Hồ Chủ tịch, ngày 6/1/1946, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta từ Bắc chí Nam, trên khắp mọi miền của Tổ quốc đã nô nức tham gia bầu cử, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các thế lực xâm lược và chống đối. Trong những vùng bị địch tạm chiếm đóng, nhân dân tập trung bỏ phiếu, quân Pháp kéo đến khủng bố, nhân dân phải mang thùng phiếu chạy đến một nơi khác và tiếp tục bỏ phiếu. Theo như Hồi ức của ông Nguyễn Thiện Ngữ, đại biểu Quốc hội khoá I trong bài Dân chủ quá mới mẻ (Báo Tuổi Trẻ điện tử, ngày 7/01/2006), ở xã Mỹ Hòa tỉnh Cần Thơ, trong ngày bầu cử, nhân dân phải di chuyển 4 lần đến 4 địa điểm khác nhau. Hay như ở Buôn Krong tỉnh Đắk Lắk, nhân dân tập trung ở nhà già làng để bỏ phiếu, địch tới bao vây, nhân dân chạy sâu vào rừng, địch lại tấn công vào rừng, nhân dân đi sâu vào khe suối, mang theo cả gạo ăn để bỏ phiếu. Ở tỉnh Phú Thọ, có cụ già hơn 80 tuổi đi bộ từ sáng đến tối, vượt qua cả cánh rừng để đến điểm bầu. Khi đến nơi cụ xòe tay ra, tờ thẻ cử tri nhàu nát vì cụ giữ nó quá chặt. Ở nhiều nơi, sau khi công khai kiểm tra thùng phiếu, hàng loạt thùng phiếu được khoan lỗ để bắt vít dính chặt xuống mặt bàn nhằm bảo vệ thùng phiếu, đề phòng kẻ gian cướp thùng phiếu. Trong cuộc Tổng tuyển cử này đã có không ít những lá phiếu nhuốm máu cả người đi bầu, cả người tổ chức bầu cử. Ở Nha Trang, Mỹ Tho, Cần Thơ, Tân An, Tây Nguyên... quân đội Pháp đã ném bom, bắn phá, làm một số người chết và bị thương. Chỉ riêng ở Sài Gòn - Chợ Lớn đã có 42 cán bộ chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ Tổng tuyển cử.
Từ trước đến nay, thật hiếm có cuộc bầu cử nào lại diễn ra như cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 ở nước ta. Nó đã thành công trên phạm vi cả nước, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của bọn phản động ở phía Bắc và cuộc xâm lăng tàn bạo của thực dân Pháp ở phía Nam. Tính chung cả nước, số cử tri tham gia bỏ phiếu là 89%, trong khi đó theo quy định của Điều 56 SL số 51 về Thể lệ Tổng tuyển cử, chỉ cần một phần tư (1/4) số cử tri có quyền bầu cử đi bầu thì cuộc bầu cử đã có giá trị. Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu, trong đó 57% số đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước và cách mạng khác nhau, 43% không đảng phái, 10 đại biểu nữ, 34 đại biểu các dân tộc thiểu số.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6/1/1946 đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước ta. Người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ của kiếp tôi đòi đã trở thành "chủ nhân ông" một nước tự do độc lập, đã khẳng định với thế giới rằng: nhân dân Việt Nam quyết tâm bảo vệ nền độc lập, có quyền và đã thực sự có đủ khả năng để tự quyết định vận mệnh lịch sử của mình, tự lựa chọn và dựng xây chế độ.
69 năm trôi qua, Quốc hội Việt Nam đến nay đã tiến hành 13 cuộc bầu cử. Quốc hội - đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân cả nước, đã xây dựng và thông qua 5 bản Hiến pháp: Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nhà nước kiểu mới; Hiến pháp năm 1959 - Hiến pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà; Hiến pháp năm 1980 - Hiến pháp của chế độ làm chủ tập thể, cả nước thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội; Hiến pháp năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Và năm 2013, tại kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XIII đã thông qua bản Hiến pháp gồm 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992), có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Hiến pháp (sửa đổi) đã quy định bao quát hầu hết các quyền cơ bản về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa của con người. Bản Hiến pháp sửa đổi đều hướng tới nhân dân, đảm bảo quyền và lợi ích của nhân dân, đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước để phục vụ nhân dân tốt hơn, bước đầu xây dựng cơ chế nhằm giảm tham ô, nhũng nhiễu người dân, đảm bảo quyền dân chủ của nhân dân được thực hiện một cách thực chất hơn trong thực tế.
Số lượng các văn bản luật, pháp lệnh do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày càng tăng, với chất lượng ngày càng được nâng lên. Cụ thể, nếu Quốc hội khóa IX (1992 - 1997) ban hành được 41 luật, bộ luật và 43 pháp lệnh; Quốc hội khóa X (1997 - 2002) ban hành được 34 luật, bộ luật và 40 pháp lệnh thì với việc thực hiện các quy định mới qua sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp năm 1992 (năm 2001) và việc cải tiến mạnh mẽ quy trình xem xét, thông qua luật, Quốc hội khóa XI (2002 - 2007) đã thông qua 84 luật, bộ luật (đạt kỷ lục, hơn gấp đôi các khóa trước), trong đó có những đạo luật lần đầu tiên ban hành ở Việt Nam, như Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Thủy sản, Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế. Trong nhiệm kỳ rút ngắn, chỉ gần 4 năm, nhưng Quốc hội khóa XII (2007 - 2011) cũng đã thông qua được 67 luật, bộ luật và 14 pháp lệnh. Trong nửa đầu nhiệm kỳ khóa XIII (từ năm 2011 đến tháng 9-2013). Tại kỳ họp thứ 7 và 8 năm 2014 Quốc hội khóa XIII đã thông qua 29 Luật, 17 Nghị quyết.
Cùng với hoạt động lập pháp, Quốc hội ngày càng chú trọng và chủ động hơn trong việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, về tổ chức bộ máy nhà nước, về nhân sự, về kinh tế - xã hội, đối ngoại… Hoạt động giám sát của Quốc hội cũng đã được triển khai tích cực, có sự đổi mới cả về nội dung và hình thức giám sát.
Để thực hiện quyền lập hiến, lập pháp và mối quan hệ giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, tại Điều 69 Hiến Pháp năm 2013 một lần nữa quy định: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”.
Nguyễn Thanh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...