Người tài
VNTN - Hầu như ai cũng biết câu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Đó là câu nói bất hủ của danh sĩ Thân Nhân Trung thời vua Lê Thánh Tông trị vì đất nước (trích trong bài ký Đề tên Tiến sĩ Khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại bảo thứ 3: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp…”)
Vậy, nhưng việc nhận diện và sử dụng hiền tài ra sao thì lại là câu chuyện không hề đơn giản.
Có thể nói, hiện nay ta hết sức yếu kém trong việc phát hiện và sử dụng người tài. Hàng vài chục năm vừa thoát khỏi giai đoạn chủ nghĩa lí lịch và cơ cấu… lại sa ngay vào chủ nghĩa bằng cấp. Có một dạo ở tỉnh N do (vì) cần thu hút những cán bộ giỏi nên đã đưa ra một chính sách đặc biệt, ai có học vị tiến sĩ tình nguyện về công tác ở tỉnh sẽ được nhận một khoản tiền khá lớn và lương bổng cũng được ưu đãi. Nhưng rồi không ít các tiến sĩ xung quân về với tỉnh này đã công tác một cách thiếu hiệu quả, nhiều người còn yếu kém hơn cả những cán bộ bình thường. Bằng cấp có thể cũng là một trong những thước đo của tài năng, nhưng nếu coi bằng cấp là tất cả thì lại là một sai lầm cực lớn. Ngày xưa, Ê- đi- sơn khi đã là một nhà bác học tiếng tăm sang thăm nước Mĩ, được nhiều người phỏng vấn rằng ông tốt nghiệp ở trường đại học nào mà tài năng xuất chúng như vậy. Ê- đi- sơn cười rồi đưa ra một cuốn sổ đã ố vàng. Đó là quyển học bạ thời tiểu học, cũng là quyển học bạ cuối cùng của thời cắp sách đến trường của ông, trong đấy có lời phê của cô giáo đại ý: Ê- đi- sơn là một học trò dốt như một con lợn.
ở ta lại có một thời ưa chuộng, săn đón các thủ khoa. Có thể đây là một ý định tốt. Vậy mà khi ra làm việc, cũng không được mấy thủ khoa thành công trong sự nghiệp. Về việc này xin thêm một ví dụ: Anbe Anhxtanh - nhà vật lí học vĩ đại nhất thế kỉ XX, khi học đại học đã phải cố gắng rất nhiều mới bằng bạn bè và tốt nghiệp ở loại trung bình. Giả sử Axtanh mà ở nước ta chắc là khó xin nổi việc làm. Chỉ dựa vào những biểu hiện bề ngoài để nhận diện người tài cũng rất dễ không chính xác.
Vậy như thế nào mới thực sự được gọi là người tài? Để nhận diện đầy đủ về người tài là một việc rất khó và cần có một quá trình. Nhưng tựu chung, đã là người tài thì phải thực hiện thành công xuất sắc lĩnh vực mình đang quan tâm và phục vụ. Một tiến sĩ có tài thì phải có những công trình khoa học hữu hiệu, giúp ích cho đời sống. Nếu không, dù có tới hai, ba bằng tiến sĩ thì cũng không xứng đáng với danh hiệu người tài. Một nhà văn mà không có những tác phẩm được công chúng đón nhận thì không phải là người tài, dù có là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đi nữa. Về chuyện phân loại tài năng thì giới thể thao có lẽ chính xác hơn các ngành khác. Đơn giản, vận động viên nhảy vượt xà cao hơn ắt sẽ có tài hơn người vượt xà ở mức thấp hơn. Bên thắng phải được định giá cao hơn bên thua.
Tài năng thường có một xu thế không ổn định. Có người vốn tiềm ẩn tài năng nhưng rồi do môi trường sống không thích ứng hoặc do bản tính quá công thần, tự phụ, ích kỉ nên tài năng dần dần thui chột (bởi thế người ta mới dùng khái niệm hiền tài, tức là còn có vấn đề đức độ).
Lại có những người tài năng ban đầu cũng chỉ bình bình nhưng do được khuyến khích động viên nhiều mặt, họ đã tự vượt lên và trở thành những người có tài năng thực sự. Những người có trách nhiệm quản lí xã hội, quản lí đất nước rất cần hiểu rõ điều này. Nếu không, sẽ dễ bỏ phí tài năng, thậm chí thủ tiêu tài năng. Vì vậy, chính những nhà lãnh đạo ở các cấp sẽ là những người góp một phần trong việc tạo ra người tài.
ở mỗi một vùng đất thường luôn có những người tài (đã bộc lộ hoặc còn tiềm ẩn). Cần phải biết cách phát hiện và nuôi dưỡng. Đó chính là tài năng, đạo đức (hiền tài) của các nhà lãnh đạo.
Tìm người tài quả là khó lắm thay. Nhưng người tài cũng lại ở ngay xung quanh mình.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...