Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
23:52 (GMT +7)

Nghiên cứu – phê bình văn học ở Việt Nam thời hội nhập

VNTN - Sau Cách mạng tháng Tám 1945, các nhà nghiên cứu - phê bình văn học Việt Nam bị “cuốn” vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Họ vừa chống xâm lược, vừa phải chống ý thức hệ tư tưởng đối kháng, vì thế nghiên cứu - phê bình (NCPB) thời kì này trở thành “ốc đảo”, chỉ biết có chủ nghĩa Mác, được truyền bá từ Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa mà ít biết về các trào lưu văn hóa, văn học khác. Từ 1986 trở đi, chủ trương đổi mới tư duy kinh tế, văn hóa... được phát động, đường lối văn nghệ của Đảng ngày càng cởi mở thì NCPB văn học Việt Nam hội nhập rộng hơn với thế giới, và do đó dần dần hình thành các khuynh hướng rõ rệt.

1. Các khuynh hướng nghiên cứu - phê bình văn học hiện nay

* Khuynh hướng nghiên cứu - phê bình dưới góc nhìn xã hội học, ý thức hệ

Đặc điểm của khuynh hướng này là vận dụng các nguyên lý mác-xit, duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, coi văn học với hiện thực là phản ánh, văn học là công cụ phục vụ cho chính trị, đấu tranh giai cấp, đấu tranh ý thức hệ..., tất cả những vấn đề đó là cẩm nang của người cầm bút. Sau một thời gian “Đổi mới”, hạn chế của việc đánh giá tác phẩm theo khuynh hướng này đã được thay đổi đáng kể. Văn học được xem là sản phẩm của văn hóa; Chân - Thiện - Mỹ trở thành tiêu chuẩn cơ bản để bình giá giá trị của tác phẩm. Khuynh hướng phê bình xã hội học, ý thức hệ cũng góp phần đánh giá lại di sản văn học dân tộc, qua đó khẳng định lại các thành tựu, truyền thống đấu tranh đáng tự hào, phê phán các tàn dư của xã hội cũ...

Đây là khuynh hướng đóng vai trò trung tâm, chủ lưu, chính thống trong văn học Việt Nam gần ba chục năm nay. Hạn chế của nó là ít chú ý đến hình thức, ít quan tâm đến tác giả, phong cách, cá tính, do đó khó tránh khỏi phiến diện khi đánh giá một tác phẩm, tác giả, một trào lưu văn học...

* Khuynh hướng nghiên cứu - phê bình theo mô hình “lấy nhà văn làm trung tâm”

Khuynh hướng này coi trọng cá tính nhà văn và các giá trị thẩm mỹ khác. Tâm điểm nghiên cứu ở đây là nhà văn và cá tính. Thể loại thưởng sử dụng là chân dung văn học hoặc chân dung mở rộng thành chuyên luận về tác giả, với trật tự bố cục: tác giả - tác phẩm - lời bình. Loại này có công trình của Nguyễn Đăng Mạnh, Vương Trí Nhàn, Chu Văn Sơn, Hoài Anh, Phong Lê. Ở đây, tác giả (nhà văn) là nhân vật chính, vị trí tác phẩm được đứng hàng thứ hai. Và khi cá tính nhà văn được coi trọng thì khuynh hướng này có tác dụng điều chỉnh lại, vinh danh những người sáng tạo các giá trị thẩm mỹ cho đời. Đến khi lý thuyết tiếp nhận văn học đề cao việc lấy văn bản hoặc lấy người đọc làm trung tâm thì lối phê bình lấy nhà văn làm trung tâm lại trở thành quá khứ. Bởi lẽ, muốn giải phóng người đọc thì tác giả phải hy sinh; Càng đề cao tác giả thì càng hạn chế sự diễn giải của người đọc và càng có nguy cơ bắt tác giả phải chịu trách nhiệm cho những suy diễn mà người đọc gán ghép cho anh ta một cách oan uổng. Cũng không thể bắt tác giả gánh trách nhiệm cho những phát hiện của người đọc, nhất là người đọc có dụng ý không tốt. Tuy nhiên ý đồ sáng tạo của tác giả và giá trị nghệ thuật được tạo ra ở tác phẩm không phải bao giờ cũng trùng khớp. Cho nên, phê bình văn học vẫn phải lấy tác phẩm làm đối tượng nghiên cứu chính, mặc dù chân dung vẫn là hướng nghiên cứu quan trọng.

 

Nghiên cứu - phê bình theo khuynh hướng này có nghĩa là dựa vào tính độc lập của văn bản, trên cơ sở khám phá các nguyên tắc nghệ thuật thể hiện trong ngôn từ mà khái quát về tư tưởng, quan niệm thẩm mĩ của tác phẩm,... Cách làm này không phụ thuộc vào ý đồ của nhà văn. NCPB văn bản học dựa vào tính chỉnh thể, tính kí hiệu của văn bản và các nguyên tắc thi pháp, tu từ học, phong cách học mà đưa ra khái quát. Tuy nhiên, phương pháp này cũng tùy thuộc vào sự kiện mà người nghiên cứu quan sát mang tính chủ quan, vì vậy cùng một tác phẩm mà người nghiên cứu khác nhau có thể rút ra các kết quả khác nhau. Khi khảo sát văn bản, nhà NCPB vẫn tham chiếu tác giả và thời đại, gắn tác giả với thời đại lịch sử sản sinh ra văn bản. Đó là nét độc đáo, khác với cách làm ở các nước phương Tây. Trong bối cảnh hiện nay, NCPB văn bản văn học Việt Nam vẫn đi đúng hướng và con đường ấy vẫn hứa hẹn các thành quả mới.

* Khuynh hướng nghiên cứu - phê bình truyền thông

Bản thân truyền thông (medium/media) không phải là một hoạt động NCPB, nhưng do tính chất khuyếch đại, kéo dài việc đưa tin nên nó trở thành một công cụ quyền lực gây ảnh hưởng mạnh, trên cơ sở đó tạo nên một hình thái được gọi là “NCPB truyền thông”. Với các hình thức giới thiệu điểm sách, tọa đàm..., chức năng của khuynh hướng này là đưa tin, tạo dư luận, đánh giá chung, bày tỏ quan điểm, chính kiến. Sức mạnh truyền bá của phương tiện truyền thông cùng với quyền lực của cơ quan quản lí hàng ngày hàng giờ tung ra công chúng, gây ấn tượng, tạo thành mối quan tâm lớn của xã hội.

Ngôn ngữ truyền thông chủ yếu là ngôn ngữ chính trị, ngôn ngữ đời thường... nên cơ hội cho ngôn ngữ chuyên môn bị hạn chế. Do vậy, NCPB văn học loại này ít có điều kiện chuyên sâu.

NCPB truyền thông đang mở ra khả năng đối thoại rộng rãi, nếu tôn trọng ý kiến trái chiều, biết đối thoại, sẽ có cơ làm cho nhiều vấn đề thêm sáng tỏ. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế thị trường, loại hình này khó tránh khỏi tính quảng cáo áp đặt. Nhược điểm của nó là, trong nhiều trường hợp, chưa tạo được các hoạt động đối thoại bình đẳng, dân chủ, có văn hóa.

* Khuynh hướng nghiên cứu - phê bình ở các trường, viện

Đây là hoạt động NCPB của các cơ quan học thuật, chủ yếu là trường Đại học, Cao đẳng, Viện nghiên cứu. Do nhu cầu đào tạo giảng viên, chuyên viên và học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ..., các trường, viện này được cấp kinh phí để thực hiện đề tài nghiên cứu các cấp, đặc biệt là cấp Bộ, cấp Nhà nước. NCPB văn học ở đây mang tính học thuật chuyên sâu, trong đó có việc vận dụng những lí thuyết mới, dùng các thuật ngữ mới vào khảo sát, đánh giá văn học nước nhà. Hoạt động của khuynh hướng NCPB này thiên về giải mã các tác phẩm kinh điển, nổi tiếng. Đây là dạng NCPB hiện diện trong không gian hẹp, được cấp tiền đào tạo theo kế hoạch và theo thời gian hạn định. Đã có không ít những công trình có giá trị, được xuất bản thành sách, nhưng cũng có nhiều công trình không nhằm công bố, được để vào kho lưu trữ, không phát huy được tác dụng. Đáng chú ý là, NCPB ở các trường, viện là nơi tập dượt vận dụng các lí thuyết văn học mới để mở rộng tầm nhìn, cách đánh giá các tác phẩm văn học. NCPB ở các trường, viện là nơi đào tạo, cung cấp lực lượng lí luận, phê bình mới cho văn học nước nhà.

* Nghiên cứu - phê bình khuynh hướng văn học

NCPB khuynh hướng văn học tức là tìm hiểu phân tích, phân hóa các khuynh hướng văn học, cung cấp bức tranh về hướng đi của một nền văn học. Chẳng hạn, từ giữa thập niên 80, có nhà lý luận, phê bình văn học nước ta cho rằng, văn học Việt Nam sau 1975 có khuynh hướng sử thi hóa, thế sự hóa, đời tư hóa. Từ đây người ta muốn mở rộng nghiên cứu những khuynh hướng khác, như: khuynh hướng thế tục, khuynh hướng chấn thương tinh thần, khuynh hướng hiện đại và hậu hiện đại...

Nhược điểm của NCPB văn học Việt Nam là chỉ quan tâm đến tác giả, tác phẩm, có theo dõi, nhận xét đánh giá các hiện tượng văn học cụ thể nhưng chưa chỉ rõ bức tranh các khuynh hướng văn học Việt Nam hiện đại một cách đầy đủ và có hệ thống.

* Khuynh hướng nghiên cứu - phê bình văn hóa học

Khuynh hướng này từ châu Âu, tràn sang châu Á và đầu thế kỉ XXI mới đến Việt Nam. Văn hóa không phải là các lĩnh vực cao xa, phi vụ lợi trong các tác phẩm của tầng lớp tinh anh như cách hiểu trước đây, mà chính là hình thức đời sống hàng ngày của con người. Đó là văn hóa đại chúng, như văn học đại chúng vậy.

Đây là khuynh hướng đang hấp dẫn giới NCPB trẻ được trang bị tiếng Anh, với các tên tuổi: Trần Văn Toàn, Phạm Xuân Thạch, Phùng Kiên, Trần Ngọc Hiếu, Cao Việt Dũng, Phùng Gia Thế, Mai Anh Tuấn, Nhã Thuyên... Khuynh hướng NCPB văn hóa học góp phần mở rộng tầm nhìn đến các hiện tượng văn học đa dạng, khắc phục quan điểm kinh tế quyết định ý thức một cách thô thiển, dung tục. Tuy mới bắt đầu, song khuynh hướng này có nhiều triển vọng.

Trong quá trình vận hành hoạt động NCPB văn học, các khuynh hướng nói trên được sử dụng linh hoạt, đan xen, lồng ghép nên chúng không tồn tại biệt lập nhau. “Từ các khuynh hướng phê bình ấy, NCPB văn học Việt Nam đang mở ra, lớn lên, nhưng không đồng đều và chậm chạp” (1).

2. Nghiên cứu - phê bình văn học hậu hiện đại

Khái niệm “văn học Đổi Mới” được các nhà lí luận, phê bình nước ta áp dụng cho các sáng tác được ra đời vào thập niên 80 - 90, thế kỉ XX. Do đời sống kinh tế đất nước lúc đó gặp rất nhiều khó khăn, do những mất mát khổ đau sau chiến tranh của các cá nhân, gia đình... nên bên cạnh “cảm hứng sử thi anh hùng ca” đã xuất hiện “cảm hứng thế sự” đời tư trong văn học. Thời gian đó, cùng với những tác phẩm miêu tả cuộc đời và thân phận mỗi cá nhân, như Phiên chợ Giát, Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh)... là sự xuất hiện những truyện: Tướng về hưu, Không có vua, Con gái thủy thần, Kiếm sắc, Vàng lửa. Phẩm tiết... của Nguyễn Huy Thiệp và Thiên sứ, Mê lộ, Quê ngoại, Năm ngày, Vệt son, Man nương... của Phạm Thị Hoài..., mà không ít người, kể cả nhà lí luận, phê bình văn học cũng coi đó như một hiện tượng “lạ”. Có nhà NCPB văn học lúc đó tỏ thái độ ngỡ ngàng, hoặc phản ứng gay gắt, vì thói quen phê bình “hiện thực cổ điển” và “hiện thực xã hội chủ nghĩa” ở họ vẫn tồn tại. Tình huống ấy đã thôi thúc các nhà phê bình văn học vào cuộc nhằm “giải mã” hiện tượng “lạ” đó bằng sự hiểu biết về chủ nghĩa hậu hiện đại (CNHHĐ) và văn học hậu hiện đại (VHHHĐ).

Năm 1995, khái niệm “hậu hiện đại” lần đầu tiên được đề cập đến trong bài viết của Trương Đăng Dung ở tạp chí Văn học số 11/1995. Đến năm 1999 khái niệm này lại được Nguyễn Nam và Lê Huy Khánh nói đến trong ấn phẩm Văn hóa nghệ thuật thế kỉ XX, những hiện tượng - trào lưu - nhân vật tiêu biểu trong 100 năm qua. Các tác giả cho rằng, trào lưu hậu hiện đại được xem là một trong số 100 hiện tượng văn hóa nghệ thuật đặc trưng của thế kỉ XX, ra đời vào những năm cuối 60 đầu 70, bắt đầu từ nghệ thuật kiến trúc, sau đó lan rộng ra các lĩnh vực khác.

Sau bài Tìm hiểu chủ nghĩa hậu hiện đại của Phương Lựu (Tạp chí Nhà văn số 8/2000), nhiều tác giả khác lần lượt lên tiếng: Tiểu thuyết Pháp thế kỉ XXI của Phùng Văn Tửu; Chủ nghĩa hậu hiện đại hay là hiện tượng chồng chéo khái niệm của Nguyễn Văn Dân. Những năm 2003 - 2006, nhiều tập sách về VHHHĐ được ấn hành.

Năm 2007 được xem là năm xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu về VHHHĐ nhất, kể từ trước đó. Tạp chí Văn học 12/2007 có tới 5 bài chuyên về VHHHĐ, trong đó đáng chú ý là: Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam qua sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài (Lã Nguyên); Những yếu tố hậu hiện đại trong văn xuôi Việt Nam qua so sánh với văn xuôi Nga (Đào Tuấn Ảnh). Các bài nghiên cứu công phu, khoa học, thuyết phục của Lã Nguyên và Đào Tuấn Ảnh đã giúp độc giả hiểu vì sao có hiện tượng “lạ” Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài ở Việt Nam: những cây bút này đã từ giã không luyến tiếc chủ nghĩa hiện thực cổ điển và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa để theo lối viết của VHHHĐ những năm 2008 - 2012, liên tục có những bài nghiên cứu, sách khảo luận về CNHHĐ và VHHHĐ được công bố. Nổi bật là tác giả Lê Huy Bắc với các cuốn sách Văn học hậu hiện đại - lý thuyết và thực tiễn, Phê bình văn học hậu hiện đại Việt Nam. Một số tác giả gốc Việt, giảng dạy, nghiên cứu ở nước ngoài cũng viết về CNHHĐ và VHHHĐ Việt Nam, công bố trên internet, như: Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Minh Quân, Diễm Cơ, Đỗ Quyên, Nguyễn Ước...

Tiếp tục NCPB về VHHHĐ, gần đây lại xuất hiện các công trình đáng chú ý: Kí hiệu văn học (2017, Lê Huy Bắc), Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI - lạ hóa một cuộc chơi (2017, Thái Phan Vàng Anh), Phê bình kí hiệu học - đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn ngữ (2018, Lã Nguyên)...

Qua nhiều năm nghiên cứu, trao đổi, thảo luận trên văn đàn và trong các cuộc hội thảo về CNHHĐ và VHHHĐ, người ta thấy có hai xu hướng quan niệm. Xu hướng thứ nhất cho rằng HHĐ như một trạng thái tinh thần và quy luật văn học, nên phải công nhận nó. Lê Huy Bắc nhấn mạnh: “Đã đến lúc cần khẳng định nền văn chương HHĐ Việt Nam, nếu không, chúng ta chỉ “vẫn là ta” của nhiều thập kỉ trước” (Văn học hậu hiện đại - lí thuyết và tiếp nhận, Nxb Đại học Sư phạm, 2013). Xu hướng thứ hai xem HHĐ như một khái niệm rỗng - mở. Người đại diện cho quan niệm này là Nguyễn Văn Dân, với lập luận: “CNHHĐ chỉ là mốt sính khái niệm của các học giả phương Tây, là hiện tượng “chồng chéo khái niệm”, chứ hoàn toàn rỗng về nội hàm khái niệm, là kết quả của sự dễ dãi của các nhà triết học và các nhà lí luận phê bình” (Chủ nghĩa hậu hiện đại hay là hiện tượng chồng chéo khái niệm - Nguyễn Văn Dân, tạp chí Văn học, 9/2001). Có thể nói, hai xu hướng quan niệm khác nhau về VHHHĐ này vẫn chưa có dấu hiệu “đồng thuận”. “Thời gian là người thầy của các sự kiện, câu trả lời về HHĐ và tất cả những gì là nội hàm và ngoại diên, tất cả những gì bao bọc lấy khái niệm, sẽ có câu trả lời ở tương lai...”.

*

Tóm lại, do sự biến động của các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trong nước và quốc tế, NCPB văn học ở Việt Nam thời “hội nhập” hình thành những khuynh hướng khác nhau, tạo ra diện mạo mới, gần với thế giới hơn để thoát khỏi thế “ốc đảo” trước đây. Tuy nhiên, vẫn còn hiếm những công trình chuyên sâu, thiếu nội dung triết lí, thẩm mĩ và chưa đạt đến tầm khái quát cao. NCPB về VHHHĐ đã dấy lên không khí học thuật sôi nổi nhưng còn hai xu hướng quan niệm khác nhau, chưa đi đến đồng thuận, tuy vậy đã đem tới một nhận thức mới, sinh khi mới cho đời sống văn hóa, văn học nước nhà.

Thái Nguyên, 12/2018

---------

(1) Trần Đình Sử, Các khuynh hướng phê bình văn học Việt Nam hiện nay

Nguồn: phebinhvanhoc.com.vn.

Nguyễn Huy Quát

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy