Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
12:38 (GMT +7)

Nhàn đàm về… Hợi

VNTN - Trong mười hai con vật của hệ can chi, lợn là con vật đứng ở vị trí cuối cùng và nó là một trong những con vật gần gũi nhất với đời sống của người Việt. Bên thềm năm mới Kỷ Hợi, xin được cùng bàn về những câu chuyện xoay quanh chú lợn cũng như hình ảnh con vật này trong văn chương.

1. Về mặt tên gọi, trong tiếng Việt, ngoài cái tên phổ biến nhất là “lợn”, thì nó còn được gọi là “heo”. Ban đầu, “heo” là cách gọi của người miền Nam, thuộc phương ngữ Nam Bộ. Dần dần, có cuộc chuyển di phương ngữ theo hướng từ Nam ra Bắc, khiến chữ “heo” dần được sử dụng một cách rộng rãi và phổ biến hơn, bình đẳng và song song với “lợn” trên các phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí đôi khi có phần lấn át vì từ “heo” dường như mang âm điệu sắc thái nhẹ nhàng hơn (mang thanh không, đi kèm sự xuất hiện của một nguyên âm và một bán nguyên âm), không nặng nề như “lợn” (các câu chửi thường dùng “lợn” chứ không dùng “heo”).

Lợn rừng. (Tranh Nguyễn Lộc)

Bên cạnh hai cái tên lợn - heo, khi gọi tên ngày tháng theo hệ can chi thì người ta dùng chữ “hợi”, và còn một cách gọi nữa ít được sử dụng hơn nhưng vẫn tồn tại, đó là “trư”. Trư đã có sự hiện diện trong kho tàng thành ngữ tục ngữ:

Dưỡng nam bất giáo như dưỡng lư

Dưỡng nữ bất giáo như dưỡng trư

(Nuôi con trai mà không dạy

như nuôi con lừa

Nuôi con gái mà không dạy

như nuôi con lợn).

Tả về con lợn, người ta hay dùng các từ mang tính chất mô phỏng âm thanh như: khụt khịt, ụt ịt, ủn ỉn…

2. Trong nguồn ngữ liệu dân gian, hình ảnh con lợn xuất hiện một cách phổ biến và rộng khắp từ tục ngữ, thành ngữ cho tới ca dao, câu đố. Trước tiên, lợn được miêu tả gắn với đời sống lao động ở nông thôn, có thể diễn tả những kinh nghiệm sản xuất, hoặc nhận xét, khuyên răn: Lợn nhà gà chợ, Giàu lợn nái lãi gà con, Bí phân trâu bầu phân lợn, Nuôi lợn ăn cơm nằm nuôi tằm ăn cơm đứng.v.v... Lợn có khi xuất hiện một cách gián tiếp qua hành động băm bèo, gắn với cuộc sống của người bình dân còn nhiều khó khăn, vất vả:

Bởi chưng bác mẹ em nghèo

Cho nên em phải băm bèo thái khoai.

Lợn có khi hiện lên trong những bức tranh sinh hoạt đời thường, gắn với sự tần tảo thu vén của người phụ nữ, pha chút hài hước trào lộng:

Đang cơn lửa tắt cơm sôi

Lợn kêu con khóc chồng đòi tòm tem

Bây giờ lửa đã nhóm lên

Lợn no con nín tòm tem thì tòm.

Chất hài hước nhiều khi chỉ đơn thuần mang tính giải trí, vui đùa chứ không cần ngụ ý gì đặc biệt:

Ba bà đi bán lợn con

Bán đi chẳng được lon ton chạy về

Ba bà đi bán lợn sề

Bán đi chẳng được chạy về lon ton.

Lợn trong đời sống người Việt xưa kia cũng là một thước đo về tài sản, về sự giàu nghèo, là điều kiện tất yếu để lấy được vợ (phải có con lợn để làm cỗ hoặc nộp cheo cho làng):

Cô kia đi chợ Hà Đông

Để anh kết nghĩa vợ chồng cùng đi

Anh đi chưa biết mua gì

Hay mua con lợn phòng khi cheo làng.

Hoặc:

Anh là con trai nhà nghèo

Nàng mà thách thế anh liều anh lo

Cưới em anh nghĩ cũng lo

Con lợn chẳng có, con bò thì không.

Như vậy, ngoài con lợn để làm cỗ, lợn để nộp cheo cho làng thì rất có thể một trong những phần quà thách cưới của nhà gái cũng là con lợn:

Mẹ em tham thúng xôi dền

Tham con lợn béo tham tiền Cảnh Hưng.

Lợn còn đi vào cả những bài học về ứng xử trong gia đình, giữa nàng dâu và bố mẹ chồng:

Bố chồng là lông con lợn

Mẹ chồng là tượng mới tô

Nàng dâu mới về là bồ chịu chửi.

Ăn miếng thịt mà còn sót lông thì thực sự là khó chịu, thế mà vẫn phải chịu, ấy là sự nhẫn nại nhẫn nhịn của phận làm dâu khi mới về nhà chồng…

Sau cùng, lợn trong kho tàng dân gian nhất định phải gắn với chuyện ẩm thực, giống như làm các món về thịt lợn đừng quên chuẩn bị hành:

Con gà cục tác lá chanh

Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi.

Người Việt không chỉ thích ăn thịt lợn mà còn rất khoái lòng lợn, thường đi kèm với tiết canh và cháo lòng:

Trông mặt mà bắt hình dong

Con lợn có béo thì lòng mới ngon.

Điều này cho đến đời sống hiện đại hôm nay vẫn được thể hiện:

Sáng nay bao tử mơ mòng

Cà phê bên nọ cháo lòng bên kia.

Lòng lợn còn đi cả vào câu thơ vắt dòng theo phong cách Bút Tre:

Buồn ra quán gọi đĩa lòng

Lợn ngồi chễm chệ xơi xong rồi về.

Khi bàn về câu chuyện ăn lòng lợn, tồn tại song song cả hai quan điểm: chê lòng lợn là mất vệ sinh và thưởng thức lòng lợn như một khoái khẩu kỳ thú. Hai quan điểm này dẫn tới hai biến thể của cùng một câu tục ngữ: Thứ nhất phạm phòng thứ nhì lòng lợn (việc ân ái tình dục không đúng cách nguy hiểm chẳng khác gì ăn lòng lợn) và Thứ nhất động phòng thứ nhì lòng lợn (chuyện ăn lòng lợn cũng sung sướng như chuyện ái ân nam nữ).

3. Không chỉ đi vào thơ ca dân gian, hình ảnh con lợn còn đi cả vào thi ca bác học với không ít những câu thơ nổi tiếng, nằm trong những bài thơ nổi tiếng của các tác giả tên tuổi trong nền văn học Việt Nam hiện đại.

Thi sĩ Nguyễn Bính, người được mệnh danh nhà thơ chân quê đã đưa lợn một cách rất tự nhiên vào câu lục bát, lại tả được về tâm trạng buồn nhớ nuối tiếc của chàng trai khi cô gái nhà bên đi lấy chồng, để lại một không gian trống trải hoang vắng bơ vơ:

Lợn không nuôi đặc ao bèo

Trầu không dây chẳng buồn leo vào giàn

Giếng thơi mưa ngập nước tràn

Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều

(Qua nhà)

Lợn còn đi vào một vài bài thơ khác của Nguyễn Bính gắn với không khí miêu tả ngày Tết:

Nuôi hai con lợn tự ngày xưa

Mẹ tôi đã tính: “Tết thì vừa”

(…)

Giết lợn, đồ xôi, lại giết gà

Cỗ bàn xong cả từ hôm qua

(Tết của mẹ tôi)

Sau Nguyễn Bính, lợn đi vào bài thơ nổi tiếng của thi sĩ Hoàng Cầm - Bên kia sông Đuống (1948) như một nét đẹp của văn hóa dân gian, với những bức tranh Đông Hồ gợi sự no ấm sung túc:

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp.

Sau Hoàng Cầm, nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa cũng đưa được lợn vào câu lục bát khi tạo ra liên tưởng so sánh thú vị bất ngờ:

Thân dừa bạc phếch tháng năm

Quả dừa, đàn lợn con nằm trên cao

(Cây dừa)

Thế nhưng, lợn xuất hiện với tính chất chi tiết của một bài thơ thì không khó tìm, mà lợn trở thành đề tài chủ đạo để làm nên hẳn một bài thơ độc lập thì lại rất hiếm hoi. Năm Hợi của Lê Kim Giao là một trong những của hiếm ấy, có thể coi là một bài thơ độc đáo, nhuần nhuyễn hòa quyện giữa chất dân gian và chất hiện đại, vừa vui đấy mà vẫn man mác chút u hoài trong những câu kết:

Theo sau thím Tuất dáng thong dong

Ủn ỉn quanh năm chốn hậu phòng

Tấm cám đã cam tình nước lửa

Bèo rau đâu quản tiết thu đông

Ngại quyền tránh kẻ tìm khoanh cổ

Ngóng bạn mời ai nếm tấc lòng

Tranh Tết tươi cười xanh lộn đỏ

Gặp Xuân là hết kiếp long đong…

4. Nói về lợn còn phải nhắc đến những câu chuyện, giai thoại, nhân vật, để lại không ít những bài học đáng suy nghĩ cho hậu thế. Trong kho tàng truyện trạng Việt Nam, Trạng Lợn là một trong những seri chuyện tiếu lâm gắn với tên tuổi Dương Đình Chung, một nhân vật có thật, tương truyền sống vào đời vua Lê Thánh Tông, quê ở làng Dừa, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Những giai thoại về Trạng Quỳnh cũng có vế đối độc đáo liên quan đến lợn khi đáp lại ông Tú Cát: Lợn cấn ăn cám tốn - Chó khôn chớ cắn càn.

Trong sử Trung Quốc, giai thoại Hàn Tín chui qua háng gã bán thịt lợn trở thành một bài học về sự nhẫn nại, nhịn nhục để mưu đồ nghiệp lớn. Những nhân vật bán thịt lợn còn xuất hiện rải rác trong nhiều tiểu thuyết chương hồi cổ điển khác, chẳng hạn nhân vật Trịnh Đồ (sau bị Lỗ Trí Thâm đánh chết) trong Thủy Hử của Thi Nại Am.

Còn trong kho tàng truyện cổ tích của người Việt, nhắc đến nhân vật người bán thịt lợn không thể không nhớ tới câu chuyện Sự tích cây huyết dụ, được Nguyễn Đổng Chi kể lại trong bộ tuyển tập truyện cổ nổi tiếng của ông. Truyện kể về một người đồ tể hàng sáng tỉnh dậy đi mổ lợn theo tiếng chuông chùa của sư ông. Bỗng một ngày sư ông nằm mộng thấy một người phụ nữ chắp tay cầu xin đánh chuông chậm lại. Vậy là bác đồ tể dậy muộn hơn mọi ngày, bị lỡ mất buổi chợ, nhưng lại đầy bất ngờ khi thấy con lợn nhà mình đẻ ra năm chú lợn con. Xúc động về việc đã giết hại nhiều sinh linh, bác đồ tể cầm cả con dao bầu sang bộc bạch với sư cụ. Con dao cắm xuống sân, bỗng biến thành một loại cây có lá đỏ như máu và nhọn như lưỡi dao bầu, đó chính là cây huyết dụ. Như vậy, một câu chuyện mổ lợn cũng có khả năng đánh thức, khơi gợi tính thiện trong mỗi con người.

*

Lan man chuyện Hợi trong kho tàng dân gian, đời sống sinh hoạt và thi ca của người Việt, ta thấy được sự phong phú, thú vị của ngôn ngữ cũng như văn hóa, cùng những bài học, những lời khuyên không ít sâu xa…

Đỗ Anh Vũ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy