Chủ nhật, ngày 06 tháng 10 năm 2024
07:52 (GMT +7)

Nghĩa tình năm tháng

(Viết về đồng chí Nhị Quý - Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên đầu tiên)

VNTN - Trong một văn bản viết tại Hà Nội ngày 2/7/1998, tóm tắt về quá trình hoạt động cách mạng của cá nhân, ông Nhị Quý tự nhận xét: “Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, đồng chí Nhị Quý đã lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân Thái Nguyên góp phần xây dựng củng cố tỉnh Thái Nguyên thành một tỉnh căn cứ địa Việt Bắc”.


 

Đồng chí Nhị Quý (1918 - 2004) tên thật là Ngô Ngọc Tín, sinh tại thôn Nội, xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

Hơn 60 năm tham gia hoạt động cách mạng, đồng chí đã đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng: Khu ủy viên Khu Giải phóng Việt Bắc (4/1945), Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên tỉnh Thái Nguyên (9/1945), Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Ninh (1949), Thường vụ Liên khu Việt Bắc, Phó Bí thư Khu ủy Khu Lao Hà Yên, Phó Trưởng ban Dân tộc Trung ương kiêm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Trung ương...

Đồng chí Nhị Quý đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng…

 

Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên

Ông Hoàng Bắc, con trai trưởng của cụ Hoàng Chính, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Ninh (nay là tỉnh Quảng Ninh) dặn tôi rằng, cố gắng đến gặp gia đình cụ Nhị Quý, đó là một nhân vật lịch sử có bề dày hoạt động và cũng đầy tình nghĩa. Đã từng trải qua cơn bĩ cực nên ông Hoàng Bắc khắc sâu tình cảm của cụ Nhị Quý với gia đình mình. Hai con người khi còn trai tráng đã cùng nhau xông pha suốt dải đất phên dậu của Tổ quốc dọc đường số 4 từ Móng Cái đến Tiên Yên - Đình Lập… Nguyễn Hồng Chương mang bí danh mới Hoàng Chính, còn Nhị Quý ở tỉnh Hải Ninh mang tên Hoàng Thanh. Họ thay nhau lần lượt làm Bí thư Tỉnh ủy, cùng vực dậy phong trào cách mạng nơi biên cương. “Ai lên biên giới cho lòng ta theo với/ Thăm ngàn lau chỉ trắng có một mình/ Bạt ngàn trắng đến tận cùng bờ cõi/ Suốt một đời với gió giao tranh”. Những câu thơ của Chế Lan Viên chợt đến với tôi trong câu chuyện về những người Cộng sản tuổi trên dưới 30 đứng trấn biên giới năm nào, cùng mang họ Hoàng (Voòng) để đối đầu với thủ lĩnh “Xứ Nùng tự trị” Voòng A Sáng!

Thu Hà Nội, khi hơi may xao xác lan vào từng ngõ ngách các con phố, tôi tìm đến người con trai ông Nhị Quý ở một khu tập thể thuộc các ban Đảng. Từng là cán bộ hải quan, nay nghỉ hưu, song con người từng trải này cũng phần nào thừa hưởng gen của cha. Ông nói với tôi tóm lược về cha mình, về những vùng đất gắn bó với cha, đoạn ông khẳng định chắc nịch: “Tôi kể cũng không thể chính xác được bằng bố tôi đã viết. Anh hãy xem trong này…”. Những năm tháng ở nhà tù Sơn La, ở nhà tù Chợ Chu, ở tỉnh Hải Ninh… tôi xem lần lượt để tìm lại dấu ấn về cuộc đời hoạt động đầy vơi năm tháng của người Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên: ông Nhị Quý!

Sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, Tập I (1936 - 1965) do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên xuất bản năm 2003, cho biết: Tại Thái Nguyên, trong thời kỳ vận động Cách mạng Tháng Tám (1939 - 1945), việc phát triển Đảng chưa mạnh. Sau ngày giành được chính quyền, tổng số đảng viên của Đảng bộ tỉnh mới có 40 đồng chí. Mặt khác, do yêu cầu công tác, một số cán bộ, đảng viên có kinh nghiệm lại được cấp trên điều động đi nơi khác. Do vậy số lượng đảng viên của Thái Nguyên đã mỏng, lại càng mỏng hơn.

Nhằm khắc phục tình trạng trên, sau khi quân Nhật rút khỏi thị xã Thái Nguyên (26/8/1945), vào khoảng giữa tháng 9/1945, một hội nghị cán bộ toàn tỉnh được tổ chức tại xóm Trường Xô (xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương). Hội nghị đã công bố Nghị quyết của Xứ ủy Bắc Kỳ (do đồng chí Trần Quốc Hoàn, Thường vụ Xứ ủy ký) chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, do đồng chí Ngô Nhị Quý làm Bí thư.

Hội nghị Trường Xô được những người viết sử Đảng đánh giá là có ý nghĩa quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng bộ Thái Nguyên. “Đây là mốc đánh dấu sự thống nhất lãnh đạo của Đảng bộ trên địa bàn toàn tỉnh”.

Đến tháng 8/1947, trên 100 đại biểu thay mặt cho hơn 1.000 đảng viên toàn tỉnh đã về dự Đại hội đại biểu tỉnh Thái Nguyên lần thứ nhất họp tại đình An Mỹ (xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ). Đại hội lần này, ông Nhị Quý được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ và được cử làm Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Cuối tháng 2/1948, ông Nhị Quý được cử đi học ở Trung ương, sau đó, trước nhu cầu cần thiết phải tăng cường cán bộ cho vùng biên giới Đông Bắc, ông Nhị Quý ra nhận công tác Bí thư Tỉnh ủy Hải Ninh (nay là tỉnh Quảng Ninh) với bí danh Hoàng Thanh.

Ông Nhị Quý (ngoài cùng bên phải) và các cựu chính trị phạm nhà tù Chợ Chu. Ảnh: tác giả sưu tầm và cung cấp.

Cựu chính trị phạm nhà tù Chợ Chu

Nhà nghèo không có ruộng, chỉ có 3 sào vườn của tổ tiên để lại, bố là đồ Nho chuyên dạy học, mẹ làm vườn và cấy gặt thuê. Mồ côi bố từ 10 tuổi, cậu bé Ngô Ngọc Tín (tên khai sinh của ông Nhị Quý) được mẹ tần tảo nuôi cho ăn học hết bậc tiểu học. Chịu ảnh hưởng từ phong trào Mặt trận Bình dân Pháp, năm 1938, ông được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Dân chủ của Đảng Cộng sản Đông Dương do ông Phan Đình Đống về tổ chức ở chùa Nội quê nhà. Ông Phan Đình Đống sau này mang tên mới Mai Chí Thọ, là Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Công an. Đang hoạt động sôi nổi thì ngày mật thám Pháp về tận nhà bắt Ngô Ngọc Tín đưa đi giam giữ tại nhà tù tỉnh Nam Định (1940). Kể từ đây, ông chính thức bước vào đời hoạt động cách mạng chuyên nghiệp. Ông Nhị Quý đã trải qua 5 nhà tù của thực dân đế quốc là nhà tù Nam Định, Hỏa Lò, Sơn La, Hòa Bình và Chợ Chu. Như ông tự đánh giá, nhà trường nào cũng là trường học chính trị đối với cuộc đời cách mạng của mình.

Trong số những tư liệu do ông Nhị Quý để lại, tôi thấy có giấy xác nhận của Thượng tướng Song Hào, Bí thư Trung ương Đảng (1976 - 1982), Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (1961-1976). Nội dung xác nhận đồng chí Nhị Quý tức Ngô Ngọc Tín, vượt ngục ở nhà tù Chợ Chu huyện Định Hóa tỉnh Thái Nguyên ngày 2/10/1944 ra xây dựng chiến khu Nguyễn Huệ, trực tiếp lãnh đạo phong trào Việt Minh ở huyện Đại Từ.

Giấy xác nhận của Thượng tướng Song Hào nêu rõ: “Ngày 10/3/1945 đồng chí Nhị Quý lãnh đạo khởi nghĩa ở xã Yên Lãng, ngày 23/3/1945 đồng chí Nhị Quý lãnh đạo giải phóng huyện Đại Từ, và lãnh đạo cao trào kháng Nhật ở huyện Đại Từ kiêm Chính trị viên Đại đội Giải phóng quân do đồng chí Vy Các làm Đại đội trưởng. Tự vệ cứu quốc các xã huyện Đại Từ và Đại đội Giải phóng quân do đồng chí Nhị Quý làm Chính trị viên đã bảo vệ vững chắc Tân Trào, mặt trận Đại Từ, do đó giặc Nhật không tiến được sang Tân Trào lần nào. Đồng chí Nhị Quý là cán bộ xây dựng và lãnh đạo Giải phóng quân”.

Trước đó, khi bị giam giữ ở nhà tù Chợ Chu, ông Ngô Ngọc Tín cùng 11 đồng chí khác đã vượt ngục thành công vào ngày 11/10/1944 (tức ngày 20 tháng 8 âm lịch), về căn cứ xã Yên Lãng an toàn tuyệt đối. 12 cán bộ vượt ngục này đã tăng thêm lực lượng cán bộ cho địa phương. Ông Lê Dục Tôn, cán bộ của Xứ ủy và ông Lộc Văn Tư là cán bộ địa phương được Xứ ủy giao nhiệm vụ đón 12 người. Nhớ lại cuộc vượt ngục lịch sử ở nhà tù Chợ Chu, ông Nhị Quý viết: “Không bao giờ chúng tôi quên được các đồng chí Dục Tôn, Hồng Hải, Tư Già... là những người đã trực tiếp thực hiện kế hoạch này”.

Giải phóng

Không lâu sau, ông Nhị Quý trở lại Chợ Chu nhưng không còn là nhà tù giam giữ ông mà nay trở thành căn cứ địa cách mạng. Ông viết trong hồi ký:

“Ngày 1/5/1945, chúng tôi mỗi người lãnh đạo một đơn vị Giải phóng quân kéo về Chợ Chu (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) mít tinh kỷ niệm ngày quốc tế lao động và chào mừng Hồng quân Liên Xô tiến vào Béc-lin - sào huyệt cuối cùng của phát xít Hít-le. Cả rừng cờ đỏ sao vàng và các biểu ngữ mọc lên trên sân vận động Chợ Chu. Đồng bào các dân tộc, cán bộ, chiến sĩ vô cùng phấn khởi nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp nói về ý nghĩa ngày 1 tháng 5, nói về thắng lợi của Hồng quân Liên Xô, về thất bại của phát xít Đức, Ý, Nhật, về triển vọng thắng lợi của cách mạng Việt Nam và tình hình nhiệm vụ mới. Quần chúng hô vang các khẩu hiệu cách mạng và hàng ngũ chỉnh tề, khí thế cách mạng bừng bừng diễu hành quanh sân vận động.

Hai ngày 3 và 4 tháng 5 năm 1945, chúng tôi tập trung về xã Định Biên, huyện Định Hóa để dự hội nghị cán bộ lần đầu tiên của Khu Giải phóng. Đồng chí Võ Nguyên Giáp chủ trì hội nghị. Dự hội nghị này còn có các đồng chí Song Hào, Tân Hồng (tức Chu Văn Tấn), Đàm Quang Trung, Hoàng Văn Thái... Hội nghị bàn nhiều mặt công tác Khu Giải phóng nhằm đẩy mạnh cao trào kháng Nhật, tiến tới Tổng khởi nghĩa giải phóng cả nước...”.

Sau hội nghị, hai ông Võ Nguyên Giáp và Song Hào nhất trí chọn Tân Trào làm trung tâm Khu Giải phóng. Các ông đã đón lãnh tụ Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào chỉ đạo cách mạng cả nước.

Chiều ngày 16/8/1945, tại Tân Trào, một đơn vị Giải phóng quân do ông Võ Nguyên Giáp chỉ huy, trong đó có một bộ phận bộ đội Việt - Mỹ do ông Đàm Quang Trung chỉ huy tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên. Đến sáng 20/8/1945, ông Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy Việt Nam Giải phóng quân tiến công quân Nhật ở Thị xã. Đến chiều cùng ngày, đông đảo nhân dân Thị xã đã dự mít tinh nghe công bố thành lập chính quyền cách mạng tỉnh do ông Lê Trung Đình làm Chủ tịch.

Ông Nhị Quý kể tiếp trong hồi ký: Trên đường về Hà Nội, đồng chí Trần Đăng Ninh bố trí Bác Hồ nghỉ lại thị xã Thái Nguyên một đêm. Đồng chí Nhị Quý - Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Trung Đình - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên trực tiếp đón Bác và được Bác căn dặn nhiệm vụ trước mắt và việc ứng phó với quân Tưởng Giới Thạch sắp từ biên giới Việt - Trung vào qua Thái Nguyên.

Nghĩa tình năm tháng

Tháng 8 năm 1943, gần 100 tù chính trị Cộng sản từ nhà tù Sơn La, Hòa Bình về nhà tù Chợ Chu, huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên), trong đó có ông Ngô Ngọc Tín (tức Nhị Quý). Nhà tù Chợ Chu lúc đó có y tá trưởng là Nguyễn Văn Lợi. Ngoài phụ trách y tế của huyện Định Hóa, ông Lợi còn trực tiếp chăm sóc sức khỏe và cung cấp thuốc men cho nhà tù Chợ Chu. Một y tá nhà tù Chợ Chu là ông Trần Văn Cử (tức Trần Thanh Quang) kê khai bệnh nhân nhà tù hàng ngày và yêu cầu thuốc men được y tá trưởng Nguyễn Văn Lợi cung cấp.

Nhớ về việc này, ngày 26/12/2001 tại Hà Nội, ông Nhị Quý viết trong Giấy xác nhận: “Cụ Nguyễn Văn Lợi cung cấp chu đáo, rất nhiệt tình và rất có cảm tình với tù Cộng sản chúng tôi, là thầy thuốc có lương tâm và giác ngộ cách mạng”.

Khi ở nhà tù Chợ Chu, tù nhân được phép diễn kịch các ngày Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và Tết Trung thu. Những ngày diễn kịch, y tá trưởng Nguyễn Văn Lợi đều đưa con gái cả lúc này khoảng 15 - 16 tuổi vào dự xem kịch trong nhà tù. Sau đó, ông còn động viên cô Nguyễn Thị Minh Phương tham gia cách mạng từ cuối năm 1944 và sau 9/3/1945 tham gia Giải phóng quân hoạt động ở Khu Giải phóng.

Nhớ lại nghĩa tình của người y tá trưởng năm xưa, ông Nhị Quý viết: “Tôi Nhị Quý xác nhận cụ Nguyễn Văn Lợi là thầy thuốc (y tá trưởng) có công với Cách mạng, rất xứng đáng được Đảng và Nhà nước cấp bằng Có công với nước. Tôi đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng cho cụ Nguyễn Văn Lợi bằng Có công với nước”.

Đó là nghĩa tình của những con người luôn biết nhớ ơn mà ông Nhị Quý luôn giữ tình nghĩa trong sáng ấy, kể cả với người đồng chí cũ là ông Hoàng Chính khi không may hoạn nạn, ông Nhị Quý vẫn đến chia sẻ với gia đình.

Kiều Mai Sơn

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy