Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
23:39 (GMT +7)

Nhân 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2015): Bác Hồ duyệt bài của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

VNTN- Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong hàng chục vị tướng nổi tiếng trên thế giới. Không những thế, ông còn là một nhà báo chuyên nghiệp, tham gia viết báo từ năm 1927. Khi ấy mới 16 tuổi, đang học ở trường Quốc học Huế, ông đã viết bài báo đầu tiên bằng tiếng Pháp có tựa đề: “Ă basle tynaleau de Quốc học” có nghĩa là: “Đả đảo tên tiểu bạo chúa Quốc học” gửi đăng tờ L'Arnam xuất bản ở Sài Gòn đòi thả cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Châu Trinh. Sau đó ông vào làm tại nhà xuất bản Quan hải Tùng thư do giáo sư Đào Duy Anh sáng lập, rồi làm biên tập viên báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Thời kỳ làm báo Tiếng Dân ở Huế, ông đã viết 27 bài báo trên 36 số đủ các thể loại: tin tức, bình luận chính trị, bình luận kinh tế, chuyên mục “Thế thời Thời đàm”. Sau khi bị tù hơn 1 năm (1930-1931) vì tham gia ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, ông bị chính quyền thực dân cấm viết báo ở Huế và ông ngừng viết 6 năm, rồi lại xuất hiện trên mặt trận báo chí cách mạng. Khi dạy học ở trường Thăng Long (Hà Nội), ông dạy sử cùng với cụ Đặng Thai Mai (sau này là nhạc phụ của Đại tướng) ra tờ Hồn trẻ. Tờ Hồn trẻ ra được 12 số thì bị thực dân Pháp cấm.

Một người có bề dày làm báo như vậy, đến khi gặp Bác Hồ từ nước ngoài về nước đầu năm 1941, Bác chủ trương ra tờ báo Việt Nam độc lập ở Cao Bằng, Bác có phân công ông viết một số bài quan trọng, thế mà ông vẫn bị Bác Hồ tham gia sửa chữa, góp ý. Những sự chỉ bảo của Bác rất chuẩn xác, nên ông vui vẻ chấp nhận. Chuyện này năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác, Đại tướng có kể lại: “Một hôm Bác giao cho tôi viết một bài về vấn đề phụ nữ (bài “Chị em phụ nữ phải đoàn kết lại”, sau khi Bác góp ý đã đăng ở báo Việt Nam Độc lập số 102 ra ngày 01/12/1941), bản thảo lúc đầu dài 2 trang, đọc đi đọc lại tự lấy làm ưng ý, đưa cho Bác xem, Bác xem rất nhanh, gọi tôi đưa lại bài viết và mỉm cười:

- Bài này chỉ cho chú đọc thôi. Ở đây bà con có lẽ không ai hiểu, Bác trả lại chú.

- Bác nói tiếp: “Bây giờ chú chịu khó viết lại, 200 chữ thôi. Báo của ta ít trang, độc giả của ta trình độ văn hóa thấp, có người đọc chưa thông, viết chưa thạo, nhiều người chưa tự đọc báo được mà chỉ nghe người khác đọc. Khi viết nhớ là viết cho ai đọc, viết sao cho người đọc hiểu để mà làm”.

Thế là bài báo gần 1000 chữ, tôi phải rút ngắn đi 5 lần… lại phải viết thế nào để đồng bào ở đây ai nghe, ai đọc cũng hiểu được, một công việc quá là gian khổ, buộc phải cân nhắc từng ý, từng chữ để đạt được yêu cầu của Bác đã đề ra. Cuối cùng bài viết xong tôi phải trao cho tổng biên tập (lúc đó Bác là Tổng biên tập báo Việt Nam độc lập) và nói:

- Tôi đã cố gắng lắm rồi đấy ạ!

Tôi chờ Bác gọi và cho ý kiến. Nhưng lần này Bác lại làm khác. Bác không đọc trực tiếp mà Bác cho mời mấy người xung quanh lại. Đồng chí Dương Đại Lâm, chị Nông Thị Trưng, đồng chí Lộc - anh nuôi…Tất cả ngồi quây quần bên Bác, tôi đọc bài báo mới viết lại, đọc chậm, rành rọt từng câu, từng chữ.

Đọc xong, tôi ngồi đợi ý kiến của chủ tọa, như một người đi thi chờ công bố kết quả. Bác Hồ thân mật hỏi:

- Thế nào, các cô, các chú nghe chú Văn đọc có hiểu không? Mọi người đáp:

- Hiểu ạ!

- Hay không?

- Hay ạ!

Bác hỏi thêm vài câu kiểm tra xem mọi người có hiểu thật không, sau đó Bác cười và nói:

- Bài của chú thế là được.

Thế là bài báo của tôi đã được tổng biên tập thứ nhất là Bác Hồ và tổng biên tập thứ hai là tập thể anh chị em xung quanh duyệt và thông qua. Bài được đăng trên báo Việt Nam độc lập, số như đã dẫn. Qua đây, tôi đã rút ra cho mình một bài học sâu sắc về làm báo, viết báo. Trước hết phải nghĩ đến người đọc và tác dụng của bài viết. (xem bài Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm báo Việt Nam độc lập, tạp chí Nhà báo và Công luận số 5 năm 1990).

Như vậy, dù đã kinh qua nghề làm báo của những năm 30 của thế kỷ trước và đã có 15 năm làm báo mà giữa năm 1941 khi làm báo Việt Nam độc lập, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn phải học tập phong cách làm báo của Bác, với phương châm: Viết phải dễ đọc, dễ hiểu, ngắn gọn. Và đặc biệt là lắng nghe ý kiến “thẩm định” của tập thể. Vì trước đây ở Huế Đại tướng viết cho đối tượng trí thức, dân thành thị, còn khi viết báo Việt Nam độc lập phục vụ đồng bào dân tộc, nông thôn, nông dân thì văn phong phải dễ hiểu, ngắn gọn như Bác đã góp ý với Đại tướng là đúng.

Lê Hồng Thiện

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy